Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
00:37 (GMT +7)

Con sói lạc loài

LTS: Khoái “đù” – cái tên không ít (nếu như không muốn nói là phần đa) người Thái Nguyên ở những năm tám mươi – chín mươi của thế kỷ trước đều biết. Cái tên ấy khiến nhiều người phải so người lại mỗi khi nghe nhắc. Có nhiều giai thoại về Khoái “đù” được truyền miệng. Ông cũng từng là nhân vật của nhiều tác phẩm văn học được quan tâm… Nhưng, biết là biết chung chung vậy thôi, còn để tường tận về cuộc đời con người này, thì lại phải chờ đến hôm nay, nhà báo Nguyễn Hồng Lam kể lại.

VNTN xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả loạt ký sự dài kỳ về nhân vật một thời khuynh đảo trên đất Thái cách đây ba chục năm…

 

 


 

Nhân vật trong bài: Khoái “đù” - tức Đoàn Đắc Tô

Kỳ I: Kẻ bất trị

Giống như bất kỳ một gã học trò ưa mơ mòng những chuyện phiêu lưu gay cấn nào khác, cách đây ngót nghét ¼ thế kỷ, tôi đã từng say như điếu đổ những bước chân lang bạt kỳ hồ của nhân vật tướng cướp Lã Văn Khoái trong tiểu thuyết “Một giây phút và nửa cuộc đời” của nhà văn Triệu Bôn. Vào đại học, những đoạn thăng trầm kỳ quặc của nhân vật ấy một lần nữa lại cuốn hút, khiến năm 1995, tôi phải tìm xem cho bằng được bộ phim đen trắng có nhan đề “Phần đời không muốn nhớ” của đạo diễn Trần Quốc Huấn. Đây là một trong 7 phim Việt chiếu báo cáo, hưởng ứng dịp kỷ niệm 100 năm điện ảnh thế giới.

Tháng 3 năm 1997, tôi đã may mắn được cùng nhà văn Triệu Bôn tham dự Trại sáng tác văn học giải Cây bút vàng do Tạp chí Văn hoá Văn nghệ Công an và chuyên đề An ninh thế giới tổ chức tại Đồ Sơn. Gần cả tháng cùng dự trại là khoảng thời gian thừa đủ để nhà văn già Triệu Bôn thoả mãn mọi sự tò mò của gã trai trẻ tập tễnh văn chương là tôi về nguyên mẫu nhân vật trong cuốn sách. Hiền lành và dễ tính, ông còn cho biết thêm: “Phần đời sau của Khoái “đù” còn nhiều đoạn ly kỳ lắm. Nếu bỏ công tìm hiểu, thừa sức để cậu viết thành cả một cuốn sách hấp dẫn”.

Đầy hoài nghi về sự cần mẫn của bản thân, thành sách hay không thì tôi không dám chắc, nhưng tin vào lời khuyên của người cầm bút mà mình từng yêu quý, tôi đã nhiều lần đến Thái Nguyên với dụng ý tìm gặp bằng được “vua trốn tù” Lã Văn Khoái. Gặp mặt chỉ là thao tác bắt buộc mà tôi tự đặt ra cho mình, chứ thực ra, tư liệu về nhân vật này tôi không hề thiếu.

Cuộc đời của nhân vật mà tôi đang tìm kiếm quả là quá lắm thác ghềnh, quá nhiều khúc ngoặt: tính cách và chân dung gã cũng hiện ra rất đa diện, thế nên Khoái đã từng là một con người rất nổi tiếng. Gã từng trở thành nguyên mẫu cho nhiều chương sách, bộ phim, kịch bản sân khấu. Trong giới anh chị chuyên bạt núi đãi vàng ở các mỏ thuộc Thái Nguyên, Bắc Cạn hàng chục năm trước đây, cái tên Khoái “đù” chẳng ai xa lạ gì. Không xa lạ ở cả hai nghĩa gần như đối lập nhau: lúc là một giá trị bảo chứng, lúc khác lại là một nỗi ám ảnh, khiếp sợ - tất nhiên là với tuỳ đối tượng và tuỳ mục đích tiếp cận.

Ít nhất, tôi cũng đã từng gặp gỡ, phỏng vấn hàng chục người có liên quan đến Khoái trong những giai đoạn ly kỳ nhất của cuộc đời ông ta, hoặc là trong những vụ, việc gay cấn nhất mà Khoái “đù” đã từng dự phần với vai trò nhân vật chính. Nếu không phải là đồng minh, em út thì những người tôi đã cất công tìm gặp cũng đã có thời là đối thủ hoặc… nạn nhân của Khoái. Và nói luôn, tất thảy đều không mấy khi là nhân vật tử tế, ít nhất là trong những vụ việc mà họ dự phần, tất nhiên, theo quy chuẩn đạo đức của một người lương thiện bình thường.

Vậy nhưng, phải mất gần 13 năm sau nữa, dự định ấy mới thành hiện thực, đẩy tôi đến ngồi đối diện với Khoái “đù” trong phòng khách căn nhà hai tầng mốc meo của ông ở mặt tiền quốc lộ 1B thuộc thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ (nay là phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên), tỉnh Thái Nguyên. Người dẫn đường và giới thiệu, không ai khác lại chính là nhà văn Đồng Khắc Thọ, tác giả của cả kịch bản sân khấu “Phần đời không muốn nhớ” từng đoạt Huy chương Vàng Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 1991.

Thật kỳ quặc, tên cướp lừnh danh, võ sĩ không đối thủ, tay chơi siêu hạng… và nhiều tên gọi hàm nghĩa xưng tụng khác lại chỉ là một ông không ra già, cũng chẳng còn trẻ, tóc húi cua, cao chỉ chừng mét rưỡi!

Như hiểu được thắc mắc của tôi, Khoái cười: “Nhà nghèo, những 7 anh em, hồi nhỏ cơm không đủ no thì lấy chi mà lớn”.

Cái tên Lã Văn Khoái là sản phẩm sáng tạo của nhà văn Triệu Bôn, còn tên thật của gã là Đoàn Đắc Tô, quê ở thôn Ma Nê, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Khoái cũng không nhớ chính xác tuổi của mình, chỉ áng chừng sinh khoảng năm 1948 hay 1950 gì đó. Vì nghèo, mới 11 - 12 tuổi, cậu bé đã phải rời làng lên Huế ở trọ, một buổi học, một buổi lăn ra đường kiếm sống bằng đủ nghề, buổi tối tìm thầy học võ. Lề đường khiến thằng bé nhanh chóng trở nên lỳ lợm. Sợ con mình khổ, cha mẹ Đoàn Đắc Tô cải tên, gọi nó là Khoái, hy vọng cuộc đời thằng bé sau này sẽ dễ thở hơn một chút. Còn Khoái “đù” thì phải 15 năm sau nữa mới xuất hiện và “chết tên”. Khi đó, gã đã là một tên lưu manh có hạng và luôn mồm chửi thề phèn phẹt.

Học chữ không khá, nhưng với võ thuật Khoái lại rất nổi bật. Ở lò võ nào, trình độ võ thuật của Khoái cũng nhanh chóng vượt trội so với các sư huynh, sư đệ, đồng môn. Nhưng không võ đường, võ quán nào dung Khoái được lâu. Gã môn sinh nhỏ con gần như chẳng chịu phục tùng ai. Gã thường xuyên thách đấu và cho hàng loạt sư huynh lớn tuổi, học võ trước nhiều năm đo ván. Trình độ không tồi nhưng thay vì được thừa nhận, Khoái chỉ nhận được từ những ông thầy võ những cái lắc đầu. Hiếu thắng, ra đòn hung hiểm, những trận thắng của gã ẩn chứa không ít mầm tai hoạ.

Khoái “đù”trong ngôi nhà tại thị xã (nay là thành phố) Sông Công, năm 2008

Năm 1964, khi Khoái vừa bắt đầu chương trình Trung học đệ nhị cấp thì tai hoạ đến thật. Một nửa nghĩa hiệp, một nửa yêng hùng, Khoái đã nổi điên khi bắt gặp cảnh tên đồn trưởng đồn cảnh sát Tân Hương trêu ghẹo, sàm sỡ một nữ sinh Đồng Khánh ngay trước cổng trường. Không nhịn được, Khoái lao vào đấm tên đồn trưởng gãy nguyên hàm răng. Tên này vừa rút dao găm, Khoái đã nhanh chóng đoạt lấy và chặt rụng luôn cánh tay sàm sỡ của gã. Sau vụ đó, cả cửa võ đường lẫn cửa trường học đều khoá chặt trước mặt. Khoái phải bỏ trốn vì bị cảnh sát truy nã.

Hoa, cô nữ sinh Đồng Khánh được Khoái ra tay nghĩa hiệp vốn là một liên lạc viên trong phong trào học sinh – sinh viên TP Huế. Biết Khoái ngang tàng ngỗ ngược, nhưng cảm nghĩa, trái tim cô gái vẫn chao lệch về phía gã. Những rung động đầu đời đã khiến Khoái thay đổi và lột xác. Thay cho những trận đụng độ lề phố vô mục đích, gã được Hoa giới thiệu tham gia biệt động TP Huế, bước theo con đường diệt Mỹ cứu nước của 4 người anh trai. Xã hội hoá với tóc dài xoã vai, quần loe, áo chim cò như một tay hippie thứ thiệt, Khoái thường xuyên cưỡi Mobilet dạo khắp các nẻo đường từ Lăng Cô ra đến Mỹ Chánh tìm diệt Mỹ. Lỳ lợm, khôn ngoan, lại nhanh như sóc, Khoái đã cùng đồng đội lập không ít chiến công, nhưng cũng không ít lần cận kề cái chết.

Được ướp thêm dư vị của tình yêu, đó là những tháng ngày đẹp nhất, oai hùng nhất trong đời của Khoái. Nhưng đoạn đời đó không nối dài được lâu. Trong một lần làm nhiệm vụ giao liên vào cuối năm 1965, Hoa đã lọt vào ổ phục kích, bị địch bắn chết giữa đồng. Sự hy sinh của cô đã khiến không ít trái tim học sinh, sinh viên Huế phải thổn thức. Bài thơ tình không tên mà Khoái sáng tác và chép vào sổ tay tặng Hoa đã được phát trên Đài phát thanh Giải phóng Thừa Thiên, qua giọng diễn ngâm của nghệ sĩ Châu Loan, nhiều lần cũng trở thành nguồn động viên, cổ vũ không ít sinh viên, học sinh tham gia phong trào tranh đấu. Nhưng nó lại không ru dịu được nỗi đau của chính tác giả.

Lòng căm thù khiến Khoái trở nên liều lĩnh, bất chấp, lăn xả vào những trận đánh không phải chỉ với sự can đảm mà bằng tất cả sự điên cuồng. Năm 1966, Khoái 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và được cử làm Tiểu đội trưởng một tổ Biệt động hoạt động ở khu vực phía Bắc tỉnh Thừa Thiên. Mùa hè năm 1967, Mỹ mở một trận càn lớn ra Quảng Trị. Khoái chỉ huy tiểu đội của mình phục kích, áp dụng lối đánh đặc công tiêu diệt gọn cả một tốp xe tăng Mỹ ở khu vực Mỹ Chánh, giáp giới hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị. Ngày về chiến khu nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng, anh tiểu đội trưởng Đoàn Đắc Tô, tức Khoái đã được huyền thoại Thân Trọng Một, Thành đội trưởng Thành đội Huế thưởng riêng cho một gói thuốc Salem. Ông Một bảo: “Thằng ni đánh giỏi! Nhưng lần sau còn liều mạng như rứa, tao trị. Đánh giặc đâu phải bạt mạng, nướng quân!”.

Sau lễ tuyên dương, Khoái được giữ lại chiến khu để bồi dưỡng văn hoá – chính trị, sau đó được gửi ra Miền Bắc học tập. Đó vừa là một phần thưởng động viên, vừa là cách thức mà tổ chức chọn lựa để phòng ngừa tư tưởng phiêu lưu, anh hùng cá nhân đang hiện lên rõ ràng trong hành động chiến đấu của Khoái. Phần khác, đó cũng là một sự đền bù.

Sau người yêu, bốn người anh trai của Khoái cũng đã lần lượt hy sinh! Ngày 25-11-1968 (âm lịch, theo ghi nhớ của Khoái), đoàn dũng sĩ Miền Nam, trong đó có Đoàn Đắc Tô ra đến Hà Nội. Sau một thời gian nghỉ dưỡng tại trại Dũng sĩ K15 ở Hà Đông, Khoái được đưa đi bồi dưỡng văn hoá tại trường học sinh Miền Nam T64 ở Đông Triều, Quảng Ninh, sau đó được gửi học lớp Trung cấp Lắp máy tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ra trường, anh được điều về công tác tại công trường B5, chợ Mỏ Chè, thị trấn Mỏ Chè, huyện Phổ Yên, tỉnh Bắc Thái (nay là phường Mỏ Chè, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Tháng năm chiến tranh sôi động, kiêu hùng lùi xa vĩnh viễn.

Quen lang bạt kỳ hồ từ nhỏ, vào biệt động thành Huế cũng thường xuyên sống xã hội hoá như những tay du đãng ăn chơi, Khoái đã quá quen với cuộc sống vừa tự do vừa phóng đãng. Giữa đời sống thắt lưng buộc bụng và kỷ luật của Miền Bắc XHCN những ngày chiến tranh, Khoái như một kẻ lạc bầy. Ngổ ngáo, tóc dài, đánh nhau như cơm bữa, đã không ít lần Khoái “đù” bị triệu về đồn Công an. Đời sống của Miền Bắc XHCN tuy khó khăn nhưng không thiếu ân tình, không nỡ mạnh tay đối với một học sinh Miền Nam xa quê đã từng nhiều lần là Dũng sĩ. Vì thế, Khoái “đù” vẫn có thể tiếp tục theo đuổi chuyện học hành mà không bị bắt đi tập trung cải tạo. Đáng tiếc, nghĩa tình không phải lúc nào cũng là giải pháp hiệu quả trong việc cảm hoá con người. Máu kiêu binh trộn chút công thần chủ nghĩa ngày càng lớn dần, những trò càn quấy của Khoái “đù” ngày càng xảy ra dày đặc hơn.

Ảnh chụp làm CMND của Khoái “đù”

Lần đi tù đầu tiên của Khoái vào năm 1974. Lúc đó, Khoái đang là Đội phó Đội Lắp máy tại công trường B5 của Công ty Lắp máy Hà Nội. Đang nằm khểnh trên giường, Khoái “đù” chợt thấy xe xít - đờ - ca của Công an tiến vào khu lán trại tập thể. Người bạn cùng phòng tên là Trần Văn Quý đột nhiên kêu lên “chết tôi rồi” và đấm ngực khóc. Nương theo ánh mắt tuyệt vọng của bạn, Khoái phát hiện ra dưới gầm giường của mình có 2 cuộn thép công trường. Không chờ câu hỏi, Quý đã vội thanh minh: “Lương chưa có, vợ thì sắp đẻ, tôi trót làm liều”. Một thoáng ngần ngừ, Khoái chợt hiểu ra, vơ vội tấm áo bộ đội cũ khoác vào người và đi ra cửa. Gã đến trước mặt hai anh công an chìa tay ra: “Các anh không phải tìm nữa, tôi là thủ phạm. Mấy cuộn thép tôi đang giấu dưới gầm giường”.

Lời khai ăn khớp, tang chứng vật chứng rõ ràng, Khoái bị Toà án tỉnh Thái Nguyên tuyên buộc 12 tháng tù. Tất cả mọi người trong công trường đều tin chắc Khoái chính là thủ phạm. Nhưng có hai người, Trung uý Nguyễn Trường Xuân, Đồn phó và Thiếu uý Nguyễn Xuân Thủy, cán bộ chấp pháp của Đồn Công an số 4 thì vẫn hoài nghi. Đã nhiều lần triệu Khoái “đù” về đồn cảnh cáo vì những trò càn quấy, họ tin là gã học sinh Miền Nam nhỏ thó ngồi trước mặt tuy ngang ngạnh nhưng không thuộc hạng ăn cắp vặt. Khi Khoái “đù” đã lĩnh án, họ vẫn tìm vào tận trại giam tra gặng. Khoái đành thú thật: gã tưởng rằng với lý lịch của mình, luật pháp sẽ dung thứ nên nhận bừa cứu bạn, không lường chuyện phải lĩnh án cả năm tù. Nghe gã bộc bạch, ông Xuân mắng xối xả: “Mày ngu lắm!”. Ông dặn Khoái: “Đã trót rồi thì bình tĩnh mà cải tạo, chúng tôi sẽ xem xét lại”.

Tuy nhiên, bình tĩnh lại là thứ Khoái “đù” không hề có. Ăn quen, nhịn không quen, trong tù thiếu thốn đủ bề, bạn tù lại thường xuyên rình rập nện nhau, Khoái chịu không được. Ngồi chưa đầy 2 tháng, gã đã bẻ rào trốn trại, không hề biết chuyện chỉ cần nhẫn nại thêm chừng một tuần là có thể được minh oan và phóng thích. Không có chỗ về, cũng chẳng ai dám chứa chấp, gã cứ quanh quẩn quanh khu vực Sông Công, Đồng Hỷ, Thái Nguyên... “nhặt” của người này sợi dây chuyền, “mượn” của người kia mớ tem phiếu. Án cũ chưa kịp được giải, gã đã tự gây án mới, toàn những tội danh lặt vặt, cuối cùng lại bị bắt đưa về Trại giam tỉnh Thái Nguyên ở Km 7. Giữa năm 1976, gã được tha, nhưng lý lịch có thêm hàng chữ đen đúa “2 lần trốn tù”.

(Còn nữa)

Nguyễn Hồng Lam

Kỳ II: “Phần đời không muốn nhớ”

 

Kỳ III: Thiên đường không bóng chim câu

 

Kỳ IV: Rời nẻo đường cong

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Oai linh đám ma của thầy cúng Sán Dìu

Xem tin nổi bật 18 giờ trước

Những “người lái đò” đặc biệt

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Người đàn bà mang nợ những trần ai

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Phùng Quán, người đặc biệt nhà số 4

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Tự khúc Na Rang

Xem tin nổi bật 4 tháng trước