Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
16:15 (GMT +7)

Bước qua bờ cách

Truyện ngắn. Trần Quang Khanh

Người chết nối linh thiêng vào đời…

Trịnh Công Sơn

Cuối tháng 3, trời nóng hầm hập. Đã quá nửa đêm, Tư Hùng vẫn không tài nào chợp mắt. Cánh quạt chạy vít số không làm dịu được nỗi bức bối trong người ông. Tư Hùng thao láo nhìn qua khung cửa sổ. Bầu trời đầy sao, không một gợn mây, không một may mảy gió. Cây cối trong vườn đứng im lìm trong tiếng ru đêm đều đều của giun dế. Tư Hùng lại nhắm mắt và bắt đầu mấp máy môi đếm số, cố ru mình vào giấc ngủ. Nhưng hai nghìn, năm nghìn... rồi tám nghìn, giấc ngủ vẫn không chịu đến...

Giọng Bắc pha chất Nam bộ qua điện thoại của Hai Tuyên lúc sáng rất ngọt ngào, tình cảm lại như cứa vào lòng Tư Hùng, làm tấy lên phần ký ức tưởng đã chìm sâu vào dĩ vãng. “Em nhớ Ngọc Nam Sơn và đã đến thành phố biển chiều nay, mai sẽ đáp xe ra thăm anh. Anh em mình nhậu với nhau tưng bừng một bữa...”.

Tại sao Hai Tuyên trở lại Ngọc Nam Sơn? Anh ta còn muốn gì nữa khi hài cốt của người em là lính cộng hòa đã được mình giúp đỡ tìm kiếm và bốc đưa về quê tận miền Nam xa xôi. Chẳng lẽ Hai Tuyên muốn điều tra về cái chết của em mình? Chẳng phải mình đã kể cho Hai Tuyên nghe đầu đuôi câu chuyện rồi đó sao? Chỉ có điều ai là người đã bắn chết người lính ấy thì không thể nói ra được. Mà anh ta cần biết điều đó để làm gì cơ chứ?

Sau khi nhận được cú điện thoại, biết Hai Tuyên sẽ trở lại Ngọc Nam Sơn, cả buổi chiều Tư Hùng đã đi gặp hết tổ du kích năm xưa yêu cầu không ai được hé lộ nếu như Hai Tuyên dò hỏi về chuyện cũ...

Không ngủ được, Tư Hùng nằm nhớ lại lần đầu gặp Hai Tuyên. Chuyện thật cứ như là duyên kỳ ngộ.

Hôm ấy, Tư Hùng cầm bát ra cái quán đầu làng mua cháo cho mẹ thì thấy Bảy Trửng, Năm Toàn và hai người lạ đang ngồi lai rai thịt vịt với mấy lon bia.

Sau này Tư Hùng được giới thiệu hai người lạ ấy là Hai Tuyên và người tài xế lái ô tô. Bảy Trửng là cựu thanh niên xung phong từng tham gia công tác địa phương, giờ đã nghỉ. Năm Toàn là thôn trưởng Ngọc Nam Sơn.

Thoáng thấy Tư Hùng, Bảy Trửng như sực nhớ ra điều gì:

- À, may quá, có chú Tư đây rồi. Chú vào đây xem có giúp được gì cho hai anh bạn này không.

Tư Hùng bước vào ngồi xuống ghế. Hai Tuyên gọi chủ quán mang thêm ly và chén đũa. Ly bia được rót đầy. Hai Tuyên chủ động mời mọi người nâng ly. Bảy Trửng nói với Tư Hùng rằng có người bạn là cựu thanh niên xung phong đang ở trong thành phố giới thiệu Hai Tuyên và nhờ ông giúp tìm hài cốt của người em là lính cộng hòa bị Việt Cộng bắn chết năm 1974, nghi vấn là ở Ngọc Nam Sơn. Câu chuyện đang kể dở dang của Hai Tuyên tua lại từ đầu.

Em trai tôi tên Dương. Sau hai năm trốn lính chui nhủi, nó chịu không thấu nỗi nhục trong sự săn đuổi nên phải đăng lính để được bước ra ánh sáng tự do. Cả nhà tôi khuyên bảo thế nào nó cũng không nghe. Nó bảo cứ để cho nó được làm con người bình thường, chứ trốn chui trốn nhủi thấy nhục nhã quá. Mà gia đình tôi thì nghèo, lại đông anh em nên không có tiền lo lót để nó được miễn quân dịch. Nó vào binh chủng biệt động quân. Sau ba tháng quân trường, người ta phiên chế nó vào một trung đội rồi chuyển đi bằng trực thăng đưa ra thả trên một đỉnh đồi nằm ở phía bắc tỉnh ven biển miền Trung này.

Một tháng sau, nó gửi về cho tôi lá thư. Và các anh biết không, đó là lá thư duy nhất nó viết cho tôi... Lúc đó nó mới tròn hai mươi tuổi...

Hai Tuyên rươm rướm nước mắt, lặng đi một lúc rồi kể tiếp.

Trong thư nó kể, trung đội của nó được lệnh chốt giữ một cao điểm là một ngọn đồi nằm gần quốc lộ I. Cao điểm nằm độc lập, có dãy núi phía sau lưng. Đứng trên đó, vào ngày trời quang mây có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn dọc theo quốc lộ. Xung quanh cao điểm là dốc rất đứng, khó lên xuống. Đứng ở đây ngửa cổ lên chỉ thấy cây rừng. Trung đội đào tuyến hầm chốt chính trên ngọn đồi. Bên dưới là rừng dừa, làng mạc do Việt Cộng kiểm soát. Chính vì thế mà từ nước uống đến lương thực, nhu yếu phẩm đều do trực thăng tiếp tế hàng tuần. Nó kể về cái nắng gay gắt của mùa hè miền Trung đến nỗi cây rừng cũng héo úa, chết khát. Nước tiếp tế chỉ đủ uống tiết kiệm và nấu nướng chút đỉnh, chuyện tắm giặt phải tự kiếm nước. Vì vậy mà trung đội rất tiết kiệm nước, mỗi tuần mỗi người chỉ được tắm hai lần với một thau nước nhỏ. Chịu không thấu sự ngứa ngáy và nóng bức, trung đội bí mật cắt cử người thay phiên nhau luồn qua các rừng dừa tìm nước suối, nước giếng hoang để tắm giặt...

Sau lá thư đó thì em tôi bặt vô âm tín. Cả gia đình rất sốt ruột, riêng tôi linh cảm có điều chẳng lành nên nghĩ đến chuyện đi tìm kiếm nó. Tôi tìm đến đại đội, nơi trước khi nó được đưa lên trực thăng để chuyển đi, hỏi thăm thì được trả lời rằng nó đã đào ngũ, mang theo cả vũ khí. Tôi không tin. Em tôi không thể làm điều đó vì trước ngày lên đường nó đã bảo thà chết chứ không thể sống cảnh trốn chui nhủi trong ô nhục.

Bằng các mối quan hệ có được, tôi nhờ một sĩ quan cộng hòa có thanh thế điều tra về vụ mất tích của em tôi. Và sau một thời gian, tôi biết rằng nó đã bị phục kích khi cùng với tổ bốn người lính xuống làng kiếm nước tắm giặt và hái dừa bổ sung nguồn nước uống cho trung đội... Có lẽ vì sợ mất thành tích và sợ truy cứu về việc không tìm kiếm xác đồng đội nên tên trung đội trưởng đã báo cáo láo với cấp trên rằng em tôi cùng một người lính tên Dừa quê ở Bến Tre đã đào ngũ mang theo cả vũ khí...

Người sĩ quan quyền thế kia còn cho biết cả ngày chết của em tôi là ngày 31 tháng 3 năm 1974!

Đó, câu chuyện của em tôi là như vậy đó.

- Không phải tổ bốn người như anh nói mà chỉ có hai người. Không phải ngày 31 mà là ngày 30 tháng 3!

Những người ngồi hóng chuyện Hai Tuyên chợt dồn mắt về phía Tư Hùng khi ông đính chính câu chuyện một cách dõng dạc, rành rọt.

Thì ra Tư Hùng đã kiên nhẫn ngồi nghe câu chuyện của Hai Tuyên, cơ mặt ông cứ dãn ra từng lúc. Khi xác định câu chuyện có liên quan đến chính mình, tim ông bỗng nhói lên và ký ức từ bốn mươi năm trước ùa về sống động.

*

Lúc đó, mặt trời đã gần đứng bóng, Út Sang ở nhà một mình và đang học bài thì thấy có hai tên lính cộng hòa mặc đồ rằn ri, súng đạn lỉnh kỉnh lấm la lấm lét bước vào sân nhà. Cậu bé 10 tuổi vội lẻn ra vườn sau và, nhanh như cắt, chạy đi báo Tư Hùng, đội trưởng du kích địa phương khi ông đang chỉ huy anh em đào hầm chống đạn pháo ở xóm dưới. Nhận được tin, lập tức Tư Hùng triệu tập tổ du kích và chia làm hai cánh, triển khai đội hình theo thế gọng kìm để sẵn sàng hỗ trợ nhau nếu toán lính cộng hòa làm kế nghi binh.

Cánh Tư Hùng tới nơi đã thấy một tên lính trèo tót trên đọt dừa bẻ trái, một tên khác đeo khẩu M-79 với chiếc áo khoác có 6 viên đạn lớn trên người, tay lăm lăm khẩu AR-15. Tư Hùng đã định lệnh bắt sống nhưng cái nòng AR-15 đang chỉa xuống đất kia như lúc nào cũng sẵn sàng ghếch lên nhả đạn.

Hai phút trôi qua, khoảng cách hai phía ngày càng gần nhưng tên lính dưới gốc dừa vẫn chưa một giây lơ là, thiếu cảnh giác lại giật mình có vẻ như đã phát hiện ra điều gì. Và ngay lúc đó Tư Hùng đã lệnh nổ súng. Tiếng nổ đanh gọn khiến tên lính cầm súng gục ngay tại chỗ. Tên lính còn lại vừa tụt xuống gốc dừa đã bị tổ du kích áp sát, bắt sống...

Nghe tiếng súng nổ như biết có việc chẳng lành, lính trên cao điểm cứ vài phút lại nổ súng dò la, chừng như muốn hỏi về sự an toàn của đồng đội. Tư Hùng phải hỏi tên lính bị bắt về ám hiệu trả lời an toàn và chính ông đã dùng khẩu M-79 chiến lợi phẩm bắn lên quả pháo sáng để toán lính trên cao điểm yên trí. Tên lính bị bắt nói giọng rặt Nam bộ sau đó đã được chuyển giao cho đội binh vận. Hôm đó đúng là ngày 30 tháng 3! Tư Hùng chưa bao giờ quên một chi tiết nhỏ nào trong cuộc phục kích thắng lợi rất nhẹ nhàng ấy.

Chuyện là như thế nhưng khi kể lại cho Hai Tuyên với mọi người nghe, Tư Hùng chỉ sắm vai là người biết chuyện.

*

Câu chuyện của Tư Hùng đã thuyết phục tuyệt đối niềm tin của Hai Tuyên. Và cũng ngay lập tức Hai Tuyên xác định em mình chính là chú lính cầm súng đứng dưới gốc dừa. Người bị bắt sống kia không ai khác là Nguyễn Văn Dừa quê ở Bến Tre mà viên sĩ quan quyền thế nọ đã từng cho ông biết. Chuyện hợp lý đến từng chi tiết, bởi chỉ có Dừa dân Bến Tre mới nói rặt giọng Nam bộ, mới biết trèo dừa. Còn Dương, em của Hai Tuyên, thì nói giọng Bắc pha Nam, chưa leo trèo bao giờ. Càng hợp lý hơn khi nói về ngày mất của em mình, Hai Tuyên đã chủ động nói chệch đi một ngày so với thông tin có được. Cả việc bốn người hay hai người cũng do anh cố tình làm sai lệch...

Không còn nghi ngờ gì nữa, em của Hai Tuyên đã nằm xuống ngay trên mảnh đất Ngọc Nam Sơn này!

Được sự trợ giúp của Tư Hùng, Bảy Trửng và trưởng thôn Năm Toàn, vị trí chôn lấp người lính biệt động quân cộng hòa xấu số đã được khoanh vùng. Đó là một góc vườn nhà của Ba Sơn. Khi mọi người đến gặp vợ chồng Ba Sơn đặt vấn đề đào bới khu vườn để tìm kiếm hài cốt, cả hai đã gật đầu không một chút đắn đo. Hai Tuyên hết sức bất ngờ và xúc động trước tấm lòng của vợ chồng Ba Sơn và người dân ở vùng quê có truyền thống cách mạng nổi tiếng này.

Ba Sơn nói:

- Hồi còn sống, cha tôi đêm nào cũng ra thắp nhang ở góc vườn này. Ông bảo ở đó có chôn một xác lính cộng hòa không rõ tung tích. Trước khi chết đi, ông dặn dò tôi tiếp tục làm công việc này cho đến giờ...

Hai Tuyên lại rớt nước mắt khi nhìn thấy những cụm chân nhang cắm bên gốc bụi tre ở góc vườn. Cuộc đào bới tìm kiếm kéo dài hai ngày, có cả sự giúp sức của nhà ngoại cảm vẫn không cho kết quả mong muốn. Cả khu vườn cây trái của Ba Sơn tanh bành hố ngang rãnh dọc…

Đến ngày thứ ba, khi máy xúc lôi được lên cả bụi tre lớn thì hài cốt người lính cộng hòa năm xưa mới được tìm thấy. Phần trên của bộ hài cốt bị gói cả vào bộ rễ tre, dấu tích đôi giày đinh của lính biệt động cộng hòa qua hơn 40 năm vẫn còn đấy.

Trong nỗi mừng vui vô hạn, Hai Tuyên đã ôm chầm lấy Tư Hùng khóc nức nở khiến Tư Hùng và nhiều người chứng kiến cũng không cầm được nước mắt.

Trước khi đưa bộ hài cốt người em trở về quê, Hai Tuyên đã làm một bữa tiệc thịnh soạn ở cái quán đầu làng và mời tất cả những người đã góp sức hoàn tất việc tìm kiếm hài cốt cho em đến chung vui. Trong bữa tiệc hôm đó Tư Hùng đã uống rất say. Mà đâu chỉ riêng Tư Hùng, dường như cả cái thôn Ngọc Nam Sơn cũng rộn ràng như cùng sẻ chia niềm vui với Hai Tuyên...

Chuyện tưởng đã kết thúc ở đó vậy mà giờ Hai Tuyên lại trở lại Ngọc Nam Sơn...

*

Thực ra, ngay từ ngày được tin đứa em trai út tên Dương mất tích, cả gia đình Hai Tuyên với bốn người anh trai còn lại chưa bao giờ thôi ý nghĩ sẽ đi tìm kiếm hài cốt của em. Nhưng chỉ với thông tin từ một lá thư duy nhất và vài điều mơ hồ về cái chết do người sĩ quan cộng hòa có thanh thế nọ cung cấp, cuộc tìm kiếm vô vọng như là chuyện mò kim đáy bể.

Hơn bốn mươi năm trôi qua, cha mẹ đều đã lần lượt qua đời; những anh lớn, người thì già yếu, người đã định cư ở nước ngoài nên người anh kế là Hai Tuyên nhận lãnh công việc tìm kiếm hài cốt em.

Trên chuyến tàu Bắc - Nam tình cờ Hai Tuyên được xếp ở chung buồng với 3 cựu thanh niên xung phong đang trên đường trở về sau khi dự một cuộc gặp mặt truyền thống ở Hà Nội. Qua cốc rượu và câu chuyện giao lưu trên tàu, Hai Tuyên biết được họ là người ở tỉnh Q, từng tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường, cả nơi Dương đóng quân và bị mất tích. Biết vậy, Hai Tuyên đã đem nỗi niềm của mình chia sẻ với mọi người. Và trong phút giây cởi mở bên chén rượu, Bảy Trửng hứa sẽ dò hỏi đồng đội về “ngọn đồi độc lập, phía dưới có rừng dừa và làng mạc” để may ra, biết tung tích của người lính cộng hòa bị bắn chết bên gốc dừa.

Nhưng rồi cũng như vô số những câu chuyện thường ngày, câu chuyện của Hai Tuyên bị khuất lấp trong cuộc sống bề bộn lo toan của Bảy Trửng.

Thực ra, Bảy Trửng cũng có điện hỏi một vài đồng đội nhưng không kết quả, phần vì sự mơ hồ của câu chuyện, phần vì sức khỏe tuổi già nên ký ức thời trai trẻ cứ nhớ nhớ quên quên. Cho đến ngày Hai Tuyên trực tiếp tìm về Ngọc Nam Sơn và diễn ra cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên nhưng không kém phần ly kỳ với Tư Hùng ở quán cháo vịt.

Hài cốt người em được cất bốc xong xuôi thì trời cũng đã tối. Và trong bữa tiệc cảm ơn mọi người hôm đó, Hai Tuyên đã chuẩn bị sẵn những cái phong bì. Năm triệu, ba triệu, hai triệu, một triệu, Hai Tuyên đã nghĩ sẽ gửi cho mọi người tùy công lao đóng góp ít hay nhiều vào việc tìm kiếm và cất bốc hài cốt đứa em. Nhưng khi những chiếc phong bì được mang ra, ông đã bị mọi người phản ứng dữ dội. Bảy Trửng, Năm Toàn yêu cầu Hai Tuyên cất ngay tiền vào túi còn Tư Hùng thì mắng anh sa sả và gọi đó là thái độ vô ơn, thị của. Hai Tuyên nói thế nào cũng không ai chịu nhận tiền, cả số anh em dân quân đã nhễ nhại mồ hôi quần quật cả ngày trời với cuốc, xẻng đào bới...

Cuối cùng Hai Tuyên chỉ phải trả có mỗi tiền thuê xe móc đất.

Thực tình thì trong suốt bữa tiệc, Hai Tuyên cũng có ý ngầm quan sát, phán đoán xem trong số người đã giúp đỡ mình kia, ai là đứa trẻ học bài năm xưa chạy đi báo du kích, ai là người đã bắn em mình… Và hình như Hai Tuyên cũng đã lờ mờ nhận ra khi cảm giác có đôi người ngại ngần khi trực diện với ông.

Nhưng rồi Hai Tuyên lại đặt ra giả thiết: nếu trong hoàn cảnh đó, cậu bé không đi báo du kích; hoặc giả du kích đã đến nơi trông thấy hai tên lính đối phương nhưng lại bỏ đi mà không tỏ thái độ gì... Và Hai Tuyên lại lắc đầu. Đó là những điều không thể! Chiến tranh mà! Cu Dương của anh cũng sẽ không bỏ qua cú siết cò nếu phát hiện có người của phía bên kia ở sát bên mình...

Vậy thì cần biết để làm gì ai đã bắn chết người lính cộng hòa năm xưa! Không còn một bờ cách nào có thể ngáng trở sự trở lại trong nghĩa tình yêu thương của Hai Tuyên với Ngọc Nam Sơn! Hai Tuyên phải làm một điều gì đấy cho mảnh đất này, hay chí ít là trở lại và trở lại nhiều lần để được gặp gỡ những con người nhân hậu; những Bảy Trửng, Tư Hùng, Năm Toàn…

*

Và cuộc trở về Ngọc Nam Sơn của Hai Tuyên thật ngoạn mục!

Tư Hùng đã bước qua khỏi bờ cách và cũng đã sẵn sàng tư thế để nói mọi điều theo yêu cầu của Hai Tuyên.

Sáng hôm ấy trời mưa phùn. Cuối tháng ba mà vùng đất đồi này có mưa phùn là điều lạ. Tư Hùng mặc chiếc áo ba đờ xuy cũ phóng xe máy ra ngay chiếc cầu đầu làng chờ đón Hai Tuyên. Và khi Hai Tuyên vừa bước xuống ô tô, Tư Hùng đã lao tới ôm chầm lấy như những người thân quen gặp lại sau những ngày nhớ nhung xa cách…

Tình người trong họ đã tràn qua bờ cách! Tư Hùng đưa Hai Tuyên về nhà, lại bấm điện thoại gọi Bảy Trửng, Năm Toàn, Ba Sơn…

Và ngay lúc họ hội ngộ bên chén thù chén tạc, trên chiếc loa phóng thanh đặt trên đọt cây Cầy, giữa ngọn đồi Tòong Teeng phát đi bài ghi nhanh của đài truyền thanh xã. Bài ghi nhanh ghi lại không khí lễ hội tưng bừng ở Ngọc Nam Sơn trong ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương!

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước