Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:45 (GMT +7)

Có một nghề không ai muốn khoe tên

Tôi không biết câu thành ngữ “sống dầu đèn, chết kèn trống” quen thuộc trong nhân gian được ra đời từ bao giờ và trong hoàn cảnh nào? Nhưng khi người dân nhao lên vì thiếu điện như thời gian qua, thì tôi thấy cái vế thứ nhất đã được chứng minh là quá đúng. Vậy còn cái vế thứ hai, thì…

Những “diễn viên” đặc biệt

Trong một lần lướt facebook, tôi bắt gặp một status khá đặc biệt: “Hội Tang lễ Thái Nguyên tổ chức đại hội lần thứ nhất”. Tôi tò mò xem những tấm ảnh đăng kèm. Chao ôi là ngạc nhiên. Trong đồng phục áo phông trắng, quần/váy sẫm màu, các hội viên của “hội tang lễ” đều trẻ trung, lịch sự và rạng ngời vui vẻ. Họ khác xa với suy nghĩ lâu nay của tôi của rằng: Người làm việc âm thì hình như cũng… dở âm dở dương!!!

                                    1-1690963747.jpg
Ngọc Anh và dàn nhạc hiếu

 “Lội” sâu hơn vào trang của Lương Anh - người đăng status - tôi “choáng” hơn khi thấy chàng “em - xi” (MC) cho Đại hội hoạt ngôn, đẹp trai này đã có gần chục năm thâm niên gắn với nghề “tang gia bối rối”.

Và ngay buổi tối hôm ấy, sau nhiều lần dừng xe hỏi thăm đường, tôi đã ngồi chĩnh chệ trên chiếc chiếu hoa trong căn nhà mới tinh của Lê Lương (chủ trang facebook Lương Anh), tại tổ 10, phường Quang Vinh, T.P Thái Nguyên. Trước mặt tôi là nồi lẩu và “bạt ngàn” đồ ăn thơm nức, sau lưng tôi là trăm thứ “vật tư” lớn nhỏ để tiễn biệt người về thế giới bên kia. “Sự sống và cái chết thực là quá gần nhau”. Tôi nhoáng lên cái suy nghĩ ấy khi nâng chén cụng ly mừng lần đầu gặp mặt.

Lương sinh năm 1991, là cháu ngoại cụ Bàng Bắc Hải, dân tộc Sán Dìu, nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ty Văn hóa Bắc Thái. Cụ Hải về hưu đã hơn 40 năm. Lương được hưởng từ ông ngoại gien hát hay, đàn giỏi, có khả năng dẫn và biên đạo chương trình.

 Học hết cấp 3 thì Lương đi bộ đội. Xuất ngũ, cậu đi dẫn chương trình đám cưới. Lương “tung hoành” lúc hát Chèo, lúc hát Cải lương, hát nhạc mới, xuất khẩu thành thơ, chủ trò không biết bao nhiêu cuộc thành hôn. Lương từng được mời làm MC cho chương trình Hội Yêu Chèo toàn quốc tổ chức lần thứ nhất tại Đông Anh (Hà Nội). Thế rồi “đùng một cái” - Hôm ấy là mùng 6 tết - Lương kể - cháu tâm sự với ông anh là “có lẽ em làm dịch vụ đám hiếu”. Bố cháu nghe thấy quát: “Tao tát cho phát bây giờ, đang ở chỗ vui vẻ lại chạy vào chỗ buồn đau là thế nào?”. Nhưng cháu quyết tâm, mua nhạc cụ, đồ nghề về giấu ngoài vườn. Cháu lén lút tập hát, tập kéo nhị, thổi kèn, đánh trống... Cuối cùng bố cháu cũng đành phải chấp nhận.

 Làm nghề được vài năm thì “ông trời” se duyên cho Lương nên vợ nên chồng với một “giọng ca vàng trong làng nhạc hiếu” là Ngọc Anh. Cái tên Dịch vụ đám hiếu Lương Anh ra đời.

Ngọc Anh da trắng, má đỏ au, tất tả bê đồ ăn và thân tình mời chúng tôi gắp rót. Cô gái sinh năm 1993 này cũng có “duyên lạ” là từ bé chỉ thích hát cải lương Lan và Điệp, thích dòng nhạc quê hương trữ tình. Ngọc Anh kể: Quê cháu ở Văn Yên (Đại Từ), mẹ cháu bị tai nạn nên đang học dở lớp 10 cháu phải nghỉ học, đi làm thuê ở Hà Nội. Năm cháu 19 tuổi, bác trai cháu (làm nhạc hiếu) rủ theo nghề này. Lúc ấy bá dâu cháu “khóc”, bác trai thổi kèn và “khóc” đỡ bá. Cháu nghe thích mê mẩn, nhập tâm luôn rồi hát lại được y thế. Tính đến nay cháu theo nghề đã 12 năm rồi.

Giờ thì Ngọc Anh là người vừa “khóc” chính, vừa đánh đàn bầu, gõ trống. Trước đây ban nhạc 7-8 người, thì mỗi người chơi một nhạc cụ, nay gọn nhẹ chỉ có 3-4 người, đành phải “đa-di-năng” - Ngọc Anh nhỏ nhẻ tâm sự thế.

 Hai vợ chồng Lương - Anh “song kiếm hợp bích” lo toan trọn vẹn, thắm tình cho chặng về cõi mây của người cạn số. Họ dành được sự tin yêu nên “mang quân” đi tận Hải Dương, Thanh Hóa… theo lời mời của nhiều gia chủ.

                                    2-1690963748.jpg
Trò chuyện với ông Doãn Thái

Nghe Ngọc Anh nói về nghề tôi mới biết, hóa ra làm ca sĩ đám hiếu không đơn giản. Trước tiên là phải có giọng và sức khỏe tốt, vì mỗi đám trung bình phải “khóc” vài chục bài, mỗi bài từ 3-5 phút, trong môi trường ồn ào, khói hương nghi ngút. Sau đó thì phải thể hiện sao cho “thảm”, hóa thân vào con, cháu, vợ, chồng… của người khuất mà biểu cảm khuôn mặt, giọng hát. Và điều quan trọng nhất, là phải có khả năng ứng tác nhanh “như chớp” lời hát, lời văn, lời thơ cho hợp lý, hợp tình.

Với hơn chục năm trong nghề, Ngọc Anh bảo, kinh nghiệm của cô là khi nhập đám phải tìm hiểu ngay về gia cảnh của người mất. Con cái có hiếu thảo không? Mối quan hệ của mọi người trong gia đình như thế nào? Chỗ cô khai thác thông tin là mấy bà nhà bếp, mấy cậu trông xe, họ là chòm xóm, họ hàng của gia chủ nên biết khá rõ. Tuy thế có nhiều trường hợp éo le, như là con mất trước, mẹ mất sau, nay phải thay mặt con “đón” mẹ. Rồi con riêng khóc cha dượng. Có người khi sống ít tâm ít đức, mình cũng nên điều chỉnh độ thống thiết cho “vừa phải”, kẻo chòm xóm họ cười. Lại có người muốn nhờ tiếng hát để oán thán hoặc cạnh khóe người nọ người kia… “Những yêu cầu không phù hợp đạo đức hoặc gượng ép về tình cảm, chúng cháu đều từ chối. Nghề của chúng cháu có lẽ là “lắm cha nhiều mẹ” nhất và nhiều tình huống “sân khấu” phải xử lý nhất đấy cô ạ”.

“Cha đẻ” của dòng nhạc hiếu độc nhất vô nhị ở Thái Nguyên

Biết tôi muốn tìm hiểu sâu về “dòng” nhạc hiếu, những người trong nghề bảo tôi dứt khoát phải gặp một bậc cha chú, người đã để lại dấu ấn sâu sắc cho nhạc hiếu Thái Nguyên.

 Vậy nên tôi tìm đến số nhà 38, tổ 6, phường Chùa Hang (TP Thái Nguyên) để gặp ông Doãn Thái - người làm nên điệu kèn độc đáo, người có nhiều tên nhất, nhiều nghề nhất và đã có thời kỳ, là người “đắt xô” nhất trong đội ngũ làm nghề nhạc hiếu ở Thái Nguyên.

 Tôi thầm “bái phục” người đàn ông ngồi trước mặt tôi kia: 88 tuổi mà sắc sảo từng câu từng chữ; mắt ngời ngợi khi nói về quãng thời gian cắp kèn đi ăn cơm thiên hạ, nhiều phen bị cạnh tranh, dọa dẫm.

Ông Thái quê Thái Bình, từng dạy học ở Nam Định. Chàng trai mũi cao tóc bồng này yêu nghề giáo, “mê hoặc” học trò bởi tài kéo đàn vi-ô-lông và giọng hát trầm ấm. Nhưng lương không đủ sống, ông Thái rời quê, lên Thái Nguyên tìm việc đúng ngày máy bay Mỹ ném bom cầu Gia Bẩy (17/10/1965).

Ông Thái trầm tư: “Có chí thì nên”, tôi tâm đắc lời Bác Hồ dạy nên đến Khu Gang thép xin việc, được nhận vào rót thép ở phân xưởng đúc. Ôi trời, có lần tôi phải ngồi vào cái nồi thép còn nóng để vá (nồi nguội không vá được)! Giai đoạn ấy máy bay Mỹ ném bom Thái Nguyên dữ lắm, có ngày nó ném 7-8 lần. Rót thép được một thời gian, Xưởng cho tôi chuyển lên Núi Voi (Đồng Hỷ) làm kế toán - thống kê rồi làm cơ khí.

                                    3-1690963747.jpg
Lương (bìa phải) trao đổi về đàn Nhị và hát Xẩm với trùm Xẩm Hải Phòng Đào Bạch Linh

Năm 1974 tôi xin nghỉ mất sức, quyết “bung ra” để nuôi con. Tôi đi bán kem dạo cùng ông hàng xóm. Cô biết không, rong ruổi cái xe đạp cọc cạch với cái còi hơi pí po pí po, trông nhếch nhác thế nhưng có ngày tôi lãi bằng tháng lương cán bộ đấy. Bán kem được hơn một năm, tôi đã nghĩ đến chuyện xây nhà tầng. Nhưng tôi bị mấy anh thương nghiệp bắt đóng thuế, nên bỏ kem, chuyển sang gò hàn. Tôi về nhà máy Bông Sen Hà Nội học kinh nghiệm gò bình phun thuốc sâu, bán đắt hàng lắm. Nhưng rồi hàng của Trung Quốc “đánh chết” tôi, vì của họ đẹp lại rẻ. Tôi dẹp tiệm gò. Như vậy từ năm tôi lên Thái Nguyên (1965) đến năm 1980, ngoài tên cha sinh mẹ đẻ là Doãn Thái, tôi mang thêm 2 cái tên là Thái kem và Thái gò…

Rồi một bước ngoặt đến với ông Thái. Năm 1981, về quê chịu tang bố, ông Thái bị đội kèn “hút hồn” bởi các làn điệu bi ai thê thiết. Ngoài bốn người (chơi nhị, bầu, hồ, trống), ông Thái “mê” nhất bốn ông thổi kèn (kèn đại, trung, tiểu, vắt). Nhất là khi bản Nam Thương cất lên: sí la son pha rề, rê đô là, lá phà son rề pha rề đồ rề… hai câu đầu réo rắt của “anh” kèn tiểu và kèn vắt, hai câu sau thủ thỉ dành cho “anh” kèn đại và kèn trung. Đến câu thứ năm, thứ sáu khi cả bốn “anh” kèn hòa giọng, thì trời ôi, tựa như một tổ “đìu híu” đang nức nở. Cùng lúc ấy, cái líu (như tiếng người trung niên), cái hồ (như tiếng ông già) cất tiếng hòa thanh thì không người nghe nào có thể ngăn nước mắt. Đó là nhạc hiếu cổ ở Thái Bình những năm 1980.

Về Thái Nguyên, ông Thái mời những người biết thổi kèn đám hiếu quanh khu vực vào đội kèn do ông thành lập.

- Nói thật với cô, lúc đầu nghe họ thổi cứ tí ta tí toét chả khác gì “đuôi chó cắm đít trâu”, mà tôi mang tiếng đội trưởng cũng chả biết gì về kèn. Thế nên, có người giới thiệu, tôi nhảy tàu về Hà Nội tìm đến nhà Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Tắc (đoàn Tuồng Bắc Trung ương) để học kèn. Quê ông Tắc cũng ở Thái Bình, trước đây ông bà Tắc từng đi hát xẩm kiếm ăn, rồi được nhà nước tuyển vào Đoàn. Tôi học ba ngày thì thuộc các điệu: Nam Thương, Nam Ai, Lâm Khốc, Bình Bát, Ngũ Điểm… là những điệu thường dùng cho các đám hiếu ngày ấy. Đêm thứ hai ở nhà thầy, tôi đang nằm vắt tay lên trán ôn bài thì nghe cụ Tắc nói với con trai: “Thằng này nó mà học mười ngày thì bố hết vốn con ạ”. Ông Thái vội ngồi dậy nói: Dạ thưa thầy, mai con xin về Thái Nguyên ạ…

Ông Thái mang nhạc Lâm Khốc Thái Bình “đấu” với Nam Thương đang sử dụng ở Thái Nguyên, tạo ra bản Nam Pha độc nhất vô nhị. Nam Pha không quá đau đớn bi lụy mà khiến người nghe lau nước mắt để sống tốt hơn. Nhạc cất lên không chỉ khiến người ta quặn lòng nghĩ đến công cha nghĩa mẹ, mà còn phải nghĩ đến cái lớn hơn là quê hương đất nước. Đó là tinh thần của “nhạc sĩ” Thái (kèn) gửi vào nốt nhạc. Ông mang Nam Pha về thổi báo cáo thầy Hoàng Tắc, thầy vỗ tay, nói gọn lỏn: “Mày giỏi”. (Trong khi tìm tài liệu về nhạc hiếu, người viết bài này bắt gặp một thông tin thú vị: Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Tắc sau khi nghỉ hưu cũng đi thổi kèn đám hiếu).

 Đội của ông Thái có tám người, ông vừa chỉ huy vừa thổi kèn và “khóc” chính. Cũng như “hậu duệ” Ngọc Anh, ông bảo người “khóc” là linh hồn của tang lễ, mỗi dây thần kinh trong đầu phải như một “con lươn” để tùy hoàn cảnh mà ứng tác văn xuôi kết hợp văn vần, lúc nói, lúc đọc, lúc hát sao cho người sống mát mặt, thậm chí tỉnh ngộ mà sống tốt hơn.

Có lần tôi quan sát ở đám tang nọ, một cô gái khóc rất nhiều. Hỏi ra tôi biết đấy là con người mất, mới ở tù ra vì làm nhiều việc không tốt với gia đình và xã hội. Tôi gọi cô bé đến bảo quỳ trước linh cữu rồi “khóc” thế này: “Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư, lúc cha chết con ở trong tù, bây giờ mẹ chết con mới được về chịu tang…”. Ngày hôm sau cô ấy đến nhà tôi nói: “Cháu là đứa con không ra gì. Cháu hứa với chú, cháu sẽ làm lại cuộc đời”. Cái lúc sống - chết chia biệt, con người ta dễ ân hận mà nghĩ lại, nên giá nhà nước mà tận dụng những “anh thợ khóc” mà soạn ra những bài răn dậy thì tốt biết bao, cô nhỉ?

Từ năm 1982, Đội nhạc hiếu do ông Thái chỉ huy nhanh chóng nổi tiếng, kéo quân đi hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc. Yêu cầu của đội trưởng Thái rất nghiêm: Không được “đánh thuê” cho đội khác, không uống rượu trong lúc làm việc, không cười cợt, hút thuốc lá ở nhà đám… Nhiều người không chịu được kỷ luật “sắt” của ông Thái, bỏ đội hoặc tách ra làm riêng. Đội dần tan rã sau hơn ba mươi năm cất khúc Nam Pha.

Nghề ai cũng cần, nhưng ít được quan tâm

Sinh, lão, bệnh, tử, là quy luật đời người. “Kèn trống” với người mất cũng quan trọng như “dầu đèn” với người sống. Vậy nhưng, theo nhận xét của nhiều người làm nghề “kèn trống” thì công việc này hầu như chẳng mấy ai quan tâm.

 Giờ đội nhạc hiếu chỉ còn 3 - 4 người, kết hợp các dịch vụ “trọn gói” khác chứ không chuyên tâm thổi kèn đánh trống. Gia chủ cũng chẳng biết họ đang chơi điệu gì, nhạc gì, miễn là buồn và ê a suốt buổi (có tang chủ yêu cầu mở nhạc Phật bằng USB ghi âm sẵn).

Ông Thái bảo: Tôi nghe nhạc hiếu bây giờ thấy “lạ” lắm, Nam Thương lắp Lưu Thủy, lắp Nam Pha, nhiều chỗ khó lọt tai. Tôi cũng phản đối việc “chèo đò” đám ma. Ném tiền vào thuyền cũng chỉ để cho thợ kèn kiếm thêm chứ chả có mục đích nào khác. Rồi việc thầy kèn kiêm thầy cúng nữa. Cúng chẳng ra cúng, mõ chẳng ra mõ. Tôi chứng kiến có thầy cúng làm “thủ thuật” lừa nhà chủ đấy.

 Lắng nghe câu chuyện của chúng tôi, Lương góp lời: Việc diễn “trò” gì, hát gì bây giờ nhiều khi do nhà chủ quy định. Chúng cháu đi phục vụ họ bảo nếu không biết “chèo đò” thì họ tìm đám khác. Vậy là đành phải làm. Rồi có nhà bảo: Hồi bố/mẹ em còn sống thích nhạc Trịnh lắm, nên các anh cứ nhạc Trịnh mà chơi. Khách hàng là thượng đế mà cô. Cháu cũng lấy làm lạ là, một mảng công việc quan trọng như thế, dân cần như thế mà nhà nước thả nổi cho người dân mặc sức làm kiểu nào cũng được.

 Hiện tỉnh Thái Nguyên chỉ có người “chơi nhạc thuê” chứ không còn đội nhạc hiếu cố định nào. Các nhóm nhạc hợp - tan theo sự vụ, không ai quản lý và chịu trách nhiệm chính.

Cuộc trò chuyện lắng lại khi tôi đặt ra câu hỏi về giải pháp quản lý, biết đâu góp được tiếng nói đề xuất lên ngành chức năng? Ông Thái thủng thẳng: Như tôi biết thì ngành Văn hóa chỉ quy định chung là “phải đảm bảo nếp sống văn hóa” và không được mở loa đài sau 22 giờ đêm thôi, chứ chưa có văn bản cụ thể, tỉ mỉ nào về việc này. Mọi thứ cứ theo truyền thống ngàn đời mà làm và phụ thuộc hoàn toàn vào cái tâm của người làm dịch vụ.

Thốt nhiên tôi nghĩ đến Hội Tang lễ do những người làm dịch vụ đám hiếu toàn tỉnh tự nguyện dựng nên hơn một năm trước, hiện có 91 thành viên. Họ ra quy chế, góp sức làm việc thiện như tổ chức đám tang miễn phí cho người nghèo hoặc ủng hộ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Và đặc biệt, Lê Lương đang tìm gặp các nhạc công của Hội, nuôi ý tưởng tập hợp các tay chơi đàn Nhị trên địa bàn để thành lập một “chiếu” Đàn Nhị hát Xẩm, nhằm khôi phục, phát triển dòng nhạc cổ truyền quý giá này. Tôi lại nghĩ: Hội Tang lễ chính là đầu mối để “nắm” nếu ngành chức năng muốn quản lý và làm tốt hơn mảng việc rất “đời” này.

Làm được như thế, thì cái lợi không chỉ cho xã hội, mà những người như ông Thái, Lương, Ngọc Anh và hàng trăm người đang làm cái nghề... ngại nói tên này, cũng cảm thấy được trân trọng hơn.

Minh Hằng

1 đã tặng

0

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Ngọc Ánh anhn****@gmail.com

    bài viết rất hay ạ

Cùng chuyên mục

Xuân về một dải biên cương

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Nghiêng mình bên xứ lạ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Nơi ngày xuân vương vấn niềm thương

Xem tin nổi bật 3 tháng trước