Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
02:26 (GMT +7)

Con sói lạc loài (kỳ III)

(tiếp theo kỳ trước)

Kỳ III: Thiên đường không bóng chim câu

Tội nhiều nhưng chưa lần nào gây án mạng, lại chỉ “cướp của cướp” nên Khoái “đù” chỉ phải quay lại Trại Phú Sơn với bản án 10 năm tù.

 

 


 

Khoái “đù” đang giới thiệu số quặng xay lẫn vàng cám mang về từ Campuchia

Lúc đó, Lê Thị Thu mới nhận ra chồng mình không hề hoàn lương, những chuyến “đi buôn xa” chẳng qua vẫn là đi ăn cướp. Trong tù, vừa hay tin vợ sinh con trai chưa lâu, Khoái đã đau đớn nghe người ta bàn tán lọt vào tù chuyện vợ mình có người đàn ông khác tên là Phan Đức Hạnh, sĩ quan quân đội phục viên. Đơn ly dị do Thu đưa vào tận tù yêu cầu ký xác nhận tất cả. Ghen tuông khiến bản chất hoang dã quay trở lại.

Một đêm mưa như trút, gã lại bẻ song sắt vượt trại. Trước đó, từ trong tù, gã đã nhắn đàn em tìm sẵn cho mình một khẩu K59 và mấy kẹp đạn. Dù biết đang bị truy đuổi ráo riết, con thú dữ sổng chuồng vẫn bất chấp, lao ngay về căn nhà nhỏ ven đồi với dự định giết đôi “gian phu dâm phụ”.

Qua liếp cửa, gã trông rõ mồn một cảnh Hạnh đang vác đứa bé oặt oẹo khóc ngằn ngặt trên vai, còn Thu cuống quýt pha thuốc, chườm khăn. Đạp cửa xông vào, khẩu súng với đạn đã lên nòng giương lên nhắm ngực Hạnh chưa kịp bóp cò đã run run hạ xuống bởi đứa trẻ bất ngờ lên con co giật. Cô vợ cũ lao đến, chắn ngang trước mũi súng. Thu thét lên: “Anh bắn đi, nó đang sốt, anh không bắn nó cũng chết. Con anh đó, cứ bắn!”. Đúng lúc đó, chó sủa inh ỏi, tiếng chân người rầm rập… Lao qua rèm cửa sổ Khoái kịp biến mình vào đêm, trước khi những bước chân truy đuổi của công an kịp tiến vào nhà.

Đêm sau, dù biết vòng vây công an đang khép chặt, Khoái vẫn rình rập quanh nhà chờ cơ hội. Khi đánh hơi thấy tổ phục kích của công an đang siết chặt vòng vây, gã khôn ngoan bẻ vẹt một dãy rào bên bờ đất đánh lạc hướng, còn mình thì leo lên ngọn cây phi lao khá rậm trốn, tay lăm lăm khẩu súng. Đêm đó trời tạnh ráo, trăng sáng vằng vặc, mọi động tĩnh bên dưới Khoái trông rõ mồn một, nghe rõ mồn một. Công an chia đôi đội hình, một tổ truy theo hướng hàng cây bị bẻ, một tốp khác vẫn phục lại trong vườn nhà. Trong nhà vừa có thêm mẹ đẻ của Thu đến thăm con. Suốt đêm, đèn nhà gã vẫn sáng, tiếng nói chuyện rì rầm pha lẫn tiếng đứa bé cứ khóc giãy từng cơn.

Nghe lõm bõm, vừa nghe vừa đoán, Khoái lờ mờ hiểu ra sự thật. Đứa bé đích thực là con của gã, vẫn mang họ gã, tên là Đoàn Duy Khánh. Gã vào tù khi chưa biết tin con hoài thai, một thân một mình xoay trở không ra. Khi mang bầu, vợ gã đau ốm liên tục nên đứa bé sinh ra cũng dặt dẹo. Tất cả những khó khăn ấy, chỉ duy nhất mình anh bộ đội phục viên chia sẻ cùng Thu. Cảm nghĩa với Hạnh, trong khi lại tuyệt vọng vì bị chồng lừa dối, Thu đã thật sự muốn làm lại cuộc đời với Hạnh. Tuy nhiên, Khoái chưa chịu ký đơn ly dị nên hai người vẫn chưa thể thành chồng vợ. Mấy đêm liền, đứa bé sốt cao nên Hạnh chỉ sang nhà phụ giúp chăm sóc đứa bé, con của Khoái và Thu. Cảnh tượng quá gần gũi, ân tình mà gã chứng kiến hoá ra lại đánh lừa, khiến cơn ghen biến thành cuồng loạn suýt gây tội ác!

Tờ mờ sáng, biết chắc tổ mai phục đã rút, Khoái đút súng vào bụng và lách vào nhà. Trước cái nhìn khiếp hãi của ba người lớn và tiếng khóc ngặt của đứa con đẻ, gã chính thức tuyên bố đồng ý ly dị để Thu lấy Hạnh, chấp nhận để con mình mang họ. Bây giờ thì kẻ đáng nghi nhất chính là gã, ngày về không chắc chỉ dài 10 năm như bản án.

Chuyện chưa kịp nở, Khoái đã vội lăn tròn vào gầm giường trong buồng rút súng lên đạn. Một anh thượng sĩ công an tên là Bái “Xồm”, cán bộ trực của trại Phú Sơn dắt xe đạp vào sân. Nhẩn nha chào hỏi, Bái nói với mẹ vợ của Khoái: “Mấy hôm mệt quá, nước cũng không kịp uống, u cho con ấm chè uống cho tỉnh”. Chừng đã hài lòng với tuần chè, Bái thủng thẳng nói vọng về: “Muốn gì thì ra đây ta nói chuyện, trốn làm gì trong đó cho muỗi mòng anh Khoái. Tôi biết anh vẫn ở đây từ tối đến giờ. Phải bắt anh, tôi thừa sức gọi anh em đến rồi”.

Vẻ tự tin của anh công an khiến tự ái giang hồ trỗi lên, Khoái “đù” bò ra ngay. Sau chừng 30 phút nói chuyện, uống trà, Khoái im lặng móc súng đạn đặt lên bàn, sau đó ngoan ngoan trèo lên yên sau xe đạp để Bái “Xồm” lóc cóc chở về trại giam nộp mình. Khi Khoái chìa tay ra chịu còng, Bái cười: “Đường đồi lóc xóc thế này, còng tay anh tôi chở thế nào được. Ngồi ôm bụng tôi cho chặt, không lại ngã giập mặt đấy!”.

Bị ông Giám thị Nguyễn Bá Tơ quát vì tội chủ quan, manh động, bắt tù, thu súng một mình, dẫn giải lại không trói, Bái “Xồm” cười: “Tôi xin chịu kỷ luật. Trừng trị cũng chỉ để giáo dục. Người ta đã tự nguyện giơ tay cho bắt thì còn còng với trói làm gì?”.

Tung hoành một thuở, Khoái ngang tàng chưa phục ai. Nhưng khi biết được chuyện này (do chính Giám thị Nguyễn Bá Tơ cho biết), gã đã im lặng cúi đầu. Kể từ đó, sau 14 lần đào thoát, hàng chục lần dự định nhưng bất thành, tổng cộng 41 lần, “vua trốn tù” đã chấp nhận ‘khoanh tay, cúi đầu” mà cải tạo, không gây thêm một vụ trốn tù nào nữa. Ngày 25 - 5 - 1988, Khoái được rời Trại Phú Sơn bằng cửa chính, mãn án trước 3 năm rưỡi.

Những cánh rừng cứ ngã xuống sau cơn sốt vàng. Ảnh tư liệu.

Tứ cố vô thân, về quê thì hổ thẹn, biết phong trào làm vàng đang rộ, Khoái “đù” mua một cặp bánh chưng, vẫy nhờ xe lâm sản tìm đường lên Võ Nhai. Chợt nhận ra mình vẫn mặc áo tù, vào cơ quan nhà nước thì… khó coi, Khoái cởi đồ sọc nhét vào ô thông gió trên tường rào, mặc… may ô quần cộc cứ thế bước vào UBND huyện Võ Nhai trình giấy tha tù, xin được cấp các loại giấy tờ. Tình cờ, Chủ tịch huyện lúc đó lại là ông Đàm Thanh Nghị, một người quen cũ khi còn trong bộ đội. Tuy đã mấy chục năm, ông Nghị vẫn nhận ra, bèn đưa Khoái về nhà, sau đó gọi điện thoại cho Phó Công an huyện Bùi Công Thành, một người Khoái từng quen từ trước đến. Lưu Khoái lại chơi mấy hôm, mua quần áo, lo giúp hoàn tất giấy tờ xong, hai ông Nghị và Thành còn mỗi người cho Khoái một ba lô gạo, dăm chục viên đá lửa và một ít tiền lộ phí để gã bắt đầu lập nghiệp.

Tiếng tăm bay vào vùng vàng nhanh hơn nhiều so với bước chân gã tù vừa ra trại. Nhặt chiếc vỏ chai làm đèn dầu buộc trước trán, Khoái cắt rừng đi lọ mọ cả đêm. Rạng sáng của ngày đầu tiên đặt chân vào vùng vàng xã Thần Sa, Khoái đã bị 5 thằng oắt con lù lù lao ra chặn đường. Một thằng hỏi: “Mang gì mà những hai ba lô, nặng thế? Để lại một cái đi cho nó nhẹ?”. Khoái hạ ba lô, dấm giẳn: “Chẳng có gì, chỉ toàn vàng. Thích thì lại mà lấy!”. Chưa kịp sờ tay vào quai ba lô, 5 thằng oắt đã bị Khoái đá lộn nhào văng mỗi đứa một nơi. Sau khi sưng mặt sưng mày, đám cô hồn mới nhận ra Khoái cao hơn nhiều so với thân hình thước rưỡi, rối rít xin tha và nằng nặc mời… chú về lán nghỉ ngơi. Sau 6 lần được (hoặc bị) “trước đòi sau mời” tương tự, Khoái mới vào đến nơi chọn đất cắm trại, bắt đầu đào bới.

Hồi còn học ở Đông Triều, Khoái thường lục lọi, đọc hết sách chuyên môn của Lê Bá Dân, một Dũng sĩ Miền Nam ra Bắc theo học ngành địa chất. Dân đi thực tập, Khoái cũng đi theo suốt mấy tháng hè. Bao nhiêu kiến thức học mót từ bạn, Khoái cố nhớ kỳ hết để áp dụng vào công cuộc tìm vàng. Đào thủ công, làm một mình, hai ba lô gạo ăn hết nhẵn, vàng đâu không thấy, vẫn chỉ thấy vàng mắt. Hết tiền, nhưng ai đến đề nghị bán bãi, Khoái cũng lắc đầu. Dăm ba tay bặm trợn coi thường kẻ tứ cố vô thân, kéo cả đám đến đuổi người chiếm bãi đều bị Khoái đánh bật. Nổi tiếng vì không một lần thua, Khoái được hàng chục thanh niên làm thuê đến xin đầu quân.

Một góc dây chuyền hút vàng sa khoáng. Ảnh tư liệu.

Quân đông, lính nhiều nhưng nửa năm đầu cả chủ lẫn thợ đều đói rạc đói dài vì chẳng thấy vàng đâu. Người làm thuê nản quá, cứ tốp này đến xin thử thời vận lại có tốp khác bỏ đi. Dù vậy, người làm công cho Khoái “đù” vẫn chẳng bao giờ thiếu. Đa số đều là những tay lỡ vận, không vốn liếng, những kẻ mới được tha tù, không nơi nương tựa. Họ tìm đến Khoái không vì gã ăn nên làm ra, mà vì gã chịu chơi. Ở Thần Sa, vàng thì còn lúc có lúc không nhưng kẻ cướp, bọn đầu bò đầu bướu thì không cần tìm cũng cứ gặp nhan nhản. Đám này cũng dựng lán, dựng chòi, trang bị đủ thứ “đồ chơi” nhưng chẳng bao giờ bỏ công đào đãi gì, chỉ rình rập để thu phí “bảo kê” hoặc trấn cướp của những chủ hầm đang ăn nên làm ra. Của thiên trả địa, chủ hầm chủ bưởng hầu như đều ngoan ngoãn “cúng dường”, nếu không muốn phải đụng độ đổ máu… Mà thật ra trong bãi, chuyện đổ máu xảy ra như cơm bữa. Khoái “đù” không xưng hùng xưng bá, không bắt nạt ai nhưng lỳ lợm cũng chẳng để cho ai bắt nạt.

Khét tiếng nhất Thần Sa là Đô “tây”. Tên này cầm đầu một băng cướp có vũ khí ở Lạng Sơn, bị công an truy nã gắt gao, dạt về Thần Sa vừa trốn tránh vừa tiếp tục trấn cướp. Một hôm, tốp thợ của Khoái đang húp cháo loãng thì Đô “tây” xách AK kéo cả chục tên đàn em lăm tay đao tay thước xông vào đòi “nộp thuế”. Đám thợ của Khoái sợ hãi tản ra hết, riêng Khoái vẫn điềm nhiên ngồi ăn cháo và đáp gọn lỏn: “Không có, chẳng nộp”. Thấy Khoái nhỏ con, Đô “tây” tỏ ra coi thường: “Đói rã họng còn sĩ diện. Đưa hết quân sang làm thuê cho tao, may ra còn có cơm ăn”.

Lời chưa kịp dứt, tô cháo nóng trong tay Khoái đã bay vèo vào mặt Đô “tây”. Hỗn loạn diễn ra ngay tức khắc. Đám đàm em của tay hung thần lập tức rút kiếm xông vào nhằm đầu Khoái “đù” chém tới tấp. Như con choi choi, Khoái lộn bên này, búng người qua bên kia tránh đòn, đồng thời tay cứ nhắm mặt Đô “tây” mà xỉa tới. Súng đeo sau lưng, nhưng cứ hễ quờ tay ra lấy, Đô “tây” lại bị Khoái đã văng tay. Vừa tháo được dây quàng súng ra khỏi vai, Đô “tây” đã lãnh nguyên một cú đá vào mặt, hộc ra một bụm cả răng lẫn máu. Vài tên đàn em cũng bị dính đòn, lăn mỗi đứa một góc. Chúng vừa lóp ngóp kịp bò dậy nhặt dao rựa, Khoái “đù” đã nhanh tay hơn giật được súng của Đô “tây” quét một loạt trên đầu. Hãi quá, cả đám vội thụp xuống. Đô “tây” định nhào tới giật lại súng, bị Khoái “đù” găm cho một viên đạn vào đùi nằm giãy đành đạch. Trận đấu kết thúc, tuy tay và lưng cũng lĩnh vài vết chém, máu chảy ròng ròng nhưng Khoái vẫn giành phần thắng. Không truy tận giết tuyệt, Khoái kêu cả đám đàn em Đô “tây” lại, tuyên bố thu súng cảnh cáo, sau đó cho cả đám khiêng Đô “tây” về chữa vết thương.

Hoà “lụa”, một tay chủ bưởng khác nổi tiếng đối xử ác với người làm công. Tay này ép thợ làm thuê phải nghiện ngập để dễ thao túng và bóc lột. Lính của Hoà có người chịu không nổi, bỏ qua xin Khoái cho nương náu. Giận quá, đang đêm Khoái “đù” một mình xông vào lán của Hoà ở Khe Mo, đánh tay này hộc máu. Quân đông nhưng ghét chủ quá tham và ác nên không ai can, Hoà “lụa” bị Khoái đánh cho lê lết, đành phải “xin chừa”, xuất tiền ra may cho mỗi thợ làm công một bộ quần áo rồi để cho họ đi. Không biết ai khởi xướng, nhưng cả 60 thợ của Hoà đều tự nguyện xin về là “lính của chú Khoái”.

(Còn nữa)

Nguyễn Hồng Lam

Kỳ I: Kẻ bất trị

 

Kỳ II: “Phần đời không muốn nhớ”

 

Kỳ IV: Rời nẻo đường cong

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xuân về một dải biên cương

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Nghiêng mình bên xứ lạ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Nơi ngày xuân vương vấn niềm thương

Xem tin nổi bật 2 tháng trước