Cần cơ chế và những quy định phù hợp trong quảng bá phim do Nhà nước đặt hàng
Cục Điện ảnh cho biết, mỗi năm Nhà nước đặt hàng từ 2 - 3 phim truyện; 30 phim tài liệu khoa học và gần 20 phim hoạt hình để phục vụ nhiệm vụ chính trị kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước từ nguồn ngân sách của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL). Tuy nhiên, số lượng phim được phát hành tại rạp vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, do đó Cục Điện ảnh đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành cơ chế, quy định cụ thể về phát hành và phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước.
Hài hòa những lợi ích
Theo số liệu từ Cục Điện ảnh, từ năm 2011 đến năm 2022, ngân sách nhà nước cấp cho đặt hàng sản xuất phim và tài trợ phổ biến phim trung bình là 65.6 tỷ/năm (trong đó có 500 triệu đồng dành cho việc in các bản phim, các tài liệu tuyên truyền phục vụ các tuần phim, ngày lễ lớn, làm phụ đề và in bản phim, tài liệu tuyên truyền phục vụ công tác giới thiệu phim Việt Nam ra nước ngoài).
Khoản ngân sách này không dành cho việc quảng bá tác phẩm. Chỉ tính riêng năm 2023, kinh phí sản xuất và tài trợ phổ biến phim do Nhà nước cấp là 98 tỷ, trong đó có 500 triệu đồng dành cho tài trợ phổ biến phim để thực hiện nhiệm vụ trên. Kinh phí dành riêng cho công tác quảng bá, phát hành phim chưa được quy định. Như vậy, chỉ tính trong ba năm trở lại đây, nguồn kinh phí đặt hàng sản xuất phim không có “món” nào dành cho việc tài trợ phổ biến phim, so với phim tư nhân thì đây là một khác biệt rất lớn.
Trước thực tế, đời sống nghệ thuật có quá nhiều loại hình nghệ thuật đang thi nhau nở rộ, thì việc “áo gấm đi đêm”, thụ động theo kiểu “hữu xạ tự thiên hương” đã không còn tác dụng, mà thay vào đó phải là những chiến dịch truyền thông rầm rộ. Với lĩnh vực điện ảnh, thì việc quảng bá tác phẩm, đẩy mạnh truyền thông là yếu tố quyết định thành bại của bộ phim. “Đào, phở và piano” cán mốc 28 tỷ đồng cũng từ truyền thông mạng xã hội. Sự góp mặt và phát huy tác dụng mạnh mẽ của truyền thông, mạng xã hội đã thổi làn gió mới cho điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung.
Có thể đưa ra một so sánh nhỏ, thời điểm công chiếu “Đào, phở và piano” bộ phim “Hồng Hà nữ sĩ” - một bộ phim lịch sử tái hiện cuộc đời, chân dung nữ sĩ Đoàn Thị Điểm được cho là công phu cũng được ra mắt. Tuy nhiên, phim chỉ đạt danh thu vô cùng khiêm tốn ở mức vài trăm triệu đồng. Trước đó, nhiều bộ phim Nhà nước đặt hàng cũng không thu hút được khán giả, phải chịu cảnh thua lỗ nặng nề. Các bộ phim được đầu tư hàng chục tỷ đồng như: “Tâm hồn mẹ”, “Mê”, “Cát nóng”, “Thạch Thảo”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Hợp đồng bán mình”, “Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác”… đều có chung số phận. Câu chuyện sản xuất, nghiệm thu rồi cất vào ngăn tủ là một thực tế không thể phủ nhận của những bộ phim do Nhà nước đặt hàng.
Đứng ở góc độ khán giả, nhiều người đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm về sự khô cứng, tính lí luận, tâm lý cầu toàn trong nội dung phim truyền tải khiến họ nhàm chán, thậm chí còn có ý kiến còn cho rằng mô típ phim "chính" thắng "tà", người tốt bao giờ cũng được đền đáp… đã không còn cuốn hút người xem. Cái khán giả cần trong phim chính là những lát cắt của đời sống đương đại. Điều này, khán giả tìm thấy ở những hãng phim tư nhân và thực sự bị cuốn hút bởi những chiến dịch truyền thông cho phim của họ.
“Mai” của Trấn Thành; chuỗi phim “Lật mặt” của Lý Hải là những ví dụ điển hình về sức mạnh truyền thông trong điện ảnh. Đạo diễn Đào Thanh Hưng, Giám đốc hãng phim tư nhân Miền đất điện ảnh khẳng định, dù là phim thương mại hay phim Nhà nước đặt hàng thì tất cả các dự án phim phải chuẩn bị cho mình kế hoạch phát hành cũng như các kế hoạch truyền thông và quảng bá một cách kịp thời mới có thể chạm được vào tất cả khán giả. Sự hài hòa lợi ích kinh tế (của nhà sản xuất) và nhu cầu hưởng thụ món ăn tinh thần của khán giả chính là bài toán mà truyền thông giữ vai trò đáp án.
Tìm ra tiếng nói chung
Chỉ ra những bất cập khiến phim Nhà nước đặt hàng phần nhiều nằm trong “ngăn kéo” chính là những bất cập từ khâu sản xuất đến phổ biến phim. Đa phần phim Nhà nước đặt hàng đều tuân thủ theo định mức kinh tế kỹ thuật quy định tại Quyết định số 2484/QĐ-BVHTTDL ngày 21/9/2021. Trong đó đơn giá đặt hàng sản xuất phim truyện điện ảnh bao gồm các chi phí trực tiếp sản xuất và 100 triệu đồng chi phí quảng bá, tổ chức một buổi ra mắt phim. Đây là khoản kinh phí quá nhỏ so với việc quảng bá phim ra thị trường hiện nay. Trước những khó khăn liên quan đến việc sản xuất, phổ biến các phim sử dụng ngân sách nhà nước, đại diện Cục Điện ảnh đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) chỉ đạo các cơ quan tham mưu, quản lý tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chính sách, cơ chế để tạo hành lang pháp lý chắc chắn, không chồng chéo, hoặc mâu thuẫn với các quy định đã được ban hành.
Trước mắt, Cục Điện ảnh đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho thí điểm cơ chế chi trả cũng như xây dựng một khung cơ chế rõ ràng, nguồn ngân sách cụ thể về phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước. Cục Điện ảnh cũng kiến nghị bổ sung các quy định để có cơ sở thực hiện nhiệm vụ kết hợp sản xuất phim từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, cần tạo sân chơi bình đẳng - có lịch công chiếu phù hợp giữa phim Nhà nước đặt hàng với phim tư nhân tại các rạp chiếu bởi ngoài Trung tâm chiếu phim quốc gia, đa phần các rạp chiếu phim hiện nay là của tư nhân quản lý hay của các pháp nhân có vốn nước ngoài.
Các rạp chiếu phim tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và theo quy luật thị trường, phim có đông người xem, phim tỷ lệ chiếm ghế nhiều sẽ được giữ lại, thậm chí chiếu tràn lan các suất chiếu sang các phòng chiếu khác. Ngược lại, phim ít người xem (không ngoại trừ phim Nhà nước đặt hàng) sẽ bị cắt suất chiếu. Vì vậy, để làm được điều này, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, cần phải có quy định cụ thể, thế nào về xã hội hóa để khắc phục tình trạng phim sử dụng ngân sách nhà nước hay do Nhà nước đặt hàng chỉ chiếu phục vụ ngày lễ và cuối cùng là “cất kho”. Chưa kể, những phim sử dụng ngân sách nhà nước hay Nhà nước đặt hàng vốn kén khách, không hướng nhiều đến các tiêu chí giải trí mà hướng đến tiêu chí tuyên truyền và thực hiện các nhiệm vụ chính trị; khi ra đến rạp, nếu không có tiền thuê rạp, cùng các chi phí khác rất khó để các chủ rạp tổ chức chiếu và đây chính là điểm nghẽn cần phải được tháo gỡ.
Thực tế cho thấy, để những phim điện ảnh đạt mức doanh thu khủng, ngoài khâu kịch bản chất lượng, đội ngũ diễn viên có diễn xuất đỉnh cao thì khâu quảng bá phim được xem là quan trọng không kém, thậm chí kinh phí tương đương với sản xuất phim (in poster và làm trailer để công chiếu). Chính vì vậy, việc đề xuất nên có một kênh truyền hình dành riêng cho việc quảng bá phim được đưa ra nhằm tạo sự đồng bộ và thêm cơ hội cho phim Nhà nước đặt hàng. Bởi, nếu chỉ đầu tư cho phim mà không quảng bá, giới thiệu và phát hành phim thì phim sẽ không thể đến được với số đông khán giả.
Gỡ điểm nghẽn trong cơ chế đặt hàng, phát hành phim và tạo sự cân bằng trong sân chơi điện ảnh đã và đang được xem là những việc cần làm ngay để phim Nhà nước đặt hàng có thể sống khỏe trong đời sống nghệ thuật. Và để làm được điều này, hơn lúc nào hết, những kênh phát sóng hiện có của Đài Truyền hình, chương trình Văn hóa văn nghệ của đài phát thanh trung ương cần có thời lượng nhất định dành cho quảng bá những bộ phim do Nhà nước đặt hàng. Trước đây VTV có chương trình “Điện ảnh chiều thứ Bảy” giới thiệu những bộ phim kinh điển, phim do Nhà nước đặt hàng mang tính giáo dục cao được khán giả đón nhận. Tuy nhiên thời gian gần đây, “Điện ảnh chiều thứ Bảy” không còn được duy trì. Đây cũng là một thiệt thời cho khán giả và cũng là một hạn chế cho phim điện ảnh nói chung, phim do Nhà nước đặt hàng nói riêng đến với khán giả yêu điện ảnh.
Chính vì vậy, cơ chế phối hợp, tháo gỡ điểm nghẽn cần phải có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội. Có như vậy phim tư nhân, phim Nhà nước đặt hàng mới có cơ hội bình đẳng trong thu hút khán giả và xác định được thị phần, đối tượng phục vụ, từ đó xây dựng được chiến lược phát triển dài hơi, bền vững.
Minh Nguyệt
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...