Có nên “số hóa” tên làng?
VNTN - Cả nước đang tích cực triển khai việc sáp nhập xóm, tổ dân phố theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XII của Đảng (ban hành ngày 25/10/2017) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đến thời điểm này, chưa có thông tin tổng quát về bức tranh sau sắp xếp của toàn quốc, nhưng các địa phương đã phát đi những tín hiệu đáng mừng khi giảm đáng kể số lượng xóm, tổ dân phố. Như giảm chi phí cho bộ máy hoạt động; đầu tư tập trung hơn cho các công trình công cộng; tăng chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố và tăng mức thu nhập của họ; đời sống người dân cũng được nâng lên. Cụ thể như tỉnh Nghệ An, đã giảm 1.600 xóm, tổ dân phố (TDP) sau 2 năm thực hiện. Tỉnh Hà Nam giảm 612; tỉnh Hòa Bình năm 2019 giảm được 209; Tuyên Quang trong năm nay giảm 195; Quảng Nam giảm 478; riêng thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) đã giảm được 102 thôn, TDP. Tỉnh Thái Nguyên chúng ta cũng sắp về đích kế hoạch năm 2019 là sắp xếp, sáp nhập 258 xóm, TDP thành 189 xóm, TDP (giảm 69 xóm, TDP) của 15 xã, phường, thị trấn thuộc 3 địa phương là T.P Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ và huyện Đại Từ. Cái lợi của việc sắp xếp đã quá rõ, nhưng vẫn còn điều để nhân dân phàn nàn, đơn cử như việc đặt tên làng (bản), xóm, thôn. Đối với người Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tên làng (bản), xóm, thôn gắn bó rất mật thiết và đóng vai trò rất quan trọng. Phần lớn, đó là những cái tên được “các cụ” để lại cho con cháu, dòng tộc kế thừa từ đời này sang đời khác. Người đặt tên cho làng có thể là một cá nhân tâm huyết và hiểu biết về tâm linh, lịch sử sâu sắc. Vì thế, hầu hết tên làng, bản Việt Nam mang nhiều tầng nghĩa tốt đẹp, chứa đựng ước vọng về bình yên, thịnh vượng, thuận hòa, đỗ đạt. Không khó để kê ra những cái tên như: Yên Lạc, Đông Phú, Thái Hòa, Thịnh Vượng, Mỹ Khê, Đô Yên…; những cái tên mang đặc trưng vùng đất như làng Sen, xóm Gò, xóm Pháo, xóm Đầm…; những cái tên mang họ người khai sơn phá thạch xây ấp dựng thôn như Làng Nguyễn, Đặng Xá, Hà Xá vv… Sau khi sáp nhập, không ít làng bản, thôn xóm được đặt tên mới đơn giản, gọn nhẹ bằng những con số: 1, 2, 3, 4… Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cách đặt tên này có vẻ giản tiện và dễ bề tra cứu, quản lý. Nhưng cộng đồng dân cư nơi đó như bị tước mất cái hồn, cái cốt truyền đời. Họ buồn và tiếc nuối, có nơi bức xúc. Phản ánh trên mạng xã hội, một số người dân ở Thái Nguyên cho rằng những người có trách nhiệm thiếu hiểu biết hoặc “lười biếng” trong việc đặt tên. Từ đó hoặc là thay bằng con số khô khốc vô hồn, hoặc bằng những cái tên hoa mỹ xa lạ. Một cái tên hay của làng, bản, thôn, xóm phải có ý nghĩa và hội được yếu tố dân tộc, phong tục tập quán. Cái tên đó sẽ được người dân yêu quý và tự hào. Hiểu mong muốn của nhân dân, nhiều địa phương đã có cách làm thấu tình đạt lý. Như tỉnh Quảng Nam kiên quyết không thay đổi tên xóm. Nếu 2 xóm (bản) sáp nhập thì sẽ lấy tên của 1 (trong 2) nơi đó đặt cho xóm (bản) mới. Tỉnh Nghệ An cũng giữ nguyên tên cũ, chỉ thêm chữ số sau tên để phân biệt. Đó cũng là giải pháp hài hòa, được lòng dân. Được biết, việc đặt tên làng (bản), TDP được nhà nước quy định khá chặt chẽ: UBND xã lập hồ sơ đổi tên bao gồm: Tờ trình; phương án đổi tên; lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình về phương án đổi tên theo quy định. UBND cấp xã trình HĐND cùng cấp thông qua phương án đổi tên, trên cơ sở đó trình UBND cấp huyện. Cấp huyện thẩm định hồ sơ do UBND cấp xã chuyển đến, rồi lập tờ trình gửi đến Sở Nội vụ thẩm định và trình UBND cấp tỉnh quyết định. Như vậy, nếu không đồng ý với phương án tên mới đưa ra, cử tri cần lên tiếng mạnh mẽ và kiên quyết. Vai trò của trưởng thôn, bản cũng cần được khẳng định. Không nên ở cuộc họp thì giơ tay biểu quyết, nhưng ra ngoài lại chê bai, phản đối. Quả thật, nếu mai đây, tên làng, tên xã bị “số hóa” thì chắc không còn ai “gánh theo tên xã, tên làng qua mỗi chuyến di dân” như câu thơ trong Trường ca “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm nữa.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...