Thứ bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2024
19:11 (GMT +7)

Đại học không phải con đường duy nhất

VNTN - Sau đêm 14-7, niềm vui và nỗi buồn cùng một lúc lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng khi gần 1 triệu học sinh biết kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Một kỳ thi vô cùng quan trọng khi kết quả thi vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học. Các tờ báo đồng loạt có bài phân tích kết quả, xếp hạng, đối sánh với năm trước để đưa ra nhận định. Những thủ khoa các khối, trường; những người đạt điểm cao… được phóng viên tìm gặp, phỏng vấn viết bài, đề nghị họ truyền bá kinh nghiệm học tập. Các trường đại học danh giá trong nước và quốc tế “đánh tiếng” mời những người có điểm số cao. Lúc này, trên mạng xã hội, những thí sinh nào đạt điểm cao được bố mẹ, ông bà, người thân, bạn bè “khoe” với lời lẽ hết sức tự hào, nhiều người vào like, comment chúc mừng, khen ngợi. Ngược lại, em nào kết quả thi kém thì bố mẹ im lìm né tránh đề cập hoặc bóng gió than thở, buồn bực. Cũng trên mạng xã hội, một số bảng điểm được “tung” lên, nhằm chứng minh em A điểm cao nhất, vô tình “mách” trước bàn dân thiên hạ em B điểm thấp nhất. Chưa kể một số trường hợp học sinh điểm quá thấp bị đưa ra làm ví dụ để chứng minh, mổ xẻ, chế giễu. Bấy lâu nay, bức tranh đối nghịch tạo nên bởi sự tung hô thành công và chê bai thất bại đã đẩy một số bạn trẻ có điểm số không tốt lâm vào tâm trạng đã buồn còn tuyệt vọng hơn. Không ít trong số đó rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần hoặc tìm lối thoát bằng biện pháp tiêu cực, thậm chí có người đã tìm đến cái chết. Theo một nghiên cứu về tâm lý, ở độ tuổi 18 đến 20, các em rất coi trọng nhận xét, đánh giá của dư luận. Đây cũng là giai đoạn tính tự trọng phát triển mạnh, nhưng khả năng kiểm soát hành vi còn yếu, kinh nghiệm sống còn hạn chế nên nhiều em đã có quyết định sai lầm. Cho đến nay, chưa có thống kê chính thức về số lượng thanh niên Việt Nam tự tử hoặc bị thần kinh vì kết quả thi cử không tốt. Nhưng thực tế cho thấy, vào những thời điểm nhạy cảm như thời điểm này, không ít người trẻ đã hành động dại dột để trốn chạy cảm giác buồn khổ. Sự vui mừng quá đỗi hay thất vọng tràn trề của phụ huynh và học sinh có nguyên nhân sâu xa từ tâm lý chuộng bằng cấp. Theo con số thống kê hàng năm, trong số gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm, có đến 80% chọn con đường học lên đại học. Không ít người quan niệm phải có học hàm, học vị mới là người thành đạt; cũng không ít người quan niệm bằng cấp đồng nghĩa với năng lực, người có bằng cấp sẽ “oai” hơn khi ra xã hội. Trong khi những học sinh tuổi đời còn non nớt phải chịu áp lực nặng nề từ gia đình và cộng đồng như vậy, thì họ lại có rất ít biện pháp để giải tỏa áp lực. Một chuyên gia tâm lý nhận xét: Thanh, thiếu niên Việt Nam đang quá cô đơn trên hành trình trưởng thành của mình. Họ ít được rèn luyện bản lĩnh đối diện với những cú sốc; họ ít sân chơi để thoát khỏi không khí thất bại đậm đặc bủa vây. Và vì vậy không ít người tìm đến giải pháp tiêu cực như trên đã đề cập. Việc thi trượt đại học chắc hẳn không là mong muốn của sĩ tử. Nhưng nếu như chuyện đó xảy ra, thì trước hết bố mẹ, ông bà, người thân của các em phải là người động viên, xốc lại tinh thần cho các em. Cuộc đời mỗi người sẽ có không ít lần đối mặt với những điều không như ý. Nhưng “thất bại là mẹ thành công”, “thua keo này ta bày keo khác”. Xã hội ngày càng văn minh thì năng lực thực chất của người lao động càng được đề cao. Tiêu biểu như tập đoàn Viettel đã không đưa yêu cầu bằng cấp vào tuyển dụng. Tập đoàn này có một số nhân sự giỏi chưa có bằng cấp 3. Quan điểm “làm chuyên môn không cần bằng đại học” cũng là quan điểm của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước như Vinacomin, Vinatex, EVN, Mobifone, VNPT. Hiện có 15 công ty hàng đầu thế giới, trong đó có Apple, Google, IBM… đã không còn yêu cầu các ứng viên phải có bằng đại học. Bởi thế, học đại học không là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Xác định điều đó, các bạn trẻ không đủ điểm vào đại học sẽ thấy tâm lý nhẹ nhàng hơn. Và những lúc như thế này, cha mẹ và người thân của các em là những trợ lực quan trọng nhất giúp các em nhanh chóng cân bằng tâm lý, xốc lại hành trang chọn cho mình hướng đi mới phù hợp.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 13 giờ trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước