Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
11:11 (GMT +7)

Đâu là sự thật?

VNTN - Ngày nay đông đảo người dân trong cả nước đều biết Đại Từ, Thái Nguyên là nơi ra đời Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947). Có một sự kiện quan trọng không kém nhưng lại có ít người biết: cũng tại Đại Từ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đã ra đời một số trại an dưỡng thương binh đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do nhân dân nơi đây, mà chủ yếu là một số gia đình có điều kiện kinh tế và giàu lòng yêu nước đã góp của, góp công xây dựng lên. Những trại an dưỡng này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là An dưỡng đường.

Sự ra đời của những trại an dưỡng này đã được một số báo đề cập, nhưng có một số nội dung lại không khớp nhau:

Trong bài Đại Từ, nơi ra đời Ngày thương binh - liệt sỹ của tác giả Nguyễn Đình Hưng đăng trên tạp chí Xưa và Nay số 485 tháng 7/2017, xin trích: “Trong huyện Đại Từ cán bộ và nhân dân nơi nơi đều dấy lên phong trào giúp đỡ bộ đội là thương binh. Một loạt các Trại An dưỡng được ra đời ở huyện Đại Từ như: Trại An dưỡng đường ở xã An Khánh, Trại An dưỡng đường số I, Trại An dưỡng đường số II ở xã Lục Ba, An dưỡng đường số III ở xã Mỹ Yên”. Xin trích ở đoạn khác: “Cũng ở xã Lục Ba có bà Nguyễn Thị Đích, nhân dân thường gọi là bà Bá Huy, vốn là một người phụ nữ chịu thương, chịu khó quê ở thôn Thái Lai, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, phải bỏ quê ra đi vì không chịu lấy tên Chánh tổng. Bà theo thợ cấy lên huyện Đại Từ đi cấy thuê, bà gặp ông Trần Đình Tích cũng là người đi cày thuê, cùng cảnh nên duyên vợ chồng”. Như vậy, theo bài này thì trên địa bàn huyện Đại Từ có 4 Trại An dưỡng đường, riêng xã Lục Ba có 2.

Trong bài Về lại những An dưỡng đường năm xưa của tác giả Bích Hồng - Anh Thắng đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên số 27 ngày 04/7/2017, xin được trích: “Người mẹ nuôi của thương binh. Cụ sinh năm 1902 tại thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 17 tuổi, không bằng lòng việc bị ép gả cho con trai Chánh tổng, cụ bỏ đi theo những người thợ cấy lên Lục Ba (Đại Từ, Thái Nguyên). Tại đây cụ gặp cụ ông Trần Đình Tích, cùng cảnh “cày thuê cấy mướn” mà nên duyên vợ chồng, dù hai cụ chẳng cưới xin gì”.

Trong bài: Thêm một di tích An dưỡng đường bị bỏ quên của tác giả Nguyễn Văn Vượng đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên số tiếp theo, xin trích: “Trong huyện Đại Từ, cán bộ và nhân dân nơi nơi đều dấy lên phong trào giúp đỡ bộ đội là thương binh. Một loạt các Trại An dưỡng đường được ra đời ở huyện Đại Từ như: An dưỡng đường số 1 ở xã Lục Ba, An dưỡng đường số 2 ở xã Mỹ Yên và An dưỡng đường số 3 ở xã An Khánh.

Trong 3 khu An dưỡng đường trên địa bàn huyện Đại Từ thì An dưỡng đường số 3 tại xã An Khánh được ít người biết đến”. Theo bài này thì trên địa bàn huyện Đại Từ khi đó có 3 Trại An dưỡng đường.

Câu hỏi đặt ra là trong thời kì kháng chiến chống Pháp:

- Trên địa bàn huyện Đại Từ có 3 hay 4 Trại An dưỡng thương binh?

- Riêng xã Lục Ba có 1 hay 2 Trại An dưỡng thương binh?

- Trại An dưỡng đường số 3 ở xã An Khánh hay ở xa Mỹ Yên?

- Khi còn là thanh nữ, cụ Nguyễn Thị Đích bị ép gả cho chánh tổng hay con trai chánh tổng?

Sự kiện ra đời các Trại An dưỡng đường ở huyện Đại Từ trong thời kì kháng chiến chống Pháp là việc thật, người thật. Trong số các nhân chứng, chắc chắn còn một số người vẫn còn sống, và vì vậy việc xác minh cho thật chính xác những nội dung còn khác nhau nêu trên vẫn còn chưa muộn.

Như chúng ta đã biết trong lịch sử có những trường hợp do sai sót, nên các thế hệ về sau cứ dùng nó để viết, để trích dẫn, hậu quả là “sai một li đi một dặm”.

Xin được dẫn ra đây một trường hợp vẫn còn chưa cũ. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, tại ATK Định Hóa, Thái Nguyên đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Trung ương, trong đó có những cuộc họp có sự tham gia của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày 06/12/1953, Hội nghị Bộ Chính trị họp bàn kế hoạch mở chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuộc họp có sự tham gia của 4 người là Chủ tịch Hồ Chí Minh, các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày 12/8/1998 Đại tướng về thăm lại Thái Nguyên. Khi vào Nhà trưng bày ở ATK (Tỉn Keo, Phú Đình, Định Hóa), Đại tướng thấy ở chính giữa Nhà trưng bày có treo một bức ảnh được phóng to, trong bức ảnh có 5 người là Chủ tịch Hồ Chí Minh, các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một cán bộ quân đội, nhưng ở dưới bức ảnh ghi chú thích là cuộc họp Bộ Chính trị. Trầm ngâm một lúc, Đại tướng nói: “Không đúng! Bức ảnh này của thời điểm khác”. Sau khi nói lại những chi tiết cuộc họp thể hiện trong bức ảnh, Đại tướng nói rằng: “Lịch sử chỉ xảy ra một lần, nhưng viết sử thì có thể viết nhiều lần và có nhiều người viết. Nhưng điều quan trọng là phải tôn trọng sự thật lịch sử”.

Thật là may mắn là trước lúc “đi xa”, Đại tướng đã về thăm lại ATK năm xưa và đã phát hiện ra sự sai sót của bức ảnh, và nó được gỡ ra; nếu không từ trước đến nay đã có biết bao người bị ngộ nhận về bức ảnh này, thì từ nay về sau sẽ còn có biết bao nhiêu người nữa còn bị ngộ nhận, và hậu quả sẽ đi đến đâu?

Nguyễn Đình Thưởng

(Thành phố Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục