Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
00:42 (GMT +7)

“Cặp kép vàng” của văn công Thái Nguyên

VNTN - Mang trong mình niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng, trong suốt gần nửa thế kỷ qua đôi vợ chồng nghệ sĩ Trần Yên Bình và Nguyễn Thị Thanh luôn song hànhcùng nhau để dàn dựng, biểu diễn các tiết mục thuộc nhiều loại hình nghệ thuật như cải lương, kịch, chèo, hát then… Giờ đây, tuy đã có tuổi nhưng họ vẫn luôn“cháy” hết mình để mang lại niềm vui cho đời và tâm huyết để duy trì, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống đã gắn liền với mảnh đất xứ Trà.

Một thời huy hoàng của ca kịch Thái Nguyên

Một ngày cuối năm, tôi có dịp được gặp gỡ vợ chồng nghệ sĩ Trần Yên Bình (1954) và Nguyễn Thị Thanh (1958) (đều là hội viên Chi hội Sân khấu, Hội VHNT tỉnh). Bên bàn trà nóng, nghe họ say sưa trò chuyện về nghiệp diễn, tôi mới biết được rằng mảnh đất xứ Trà này đã từng có những giai đoạn dù gian khó, vất vả nhưng lại có một nền ca kịch vang danh khắp các tỉnh miền núi phía Bắc.

 

Dàn diễn viên, nhạc công của Đoàn Cải lương Bắc Thái (năm 1974). Bà Thanh hàng trước, ông Bình hàng sau thứ hai từ phải sang.

Nói về nghiệp diễn của mình ông Bình vui vẻ: “tất cả đều là cái duyên, là nghề đã chọn mình”. Khi còn là thanh niên, ông Bình đã hăng hái tham gia các hoạt động của đoàn thể. Từ ca, múa, nhạc đến đàn ca sáo nhị ông đều đam mê. Đến năm 1973, ông được tham gia lớp học về kỹ thuật biểu diễn hát Chèo, dàn dựng nghiệp dư do Ty Văn hóa Thông tin tỉnh tổ chức. NSƯT Thọ An (Phó Trưởng đoàn Đoàn Cải lương Bắc Thái khi đó) tham gia giảng dạy và nhận thấy ông Bình có năng khiếu nên đã mời ông vào Đoàn. Được những người đi trước tận tình chỉ bảo, hăng hái học hỏi, ông Bình đã nhanh chóng khẳng định được mình và trở thành diễn viên chủ chốt của Đoàn. Vai diễn của ông chủ yếu là các nhân vật có tính cách mạnh như: Sùng Ân, vở “Nùng Văn Vân”; Triệu Trung, vở “Rừng xưa hương mới”… Ông Bình chia sẻ: “Tôi vào nhiều vai, nhưng sâu sắc, ấn tượng nhất là vai Đại úy Hiệp trong vở “Mật danh A 20” - một sĩ quan tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam cài cắm vào hàng ngũ địch. Vở được công diễn hàng chục lần, thân thuộc đến mức ra đường, nhiều người gọi tôi là “Đại úy Hiệp”, hoặc “Mật danh A 20”. Mãi đến tận bây giờ, mọi người vẫn thường gọi tôi với cái biệt danh thân quen như vậy”.

Trong Đoàn khi đó có một “đào thương” trẻ tuổi nhất là bà Nguyễn Thị Thanh, chỉ mới 18 tuổi. Bà Thanh được coi là hoa khôi, hát hay, thông minh và cá tính của Đoàn. Hơi “khác thường” là tuy trẻ tuổi nhưng bà lại thường xuyên diễn các nhân vật có tuổi như bà cụ già, mẹ già và chính những vai diễn đó đã mang lại tên tuổi cho bà. Bà Thanh bồi hồi nhớ lại những ngày đó: “Mới vào Đoàn, tôi được lãnh đạo phân công đóng vai má Hồng trong vở “Bà mẹ bên sông Hồng”. Nghĩ là lãnh đạo làm khó mình, tôi ức lắm, định xin nghỉ việc. Nhưng nhờ các anh chị khuyên bảo nên tôi đã thử đóng và thật bất ngờ vai diễn đã thành công, được mọi người khen ngợi. Sau vai diễn “nhớ đời” đó cùng vài vai diễn “bà già” khác nữa, tôi được nhận vào biên chế và tăng lương trước thời hạn hai năm rưỡi”.

Không ít vai do bà Thanh đảm nhận trong các vở diễn lại là mẹ, bà của nhân vật mà ông Bình thủ vai. Bất kì vở diễn nào, họ đều phối hợp với nhau rất ăn ý, dần dần trở thành cặp kép ăn ý nhất của Đoàn. Việc cùng nhau tập luyện, trải qua những chuyến đi diễn vất vả đã khiến họ nảy sinh tình cảm và nên duyên vợ chồng vào cuối năm 1978. Chính nghệ thuật cải lương đã gắn bó 2 con người này lại với nhau.

Ngày ấy, đất nước mới thống nhất nên đời sống anh em văn công còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, sự yêu mến, đón nhận nghệ thuật của bà con thì luôn nồng cháy. Mỗi lần Đoàn di chuyển đến địa điểm biểu diễn, trai tráng địa phương đến giúp khiêng, mang đồ, cùng vượt suối, băng đèo, giúp dựng sân khấu, đốt đuốc… làm ánh sáng nghệ thuật. Đáp lại sự mong mỏi của người xem, anh chị em trong Đoàn đã khắc phục khó khăn để “cháy” hết mình cho nghệ thuật. Là người trẻ tuổi nên ông Bình thường xuyên phải đạp xe đi tiền trạm bằng chiếc xe cà tàng. Có những đợt tiền trạm phải mất vài ngày, đạp xe đi cả trăm cây số đường rừng, rồi lại lật đật chạy khắp nơi tìm người phụ trách mảng văn hóa văn nghệ của xóm bản lúc này đang phát nương trên rừng hoặc đang cày ruộng. Lương thực không phải lúc nào cũng được đảm bảo, có khi chỉ là ăn cơm trộn sắn, cơm độn hạt bo bo. Bà Thanh cười bảo: mỗi lần đi lĩnh gạo cho Đoàn, thường thì tiêu chuẩn được 9kg gạo, nhưng bên cấp gạo không còn đủ nên chỉ cho 6kg gạo và bù 3kg phân đạm để đổi lấy thực phẩm. Những đợt nhận đủ gạo, anh em văn công tếu táo nói vui rằng “may quá đợt này không phải ăn “phân” thay cơm!”.

Năm 1979, bà Thanh rời Đoàn để đi học trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Ông Bình thì vẫn thường xuyên đi diễn xa nhà. Từ sáng sớm, bà Thanh đã bế con nhỏ lên trường gửi nhờ người quen, đến tối mịt mới trở về nhà rồi tranh thủ vừa chăm con, vừa ôn bài. Bà Thanh chia sẻ: “Chồng đi diễn triền miên, có khi 3 - 4 tháng mới về nhà được ít hôm. Liên lạc thì chỉ qua vài bức thư tay hiếm hoi gửi qua xe chở đồ đi tiếp tế cho Đoàn. Lắm lúc muốn nghỉ học nhưng anh Bình lại động viên “Cố lên em nhé! Gắng học tập, nhất định sau này sẽ đỡ vất vả”, tôi lại rưng rưng và tự nhủ mình phải vững vàng hơn. Chị em chúng tôi vẫn bảo với nhau rằng: Làm vợ của văn công có khi còn vất vả hơn làm vợ bộ đội”.

Học xong 4 năm chính quy, tốt nghiệp loại xuất sắc, bà Thanh về làm ở Cung Thiếu nhi thành phố Thái Nguyên, đảm nhận công tác dạy nhạc, dàn dựng biểu diễn. Nhiều chương trình, tiết mục bà dàn dựng cho các chiến sĩ, cán bộ, viên chức, học sinh đi thi đã đạt được giải cao. Đáng kể nhất là các em thiếu nhi thành phố Thái Nguyên khi đó đã có lúc liên tiếp 5 năm liền đoạt giải Nhất cuộc thi “Hoa phượng đỏ”. Đam mê, được trải qua tích lũy, rèn luyện không ngừng nghỉ, và cũng một phần do năng khiếu bẩm sinh nên bà Thanh có khả năng xướng âm từ bản nhạc mà không cần nhạc cụ. Bà cầm bản nhạc, nhẩm một lúc là có thể diễn xướng được bài hát ngay, đảm bảo chính xác. Không nhiều người có khả năng này.

Buổi biểu diễn mà ông Bình sẽ không bao giờ quên là vào dịp ông tham gia Đội xung kích của Đoàn Cải lương tình nguyện lên biên giới phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên các điểm tựa 455 và 607 (tháng 3/1979). Đã chiều muộn, nhưng chỉ có mấy chục chiến sĩ đều bị thương, băng bó đầy người đang ngồi tựa vai nhau. Đoàn tính chậm giờ biểu diễn lại để nhiều chiến sĩ được xem hơn. Đồng chí Tiểu đoàn Trưởng nghẹn giọng: Các đồng chí cứ cho diễn đi, cuộc chiến đấu trên điểm tựa khốc liệt lắm, cả Tiểu đoàn còn vỏn vẹn ngần này thôi, còn lại đều về với đất mẹ hết rồi… Và các ông đã diễn khi chính trái tim mình đang nhỏ giọt lệ hồng. Trích đoạn vở diễn “Mật danh A20” đang được diễn ra thì một tiếng nổ đinh tai nhức óc từ đằng xa vọng lại. Mọi người quáng quàng chạy ra xem thì một sự việc nhói lòng hiện ra trước mắt. Một chiến sĩ trẻ tuổi bị dẫm phải mìn bị thương nặng. Thì ra, chàng lính này nhớ ở khu vực đó có một chiếc kèn của địch bỏ lại nên liều chạy ra đó mang về để tặng đoàn văn công. Ai ngờ bị dẫm phải mìn, thật đau xót. Đồng đội băng bó lại cho anh ta, dù rất đau đớn nhưng chàng chiến sĩ ấy vẫn cố gắng gượng để xem Đoàn biểu diễn đến hết chương trình… Kết thúc chương trình, diễn viên và chiến sĩ ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Và vở diễn “Mật danh A20” trên điểm tựa biên giới đó cũng chính là vở cuối cùng mà ông Bình đảm nhận dưới danh nghĩa Đoàn. Năm 1979, Đoàn Cải lương Bắc Thái đã hoàn thành sứ mệnh của mình, sáp nhập với Đoàn Kịch nói Bắc Thái. Kể từ đó, ông Bình trở thành cán bộ của Đoàn Kịch nói Bắc Thái.

Dù đã đảm nhận nhiệm vụ công tác khác, nhưng vợ chồng Bình - Thanh vẫn tranh thủ hễ có thời gian là lại cùng nhau viết kịch bản, dàn dựng và tham gia biểu diễn. Dù có những lúc vẫn xảy ra tranh luận nảy lửa trong các buổi tập, buổi dàn dựng, thậm chí “cạch” mặt nhau đến vài hôm nhưng cuối cùng là lại đâu vào đấy. Bởi những xung đột đó đều hướng đến một tác phẩm biểu diễn hoàn hảo, ưng ý nhất để mang lại cho khán giả những tiết mục hấp dẫn.

Có thể nói gia đình ông Bình, bà Thanh là một gia đình thật đặc biệt. Cả ông bà và hai người con của họ đều đang hoạt động, cống hiến hết mình trong lĩnh vực nghệ thuật. Ông Bình tâm sự: “Khi đi dàn dựng chương trình và biểu diễn chúng tôi thường cho các con đi cùng và chúng “đã lớn lên bên cánh gà sân khấu”. Chúng tôi cũng thường xuyên cho các con trực tiếp tham gia diễn kịch, múa, hát, làm MC cùng các diễn viên”. Chính từ môi trường đó mà niềm đam mê nghệ thuật đã thấm vào các con của họ một cách tự nhiên lại cộng với “gen” nghệ thuật được truyền lại từ bố mẹ, hai người con của họ đã nhanh chóng có những vị trí nhất định trong lĩnh vực nghệ thuật. Người con trai lớn Trần Quốc Bảo tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Trường Đại học Nghệ thuật Seoul Hàn Quốc theo xuất học bổng châu Á Thái Bình Dương. Hiện anh đang là thạc sĩ, giảng viên hội họa tại trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Con gái Trần Lệ Thu tốt nghiệp Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nay là thạc sĩ, giảng viên khoa Kiến thức Nghệ thuật trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Cả hai người con của họ đã lớn lên từ chiếc nôi nghệ thuật của gia đình. Giờ đây, các anh chị đều rất tâm huyết với nghề và đang nỗ lực truyền dạy nghệ thuật cho các thế hệ tương lai.

Lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống

Ông Bình bộc bạch: Đoàn Cải lương Quyết Tiến - sau này là Đoàn Cải lương Bắc Thái (thành lập năm 1952, tại Phố Giá, Phổ Yên) - tự hào là một trong những đoàn nghệ thuật đầu tiên, là cái nôi nghệ thuật của miền núi phía Bắc. Đoàn đã hoạt động hết sức hiệu quả, phục vụ cho kháng chiến, đem lại những món ăn tinh thần hấp dẫn cho nhân dân khắp các tỉnh miền núi phía Bắc. Dù cho Đoàn đã giải thể nhưng thế hệ sau như chúng tôi cần phải có trách nhiệm duy trì và phát huy những giá trị đó.

 

Ông Bình, bà Thanh trong một tiết mục song ca cải lương

Ông Bình cho biết thêm: Sau khi Đoàn Cải lương Bắc Thái giải thể, các thành viên của Đoàn người thì tham gia vào loại hình nghệ thuật khác, người thì làm việc khác để mưu sinh… nhưng tất cả họ có điểm chung là ngọn lửa đam mê cải lương luôn âm ỉ trong lòng. Chỉ cần có người đứng ra tập hợp lại thì nhất định ngọn lửa đam mê đó sẽ bùng cháy.

Suy nghĩ thôi thúc hành động, năm 2005, ông Bình khi đó đang giữ chức Phó Trưởng đoàn Kịch Thái Nguyên đã đi khắp nơi để kêu gọi, tập hợp những người có cùng đam mê, năng khiếu với cải lương và cả hát then - một loại hình nghệ thuật đặc trưng của tỉnh nhà. Quyết tâm thực hiện nên chỉ một thời gian ngắn, lần lượt 2 câu lạc bộ thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh được ra đời: Câu lạc bộ Cải lương Thái Nguyên vào năm 2005 và Câu lạc bộ Đàn tính hát Then Thái Nguyên vào năm 2006.

CLB Cải lương Thái Nguyên được thành lập ban đầu với 20 thành viên. CLB không chỉ thu nạp những người từng một thời công tác tại Đoàn Cải lương, mà cả những người mê mến cải lương tham gia. Điển hình nhất có thể kể đến cụ Nguyễn Quang Thông, đã 91 tuổi. Hiện, CLB có 8 nghệ sĩ nguyên là cán bộ, diễn viên, nhạc công của Đoàn Cải lương, còn 27 thành viên là những người yêu thích tự nguyện tham gia. Căn nhà nhỏ của ông Bình trở thành địa điểm sinh hoạt thường xuyên của CLB Cải lương và đôi khi là cả CLB đàn Tính hát Then. Ông Bình sáng tác, làm công tác tổ chức dàn dựng, bà Thanh thì thiên về hướng dẫn kĩ thuật, động tác biểu diễn cho các hội viên. Có một điều thuận lợi là gia đình ông Bình đã mở một cửa hàng cho thuê đạo cụ, trang phục biểu diễn được gần hai chục năm nay nên tất cả đạo cụ, trang phục biểu diễn của 2 CLB đều được ông Bình hỗ trợ.

 

Cả gia đình ông Bình, bà Thanh đều đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong ảnh: ông Bình, bà Thanh cùng các con, cháu

Không chỉ thỏa niềm đam mê cá nhân, các CLB luôn gắn trách nhiệm xã hội trong các hoạt động. Ông Bình và các thành viên đã tự sáng tác nhiều bài hát quảng bá về vùng đất, con người Thái Nguyên, về biển đảo Tổ quốc và tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng. Các CLB cũng thường xuyên đi giao lưu ở tỉnh khác để giới thiệu “đặc sản” của Thái Nguyên. Sự tồn tại của các CLB đó ngày hôm nay, chính là sự nỗ lực của ông Bình, bà Thanh và những nghệ sĩ, người yêu mến cải lương, đàn tính, hát then.

Cuối buổi, ông Bình bà Thanh tiễn tôi bằng một bài cải lương: Đây Thái Nguyên xứ trà quê em/ Vang khúc ca điệu chèo tiếng tính lời then/ Nương chè trải gấm mênh mông/ Tiếng lành đệ nhất danh trà/ Vị đượm đà hương thơm sắc trà vấn vương (“Chiến khu hát mãi ơn người”, tác giả Trần Yên Bình, theo điệu Khúc ca hoa trúc). Sự kết hợp giữa ông bà thật sự ăn ý, nhuần nhuyễn từ phong cách biểu diễn đến giọng ca đằm thắm hòa quyện vào nhau. Thế mới thấy rằng, tuổi tác thật khó có thể làm suy giảm đi niềm đam mê, khả năng biểu diễn nghệ thuật của những nghệ sĩ chân chính. Nhất định “Cặp kép vàng” của Thái Nguyên vẫn sẽ luôn “cháy” hết mình vì nghệ thuật, như cách mà họ đã cống hiến trong suốt gần nửa thế kỷ qua.

Anh Thắng

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 9 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước