Thứ ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024
21:47 (GMT +7)

Cuộc chuyển động “phố hóa làng Bầu” và những mặt khuất chìm bị “lộ diện”

Trong tiểu thuyết “Danh gia đất mỏ” (Nxb Văn học, 2015), nhà văn Nguyễn Văn đã tập trung phản ánh về giai đoạn chuyển động từ cơ giới hóa hầm mỏ Thanh Kiều và đô thị hóa nông thôn Tam Hợp (đều do dòng họ Lê Duy khai phá và tạo dựng), điều này khiến vị trí của người thợ và người lao động sản xuất nông nghiệp bị đảo lộn trong cuộc sống mưu sinh kiếm tìm hạnh phúc.

Và đến tiểu thuyết “Lộ diện” (Nxb Hồng Đức, 2021), trong “Lời tác giả” đã có đoạn viết “... Tuy Danh gia đất mỏLộ diện xét về hình thức không phải là tập 1, tập 2 của một bộ, nhưng chúng cũng có mối liên quan đến nhau, bởi một số địa danh và nhân vật đã có mặt ở Danh gia đất mỏ lại tiếp tục xuất hiện ở Lộ diện trong hoàn cảnh và góc nhìn khác...”.

Quả vậy, những gì mà ngòi bút Nguyễn Văn đã mô tả trong tiểu thuyết “Danh gia đất mỏ” trước kia, nay lại tiếp tục diễn ra quyết liệt hơn trong “Lộ diện” qua cuộc chuyển động “phố hóa làng Bầu”, với một số nhân vật đầy toan tính, dùng mọi mưu mô, kể cả thất đức, đánh đổi nhân phẩm để đạt được tham vọng ích kỷ. Mọi hình thức che đậy “hào nhoáng” đã bị Nguyễn Văn lôi từ “vùng tối” ra để chỉ mặt vạch tên, làm chúng phải “Lộ diện” trước ánh sáng của công lý cuộc đời.

1. Làng Bầu thuộc thị xã Đại Lâm. Ông Trần Văn Lúa, một trong những bậc cao niên còn dẫn ra câu ca dao: “Làng Bầu đánh giặc giỏi thay/ Quân Minh khiếp vía giặc Tây phải gờm”. Như vậy, muộn nhất thì làng Bầu cũng có từ thế kỷ XV, thời giặc Minh xâm lược nước ta. Làng đã trải qua nhiều thế kỷ thăng trầm.

Vào đầu thế kỷ XX, một tên quan ba Pháp, bị trúng đạn của nghĩa quân Đề Thám, phải loại ngũ. Hắn đã đến đây, dựa vào chính quyền thuộc địa gom đất dân làng Bầu bằng cách mua rẻ hoặc cướp trắng lập ra đồn điền Đồng Bầu. Từ đấy dân làng Bầu phải đi làm cho chủ Tây, cuộc sống trở nên nghèo khổ. Ít lâu sau, có bà Lê Thị Bảy dưới xuôi lên đã mua lại đồn điền này rồi phát canh thu tô theo cách của điền chủ Việt Nam.

Khi cuộc cải cách ruộng đất được tiến hành ở làng Bầu thì bà Lê Thị Bảy bị xác định là địa chủ. Bà Bảy cũng tự xác định như vậy. Đã là địa chủ thì phải được quản lý chặt chẽ. Trần Văn Sắn - con trai ông Trần Văn Lúa là một trong những dân quân được giao canh gác nhà bà Bảy.

Trong đêm vắng bà Bảy đã đến gặp Sắn:

- Vâng, thưa cậu! Cho phép tôi gọi vậy nhá. Tôi có ý định sẽ viết giấy hiến lại toàn bộ ruộng đất và tài sản của mình để chính quyền chia cho dân. Tôi cũng sẽ tuyên bố xóa toàn bộ nợ tô, nợ tức cho những ai còn thiếu, sau đó xin cậu (...) tạo điều kiện cho tôi đi khỏi làng.

Sắn hỏi lại:

- Nghĩa là bà muốn cháu cho bà trốn ư? Không được đâu bà ạ. Làm thế thì cháu cũng mắc tội (...).

Sắn hỏi:

- Sao bà không bảo ông Tài lo cho? Ông ấy cũng làm nhiệm vụ như cháu mà?

Bà Bảy lắc đầu:

- Tài không phải là người tin được. Trước đây tôi thấy cậu ta khỏe mạnh lại siêng năng, tôi đã gây dựng cho cậu ta với cái Mai, nên vợ nên chồng. Cái Mai là cháu ruột gọi tôi bằng cô. Là chỗ thân tình như thế, nên tôi đã lo cho chúng nhà cửa, cuộc sống và giao cho Tài làm quản lý cho tôi. Vậy mà, khi biết tôi sẽ bị xếp hạng điền chủ, cậu ta sợ liên lụy tới mình, đã bắt vợ đánh cho sưng mặt mày, rồi mang cái mặt sưng ấy đi gặp ông Đội trưởng cải cách, tố giác sai tôi. Ông Đội trưởng là người tốt bụng nhưng cả tin, nên đã trúng kế của Tài. Từ đấy được ông tin tưởng và đưa hắn vào hàng cốt cán của làng”.

Sáng hôm sau, người ta biết bà Bảy đã trốn. Bà để lại nhiều giấy tờ. “Bà Bảy ghi tái bút: Kèm theo đây là những giấy tờ mua bán ruộng đất giữa tôi với chủ đồn điền cũ, xin gửi lại để chính quyền sử dụng. Khi các ông nhận được lá đơn này, thì tôi đã đi khỏi làng. Nếu trên đường đi mà gặp rủi ro thì coi như tôi đã đền tội với dân làng. Còn nếu gặp may, tôi hứa là sẽ làm lại cuộc đời, lấy công chuộc tội”.

2. Một nhân vật được đi sâu miêu tả trong tiểu thuyết là Nguyễn Đình Tài. “Ông là cháu rể điền chủ Lê Thị Bảy. Trong cuộc cải cách ruộng đất ở làng Bầu năm xưa, ai cũng nghĩ ông ta sẽ bị quy là tay sai địa chủ. Vậy mà đùng một cái trở thành cốt cán và được kết nạp vào Đảng, trở thành hạt nhân lãnh đạo của làng”. Nguyễn Văn đã truy tìm những bước tiến thân làm giàu của nhân vật này.

Thị xã Đại Lâm xây dựng nhà máy chế biến gỗ Mùa Xuân, Tài đã xin vào làm việc ở đó làm công nhân, rồi được bổ nhiệm là tổ trưởng sản xuất. Sau ngày thống nhất đất nước, nhà máy lập ra một phân xưởng sản xuất và chuẩn bị bổ nhiệm Tài làm quản đốc phân xưởng, thì có đơn tố cáo ông từng là tay sai của địa chủ, tàn ác với nông dân. Tài bị khai trừ khỏi Đảng, việc cất nhắc ông làm quản đốc phân xưởng vì thế bị dừng. Tài nghĩ chuyện này do cha con ông Lúa gây ra. Từ đấy trong lòng Tài mang mối hận cha con ông Lúa: “Ông nghĩ con đường chính trị của mình đã bị chặn rồi, thì ta theo đuổi con đường kinh tế. Ông xin nghỉ việc ở xí nghiệp, ra làm ngoài”.

Tài bắt đầu bằng việc buôn gỗ lậu. Có số tiền kha khá, ông chuyển sang làm nghề thầu xây dựng. Sau nhiều năm lăn lộn thương trường, ông chọn đất làm đối tượng kinh doanh. Tài thấy ở Đại Lâm, tuy hiện giờ đất chưa có giá trị như các đô thị lớn, nhưng tương lai gần sẽ khác. Cuộc sống đã cho ông thấy, làm gì trong thời buổi này cũng cần có “tay trong”, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Và Tài đã tìm ra người khả dĩ. Đó là Lê Duy Lộc, Phó Chủ tịch UBND thị xã. Tài nhớ lại lời bà Bảy đã nhắc nhở mình trước đây: “Muốn thu phục một con người, thì hãy mang lại cho người đó cái mà họ đang cần. Nếu cái anh mang đến cho họ là quan trọng mà tự họ không có được, thì anh có thể cưỡi trên lưng họ như cưỡi một con lừa”.

Ông Lộc có vợ bị suy thận, đã nhiều lần ông gặp thầy thuốc muốn thay thận cho vợ, nhưng chưa tìm được người có chỉ số y sinh phù hợp. Rồi Tài tìm đến nhà Tám “mánh” - một võ sư.

Ông Tài khe khẽ:

- Việc anh muốn cần tìm một quả thận, để cứu đứa cháu họ...

Tám cười khẩy:

- Em hiểu rồi! Vậy là anh muốn thằng em, phải lấy sự sống của ai đó để cho cháu anh? Ôi, việc này khó đấy. Nó không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn bất nhân nữa. Em sợ...

(…)

Tám nhận cái gói từ tay ông Tài, sờ kích cỡ ước giá trị của nó, rồi nói:

- Em nể bác lắm! Thôi được, 15 ngày sau, em sẽ có kết quả cho bác.

Sau đó, cuộc giao đấu võ hàng năm của Tám được tổ chức. “Đến trận thứ ba thì sôi động hẳn lên. “Sư huynh” thì uyển chuyển khi công, khi thủ, khiến “sư đệ” nhiều phen lúng túng. Bất chợt “sư huynh” ra đòn rất nhanh và mạnh khiến “sư đệ” bị ngã ngửa xuống sàn bất tỉnh.

Người ta đưa võ sinh đi cấp cứu. Thầy thuốc xác định nạn nhân bị dập thận trái, phải cắt bỏ để giữ tính mạng. Sự cố này gia đình võ sinh được trường võ hỗ trợ một khoản tiền và học sinh bị nạn phải từ bỏ con đường võ thuật”.

Cuộc ghép thận của vợ ông Lộc thành công mỹ mãn.

“Lê Duy Lộc đặt tập tài liệu do nhà đầu tư Nguyễn Đình Tài đưa lên mặt bàn. Đây là tập tài liệu ông Tài đã thuê người khảo sát thực địa làng Bầu, rồi lập luận chứng “phố hóa” làng này. Việc này đáng lẽ của thị xã làm, ông Tài chủ động bỏ kinh phí để làm, ông bảo làm thế nó nhanh, kỳ thực ông muốn tạo ra tình thế để dự án không rơi vào người khác”.

Vào một buổi chiều, Đài truyền thanh thị xã truyền đi bản tin đặc biệt của UBND thị xã Đại Lâm do phó Chủ tịch Lê Duy Lộc ký, về việc “phố hóa làng Bầu”.

Trong cuộc họp chi bộ của làng, Chi bộ đề nghị tạo điều kiện để người dân có đất để tiếp tục sản xuất nông nghiệp hoặc có việc khác làm để bảo đảm đời sống; kiến nghị bảo tồn công trình Bia căm thù.

Nhưng từ 3 giờ sáng, khi mọi người đang còn ngủ thì đã nghe tiếng máy ủi vọng tới. Sáng ra mọi người mới hay Bia căm thù đã bị san phẳng. Bức xúc và phẫn nộ, hàng trăm người đã bao vây nhà ông Tài. Ông Tài nói với bà con đây là thợ lái tự hành động chứ không phải ông giao. Một thanh niên chen vào nói lớn: “Ông Tài nói dối! Chính ông đã giao cho ông Thịnh phá khu bia”.

Từ vị trí Bia căm thù đã bị san là nơi gặp nhau giữa hai đường trục tạo thành ngã tư lớn nhất, người dân đặt tên là ngã tư Vàng. Người đầu tiên được nhận đất ở ngã tư này là ông Lê Duy Đông, Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh - bố đẻ Lê Duy Lộc. Người thứ hai ông Nguyễn Minh Đặng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách về đất đai và xây dựng. Hai góc còn lại, một thuộc về đại gia khoáng sản và một thuộc về nhà đầu tư Nguyễn Đình Tài.

3. Cùng với việc truy tìm tung tích nhà đầu tư Nguyễn Đình Tài, xuất thân từ “tay sai của địa chủ” đã tạo dựng được đường đi nước bước của mình ra sao, tác giả Nguyễn Văn cũng đã đi sâu khắc họa việc Phó Chủ tịch thị xã Lê Duy Lộc, một người đã “nhạt chất công nhân” tiến thân trên con đường quan chức khôn khéo đến mức nào.

Lê Duy Lộc là “sản phẩm đặc biệt của một thời đặc biệt và con đường cậu ta đi lên cũng rất đặc biệt. Chiếc ghế quyền lực mà Lộc có, liên quan đến lợi ích của nhiều người, trong đó có tôi và cái “vùng tối” của tôi. Vậy nên, tôi muốn nói với ông về Lê Duy Lộc, thì tôi phải nói về bối cảnh lúc đó và những người có liên quan đến cái ghế của cậu ta”. Đó là lời ông Nguyễn Xuân Triệu (từng là Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh) thổ lộ “nỗi sâu kín từ đáy lòng” khi gặp lại người từng công tác lâu năm với mình là ông Trần Văn Lúa.

Suốt 30 năm, ông Triệu làm công tác Công đoàn tỉnh và là Phó Thư ký giúp việc cho 5 đời Thư ký. Đến năm ông 57 tuổi, ông Thư ký đi làm Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao thì ông Triệu được làm Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh. Mới được cất nhắc mà nghỉ thì tiếc, ông Triệu đã chọn người chưa đủ tầm để giới thiệu với tỉnh, còn những người đủ tầm thay ông đã bị ông gạt ra khỏi dự kiến. Người mà ông chọn là Lê Duy Đông, bố Lê Duy Lộc.

Ông Đông là cán bộ Tỉnh Đoàn đã hết tuổi, được ông Triệu nhận về Công đoàn tỉnh. Ông Triệu nói với Trưởng ban Tổ chức tỉnh: Đông là thành phần cơ bản, nếu được kèm cặp bồi dưỡng có nhiều triển vọng. Mà người kèm cặp là ông Triệu. Khóa đó, Đông được cơ cấu vào Tỉnh ủy. “Kế” của ông Triệu được thực hiện thì cơ quan xì xầm. Đông từng tham gia nhóm “lật đổ” người dự kiến Bí thư Tỉnh Đoàn, việc thành, Đông không được chia chức gì, bất mãn xin sang Công đoàn tỉnh. Không ngờ trước Đại hội vài ngày ông Trưởng ban Tổ chức gặp ông Triệu gợi ý: Ông nên nghỉ khóa này, vì cậu Đông đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, không cần qua thời kỳ kèm cặp.

Ông Đông trúng cử vào cấp ủy, ông Nhâm - người thuộc hàng thứ hai sau Bí thư Tỉnh ủy nói với ông: “Khóa này anh sẽ làm Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh. Tôi giới thiệu với anh, anh Nguyễn Minh Hiệp, hiện là Trưởng phòng Đời sống ở Công ty Thiên Long có thể là phó cho anh”... Nhâm còn nhấn mạnh Hiệp là bạn thân của mình. Biết lời giới thiệu không thể làm ngơ, nhưng Đông nghĩ muốn trong vòng cương tỏa của mình thì chỉ nên cơ cấu là Thường vụ rồi sau đó sẽ bầu Phó Thư ký sau, còn bây giờ Đông cần người làm việc thật.

Hiệp được bố trí là Chánh Văn phòng. Qua tiếp xúc, Đông nhận ra: “Tay này chẳng qua cũng chỉ là kẻ sẵn sàng đánh đổi linh hồn lấy cân thịt trâu mà thôi. Nhưng mà một người như thế, sẽ có lợi cho ta”.

“Một hôm Đông nói: “Tôi có thằng con học trung cấp chăn nuôi, mới ra trường và đang làm việc ở trại lợn Thanh Xuân. Thôi thì con tôi cũng như con anh, anh lại có anh Thiết là Chủ tịch UBND thị xã, nên tôi nhờ anh xin giúp cho cháu về thị xã, làm cái chân địa chính quèn ở khu phố cũng được. Sau này có cơ hội, tôi sẽ nhờ anh tính tiếp”. Hiệp nghe vậy: “Tưởng gì chứ chuyện chuyển cháu về làm cán bộ địa chính khu phố, thì em giúp được”.

Chỉ một tháng sau Lộc đã về thị xã làm cán bộ địa chính ở một khu phố.”

Lúc làm việc ở trại lợn, Lộc đã mê cô gái có tên là Ngoan. “Ít lâu sau Lộc yêu con ông Phó trưởng Ban Tổ chức tỉnh, thế là Lộc quên hẳn Ngoan.

Bây giờ con đường thăng tiến của Lộc đã rộng mở hơn, vì ngoài sự lo liệu của bố đẻ, sự tận lực của bác Hiệp, Lộc còn có bố vợ tương lai, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực nhân sự...

“Quả nhiên ít lâu sau Lộc được điều động lên làm Trưởng phòng Quản lý địa chính thị xã. Ngồi ghế trưởng phòng một thời gian ngắn, Lộc được bổ nhiệm chức Phó Chủ tịch thị xã. Thế là chỉ trong vòng ba năm, từ anh kỹ thuật chăn nuôi, Lộc trở thành nhà lãnh đạo. Có điều dù ở cương vị nào, thì nhiệm vụ của Lộc, cũng vẫn là quản lý đất đai”.

Qua việc miêu tả hành trình tiến thân của Lê Duy Lộc, Nguyễn Văn còn phản ánh về một kiểu nhân vật khác, đó là những người từng là những cán bộ trung thực, từng một thời cống hiến cho sự nghiệp nhưng cuối đời công tác cũng không tránh khỏi những lợi ích cá nhân mà đã dung túng cho những kẻ “đầu cơ chính trị” để leo lên địa vị lãnh đạo. Đây cũng là những lời cảnh báo cho những kẻ xuất thân là thành phần cơ bản, đã không giữ được phẩm chất, đạo đức của người cán bộ của Đảng, đã tha hóa, tự diễn biến, trở thành người hám danh hám lợi cần phải loại trừ ra khỏi đội ngũ.

4. Đại Lâm đã chuyển động rầm rộ “phố hóa làng” thì được tin ông Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm sẽ chuyển đi nơi khác. Và người thay ông là Nguyễn Thành Tâm, một thiếu tướng quân đội làm Bí thư Tỉnh ủy.

Ông Nguyễn Thành Tâm chính là người bạn chiến đấu của Trần Văn Sắn từ mặt trận Điện Biên Phủ. Người quan tâm đến thế sự hy vọng rằng, một người đã mấy năm trận mạc để bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc thì nhất định sẽ nghiêm cẩn trong nhiệm vụ xây dựng và quản lý địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm nhận nhiệm vụ ở Đại Lâm một thời gian, thì có một người đàn bà tự giới thiệu là Hoài Thu từ Thành phố Hồ Chí Minh ra xin gặp. Hoài Thu là con thứ của bà Lê Thị Bảy, điền chủ làng Bầu năm xưa. Ngày ấy Hoài Thu là một doanh nhân bán vật liệu xây dựng, Tâm trong vai cai thầu. Từ mối quan hệ Tâm thường lui tới cửa hàng kiểm tra và nắm bắt tình hình. Phải đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Bảy và Hoài Thu mới biết Tâm là cán bộ quân giải phóng.

Gặp Tâm, Hoài Thu nói: “Mẹ tôi một bà già đã tám mươi tuổi, vẫn lo lắng về cái bắt tay giữa ông Nguyễn Đình Tài với Tập đoàn Địa Ốc đa quốc gia ABC. Bà bảo nếu để trên lãnh thổ nước mình mọc lên những phố Tây, phố Tàu, những “lãnh địa” của người mang quốc tịch nước ngoài, mà do những sơ hở pháp lý, chúng ta không kiểm soát được, thì sẽ là di họa cho đất nước”.

Với trách nhiệm của mình, Bí thư Nguyễn Thành Tâm đã ủng hộ triển khai những cuộc thanh tra của Trung ương về quản lý và sử dụng đất đai ở Đại Lâm để “giữ nghiêm kỷ cương, phép nước”, để những ai đứng đằng sau những khuất tất phải lộ diện.

Với lối viết tiểu thuyết truyền thống, cái kết có hậu, tác phẩm “Lộ diện” là một bước tiến mới của tác giả về kết cấu tác phẩm - chặt chẽ, hợp lý hơn.

Ngòi bút sắc sảo không khoan nhượng với những cái ác đã được nhà văn Nguyễn Văn truy kích đến cùng, cũng là lời cảnh tỉnh, dự báo vẫn mang tính thời sự trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước hôm nay.

Ma Trường Nguyên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy