Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
20:07 (GMT +7)

“Chuyện tình Khau Vai”trong dòng chảy văn xuôi đương đại về miền núi

VNTN - Chuyện tình Khau Vai (Nxb Văn học & Cty Liên Việt, 2019) là tác phẩm tiểu thuyết đầu tay của tác giả Nguyễn Thế Kỷ. (Trước đó, với tư cách một người làm văn học nghệ thuật, ông nghiên cứu lý luận, sáng tác thơ và viết các kịch bản sân khấu, cả kịch nói và kịch thơ). Ở trang cuối cuốn tiểu thuyết này, người đọc có được một chỉ dẫn về tác phẩm: “Câu chuyện vừa kể có một phần nguồn ngọn từ kịch bản sân khấu “Chuyện tình Khau Vai” (kịch nói và kịch thơ) của Nguyễn Thế Kỷ, 2013, được NSƯT Triệu Trung Kiên chuyển thể cải lương thành tác phẩm cải lương cùng tên, được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng, biểu diễn từ năm 2013 ở nhiều tỉnh thành trong cả nước”. Chỉ dẫn này cho thấy Chuyện tình Khau Vai tiểu thuyết là một viết lại của Chuyện tình Khau Vai kịch. Nhưng không chỉ là thế, thậm chí nếu xét ở vị trí gốc, tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai của Nguyễn Thế Kỷ còn chính là một viết lại chuyện tình Khau Vai trong truyền thuyết của các tộc người thiểu số nơi miền cao Hà Giang chập chùng núi đá.

 

Thì, điều này cũng tương tự bốn năm trước đó, khi nhà văn Đỗ Bích Thúy công bố tiểu thuyết Chúa Đất: “Cuốn sách này được tôi lấy cảm hứng từ một truyền thuyết. Đó là truyền thuyết về chúa đất Sùng Chúa Đà ở vùng Đường Thượng, Yên Minh, Hà Giang. Sùng Chúa Đà là một thổ ty người Mông hung ác, sống cách đây khoảng hai trăm năm. Cuộc đời Sùng Chúa Đà gắn liền với sự tích cây cột đá hành quyết. Theo truyền thuyết, Sùng Chúa Đà có một người vợ bé rất xinh đẹp. Nhưng ông ta là người cực kỳ ghen tuông, không bao giờ cho vợ ra khỏi nhà…”. Trước nữa là nhà văn Lê Minh Hà với tập truyện ngắn Cổ tích cho ngày mới, viết lại chín truyện cổ dân gian khá phổ biến như Tấm Cám, Sự tích trầu cau v.v... Trước nữa nữa là cố nhà văn Hòa Vang với hai truyện ngắn xuất sắc: Sự tích những ngày đẹp trời, viết lại truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh; và Nhân sứ, viết lại Tây du ký của Ngô Thừa Ân. Rồi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với các thiên truyện ngắn nồng danh: Không có vua, viết lại Anh em nhà Karamazov của Dostoievsky; Huyền thoại phố phường, viết lại Con đầm pích của Pushkin v.v… So sánh như vậy để thấy, tự bản thân nó, tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai của Nguyễn Thế Kỷ đã hòa vào và trở thành một phần trong dòng chảy “viết lại” của văn chương Việt Nam hiện đại và đương đại, (ở tầm văn chương thế giới, đó là cả một truyền thống lớn và đầy sức sống). Sự “viết lại” ở đây, chiếu theo cách hình dung của nhà cấu trúc luận/ tự sự học xuất sắc người Pháp Gérard Genette, giả định rằng tiểu thuyết của Nguyễn Thế Kỷ là một bản viết trên miếng da, nó là lần viết thứ hai (hạ bản), còn lần viết đầu tiên (thượng bản), tức chuyện tình Khau Vai trong truyền thuyết thì đã bị cạo xóa đi rồi. Mặc dù vậy, trong ký ức của cộng đồng tiếp nhận và diễn giải thì lần viết đầu tiên ấy (của dân gian, thượng bản) vẫn còn nguyên, vì thế nó sẽ đặt định người đọc vào sự đối sánh với hạ bản của Nguyễn Thế Kỷ và mong đợi có những bất ngờ thú vị xảy ra.

Xếp chồng hạ bản của Nguyễn Thế Kỷ lên thượng bản, ta sẽ thấy ngay hai điểm khác biệt về cốt truyện. Thứ nhất, chàng Ba và nàng Út không cùng chết, mà chỉ có một thôi, đó là nàng Út, khi nhường sự sống cho đứa con bé bỏng mới sinh. Nhưng điểm khác biệt thứ nhất này không quan trọng bằng điểm khác biệt thứ hai. Nếu trong truyện dân gian chỉ có duy nhất mối tình của chàng Ba và nàng Út, thì trong tiểu thuyết của Nguyễn Thế Kỷ lại thêm vào đến vài mối tình: Mối tình tay ba đằng đẵng trầm uất câm nín giữa tộc trưởng họ Vương với bà vợ chính thất, mẹ của nàng Út, và bà Liểng, mẹ của chàng Ba; mối cô tình phẫn uất của Cố Sầu, tên nô bộc khét tiếng của nhà tộc trưởng, với nàng Út; và mối tình khép nép biết phận của nàng Dẻn với chàng Ba. Cái sự thêm vào này, một mặt, làm đa bội hóa, phong phú hóa cốt truyện, khiến cho tác phẩm tiệm cận với tính chất phức tạp của thể loại tiểu thuyết chứ không còn đơn giản như một truyện kể dân gian nữa; mặt khác, nó lặp lại kết cục bi tình qua vài thế hệ người Khau Vai, khắc sâu bi tình như một định mệnh với các nhân vật, một chủ đề xuyên suốt toàn bộ cuốn tiểu thuyết. Bi tình là bởi những người yêu nhau ở chốn non cao khắc nghiệt này, dù có yêu nhau đến mấy, dù có nỗ lực vùng quẫy và đã phải chịu bao nhiêu đau đớn, cuối cùng cũng đành thúc thủ trước tường thành của cái định kiến về tộc họ: khác tộc người thì không thể thành vợ thành chồng, vì không cùng con ma, không chung tập quán. Nói rốt ráo, đến đáy như nhân vật ông bố của tộc trưởng họ Vương, là: “Người Giáy, người Mông, người Dao hay người Nùng cũng vậy. Nếu cứ thương nhau là lấy nhau rồi pha tạp dòng máu bao đời. Thì mai này, làm gì còn giống Giáy hay Nùng. Cây trên rừng, đinh, lim, sến, táu muôn đời nay vẫn vậy. Công, quạ chẳng thể phối hôn. Con ma trong nhà, mỗi sắc tộc riêng. Từ ngàn đời nay vạn vật vẫn như thế mà trường tồn. Nay làm trái lệ ắt là khởi đầu cho thảm họa”.

Nhưng ở đây còn một điều thú vị hơn nữa đã diễn ra. Khi đa bội hóa, phong phú hóa cốt truyện dân gian, tác giả Nguyễn Thế Kỷ cũng đồng thời làm một sự chuyển dịch trọng tâm câu chuyện tình yêu ở Khau Vai: từ chuyện tình của đôi trẻ sang chuyện tình của những người già. Thật thế, chuyện tình chàng Ba nàng Út là câu chuyện ai cũng biết, không có gì lạ. Nhưng mối tình tay ba đầy những dằn vặt giữa tộc trưởng họ Vương với mẹ của chàng Ba và mẹ của nàng Út thì rất đỗi bất ngờ, bất ngờ đến mức nó gây hấp dẫn, cho dẫu tác giả không cần sử dụng đến bất kỳ chi tiết nào mang tính chất quyến dụ hay gợi dục. Mô hình của mối tình này - một ông hai bà - khiến ta nghĩ đến mối tình tay ba giữa chúa đất Sùng Chúa Đà với bà vợ cả và cô vợ hai xinh đẹp Vàng Chở trong Chúa Đất của Đỗ Bích Thúy, với nhiều biến dị. Cũng những người đàn ông già và cô độc, nhưng oai phong, vững chắc, đầy quyền lực, xứng đáng là cột trụ trong gia tộc. Nhưng nếu Sùng Chúa Đà là kiểu thủ lĩnh hung bạo, luôn thể hiện sức mạnh trấn áp và rồi trở nên cô độc vì khiến những người đàn bà của mình phải run sợ mà xa lánh, thậm chí phản bội mình, thì tộc trưởng họ Vương lại thuộc kiểu thủ lĩnh độ lượng, đôn hậu, biết ra ân ra uy đúng lúc, biết thu phục nhân tâm. Ông cô độc là bởi cứ phải sống mãi với ký ức về mối tình xưa. Ông cô độc, buồn bã, và khiến cho mẹ của nàng Út sớm biết rằng: “Đời bà, phải lấy một người suốt bao nhiêu năm thân xác ở trong nhà, tâm hồn ở ngoài nhà”. Trong cái lần hiếm hoi tưởng như hai vợ chồng sẽ thân mật gần gũi, thì cũng chính là lúc bà nhận ra ông và bà tách biệt như hai thế giới: “Ông có một cái lưng to như cánh cửa. Rộng, dài, dày, vững chắc. Trong ánh sáng lờ mờ của buổi bình minh xa xôi đang dần tới, tấm lưng của ông ngay trước mắt giống như một bức tường, lạnh lùng chặn đứng mọi ước muốn chạm vào ông của bà”. Thế nhưng nể phục và yêu kính ông, bà chấp nhận: “Bà chưa bao giờ giận chồng. Chỉ buồn thôi. Buồn lắm. Bao nhiêu năm như cuộn chỉ bị đánh rơi trong xó nhà, mốc meo lên, mạng nhện phủ kín. Trong lòng bà luôn nặng trĩu buồn phiền, bao nhiêu điều chất chứa, nhưng lại không thể và cũng không muốn nói ra”. Ở phía kia, bà Liểng, mẹ của chàng Ba, mối tình xưa của tộc trưởng họ Vương, cũng vậy. Bà Liểng không thuộc kiểu nhân vật Vàng Chở, vợ hai của chúa đất Sùng Chúa Đà, nên không thể nổi loạn, không thể bất chấp tất cả để giành lấy về mình, thỏa mãn cho mình những nhu cầu hoan lạc làm nên hạnh phúc trần tục. Bà cam phận: “Bà không bao giờ, không một khắc nào muốn nhớ đến ông Sáng. Mỗi khi nhớ đến ông ấy là một lần ruột gan bà lại chảy máu”. Cho nên, khi biết con trai mình yêu con gái của tộc trưởng họ Vương, bà đã chết. Chết trong cơn sốt, nhưng cũng là chết vì không đủ sức chịu được cú đòn thứ hai của định mệnh. Một cái chết mang hình dạng kỳ lạ: “Bà Liểng nằm đổ ra sàn, hai chân vẫn co như lúc ngồi, lưng vẫn cong, trán vẫn chạm vào hai cánh tay khoanh tròn trên đầu gối. Đúng một tư thế ấy, chỉ có điều là đổ nghiêng trên sàn nhà”. Thật ra, đấy là hình dạng của bào thai, và cái chết ấy của bà Liểng như là sự rũ bỏ tất cả phiền lụy để được hoàn nguyên là cái mầm sống ban đầu, trong tử cung, vô ưu vô tư trước mọi biến động của cuộc đời.

Bà vợ chính thất của tộc trưởng họ Vương cũng thế, chết sau khi biết con gái mình yêu con trai của người tình xưa của chồng. “Mọi thứ đổ ụp xuống như sợi xích sắt vừa to vừa nặng, níu bà Tộc xuống sát mặt đất. Bà chỉ còn có mỗi một việc duy nhất, cuối cùng, là gục xuống. Thế thôi”. Cái chết của bà vợ tộc trưởng họ Vương được tác giả mô tả như một cuộc đi theo “tiếng cha mẹ gọi”, nó khiến cho bà thấy vui, khiến cho bà có thể mỉm cười khi bước chân sang thế giới bên kia. Nhưng thật ra thì cũng là rũ bỏ. Rũ bỏ cuộc đời đầy phiền muộn. Rũ bỏ sự trầm uất của mối u tình dài dặc suốt mấy chục năm. Rũ bỏ nỗi lo sợ trước sự lặp lại của số phận, như bà Liểng. Nhưng điều đáng chú ý ở đây là cách tác giả Nguyễn Thế Kỷ để cho tộc trưởng họ Vương, người còn sống, đi từ cái chết này (của người tình) đến cái chết kia (của vợ). Mọi góc cạnh của cái bi tình trong cõi lòng người đàn ông miền núi già đều được phơi lộ. Bên mộ bà Liểng, người được ông yêu, ông vật vã, đau đớn, như mê sảng. Bên xác vợ, người yêu ông cho đến lúc chết, ông như hóa đá bởi nhận thấu sự mất mát, sự chết đi của những điều rất đỗi bình thường giản dị mà thật ra lại vô cùng quan trọng: “Người đàn bà bé nhỏ này, bông hoa anh túc của ông đã lặng lẽ héo úa, tàn phai, khô cạn, từng ngày từng ngày một, kề bên, mà ông không hề hay biết”. Một ghi chú: cùng viết về tình yêu của những người già, nhưng dễ thấy là Nguyễn Thế Kỷ viết khác Cao Duy Sơn, một tác giả đã rất thành danh trong viết miền núi. Cái bầu khí đau buồn bao trùm mối tình tay ba trong tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai khác hẳn cái bầu khí ngậm ngùi mà ấm áp của những truyện ngắn trong tập Ngôi nhà xưa bên suối của Cao Duy Sơn. Nhìn theo hướng này, có thể nói, viết miền núi của Nguyễn Thế Kỷ đã thể hiện một nỗ lực “mới hóa” khá đáng kể cho một chủ đề vốn rất hẹp.

Văn xuôi đương đại về miền núi không, chưa phải là một đại lộ. Chỉ tính riêng đối tượng, “cái được viết”, là khu vực miền núi cao phía Bắc thôi (Đông Bắc, Việt Bắc) đã có thể thấy là không có nhiều tác giả: Ma Văn Kháng, Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Tống Ngọc Hân, Nông Quốc Lập… Nhưng chính vì thế mà nó cũng trở nên là một dòng chảy nhiều hứa hẹn. Người ta có thể viết bất cứ cái gì mình muốn về dải đất phong nhiêu và còn đầy ắp những bí mật này, ví như khi Đỗ Bích Thúy viết về cái ngày hôm nay đang tươi rói và ngổn ngang trong tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu. Người ta cũng có thể viết từ kho truyền thuyết dường như không bao giờ vơi cạn đang ẩn tàng trên núi rừng Tây và Đông Bắc, như Nguyễn Thế Kỷ viết Chuyện tình Khau Vai. Vấn đề là phải yêu miền núi và có sự thâm nhập đến độ vào đời sống xã hội, đời sống văn hóa, phong tục, lời ăn tiếng nói, và những nếp gấp tâm hồn của con người nơi núi cao non thẳm. Tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã làm được điều ấy với tiểu thuyết đầu tay Chuyện tình Khau Vai, khi ông biến cái xưa cũ thành một cái mang nhiều mới mẻ đến bất ngờ.

HOÀI NAM

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy