Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
08:48 (GMT +7)

Chức năng của văn học - hệ giá trị góp phần hoàn thiện nhân cách người học

Văn học nghệ thuật là một hoạt động tinh thần không chỉ của người sáng tạo mà cả của người tiếp nhận, thưởng thức. Văn học mang những chức năng có ý nghĩa xã hội rộng lớn. Chức năng của văn học chính là vai trò, ý nghĩa, tác dụng của văn học đối với đời sống tinh thần của con người, là lý do tồn tại của văn học. Mấy chục năm qua ở nước ta, các nhà nghiên cứu đã có dịp nhìn lại lịch sử lý luận văn học từ Tây sang Đông, từ xưa đến nay để phát hiện, làm sáng tỏ thêm nội hàm phong phú của nhiều vấn đề thuộc chức năng của văn học. Các nhà lý luận đã chỉ ra tính đa chức năng của văn học.

55
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Trước đây lý luận thường xác định chức năng của văn học trên ba phương diện là nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ. Nhưng tác phẩm văn học vốn là một hiện tượng thẩm mỹ độc đáo bởi xuất phát từ sự phong phú của bản thân hiện thực, từ tính đặc thù của sự phản ánh nghệ thuật, hình tượng văn học nghệ thuật thường là một hiện tượng thẩm mỹ đa nghĩa. Do tính đa nghĩa ấy, sự tác động của văn học đối với người thưởng thức tác phẩm đặt trong đời sống và ý thức xã hội cũng bộc lộ trên nhiều bình diện, nhiều cấp độ khác nhau. Vì vậy, sẽ không đầy đủ và thiếu chính xác nếu xác định chức năng của văn học chỉ gồm ba chức năng nêu trên.

Các nhà khoa học đã đưa ra và chứng minh thêm rất nhiều chức năng khác nhau của văn học nghệ thuật như: giao tiếp, giải trí, thông tin, dự báo, minh họa, kích thích khoái cảm, tái sinh - bổ sung tinh thần, nhân đạo hóa con người, v.v.. Bài viết này bàn đến đặc trưng những chức năng cơ bản của văn học như một hệ giá trị góp phần hoàn thiện nhân cách học sinh trong nhà trường - đó là việc góp phần bồi dưỡng bốn thành tố: đức, trí, thể, mỹ.

Chức năng của văn học thường vận động, biến đổi theo sự đổi thay của đời sống xã hội. Mỗi thời đại, mỗi dân tộc tùy hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mình mà có những yêu cầu khác nhau đối với hoạt động văn học. Mỗi giai cấp, mỗi cá thể lại tùy vào điều kiện tồn tại của mình, mục đích thực tiễn của mình để có sự khai thác, tận dụng các khả năng tiềm tàng khác nhau của văn học. Vì thế, việc chỉ rõ chức năng văn học nào là quan trọng nhất cũng chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. (Ví dụ: khi cuộc sống thanh bình, người ta thích ngâm thơ, vịnh nguyệt, tìm thú vui trong thưởng ngoạn văn chương. Lúc cả xã hội dồn sức cho đấu tranh chống ngoại xâm, đấu tranh giai cấp thì chức năng nhận thức, giáo dục, dùng văn thơ làm “bom đạn phá cường quyền” sẽ nổi trội hơn chức năng giải trí, “mua vui”. Khi xã hội hiện đại coi trọng vật chất, đồng tiền “lên ngôi”, quá nhiều sự băng hoại về đạo đức, văn hóa, lối sống... làm nhức nhối lương tâm con người thì chức năng dự báo, phản biện xã hội, thức tỉnh, nhân đạo hóa con người được các nhà văn quan tâm). Việc phân chia văn học ra nhiều chức năng riêng biệt chỉ có ý nghĩa tương đối. Trên thực tế, sự tác động của nghệ thuật đến người tiếp nhận là một rung động thẩm mỹ mang tính tổng hợp của nhiều chức năng, là quá trình chuyển hóa biện chứng, phức tạp, ở đó, các yếu tố chức năng xuyên thấm, hàm chứa lẫn nhau. Một tác phẩm văn học có thể mang rất nhiều những tác dụng khác nhau đến người đọc.  

1. Chức năng nhận thức của văn học là khả năng văn học cung cấp tri thức, mang đến sự hiểu biết, giúp người đọc khám phá thế giới hiện thực. Tuy nhiên, văn học cung cấp tri thức, mang đến sự hiểu biết cho con người nhưng văn học không như các môn khoa học khác, nhận thức hiện thực theo kiểu phân môn mà phản ánh cuộc sống trong toàn bộ tính toàn vẹn của nó. Văn học chính là cuốn bách khoa toàn thư, là cái kho chứa khổng lồ những tri thức về hiện thực đời sống. Văn học dễ dàng tái hiện lại quá khứ, chứa đựng nhiều những sự kiện lịch sử, cung cấp những tri thức giá trị về kinh tế, văn hóa, quân sự…

Không chỉ có những người sáng tác, thưởng thức văn học mới nhận thấy chức năng phản ánh hiện thực của văn học, chính các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx cũng đánh giá cao khả năng cung cấp tri thức của văn học. Văn học còn giúp ta tìm hiểu thân phận của con người, khám phá các tính cách xã hội của một giai đoạn xã hội, một tầng lớp, một giai cấp…

Chức năng nhận thức của văn học nghệ thuật là vô cùng rộng lớn, tùy theo cách diễn đạt của nhà văn, sự sáng tạo của người sĩ, sự cảm thụ của người thưởng thức mà văn học có những tác động khác nhau. Chức năng nhận thức của văn học là khả năng của văn học trong việc cung cấp tri thức bách khoa về đời sống, mang lại sự hiểu biết, nhất là hiểu biết về các tính cách xã hội, những bí ẩn trong tâm hồn con người.

Lý luận ở Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập cũng xác định nội dung quan trọng nhất trong chức năng nhận thức của văn học là giúp con người tự nhận thức bản thân, hiểu được giá trị của mình, thấy được vị trí của mình, biết mình phải làm gì và có thể làm gì trong cuộc sống chung, sống cuộc sống có ý thức sâu sắc về giá trị và năng lực của mình để phấn đấu và sáng tạo

2. Chức năng giáo dục của văn học là khả năng tác động của nó tới quá trình hình thành, hoàn thiện nhân cách con người. Văn học là một môi trường nuôi dưỡng tình cảm nhân ái. Những tác phẩm văn học ưu tú luôn khơi dậy trong tâm hồn ta khả năng đồng cảm, làm cho ta biết vui, biết buồn, dạy cho ta biết yêu, biết ghét, biết khinh bỉ sự phản trắc, cái tẹp nhẹp, tầm thường, lười biếng. Văn học khơi dậy ở ta niềm tin vào sự tất thắng của cái thiện, niềm tin vào cuộc sống.

Trước đây, khi bàn về chức năng giáo dục của văn học, vấn đề giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng lập trường giai cấp, thường được đề cao: “Chức năng cải tạo cũng là chức năng đấu tranh, chức năng chiến đấu và chức năng tạo dựng của văn học. Tính chất “công cụ”, “vũ khí” của văn học biểu hiện ở chỗ này (…). Nói đến chức năng cải tạo của văn học là nói đến việc nhà văn dùng tác phẩm để truyền đạt lý tưởng sống của bản thân mình, mà cũng là lý tưởng sống của một giai cấp, một lực lượng, một thời đại mà mình là tay, chân, tai, mắt” (1).

Hiện nay, chức năng giáo dục được nhấn mạnh ở khả năng “cảm hóa”, tự giáo dục của văn học nghệ thuật. Hiệu quả của tác phẩm đến với con người một cách tự nhiên. Trong quá trình tác động để cải biến con người, tác phẩm nghệ thuật là người đồng hành, người đối thoại với bạn đọc. Tác phẩm chân chính bao giờ cũng nhằm khơi dậy cuộc đấu tranh, sự vật lộn bên trong ở mỗi người khi tiếp nhận nghệ thuật. “Nó là tấm gương để con người tự soi mình, tự đối chiếu và tự phán xét về người khác, cũng như về chính bản thân mình. Bằng cách đó, văn học chuyển quá trình giáo dục thành tự giáo dục” (2).

Như vậy các nhà nghiên cứu lý luận đã thừa nhận tác động của văn học đối với con người là mạnh mẽ, nhưng lâu dài, chìm sâu vào nỗi trăn trở của nhân cách. Sự giáo dục bằng nghệ thuật không có tính chất cưỡng bức mà là một hoạt động tự giác, văn học nghệ thuật gieo vào lòng người sự cảm nhận về cái tốt, ý thức về cái xấu, nỗi khát khao hướng thiện, tất cả nằm trong thế khả năng chứ không phải sự tác động tức thì.

Trong chỉ đạo chương trình đổi mới môn Ngữ văn giảng dạy ở bậc phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 19/1/2018) có nêu rõ: “Cùng với yêu cầu tích hợp nội môn, trong khi dạy đọc, viết, nói và nghe, giáo viên còn phải biết tận dụng các cơ hội để lồng ghép một cách nhuần nhuyễn, hợp lí vào giờ học các yêu cầu giáo dục liên môn (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Nghệ thuật) và những nội dung giáo dục ưu tiên xuyên suốt toàn chương trình giáo dục phổ thông (chủ quyền quốc gia, hội nhập quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới, giáo dục tài chính,...).

Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, chức năng giáo dục của văn học có đặc thù riêng của nó mà nếu hiểu không đúng thì việc “lồng ghép”, “tích hợp” những nội dung khác vào bài giảng sẽ biến giờ giảng văn thành giờ giáo huấn đạo đức và các vấn đề khác phi văn học, bởi bản thân văn chương đã mang tính tự giáo dục rất sâu sắc và tinh tế.

Việc thầy/cô dạy “tích hợp” nhiều vấn đề trong giờ văn có thể sẽ “thủ tiêu” văn chương, làm cho giờ văn trở nên khiên cưỡng, đơn điệu, nhạt nhẽo, xơ cứng. Văn chương không thể là gì khác ngoài việc nó phải luôn được là chính nó thì mới phát huy được chức năng đặc thù của văn chương đối với con người và cuộc sống: nó giúp người đọc hiểu biết sâu sắc về thế giới, về “con người bên trong con người”, giúp con người sống nhân hậu, biết yêu thương, biết căm ghét cái xấu, cái ác, cái đê hèn để hướng đến những ứng xử mang giá trị nhân văn, góp phần làm cuộc sống ngày càng thêm tốt đẹp.

3. Chức năng thẩm mỹ được xem xét ở hai cấp độ cơ bản: 1/ Thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, khơi dậy những khoái cảm nghệ thuật; 2/ Hình thành thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ, đánh thức chất nghệ sĩ và tinh thần sáng tạo của con người. Xét về mối quan hệ của các chức năng với nhau lý luận đổi mới nhận thức chức năng thẩm mỹ là nét riêng nhất làm cho văn học nghệ thuật là hình thái ý thức không thể thay thế được.

Nếu trước đây, trong bối cảnh đấu tranh giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX, chức năng thẩm mỹ cũng được nhắc đến nhưng đặt ở mức thấp hơn so với chức năng tuyên truyền, giáo dục thì nay đến thời kỳ đổi mới, ý thức về vị trí của chức năng thẩm mỹ được nhìn nhận lại công bằng, hợp lý hơn. Chức năng thẩm mỹ được coi là chức năng đặc thù tương ứng với đặc trưng, bản chất của văn học nghệ thuật. Dạy - học văn chương trong nhà trường là góp phần phát triển năng lực thẩm mĩ của học sinh qua việc tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật, qua lời ăn tiếng nói khi giao tiếp, qua vẻ đẹp nhân văn của đề tài, chủ đề, của tư tưởng và hình tượng nghệ thuật.

4. Lý luận văn học hiện nay cũng lưu ý rằng, sở dĩ nghệ thuật dễ tác động, biến cải được con người là bởi nó vui tươi, hấp dẫn. Dường như giáo dục, giải trí, vui chơi hợp làm một. Thậm chí những tác phẩm thuộc các thể loại hài hước, châm biếm tưởng như thiếu “nghiêm túc” thì việc giáo dục lại đặt ra hết sức nghiêm túc. Từ điểm độc đáo này của sự tác động nghệ thuật, lý luận khẳng định thêm một chức năng nữa của văn học nghệ thuật mà trước đây không được bàn đến: chức năng giải trí.

Từ trong bản chất của mình văn học nghệ thuật mang chức năng giải trí. Nhà lý luận người Mỹ, Barnet cho rằng trong văn học nghệ thuật có yếu tố “trò diễn”, có nghĩa là mua vui, vui chơi, người đọc chờ đợi ở tác phẩm sự vui thú, khoái trá. Không thể quan niệm đơn giản rằng văn học nghệ thuật chỉ là để “mua vui”, nhưng nếu không chú ý đến điểm này sẽ làm cho văn học nghệ thuật ít hấp dẫn, lôi cuốn. Giải trí trong văn học nghệ thuật không hẳn giống như giải trí trong các lĩnh vực khác như chơi cờ, đi dạo, chơi các môn thể thao,… đây là quá trình độc giả tìm đến những khoái cảm thẩm mỹ, những rung động tình cảm mà nghệ thuật mang lại. Nó làm cho con người thích thú, say mê, khát khao hướng về cái đẹp, cái thiện. Giải trí bằng văn học nghệ thuật làm cuộc sống của con người phong phú hơn, có thể nói văn học nghệ thuật là “trò diễn” hữu ích đối với con người. Nó khơi dậy, thắp sáng lên trong con người một nguồn lực trong trẻo, ham sống và yêu đời, nhìn thẳng vào sự thật, khắc phục các khó khăn và trở ngại, đấu tranh chống tiêu cực, cái xấu và cái ác.

Tóm lại, trong bối cảnh giáo dục hiện nay việc đào sâu, hiểu đúng hơn về nội hàm những chức năng cơ bản của văn học là một điều quan thiết. Những nhận thức mới về nhiều phương diện của chức năng văn học nghệ thuật đã góp phần khẳng định rõ hơn tầm quan trọng của văn học đối với cuộc sống xã hội con người nói chung và giáo dục hoàn thiện nhân cách học sinh trong nhà trường nói riêng. Đồng thời nó cho thấy “sự gắn bó giữa các chức năng làm cho văn học có sức tác động sâu xa, bền bỉ, có sức sống, mãnh liệt, lâu dài trong đời sống của chúng ta”(3).

 

---------------

(1). Nhiều tác giả (1978), Văn học cuộc sống nhà văn, (Hoàng Trinh chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,tr.188.

(2). Phương Lựu (Chủ biên) (1997), Lý luận văn học (tái bản lần thứ nhất), Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.174, 175.

(3). Trần Đình Sử (Chủ biên), (2007), Giáo trình lý luận văn học, Bản chất và chức năng văn học, Nxb. ĐH Sư phạm, Hà Nội, tr.221.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy