Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
08:22 (GMT +7)

Đằng sau những vinh quang của nhà văn đoạt giải Nobel

VNTN - Đoạt được giải Nobel Văn học có thể coi như là một trong những vinh quang lớn nhất trong cả cuộc đời sáng tạo của các nhà văn. Bởi vậy, điều đó là niềm mơ ước của biết bao người cầm bút trên toàn thế giới. Giải thưởng Nobel không đơn thuần chỉ là khoản tiền thưởng trị giá hàng triệu đô-la, mà với các nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch,… thì giải thưởng này còn là sự công nhận về tài năng, về giá trị lao động nghệ thuật và những thông điệp mà họ truyền tải thông qua các tác phẩm của mình.

Tuy vậy, có một số trường hợp, lý tưởng của tác giả dù được công nhận bởi cộng đồng quốc tế thông qua giải Nobel văn học nhưng lại bị chối bỏ tại chính quê hương của họ. Điều này không phải là hiếm đối với các nhà tư tưởng tiến bộ, và với nghệ sỹ thì lại càng thường xuyên hơn - họ biết cách đưa những lý tưởng xa vời về lại gần với bạn đọc và khiến bạn đọc mơ đến một tương lai xán lạn hơn. Chính vì vậy mà nhiều tác giả đoạt giải Nobel Văn học đã phải vừa sáng tác, vừa phải chiến đấu để bảo vệ những lý tưởng cá nhân trong khi đáng lẽ ra những thông điệp mà họ đem lại xứng đáng nhận được sự tôn trọng của người đời cũng như của giới nghiên cứu.

Nhà văn Wole Soyinka (13. 07.1934)

Không ít các nhà văn đoạt giải Nobel xuất thân từ các dòng dõi giàu có và quyền lực tại quốc gia của họ. Nhà văn Wole Soyinka đoạt giải Nobel năm 1986 không phải là ngoại lệ. Họ ngoại của ông, Ransome-Kuti, đã từng là một trong những đại diện thế lực về nghệ thuật, tôn giáo, giáo dục, khoa học, và chính trị tại Nigeria từ thế kỷ 19. Bản thân người mẹ củaWole là một lãnh đạo tôn giáo và nhà bảo vệ nữ quyền nổi tiếng. Còn trong họ hàng của ông có rất nhiều nghệ sĩ và chính trị gia.

Tuy vậy, hoàn cảnh và lý tưởng khiến cho cuộc đời của Wole trải qua nhiều khó khăn. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, ông đã tỏ ra rất quan tâm đến các vấn đề kinh tế chính trị. Những khi không tham gia các cuộc thi sáng tác, Wole vừa làm biên tập viên cho tạp chí châm biếm The Eagle, vừa lãnh đạo hội sinh viên Pyrates Confraternity chuyên điều tra các vụ tham nhũng và lạm quyền trong trường đại học.

Wole đang du học ở Mỹ khi Nigeria giành được tự do khỏi chế độ thuộc địa do Anh áp đặt. Ông trở về Nigeria, ngoài việc viết tiểu thuyết, tham gia sáng tác ở hai thể loại còn khá mới tại quốc gia này khi đó là kịch nói và phim truyền hình. Các tác phẩm của ông trong thời kỳ này đều bày tỏ một sự lạc quan thận trọng và nói về những vấn đề còn đang tồn tại ở một đất nước Nigeria độc lập nhưng còn yếu ớt.

Chính vì các tác phẩm nói trên mà Wole trở thành một tiếng nói phản đối với các chế độ độc tài Nigeria nối tiếp nhau. Ông bị bỏ tù và tra tấn liên tục, rồi phải chạy trốn khỏi đất nước trên một chiếc xe máy sau khi bị chính phủ phán tội tử hình. Sau khi chế độ dân chủ được phục hồi ở Nigeria vào năm 1999, ông mới trở về Tổ quốc và tiếp tục sáng tác đến ngày nay.

Nhà văn Kenzaburo Oe (31. 01. 1935)

Đi ngược dòng chảy của xã hội không phải là một điều dễ dàng, đặc biệt là trong một xã hội nhấn mạnh sự đồng nhất như Nhật Bản. Vì vậy, những cá nhân làm được điều đó và xa hơn nữa - biến những giá trị cá nhân trở thành giá trị chung của xã hội - một cách thành công như nhà văn Kenzaburo Oe đâu chỉ xứng đáng nhận được sự kính trọng của quốc gia nơi ông sinh ra, mà còn cả cộng đồng nghệ thuật quốc tế nữa.

Trong những năm đầu sau chiến tranh Thế giới thứ hai, Kenzaburo nổi lên như một tiếng nói của lòng nhân văn và tinh thần hòa bình quốc tế. Khác với nhiều nhà văn đương thời đã bị quá tổn thương do thất bại của Nhật Bản trước Mỹ, Kenzaburo không chạy trốn vào quá khứ và chủ nghĩa dân tộc quá khích, mà dám nhìn thẳng vào những tội ác mà Đế quốc Nhật đã gây ra đối với nhân dân Nhật nói riêng và toàn thể thế giới nói chung. Tiểu thuyết đầu tay của Kenzanburo, “Nip the Buds, Shoot the Kids”, lên án chiến tranh đã lấy đi lòng ngây thơ của trẻ em và thay vào đó là sự ích kỷ và độc ác.

Khác với nhiều nhà văn, Kenzaburo không bị bỏ tù hay chịu sự cô lập đối với truyền thông. Ngay từ những tác phẩm đầu tiên, ông đã được văn đàn và giới độc giả tại Nhật công nhận về tài năng. Tuy thế điều này không có nghĩa ông chưa bao giờ chịu sự đau khổ bởi lý tưởng của mình. Trong thời gian cao điểm của Chiến tranh lạnh, Kenzaburo từng bị buộc tội là điệp viên Cộng sản hay người có tư tưởng bài Nhật, và vì thế mà phải chịu một số cuộc điều tra khác nhau, thậm chí phải hầu tòa do nói đúng sự thật lịch sử. Ông cũng từng nhiều lần bị các thành phần quá khích theo chủ nghĩa cực đoan đe dọa về tính mạng.

Đến nay ở tuổi 85, Kenzaburo vẫn tiếp tục sáng tác và tham gia hoạt động chính trị - xã hội. Ông hiện là một trong những tiếng nói có tầm ảnh hưởng nhất trong phong trào thay thế điện nguyên tử bằng các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Nhà viết kịch Dario Fo (1926 - 2016)

Giai đoạn 1960 -1980 có thể xem như một trong những thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử của nước Ý, chỉ xếp sau khoảng thời gian trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây chính là một trong những trận tuyến đầu của Chiến tranh lạnh, nơi mà các lực lượng chính trị Đông - Tây đối đầu trực tiếp với nhau bằng chính trị, văn hóa, và cả vũ lực. Thật không có gì lạ khi nước Ý trong giai đoạn này phải oằn mình dưới sự thống trị của các chế độ độc tài nối tiếp nhau. Đây cũng là thời điểm sản sinh ra những tác giả lớn, trong đó có nhà viết kịch Dario Fo.

Sự nghiệp của Dario Fo bắt đầu bằng việc làm diễn viên của đài phát thanh, rồi trên các sân khấu kịch ở khắp nước Pháp. Trong thời gian này, ông có cơ hội được gần gũi với Chủ nghĩa Xã hội và những người Cộng sản Ý, hai đối tượng sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến các tác phẩm của ông sau này. Trong những năm 1960 - 1970, ông vừa làm biên kịch, vừa là nhà sản xuất của nhiều vở kịch truyền hình xuất sắc. Nhờ vào tư tưởng bênh vực quyền lợi của người dân lao động và chỉ trích giới tư bản đế quốc ở Ý và trên thế giới mà ông nhận được sự mến mộ của công chúng, nhưng cũng lại trở thành “cái gai trong mắt” giới cầm quyền.

Năm 1970, Dario viết nên tác phẩm để đời của mình, vở kịch “Morte accidentale di un anarchico”, vạch trần một vụ khủng bố của các thành phần phát-xít trong chính phủ Ý đương thời dàn dựng nhằm gán tội cho những người cộng sản. Vì vở kịch này mà vợ của Dario, nữ diễn viên Franca Rame, bị bọn phát-xít bắt cóc, hãm hiếp, và tra tấn. Tuy vậy hai ông bà vẫn quyết định công diễn vở kịch trên khắp nước Ý, mặc cho sự đe dọa của phát-xít và cảnh sát. Cuối cùng thì những công sức của Dario cũng được đền đáp: không những các lực lượng tiến bộ tại Ý dần đi đến thắng lợi chính trị, mà năm 1997 ông nhận được giải thưởng Nobel Văn học nhờ vào việc “…chỉ trích những kẻ cầm quyền và bảo vệ danh dự cho những tầng lớp cùng khổ”.

Nhà văn John Steinbeck (1902 - 1968)

Tên tuổi của John Steinbeck đã trở nên quen thuộc không chỉ với độc giả Mỹ mà còn cả với thế giới. Tuy vậy, lúc đương thời các tác phẩm của ông nhiều khi phải nhận sự ruồng bỏ. Ngọn nguồn của việc này là những tư tưởng được Steinbeck gửi gắm trong tác phẩm. Đó là: những đức tính tốt đẹp của người nông dân, và vì sao mà cuộc sống khó khăn đương thời đã biến họ thành những cá nhân ích kỷ, lừa lọc và độc đoán. Kể từ khi cầm bút lần đầu vào năm 1929 với cuốn tiểu thuyết “Cup of Gold”, Steinbeck đã liên tục nói đến những điều mà ông quan sát được kể trên, và ông thật sự mong rằng bằng ngòi bút của mình có thể làm thay đổi quan niệm của xã hội về nông thôn.

Tuy các tác phẩm của Steinbeck liên tục ghi những kỷ lục mới về doanh số bán ra, nhưng lý tưởng của ông thì không được đón nhận nồng nhiệt cho lắm. Trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ hai, và rồi nền kinh tế Mỹ đi vào thời kỳ hoàng kim nhất trong lịch sử, không có nhiều người tỏ ra quan tâm đến những vần đề về nông thôn trong tiểu thuyết của Steinbeck. Ngay cả những tác phẩm khác nói về nỗi khổ của tầng lớp công nhân lao động, trong đó có tác phẩm để đời đối với Steinbeck là “The Grapes of Wrath”, cũng không thể làm một cuộc “đảo ngược” về nhận thức chính trị - xã hội của người dân thành thị Mỹ.

Tệ hơn nữa, giới cầm quyền Mỹ luôn luôn tỏ ra dè chừng với John Steinbeck. Giới phê bình và báo chí luôn luôn tìm cách chỉ trích các tác phẩm của Steinbeck. Mà phần nhiều là họ phê phán các tư tưởng của Steinbeck chứ không phải là chất lượng thực sự của tác phẩm.

Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm khi Steinbeck nhận được giải Nobel vào năm 1962, văn đàn Mỹ bị chia làm hai, với một nửa ca ngợi quyết định của hội đồng trao giải, và một nửa còn lại chỉ trích nó. Chính sự việc này đã khiến Steinbeck dừng hẳn việc sáng tác tiểu thuyết, và dành sáu năm còn lại của cuộc đời mình với tư cách phóng viên. Thật may mắn là vẫn còn nhiều người đương thời hiểu được giá trị thật sự của Steinbeck và đã tìm mọi cách để lưu giữ những tác phẩm của ông, do đó hiện nay Steinbeck được coi là một trong những “gã khổng lồ” trong văn học tiếng Anh.

LÊ CÔNG HỘI (tổng hợp)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy