Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
08:35 (GMT +7)

Các nhà văn Thái Nguyên trước đề tài lịch sử*

VNTN - Thời kỳ trước Cách mạng, trong kháng chiến, nước ta đã từng có nhiều nhà văn viết rất thành công về đề tài lịch sử. Thời kỳ 1932 - 1945 đã từng nổi lên những tên tuổi như Nguyễn Huy Tưởng (Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô); Trương Tửu (Tráng sĩ Bồ Đề); Đái Đức Tuấn (Kho vàng Sầm Sơn)…Rầm rộ nhất có lẽ là vào thời kì Đổi mới với sự xuất hiện của nhiều tác giả cùng những tác phẩm đồ sộ, có tiếng vang trên văn đàn: Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn; Hoàng Quốc Hải với bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần gồm bốn cuốn; Nguyễn Quang Thân với Hội thề; Ngô Văn Phú với Gươm thần vạn kiếp, Cờ lau dựng nước… Đó là những cuốn sách hoặc những vở kịch lớn sống mãi trong lòng người đọc.

Nhưng công bằng mà nói, những tác phẩm viết về đề tài lịch sử ở ta vẫn chưa tái tạo được xứng đáng so với sự thật lịch sử lẫm liệt và cũng đầy gập ghềnh, trắc trở, bi thương của lịch sử Việt Nam.

Tỉnh Thái Nguyên trong các triều đại phong kiến, nói chung là một vùng đất heo hút, hoang vu, cách trở nhưng không phải không ẩn tàng những sự kiện lịch sử lớn, thậm chí vô cùng quan trọng, có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong tiến trình lịch sử của đất nước. Ví như Lý Nam Đế, người lập nên nước Vạn Xuân vào thế kỉ thứ VI; như Phò mã lang Dương Tự Minh người dân tộc Tày, anh hùng chống giặc Tống (1148); như Lưu Nhân Chú, người xã Vân Yên, huyện Đại Từ, một danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, được Lê Lợi phong chức tể tướng. Rồi trong lịch sử cận đại có cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên vang dội do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo; trong Cách mạng và Kháng chiến, Võ Nhai là quê hương của Cứu Quốc quân, Định Hóa là khu ATK, nơi Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lãnh đạo toàn dân chống Pháp, làm nên biết bao kì tích lịch sử huy hoàng….

Tuy vậy, nhưng kiểm lại, ở Thái Nguyên đã có bao nhiêu cuốn sách văn học viết về lịch sử do chính người Thái Nguyên viết ra? Câu trả lời là hết sức nghèo nàn và phiến diện. Nhà văn Ma Trường Nguyên sinh ra và trưởng thành ngay trên vùng đất ATK nhưng cho đến tận hôm nay mới có tiểu thuyết về thời kỳ Bác Hồ sống và hoạt động ở an toàn khu Định Hóa, nhưng mới ở mức độ khai thác tư liệu. Về đề tài lịch sử thời phong kiến, thời kỳ chống Mĩ đối với các tác giả Thái Nguyên cũng chỉ là những bước có tính khai mở. Như vậy để thấy rằng, dù sinh sống và lớn lên, thậm chí gần suốt cuộc đời ngay trên mảnh đất khá mầu mỡ về đề tài lịch sử nhưng các nhà văn Thái Nguyên lại không mấy mặn mà với đề tài này.

Tuy nhiên, mọi sự đều có những nguyên do. Một điều dễ nhận thấy đề tài lịch sử là một đề tài hóc búa, không phải bất cứ nhà văn nào cũng có hứng thú và có năng lực hoặc điều kiện tiếp cận.

Cái khó đầu tiên là lâu nay có một quan niệm đã trở thành thói quen đối với rất nhiều người, rằng: viết về đề tài lịch sử tức là viết về danh nhân lịch sử, những tấm gương cho hậu thế. Như vậy, các nhân vật lịch sử sẽ khó ra khỏi những khuôn vàng thước ngọc được định sẵn, khó có cơ hội bứt phá, bay bổng. Mà như vậy thì khi viết nhà văn thường dễ sa vào hình thức tô hồng. Đó là việc mà nhiều nhà văn không muốn.

Cái khó thứ hai, viết đề tài lịch sử không tránh khỏi sự lệ thuộc vào sử liệu, mà điều này rất dễ bị phản ứng, qui chụp. Đấy là chưa nói đến các nguồn sử liệu trong các sách sử chính thống ở Việt Nam thường hết sức sơ sài. Có nhiều nhân vật lẫy lừng nhưng có khi chỉ được ghi lại vẻn vẹn một, vài trang. Những điều này gây ra những khó khăn không nhỏ cho các nhà văn.

Cái khó thứ ba, hư cấu vốn là một phương tiện tối ưu của sáng tạo văn chương, thì vấn đề hư cấu “vô hạn” hay hư cấu “có khuôn khổ” khi viết về đề tài lịch sử vẫn đang còn là cuộc tranh cãi chưa phân thắng bại của nhiều nhà lí luận, nhiều nhà văn.

Từng ấy thứ làm cho ngòi bút nhà văn nản lòng cũng là điều dễ hiểu. Nhưng chỉ vì những bất cập nêu trên mà nhà văn lảng tránh đề tài lịch sử, một đề tài vô cùng phong phú, đồng thời cũng là sự đòi hỏi của nhiều thế hệ độc giả thì thật đáng tiếc.

Có lẽ rất cần có sự bàn luận kỹ lưỡng về ba cái khó vừa nêu.

Thực ra quan niệm viết đề tài lịch sử theo kiểu danh nhân, tấm gương thời đại đã trở thành một quan niệm lạc hậu, nó chỉ thích ứng với từng giai đoạn lịch sử. Khảo sát nhiều tiểu thuyết lịch sử từ thời kỳ Đổi mới đến nay, thấy tiêu chí “danh nhân lịch sử” đang được thay bằng “nhân vật lịch sử”, nghĩa là trước hết họ cũng là con người bình thường với đầy đủ các mặt mạnh, yếu, xấu, tốt…Với những quan niệm có chiều hướng đổi mới như vậy, nhà văn hoàn toàn có thể đến với tác phẩm về đề tài lịch sử một cách thỏa sức sáng tạo. Vấn đề giải thiêng lịch sử trong văn học hậu hiện đại lâu nay được đề cập đến cũng là một sự giải phóng cho những người cầm bút. Có điều, ta cần hiểu đúng thuật ngữ “giải thiêng lịch sử” theo hướng tích cực. Theo nhà lí luận văn học Bình Nguyên thì: “Giải thiêng lịch sử là quá trình làm cho các nhân vật lịch sử trở nên gần gũi với đời sống hơn. Các nhân vật lịch sử trong các tác phẩm văn học nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng được quyền đi lại, ăn nói, sinh hoạt như các cá nhân bình thường khác trong hoàn cảnh xã hội, thời đại của họ…”. Như vậy, giải thiêng lịch sử đúng nghĩa không những tránh được sự “thần thánh hóa” các nhân vật lịch sử, kéo họ về với chính thời đại họ từng sinh sống mà còn không xa lạ với thời hiện tại. Tinh thần giải thiêng lịch sử chỉ lệch lạc, sai lầm khi nhà văn có ý đồ bóp méo, bôi đen lịch sử, hạ bệ danh nhân…

Như đã nói ở trên, vấn đề liên quan giữa sử liệu và nội dung tiểu thuyết cũng là một vấn đề tỏ ra nan giải đối với nhà văn. Nhìn chung, các nguồn sử liệu trong các sách sử Việt Nam thường rất sơ sài và còn những vênh lệch giữa các sử gia này với các nhà sử học khác, nhiều điều còn là nghi án. Tất nhiên, đã là tiểu thuyết lịch sử thì luôn phải lấy sự thật lịch sử làm cái khung cho tác phẩm văn học (ngoại trừ những tác phẩm dã sử mang mầu sắc ngôn tình, huyền bí…). Bàn về vấn đề này, ý kiến của Giáo sư Trần Đình Sử rất đáng được lưu ý: “Lịch sử thực chất chỉ là một thứ diễn ngôn mà thôi. Tin vào sự thật lịch sử thực chất là tin vào sự ghi chép của văn bản, tin vào một diễn ngôn. Lịch sử khách quan vẫn có, nhưng trước mắt ta chỉ có văn bản. Những sách sử chỉ là một cách ghi, một điểm nhìn, một lối tu từ, chỉ nhìn một phía, không phải là bản thân sự thật lịch sử hoàn chỉnh, với toàn bộ giá trị của nó. Do đó cuộc đi tìm sự thật lịch sử là việc của biết bao người, trong đó có nhà văn”. Giáo sư nhấn mạnh: “Sự thật là có nhiều sử và có nhiều sự thật lịch sử. Chỉ dựa vào ghi chép này rồi tuyên bố ghi chép kia là xuyên tạc thì có khi cũng buồn cười”. Qua đó, nhận thấy một điều rất rõ ràng là sự quá nô lệ vào sử liệu là điều không cần thiết, đôi khi làm hại đến tác phẩm văn học.

Điều cuối cùng là vấn đề hư cấu. Trong cuộc hội thảo về đề tài lịch sử do Hội Nhà văn tổ chức cách đây vài năm, hư cấu là vấn đề được thảo luận sôi nổi nhất. Vì có lẽ nó là vấn đề lớn, có tính quyết định trong công việc sáng tác. Có nhiều người cho rằng viết tiểu thuyết lịch sử cần phải căn cứ vào sự kiện và nhân vật có thật, hư cấu chỉ như một “chất phụ gia”. Nhưng cũng không ít người quan niệm tiểu thuyết lịch sử cũng là tiểu thuyết, nên không thể ngặt nghèo trong vấn đề này. Nhà văn Hoàng Quốc Hải còn tuyên bố một cách mạnh mẽ: “Các nhà văn chỉ nên coi lịch sử như những thông tin để tham chiếu. Đôi khi nhà văn không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào nó, bởi nhà văn là người giải mã lịch sử chứ không là kẻ nô lệ của lịch sử. Do đó, biên độ hư cấu của nhà văn là không giới hạn”. Tuy nhiên, ta cũng không nên đánh đồng việc hư cấu ở tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết lịch sử. Vì không thận trọng, cũng dễ làm sai lạc sự thật. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh còn có ý thức chia tiểu thuyết lịch sử thành ba loại:

1. Tiểu thuyết chỉ có các nhân vật lịch sử;

2.Tiểu thuyết trộn lẫn những nhân vật lịch sử với các nhân vật hoàn toàn hư cấu;

3. Tiểu thuyết chỉ có những nhân vật hư cấu nằm trong một bối cảnh lịch sử nhất định.

Ông khẳng định thêm: “Đã gọi là tiểu thuyết thì phải hư cấu. Khi hư cấu người viết vận dụng toàn bộ văn hóa tinh thần của mình, toàn bộ kinh nghiệm sống của mình. Đó là sự tổng hợp, sự hòa trộn nhuần nhuyễn giữa thực và hư, giữa lịch sử và hiện tại, giữa tri thức và cảm thức”.

Qua những phân tích trên ta thấy rất rõ, tuy hư cấu trong các tác phẩm lịch sử ít nhiều vẫn cần có biên độ nhất định, nhưng điều này hoàn toàn không làm cản trở ngòi bút sáng tạo.

Tôi rất tâm đắc với câu nói của một triết gia Phương Tây (xin lỗi đã quên tên): “Khi các sử gia không còn gì để nói thì là lúc các nhà văn lên tiếng. Và họ viết bằng ức đoán”. Từ “ức đoán” theo giải nghĩa của Từ điển từ Hán Việt (TS Lê Anh Xuân chủ biên - Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chi Minh) là “đoán phỏng chừng”. Tuy nhiên, ở đây không nên hiểu một cách máy móc mà phải hiểu ức đoán là sự phỏng đoán mang ý thức chủ quan dồi dào của người viết, thậm chí là trong cả vô thức. Tính chủ quan của chủ thể sáng tạo khi viết về đề tài lịch sử là hết sức cần thiết, là điều không thể thiếu. Thêm nữa, có một điều rất dễ nhận ra là những cuốn tiểu thuyết lịch sử cuốn hút nhất thường thấm đẫm tinh thần nhân đạo và chất lãng mạn. Ở thời đại nào thì nhân đạo và lãng mạn cũng luôn là những thuộc tính quan trọng của con người. Có điều, lăng kính chủ quan của người viết, sự bay bổng, tưởng tượng của người viết phải hòa đồng với văn hóa, truyền thống dân tộc, nghĩa là phải chân thực với lịch sử, chân thực với cuộc sống ngay trong thời hiện tại. Tất cả những cuốn tiểu thuyết được giải mã lịch sử đúng hướng thì dù nhà văn có “vung bút” đến bao nhiêu đi nữa vẫn luôn trở thành những cuốn sách có giá trị trong lòng bạn đọc, chứ không phải là những cuốn sách lấy việc giống y như sự thật lịch sử làm tiêu chí.

Nhân đây, xin trao đổi thêm về việc học lịch sử trong nhà trường phổ thông. Lâu nay thường có một hiện tượng các em học sinh luôn bị thày cô, cha mẹ và cộng đồng xã hội trách cứ về việc thờ ơ với lịch sử nước nhà. Có người còn phê phán khá nặng nề, rằng tuổi trẻ Việt Nam thuộc sử Trung Quốc hay Hàn Quốc hơn lịch sử nước nhà, rồi dẫn đến việc quy tội các em là vọng ngoại hoặc thiếu tinh thần yêu nước. Vậy là oan cho các em. Có thể đoán chắc rằng học sinh chúng ta không hề đọc sách sử Trung Quốc, Hàn Quốc nhiều hơn sách sử Việt Nam. Có hiện tượng các em thuộc sử của các nước nói trên hơn sử Việt Nam là vì các em được tiếp thụ từ các cuốn tiểu thuyết hay, các bộ phim truyện lịch sử hoặc dã sử rất xuất sắc của họ. Vậy là các nước bạn đã biết cách nghệ thuật hóa, biết cách làm mềm hóa lịch sử. Đó chính là cách quan trọng bậc nhất để làm cho con người thấm sâu vào lịch sử. Tuy nhiên, ai cũng hiểu, thực hiện nổi việc này là vô cùng khó khăn. Cần lòng nhiệt tình và tài năng của các nhà văn, các nhà biên kịch điện ảnh đã đành, thêm đó, còn là vấn đề tổ chức và một điều kiện không thể thiếu là kinh phí, thậm chí phải ở mức kinh phí cao. Có lẽ từ ngày hòa bình lập lại (năm 1954) đến nay, ở tỉnh ta chưa hề có một dự án nào về nghệ thuật hóa lịch sử (cụ thể là viết tiểu thuyết lịch sử, làm phim truyện lịch sử…). Nếu có, cũng chỉ là những nỗ lực của cá nhân nhà văn và một vài doanh nhân có tâm với với quê hương, đất nước, với thế hệ trẻ (như trường hợp doanh nhân Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Khánh).

Sẽ rất đáng buồn và rất bất công nếu chúng ta, những người thày, những phụ huynh, những nhà lãnh đạo và mỗi công dân của đất nước này chỉ biết trách cứ các em mà không làm gì để giúp các em vượt qua “nỗi buồn lịch sử” này.

Thái Nguyên là vùng đất mầu mỡ, giầu truyền thống lịch sử nhưng chưa được khai thác triệt để. Nếu như được sự quan tâm đầy đủ của các nhà văn, các nhà quản lý, các doanh nhân có tâm huyết và đặc biệt là của Đảng và chính quyền địa phương, nó sẽ là miền đất nhiều hứa hẹn để các cuốn sách văn học, những bộ phim truyện về đề tài lịch sử ra đời và được tôn vinh.

* Tham luận tại Hội thảo “Văn học Thái Nguyên với đề tài lịch sử”; do Chi hội Lí luận phê bình - Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức, ngày 28/8/2019.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy