Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
01:45 (GMT +7)

Bước qua thác ghềnh thì sông vẫn chảy

Trong khuôn khổ Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X do Hội Nhà văn tổ chức tại Đà Nẵng (diễn ra ngày 18, 19/6/2022), sáng 19/6 đã diễn ra hai hội thảo về thơ và văn xuôi với chủ đề “Vì sao chúng ta viết”. Tại đây, nhiều vấn đề đã được các nhà văn, nhà thơ tiền bối cùng các đại biểu trẻ chia sẻ, trao đổi, qua đó khích lệ, động viên những người viết trẻ tiếp tục thắp lên ngọn lửa đam mê trong lòng để vững bước trên con đường văn chương vốn gập ghềnh và đầy chông gai.

Tạp chí VNTN giới thiệu bài viết của tác giả trẻ Hoàng Thị Hiền (đại biểu của tỉnh Thái Nguyên tham dự Hội nghị) về Hội thảo Thơ.


 

Hành trình đến với thơ

Làm thơ chưa bao giờ được coi là dễ dàng. Và Hội thảo Thơ với nhiều trao đổi, chia sẻ, nhận định… nhằm giúp những cây bút trẻ hiểu hơn về hành trình đến với thơ, thôi thúc họ phải bật mình vươn lên, như những dòng suối vượt thác đổ về sông.

Các nhà thơ: Hữu Việt, Lê Hằng, Lý Hữu Lương, Hoàng Thụy Anh, Nguyễn Hải Yến (từ trái qua) đồng chủ tọa Hội thảo Thơ

Mở đầu Hội thảo, nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Thơ trẻ Hội Nhà văn Việt Nam đặt ra câu hỏi: “Vốn sống có cần thiết cho người sáng tác không? Người có vốn sống viết sát thực hơn hay người không có vốn sống vẫn viết được và họ viết như thế nào?”.

Theo tác giả trẻ Lê Đỗ Lan Anh (Vĩnh Long) thì vốn sống rất cần thiết cho người sáng tác. Bạn đã từng đi xuống bến đò, ngủ trên thuyền và trò chuyện với những gã thương hồ phiêu bạt khắp Đồng bằng sông Cửu Long; trải nghiệm vào nhà thương điên để viết về người điên. “Có vốn sống, tác phẩm mới chân thật”, Lê Đỗ Lan Anh bày tỏ.

Còn nhà thơ trẻ người dân tộc Dao, Lý Hữu Lương, tác giả tập thơ “Yao” - một trong năm tác phẩm vừa được vinh danh trong Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ I - năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam lại cho rằng: Vốn sống không quá cần thiết bởi anh viết đại đa số bằng tiềm thức, bằng cảm nhận không gian văn hóa của đồng bào mình. Với anh, tưởng tượng được là cần thiết hơn.

“Vốn sống có muôn mặt, chúng ta có thể tiếp cận trực tiếp bằng những chuyến đi, nhưng nếu không có điều kiện để đi thì bạn ngồi xe lăn, bạn vẫn viết được. Vốn sống còn có ở trong sách, thông qua sự đọc hiểu”, đó là chia sẻ của nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh.

Tác giả trẻ Khét (Trần Đức Tín) đến từ vùng đất tận cùng của Tổ quốc thì thẳng thắn bày tỏ: “Vốn sống cho ta nhiều chất liệu quan trọng khi và chỉ khi được nhìn bởi đôi mắt của người sáng tạo. Nếu không có sáng tạo thì anh đi viết lịch sử, viết báo.”

Tác giả trẻ Khét (Trần Đức Tín) với những chia sẻ thẳng thắn tại Hội thảo Thơ 

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) lại dẫn dắt vấn đề bằng câu chuyện về một nữ nhà thơ bên Mỹ, nhìn đời qua ô cửa sổ. Bà chẳng đi đâu cả, cứ khóa trái cửa ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi hết nhu yếu phẩm. Khi bà chết, người ta mở cửa ra thấy bà có rất nhiều thơ ở trong nhà. Từ đó, bà trở thành một nhà thơ đáng kính ở bên Mỹ, nổi tiếng khắp thế giới. “Một câu hỏi được đặt ra: Nếu vốn sống được coi là cần thiết thì nữ nhà thơ Mỹ ấy có sang châu Phi hay chu du khắp thế giới không? Không. Vậy tại sao nữ nhà thơ đó lại viết được về những miền đất xa lạ ấy? Vậy thì, vốn sống rất cần thiết, nhưng nó không phải là tất cả để làm nên tác phẩm. Anh muốn ra đời được đứa con tinh thần thì cần gây dựng lại vốn sống bằng lăng kính quang của một thi sĩ thì vốn sống mới có tác dụng, nếu không làm được thì anh chỉ là sao chép lại”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ. Ông tiếp tục gợi dẫn vấn đề với bài thơ “Đợi” của nhà thơ Vũ Quần Phương:“Anh đứng trên cầu đợi em/ Đợi một ngày nước lạ thành quen/ Đợi một đời đất quen thành lạ/ Nước chảy... kìa em, anh đợi em”. Từ đây, nhà thơ đưa ra quan điểm của mình: “Để viết được một bài thơ hay, tác giả không chỉ cần có vốn sống, tình cảm, sự chiêm nghiệm mà còn cần cả những giây phút xuất thần và trí tưởng tượng bằng mạch máu, con tim của một chàng trai trẻ hai mươi tuổi”.

Nhiều cây viết trẻ còn một băn khoăn nữa: Thơ có cốt truyện hay không? Đại đa phần đều cho là thơ có cốt truyện. Nhưng cốt truyện trong thơ được giấu bằng cảm xúc. Một chiếc lá rơi nghiêng bên sông dưới trăng, hay hoa mẫu đơn rụng, con đường hành quân của người lính,... đều thổn thức trái tim. Người làm thơ có tư duy bằng hình ảnh, khái quát lên thành hình tượng, tạo nên những ám ảnh, những rung động từ thơ.

Những dòng suối vượt thác đổ về sông

Trong dòng chảy của văn học, chúng ta thấy sự hợp lưu của văn học các dân tộc thiểu số ở khắp mọi miền đất nước. Các thế hệ nhà thơ dân tộc thiểu số đi trước như Bàn Tài Đoàn (Dao), Nông Quốc Chấn (Tày), Y Phương (Tày), Pờ Sảo Mìn (Pa Dí), Inra Sara (Chăm), Dương Khâu Luông (Tày), Lò Cao Nhum (Thái)… đã có tiếng nói, thể hiện ý chí và tài năng của những người con dân tộc thiểu số.

Nhà thơ trẻ Lý Hữu Lương chia mảng này thành hai, đó là, người dân tộc thiểu số viết về dân tộc thiểu số và dân tộc đa số viết về dân tộc thiểu số. Thường thì, mảng văn học dân tộc thiểu số ít có cơ hội được nhắc đến, chỉ phần nhiều xuất hiện trong các chuyên đề, đó cũng là thách thức cho các bạn trẻ. Các nhà văn, nhà thơ người dân tộc thiểu số không thể đứng ngoài cuộc trong bối cảnh toàn cầu hóa. Vậy, họ viết gì đây? Viết như thế nào để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình?

Nhà thơ trẻ Lữ Mai (Hà Nội) có nhiều bạn viết là người dân tộc nhưng nhận thấy một thực tế là chính các cây viết người dân tộc ở địa phương viết bằng tiếng nói, bằng tư duy, ngôn ngữ của dân tộc mình không nhiều, cộng với sự ưu tiên chưa đầy đủ tạo cho họ cảm giác mình bị bỏ rơi. Lữ Mai cho rằng: Điều quan trọng vẫn là tác giả phải tự bật lên ở vùng miền của mình. Và nếu những cây bút dân tộc đa số ở ngay giữa thủ đô Hà Nội không tự vươn lên thì cũng sẽ chìm nghỉm trong danh sách điểm danh lực lượng.

Đứng trước thách thức của thời đại, văn hóa dân tộc có nguy cơ bị mai một. Là người yêu văn hóa dân tộc mình nhưng là một nhà thơ, cây viết trẻ Vàng A Giang (Lào Cai) bày tỏ bên cạnh việc giữ lấy bản sắc văn hóa của người Mông, anh còn muốn hòa vào dòng chảy chung của cả nước để văn chương của người dân tộc thiểu số ở tầm vĩ mô hơn. Song anh vẫn tự nhủ: Là người dân tộc mà không cất lên tiếng nói của dân tộc mình thì sẽ không ai nói hộ được dân tộc mình một cách đủ đầy. Đó cũng là trách nhiệm lớn lao của những tác giả người dân tộc thiểu số.

Tác giả trẻ Ngô Bá Hòa (Lạng Sơn) nhận thấy nhiều tác phẩm viết về dân tộc thiểu số hiện nay mới chỉ khai thác được phần nào phía ngoài của văn hóa dân tộc, khi chưa thực sự hiểu về dân tộc thiểu số, đọc lên chỉ thấy là thơ du lịch, thơ trải nghiệm, đôi khi có tác giả còn rơi vào bắt chước cách nói năng ngây ngô của bà con, viết sai về phong tục. Anh mong rằng trong thời gian tới, Hội Nhà văn Việt Nam quan tâm hơn tới đội ngũ cây viết trẻ là người dân tộc thiểu số để họ có cơ hội bật mình vươn lên.

***

Sau mọi trao đổi, chia sẻ, có lẽ cái đích cuối cùng của Hội thảo vẫn là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?”. Câu hỏi ấy không chỉ dừng lại trong mấy tiếng đồng hồ diễn ra Hội thảo mà sẽ theo các tác giả trẻ trở về nhà, ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại, cầm bút đắn đo với trang giấy trắng. Họ có thể đơn giản chỉ là giãi bày và giải tỏa ẩn ức cá nhân, cũng có thể là để tiếng nói của mình được vang lên một cách có ý thức. Từ viết bản năng, tin rằng những người cầm bút trẻ sẽ bắt đầu viết như người mở lối thành đường.

Hoàng Hiền

Cứ viết đi, đừng tự trói buộc mình!

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy