
Góc biếm họa số 7 (2025)

1. Biển ở ngay trước mặt. Chắc chắn biển là phụ nữ vì tâm tính thất thường, vì dù đẹp dù xấu luôn bất ngờ và bí ẩn. Bốn chị em ngồi ngắm biển hàng giờ, sau bao ríu rít thì lặng phắc, mỗi người hình như cũng đã biến thành một biển nhỏ ở vào lúc vừa ngủ dậy, mơ mơ ngái ngủ một chút, trầm tư ngắm mây bay một chút, lẳng lặng nghe lũ cá cảm xúc bắt đầu uốn lượn thật đẹp chào một ngày mới. Bốn căn nhà nằm liền kề đã xây xong, mảnh sân chung đã hoàn thành rộng hơn một trăm mét vuông, một tấm lưới bằng sợi ni nông to hơn ngón tay, cao tầm bốn mét đã giăng xong. Trên ấy là vương quốc dành cho các loài hoa đẹp tha hồ tung tẩy, bò dọc bò ngang cũng kệ, hoa hồng leo và hoa huệ tình quấn quýt, hương thơm nhất vào đêm có trăng. Lạ thế, ở gần bốn nghệ sĩ hoa bỗng lãng tử và mơ mộng. Người lim dim ngắm thì hoa cũng liêng liếng vọng trăng, rồi mở cánh đón từng giọt trăng vàng dịu dịu.
Nhanh thế, về ở đây cũng đã hơn bốn năm rồi, nhớ hôm cô họa sĩ khấp khởi trình bày phát kiến vĩ đại của mình.
- Toàn bỏ chồng với chồng bỏ hoặc không thèm lấy chồng. Giờ chúng ta chỉ còn là “Bã đàn bà” với nhau. Các con đều ở xa. Tuổi già vào cửa trước. Cô đơn vào cửa sau. Bệnh tật vào bằng cửa sổ. Rồi những năm cuối đời sẽ ngồi hát “Thành buổi chiều đi ra bờ sông. Bờ thì xa sông sâu và trong. Ngã vào đâu cho khỏi ròng ròng…”. Thôi mua chung một mảnh đất, sổ đỏ riêng, nhà xây liền kề, để sân chung mênh mông. Ăn chung ăn riêng tùy thuộc vào thời tiết. Ốm thì lo cho nhau. Đứa nào có người yêu thì ba đứa còn lại lo cơm nước. Cấm ghen tuông. Quyết không? Không quyết để rồi thành ma nữ già ngồi khóc một mình…
Thế là quyết! Vào ngày đẹp trời bốn đứa họa sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo đến gặp chủ khu đất nằm kề bờ biển. Một gã cao tới một mét tám, mặt vuông như chiếc bánh chưng, lông mày rậm kinh khủng, miệng rộng, ít nói và cười tươi đến đá cũng phải bâng khuâng. Nghe nói gã chủ đất cô độc này vốn là Trung tá thời Việt Nam Cộng hòa, học 5 năm ở Mĩ về, chuyên sửa chữa máy bay. Khu đất này phong thủy tốt, tĩnh lặng, rợp cây trái và các loài hoa, họa sĩ - nhà thơ - nhạc sĩ đã thi triển ba mươi sáu kế chinh phục đàn ông để mặc cả ba mươi sáu triệu một mét vuông? Đắt quá! Ừ thì đúng là giá thị trường đang như thế. Nhưng ở đây hẻo lánh. Đường vào nhỏ, ô tô muốn vào chỉ có nước khóc thét. Anh bảo sao? Một ca máy ủi là xong á? Ối giời ôi, chờ ủi được đường vào thì bọn tôi xuống lỗ rồi? Không bớt đồng nào à? Đàn ông đàn ang mà ki bo, cứt sắt thế à? Mua bán thì cũng phải bớt tí chứ. Bán con trâu thì cũng phải bớt tiền cho mua cái chạc trâu…
Cứ thế, kệ cho ba giọng oanh vàng nỉ non, gã chủ đất cứ rót trà uống, châm thuốc hút liên tục, mắt nhìn ra cửa sổ, thi thoảng lại liếc nhìn cô nhà báo. Ánh mắt gã nhìn cô cũng lạ: - lúc như hoài nghi, lúc thăm dò, lúc mỉa mai, lúc tối sầm lại mà không hiểu vì sao…
Mãi đến khi cô nhà báo khẽ thọt mở lời, sau khi quan sát gã chủ đất như trinh sát công an theo dõi đối tượng hình sự:
- Thôi thì thế này. Chúng tôi cũng đều ngấp nghé U60 rồi. Nghệ sĩ nửa mùa nên ít tiền. Muốn tìm một chỗ để chụm vào nhau. Bốn thanh củi cháy dở mà để biệt lập thì lửa buồn. Chúng tôi đồng ý với giá anh đưa, còn bớt bao nhiêu thì tùy vào cái khí chất đàn ông của anh… thế thôi!
Lạ. Câu nói của cô nhà báo khiến gã tái mặt. Người như lên cơn sốt. Điếu thuốc cầm trên tay bỗng rơi xuống đất, gã cất tiếng, giọng trầm và vang đến kinh ngạc.
- Thôi được rồi. Tôi đồng ý bán giá hai lăm triệu một mét vuông. Mỗi cô mua hai trăm mét vuông. Tám trăm mét vuông nhân hai lăm triệu vị chi là… Trả một nửa trước. Làm xong giấy tờ thì trả nốt được chưa?
Vừa đặt cọc tiền xong ra khỏi nhà hắn bốn cô ôm nhau mà hét, mà cười như ăn phải nấm cười. Ba cô quay lại hỏi tới tấp với cô nhà báo: - Thế là thế nào? Bọn tôi cũng giở hết võ đàn bà rồi. Hắn cứ như hòn đá cuội. Bà thì chỉ nói một câu nhạt toẹt. Hắn đổ ngay và luôn. Hay là hắn phải lòng bà…?
- Tôi cũng không biết nữa. Chỉ có điều ánh mắt hắn lạ lắm. Nhìn vào đó vừa thích vừa sợ. Có lúc thấy âm u, lành lạnh…
- Cha mẹ ơi. Ở tuổi này còn phải lòng mặt. Hay là hắn đang hồi xuân muộn như bà?
Rồi bốn căn nhà một tầng xây cũng nhanh, hàng rào có sẵn chỉ cần sửa sang, cũng mở một cổng thông sang nhà gã chủ đất.
Cô họa sĩ tinh nghịch còn vẽ một cái biển to đùng, dưới có hình ảnh bốn cô gái đứng vẫy tay ở ngã tư đường, trước mặt là biển xanh, trên có ba chữ màu đỏ thắm: “Cổng tình già”…
2. Gã đàn ông cao lớn ấy lại rất khéo tay. Gã sang mắc điện nước giúp bốn cô không lấy tiền. Nằn nì mãi, gã bảo:
- Ngày hai bữa cơm thịt ít, rau nhiều và thật nhiều rượu là được.
- Ok!
Trời nóng gã cởi áo sơ mi, mặc mỗi cái áo ba lỗ, thoăn thoắt làm còn nhanh hơn thợ chuyên nghiệp, những cơ bắp cuồn cuộn dưới làn da nâu bóng. Vừa làm gã vừa trả lời cộc lốc vô số câu hỏi của bốn chiếc máy quay đĩa chạy không mệt mỏi, đang vừa nói vừa liếc như súng bắn liên thanh:
- Vợ con anh đâu? Sao đàn ông lực lưỡng thế này mà sống một mình? Hoài của…
- Di tản sang Mỹ lâu rồi.
- Sao anh không đi?
- Không thích…
- Anh có định lấy vợ không? Hay cứ ở một mình, ôm chai rượu mà hát tình ca? Giọng anh mà hát chắc hay lắm…
- Không lấy…
- Trời ơi. Sao anh ít nói vậy? Từ trẻ đến giờ vẫn thế sao?
- Vẫn thế…
Sau phút ban đầu thăm dò, bữa cơm vui nổ trời. Gã ăn ít uống rượu nhiều. Bốn cô ăn ít, uống ít, nói nhiều. Chỉ có cô nhạc sĩ từng là cao thủ về uống rượu liên tục chạm ly với gã. Quay đi quay lại, hai người đã vật ngã hai chai sáu lăm. Rồi cô nhạc sĩ ôm đàn ghi ta hát “Điều đó rồi xảy ra. Em biết và em biết (…), rằng chiến tranh không phải trò đùa….”. Cô hát rồi nước mắt ròng ròng xuống gò má. Ba cô còn lại gõ bát hát theo. Đến cuối bài cả bốm ôm nhau mà khóc. Họ đều từng đi qua chiến tranh. Họ đều từng phải khóc ngất khi người lính tuyệt vời của mình ngã xuống ở một cánh rừng, một khúc sông nào đó, máu đỏ đầm đìa trên ngực…
Cô gái trong bài hát còn hạnh phúc chán. Cô còn được đón chàng trai của mình trở về, dù anh có tiều tụy đến đâu? Còn chúng mình thì sao? Rồi sông đời xô đẩy, đến lúc thì phải chặc lưỡi để lấy chồng. Đêm tân hôn, khi chồng nằm lên người, họ đều tượng tượng đến chàng trai chỉ dám hôn lên má ngày nào, khi xung quanh vẫn rung chuyển bởi bom đạn. Chao ôi. Những nụ hôn khét mùi thuốc súng. “Rồi lỡ dở… rồi ai có lỗi trong những tan vỡ?”.
Gã ôm cây đàn chơi như bật bông nhưng tiếng hát thì lạ lắm. Hình như đó là một dòng sông ngầm bị cầm tù trong lòng đất vật vã đòi tung phá để vọt trào. Qua giọng hát như có lửa cháy bên trong ấy, bài hát “Tiến thoái lưỡng nan” của Trịnh Công Sơn bỗng mang một sắc thái rất lạ…
Bốn nữ chủ nhân của ngôi nhà chung không khóc nữa, họ say mê nghe hắn hát. Những gò má bỗng bừng đỏ, dù nước mắt vẫn còn lăn dài, như những dòng sông nhỏ chảy lặng lẽ đi tìm biển khơi của mình. Ở ngoài kia, biển đang cồn lên dữ dội. Nước ở đây trong lắm. Từ trên cao nhìn xuống, qua khoảng cách 5- 7 mét, vẫn nhìn thấy rất rõ những viên sỏi cô đơn đã ngàn năm, chúng có biết buồn không?
3. Năm nay mùa hạ đến sớm. Các loài hoa dại như những nhạc công đang hòa tấu một bản nhạc kì diệu mà giai điệu là những mùi thơm… Gã cùng hai người bạn hì hục đào bới, rồi chuyển một cây mộc hương đã gần năm mươi tuổi mà không chịu lớn, sang trồng tặng hàng xóm. Thân cây xù xì mốc thếch, rắn đanh, lá dày và xanh thẫm, hoa trắng nhiều vô kể, chỉ buồn nỗi cây già cấc ấy chỉ cao tầm hơn một mét.
Hắn bảo cây càng già hoa càng thơm. Đặc biệt vào lúc đêm khuya. Trước đây cây mọc lên từ kẽ nứt của một hòn đá khổng lồ, ăn đá uống sương mà sống, thân như sắt nguội, vật vã mà xanh và thơm…
Cô nhà thơ hỏi:
- Sao anh lại tặng cây mộc hương?
- Vì tôi nghĩ chúng ta phần nào cũng giống cây mộc hương…
Bốn cô rủ nhau câu cá. Sau đêm biển động, nước trong veo ngủ thiu thiu. Họ ngồi câu đến nửa buổi mà chỉ được 3 con cá nhỏ ti. Hôm nay có con trai của cô nhà thơ đến thăm. Cô nhạc sĩ ngắm nghĩa mãi rồi thở dài.
- Ba con cá đẹp quá, chúng cũng có gia đình. Mình ăn nó rồi con cái nó sẽ sống ra sao?
Họ thả ba con cá xuống biển rồi nhìn theo mãi. May có gà thả trong vườn. Đặc biệt có món thịt rắn của gã. Đêm qua bốn cô kêu như cháy nhà, nhảy bổ ra sân, vừa gào vừa khóc. Một con rắn hổ trâu bò vào nhà cô nhà thơ, khoanh tròn nằm giữa nhà thi thoảng ngẩng cao đầu phun phì phì… Bốn ngôi nhà liền kề đều có cửa thông sang nhau, nghe cô nhà thơ hét lạc giọng:
- Rắn! Rắn! Cứu với…
Ba cô cầm gậy chạy sang, nhìn thấy con rắn to đùng, phải gần chục cân thì quăng gậy, chạy ra ngoài sân vừa gào vừa khóc! Gã xuất hiện như một vị cứu tinh, chầm chậm đi vòng quanh con rắn, nó ngóc đầu rất cao, thi thoảng mổ rất nhanh vào que nhỏ đang dư dứ. Bất ngờ, gã tóm đuôi rắn giật mạnh rồi dùng bàn tay tuốt mạnh từ đuôi ngược lên, con rắn nằm đứ đừ. Treo nó lên, cắt tiết đổ vào rượu trắng, lột da, băm nhỏ, cho vào cối đá rồi dùng gốc chuối mà giã, bao nhiêu xương rắn đã bị băm nhỏ cắm cả vào củ chuối. Món chả rắn bọc lá lốt rán thơm lừng. Món thịt rắn xào sả ớt một phần, phần còn lại nấu cháo đậu xanh, ăn ngon tụt lưỡi…
Bữa cơm rôm rả. Bàn ăn đặt ngoài sân rộng. Gió biển thổi lồng lộng, cô nhà nhơ cao lêu đêu, gầy khô, hai má lúm đồng tiền xinh xinh ngày nào giờ không tròn xoe nữa, những ngoặc đơn ngoặc kép đang dần chồng lấp lên nó, nói thật xúc động:
- Cảm ơn anh hàng xóm dũng cảm. Hình như tất cả phụ nữ trên thế giới đều sợ rắn. Con vật bò sát ngùng ngoằng này luôn gợi cảm giác vừa ghê tởm vừa kinh sợ. Hồi ở chiến trường, chúng tôi sợ nó hơn cả bọn Mĩ. Nhưng thú thật thịt nó ăn rất ngon. Nào, tất cả nâng ly mừng chiến công của anh hùng bắt rắn…
Cô họa sĩ tíu tít gắp thức ăn cho mọi người. Dù thời gian tàn phá, những nét đẹp trên gương mặt tròn như trăng rằm vẫn phảng phất hương vị của một thời. Chỉ có mái tóc đen dày ngày nào, dù chăm chút bao nhiêu, vẫn khô đi và rụng gần một nửa.
Cậu con trai của nhà thơ đưa cả vợ con về chơi. Chàng trai ấy liên tục cụng ly với gã, uống ngon lành những ly rượu pha tiết rắn, rồi thầm thì:
- Cháu rất mừng khi mẹ cháu cùng bạn thân một thủa “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai” về ở đây. Có bác là hàng xóm cháu càng vui hơn. Chúng cháu đều ở xa. Thi thoảng mới về thăm. Ở lứa tuổi hoàng hôn này cần lắm niềm vui và tri kỉ. Con cháu dù thương yêu bao nhiêu cũng khó san sẻ nỗi cô đơn của tuổi già…
Cô nhạc sĩ béo tròn, mặt lúc nào cũng như quả táo chín hét lớn, giọng đã nồng nồng mùi rượu: - Thôi, không rì rầm về tuổi già hay cô đơn nữa. Có những quy luật buồn ta phải sống chung với nó. Vui một ngày là lãi một ngày. Hát bài hát ta từng hát một thời trẻ trung đê:
“Ơi cô gái Trường Sơn bao đêm em đi mở đường. Cho từng chuyến xe anh qua. Em hộ tống xe anh qua…”.
Rộn ràng và nhốn nháo cả lên. Bốn cô như lột xác khi hát vậy. Họ gõ thìa gõ đũa vào xoong nồi chậu sắt. Mắt long lanh nụ cười rạng rỡ. Giọng hát của họ không còn tròn đầy như trước nữa. Nhưng có lửa cháy, suối reo, cùng gió thanh xuân lồng lộng trong đó, giọng hát trào lên từ trái tim trong ngực nên có vẻ đẹp lạ lùng. Chỉ có gã cúi đầu không hát, soi mặt vào trong ly rượu, và lắng nghe những tiếng gọi mơ hồ từ khơi xa vọng về.
Hai đứa trẻ là cháu của nhà thơ chạy đến bên gã, giật tay áo, mắt tròn xoe, ánh mắt thật trìu mến:
- Ông ơi. Sao ông không hát? Sao ông buồn thế? Ông buồn vì đánh con rắn chết phải không?
- Không. Ông có buồn đâu. Ông đang mải nghe hát đấy chứ.
Nhìn lũ trẻ lũn cũn theo gã, cười giòn tan khi được gã cõng đi chơi, đi rình bắt những còn chuồn chuồn ớt to tướng, ngủ lim dim trên hàng rào, cô nhà báo thẽ thọt với cô nhà thơ:
- Bà nhìn xem. Bọn trẻ quấn lấy gã. Trẻ con tinh vô cùng. Chúng mà quý ai thì đấy phải là người tốt. Khi lớn lên, chúng ta dần đánh mất sự hồn nhiên, nhạy cảm của một thời. Trẻ con luôn nhận ra ai là người tốt ai là người xấu bằng trực cảm. Lạ thế!
- Thôi. Tôi xin bà. Nhìn mắt bà nhìn gã là tôi biết. Yêu rồi phải không? Đã si mê thì gã đàn ông có xấu đến đâu cũng trở nên hoàn hảo. Bọn đàn bà mình ngốc nhất là khi yêu. Khổ thế. Biết đấy mà không sửa được mới đau chứ.
- Bậy nào. Tuổi này rồi. Yêu đương cái gì chứ…
- Không có gì sao đỏ mặt. Ha ha… Bắt quả tang nhé…
- Một lần nữa chúng em cảm ơn anh. Về đây làm hàng xóm của anh, chúng em vui và bình yên. Nhưng sẽ còn vui hơn nữa khi có một đám cưới, có cô dâu chú rể. Trong bốn đứa, em nhà báo là trẻ và xinh nhất. Mà xem ra em nó mê cái món thịt rắn của anh mất rồi. He he he.
Gã luống cuống đứng dậy, tay vụng về làm đổ bát canh xuống đất, uống cạn ly rượu rồi lắp bắp:
- Xin lỗi cả nhà. Tôi cáo lui…
Cứ thế, gã cúi đầu đi như chạy, bỏ lại sau những trận cười nghiêng ngả. Cậu con trai cùng vợ cười chảy nước mắt, chụm đầu to nhỏ.
- Lạ nhỉ. Già đến thế mà còn xấu hổ như thủa đôi mươi…
Đêm ấy, bốn người đàn bà rải chiếu xuống đất ngủ chung. Đã gần sáng rồi mà không ai ngủ được. Lặng lẽ họ tìm và cầm tay nhau. Ngoài kia biển cũng không ngủ, lúc thì ngân nga tiếng sóng trẻ trung đầy hi vọng, lúc thì thở dài như người già đang bồi hồi nhớ lại những ngày đẹp đẽ đã qua, và bồn chồn đợi những ngày sắp tới… Chẳng biết khi buồn sóng có cầm tay nhau không?
4. Thế là cãi cọ inh ỏi, rồi khóc lóc tùm lum. Những chuyện lặt vặt của đàn bà tích tụ lâu ngày rồi bùng nổ. Nào thì gà của bà A làm nát vườn rau mới trồng của bà B. Nào là bà C mượn son phấn của bà D để trang điểm đi học khiêu vũ, rồi quên trả lại… Nhưng cao trào xuất hiện vào sáng nay, cô nhà báo nuôi một đàn thỏ hơn hai chục con, còn đào hầm cho chúng trú ngụ. Bọn thỏ đào hang giỏi, ăn suốt ngày, còn đẻ vô tội vạ. Chảy mấy chốc đàn thỏ đã vọt lên gần 100 con. Chúng ăn nghiến ngấu mọi loại rau củ quả… Công sức trồng trọt của bốn chị em trở thành công cốc. Tức nhất là sáng nào cô nhà báo cũng say mê ngắm bọn thỏ đực nhảy những con thỏ cái. Sao mà chúng khỏe thế. Cứ yêu nhau suốt ngày thế này? Chả trách thỏ cái đẻ sòn sòn, số lượng thỏ con tăng lên cấp số nhân. Đã xót ruột vì rau mầu bị ăn không thương tiếc, bấm bụng chịu, trồng rau, hoa rồi rào cẩn thận. Nhưng bọn thỏ là những cao thủ trong nghề đào hang. Thế là rau cải, cà chua, cà rốt, xu hào thoáng cái đã sạch bách. Tức đến không thể nhịn được nữa. Lại còn cái đứa cứ nhìn thỏ đực giao phối cùng thỏ cái, mặt cứ đần thối ra. Ai mà nhịn mãi được?
- Này. Chị bảo cho em biết nhá. Em có bán ngay lũ thỏ ấy đi không thì bảo…
- Phải đấy. Bán ngay và luôn cứ để thế này, có ngày lũ thỏ chết tiệt đói quá, nó ăn cả chúng ta nữa đấy…
- Các chị bảo sao ạ. Lũ thỏ xinh và hồn nhiên mà. Em thấy có làm sao đâu…
- Còn không làm sao à? Cô nhìn ra vườn đi, công sức của chúng tôi đổ vào mồm chúng tiệt rồi. Khiếp khiếp, ăn gì mà ăn tợn, ăn không ngừng thế không biết. Bảo sao bao nhiêu hoa màu đổ vào mồm chúng nó hết. Cứ đập chục phát cho chết vãn đi…
- Các chị đừng nói thế, ác quá, có gì em đền tiền các chị là xong chứ gì…
- Chúng tôi không cần tiền của cô. Cô không bán lũ quái vật ấy đi, chúng tôi đập cho bẹp dúm…
- Chị ác nó vừa vừa thôi. Tôi thách chị đập đấy…
- Á à. Thách à. Giỏi nhỉ. Bằng tuổi này rồi, có cháu rồi, đứng thộn mặt nhìn thỏ đi tơ với nhau. Đẹp mặt nhỉ? Thèm đàn ông quá thì đi mà tìm cái cọc rào mà ngồi vào…
- Tôi cấm chị nói năng kiểu xúc phạm, thiếu văn hóa như thế…
- Tôi cứ nói đấy. Cô làm gì tôi… Thế là chiến tranh nóng rồi chiến tranh lạnh. Trưa hôm ấy tất cả bỏ cơm lên giường đắp chăn trùm kín đầu. Nhà buồn như có người chết. Bốn con chó của bốn nhà cũng mặt buồn như đưa đám, ra cổng nằm cạnh nhau, mặt hướng vào nhà chờ đợi. Chiều đến qua lại ngoài sân, mặt ai cũng nặng chình chịch như thớt gỗ nghiến ngâm nước, không hỏi không chào. Tối đến bốn mâm cơm được dọn ra, bốn người ai đều nhìn bát cơm của mình, không ai ăn nổi dù chỉ là một hạt. Bốn con chó đứng ngoài sân nhìn vào bỗng ngửa cổ tru lên một hồi dài buồn thảm. Từng người cầm bát cơm của mình không ăn ra chăn chó. Họ lạnh lùng liếc nhìn nhau rồi cùng bật khóc, ôm ghì nhau mà nức nở mãi không thôi. Ngoài xa, biển như đàn bà, lúc khóc lúc cười, chả biết đâu mà lần.
Đêm ấy trăng sáng lắm… Nhà đẫm trăng và biển đẫm trăng. Lá cây trong vườn như được dát ánh trăng, màu vàng xanh giao hòa cứ loáng mướt lên. Cô nhà báo gọi rồi quàng tay ôm bạn bè mà nói.
- Em biết các chị đều thích gã hàng xóm cao lớn, trầm mặc của chúng ta. Thôi giờ như thế này: - Cạnh tranh lành mạnh, được không? Cấm tiệt ghen tuông, thả sức thể hiện năng lượng đàn bà. Gã ấy chấm ai thì tất cả mừng cho người đó…?!
Ba cô còn lại sững người một lúc, rồi bật cười hét to: Ok?! Cô nhà báo lấy rượu rót vào tay mỗi người vài giọt, rồi ngửa bàn tay mình, ba cô đập tay mình vào đó rồi cùng hét lớn: Thề!
5. Gã ốm. Sốt cao kinh khủng, chỉ đủ sức lần tìm mấy viên thuốc cảm bỏ mồm nuốt chửng, chả còn rót được nước, nằm bất tỉnh. Trong cơn mơ nặng nhọc, gã gào tên ai đó, tay cào cấu níu giữ ánh trăng lọt qua khe cửa, có mấy giọt lệ bò chậm rãi xuống bờ râu quai nón rậm rạp. Râu uống lệ nhanh lắm, như khát từ bao năm rồi.
Ở bốn căn nhà bên này, một “chiến dịch” được chuẩn bị bí mật, tiến hành công khai và quyết liệt. Cô nhà thơ nấu cháo hành thơm lắm, bê sang năn nỉ ngọt ngào dỗ gã ngồi tựa lưng vào đầu giường, bón cho ăn gần hết bát cháo. Giọng dỗ dành ngọt hơn mật ong rừng: - Ngoan nào, thêm một thìa nữa. Ngoan nào, há mồm em thương, ngoan lắm. Trời ơi. Sốt chi mà gầy guộc quá trời anh? Thương đứt ruột xé lòng đó… Anh ơi…
Cô họa sĩ xuất hiện lườm cô nhà thơ: - Đang sốt mệt thế này. Ăn làm sao được mà ép…? Cô ôm Ghi ta chơi các bản tình ca ngọt lịm: - “Tình yêu vô giá”; “Rô mê ô và Juy li ét”… nhìn ra, gã ngủ mê mệt từ bao giờ…
Cô họa sĩ sang nhìn gã hồi lâu, ứa nước mắt rồi quay lại gắt cô nhạc sĩ:
- Đang suy kiệt vì sốt cao thế này, nghe nhạc của bà khác gì tra tấn, dẹp đi… Cô lau rửa, cạo râu, bấm huyệt thái dương cho gã, bệnh nhân cố ngồi dậy nói lào phào.
- Đa tạ. Tôi khỏi rồi…
Cô nhà báo đun nước xông bằng năm loại lá thơm, bắt gã uống một bát con nước ấy trước khi xông, rồi pha thành nước tắm mà dội qua người…, gã bỗng ứa nước mắt, sụt sịt mãi. Bốn cô lo lắng gặng hỏi, mãi rồi gã mới nói:
- Lâu… lâu quá rồi. Tôi chỉ một mình.
Bốn cô quan sát sắc như dao cạo nhanh như điện giật: - thì gã cũng phải xúc động hơn với mỗi một ai chứ? Chẳng lẽ tình cảm chia bốn phần bằng nhau chằn chặn? Chịu! Không thấy có khác biệt gì. Bốn cô thở dài ra về. Đêm ấy biển động dữ dội như để chuẩn bị cho sớm mai bình yên. Biển giống đàn bà từng trải đang yêu, khôn ngoan và ngốc nghếch lắm. Từ trên cao nhìn xuống, sóng to sóng bé chạy hối hả, đập điên cuồng vào ghềnh đá. Để rồi sau đó lại dịu dàng ve vuốt như để đền bù cho những tổn thương đã vô tình (hoặc cố tình) gây ra cho đối phương… Có lẽ cũng như sóng ngoài kia, sáng nay bốn chị em tập trung vào một phòng, đóng cửa lại rồi cãi nhau to, rồi cười và khóc ghê lắm, chả biết về chuyện gì. Từ đấy đến chiều là nồi xoong quăng ra sân, là quét nhà bụi bay chổi gẫy, là những bài thơ bản nhạc viết tặng nhau giờ đem đốt “vía”, cháy lặng lẽ buồn thiu, tàn lửa đỏ chấp chới không chịu theo gió ra ngõ, chỉ muốn bay ngược vào trong nhà. Tối đến, bốn cô ra bờ biển, ôm lấy nhau mà khóc lặng lẽ, khóc chán thì tốp ca nữ bài “Không cho chúng nó thoát. Chúng bay vào sẽ không có đường ra”. Chỉ có rừng phi lao vỗ tay, bầy sóng nghe rồi cười trắng xóa.
6. Đang cùng nhau húp cháu gà soàn soạt, bỗng điện thoại của cô nhà báo rung bần bật, nhạc chuông ngọt lịm bài “Ở hai đầu nỗi nhớ”, cô cầm điện thoại lên khẽ khàng “Dạ em nghe…”, rồi tay run cầm cập, mặt hết đỏ lại tái, rồi lại đỏ tưng bừng, môi lắp bắp: - Dạ vâng ạ. Em sẽ đúng hẹn ạ… Em cảm ơn Anh! Cuộc gọi kết thúc. Cô ngồi thụp xuống ghế, ôm ngực thở gấp gáp, mắt mở to không chớp, môi lắp bắp: - Tôi chết mất! Dứt khoát là chết mất! Giời ơi.
Ba cô bỏ bát, vồ lấy cô nhà báo, lay giật không thương tiếc hỏi dồn dập như sóng xô bờ.
- Ai? Ai gọi? Chuyện gì? Sao nom mặt sợ thế? Mà sao lại phải chết? Kinh bỏ cha…
- Có phải gã hàng xóm đẹp trai không? Gã ngỏ lời? Xin cưới? Hay là….
- Không phải thế! Gã hàng xóm hẹn tôi gặp lúc mười giờ đêm nay tại bờ biển… Tôi sẽ chết như thế nào đây hả các Bà…?
Một phút lặng phắc. Rồi òa vỡ tiếng cười, xen tiếng khóc, cười hết cỡ khi nước mắt ròng ròng…
- Mừng cho em. Mừng lắm. Thật đấy.
- Tiếc cho tao nhưng mừng cho mày. Ở tuổi này rồi, già mẹ nó rồi, được một tay như thế ngỏ lời là hiếm lắm…
- Mà lấy rồi vẫn ở ngay cạnh nhà nhau, sướng thế! Nếu lão đánh mày thì chạy về với bọn tao.
- Còn nếu mày đánh lão thì chồng mày sẽ sang ở cùng bọn tao, chồng chung ha ha…
Sau ồn ào là lặng phắc, cầm tay nhau mà nhìn ra biển: Hình như sáng hôm ấy biển đã vào đây, hóa thân thành bốn người đàn bà, từng đi qua chiến tranh, nhận của nó bao cú đánh tàn bạo, từng yêu rồi tuyệt vọng, từng có chồng con rồi giờ trắng tay hoặc gần như tay trắng… Trong từng ngôi nhà nhỏ nhưng vẫn là một vũ trụ ấy, có những biển khơi vật vã đêm đêm, chỉ những chiếc gối đầm đìa sóng mặn và những thang giường từng kêu rên rỉ mới hiểu hết mà thôi. Tối hôm đó ba cô chăm chú làm đẹp cho cô nhà báo, những bộ quần áo, váy đẹp nhất, son phấn sang nhất mang ra để ngập trên giường. Họ thì thầm tư vấn những gì chả biết, chỉ thi thoảng cười ré lên, đấm lưng nhau thùm thụp. Biển ngoài kia reo vui kì lạ. Cỏ Lông Chông lăn tít mù như những bánh xe nhỏ. Kì diệu nhất là cây ngọc lan trồng bao năm rồi, ai cũng bảo đây là cây “đực” vì không ra hoa, bất ngờ sáng nay lộ ra vài chục búp nhỏ xíu, trắng nõn nà như màu da con gái. Cô nhà báo không chọn váy áo của bạn bè dù chúng rất đẹp, cũng không son phấn, chỉ mặc bộ bà ba đen, khoác thêm chiếc khăn rằn đã cũ sờn, cô nói rất khẽ.
- Cảm ơn các chị nhưng không cần đâu. Em thích thật và mộc đúng như Tagore từng viết: “Em thế nào cũng cứ thế mà đến. Đừng có loay hoay sửa soạn áo quần…”. Nếu đàn ông yêu những “phụ tùng” trang trí bên ngoài con người thật của mình thì sớm muộn họ cũng bỏ ta mà đi thôi… Chàng Trung úy của em khi còn sống đã nói: - Em đẹp nhất là mặc thế này…
Đêm ấy có trăng non. Trăng non như một dấu hỏi ai treo giữa trời. Biển im lặng như đang nín thở. Không biết bầy cá biển còn thức không? Sao có tuổi rồi mà khi ra chỗ hẹn vẫn hồi hộp thế? Cỏ thơm quá. Bọn côn trùng hát hay thế. Họ ngồi bên nhau trên một gò cát trắng tinh, hoa muống biển nở tím xung quanh, gã mặc một bộ đồ lính thợ màu xanh rất kỳ quái, tay cầm một chiếc cờ lê khổng lồ. Cô nhà báo ban đầu ngạc nhiên nhìn gã, lát sau cười khẽ: cũng là một kiểu gây ấn tượng bất ngờ của đàn ông? Chả có gì làm cho những người đàn bà đi qua chiến tranh ngạc nhiên được nữa. Nếu bạn từng vuốt mắt, chôn người yêu mình khi đối phương còn đang chửi bới, xả súng ngay bên cạnh thì sẽ hiểu…
- Anh ngồi gần vào đây không lạnh. Em có mang theo tấm vải dù, lát nữa nếu gió to quá…
Cô cười chúm chím má đỏ hồng khi nghĩ đến việc tấm vải dù sẽ được rải trên cát trắng nếu ai đó muốn ngả lưng. Cô và gã đều không biết trong bụi cây không xa, ba người còn lại của “Xóm Bốn Cô” đang nấp, ngậm sẵn thuốc chống ho, mắt mở to, tò mò và khao khát…
- Em à. Trước khi về đây, em từng gặp anh chưa? Bộ đồ lính thợ và chiếc cờ lê này có gợi nhắc gì cho em không?
- Chưa. Mà sao anh hỏi kỳ vậy?
- Buổi sáng 30/4/1975, em cũng mặc trang phục này, chỉ thêm một khẩu AK trên tay, cùng chiếc máy ảnh đeo trước ngực, tiến vào sân bay X phải không?
- Đúng rồi. Nhưng sao anh biết?
- Khi gặp một chiếc trực thăng đang được sửa chữa, sao em lại xả súng vào đám lính ấy?
- Khoan. Anh là một trong những người lính áo rằn ri, lăm lăm AR.15 trên tay sáng hôm đó?
- Em cứ trả lời câu hỏi của anh trước đã. Lúc đó Tổng thống Dương Văn Minh đã đọc thông báo đầu hàng, trong đám lính ấy, có người lính thợ tay cầm cờ lê đã giơ tay đầu hàng, sao em vẫn bắn?
- Vì hôm trước đó, em vừa vuốt mắt, chôn đồng đội của mình, vì cách đó gần một năm, em thay quần áo trước khi chôn người yêu, ngực anh ấy lỗ chỗ vài chục vết đạn, như vậy đã đủ lí do chưa?
- Em bình tĩnh lại đi. Em ngồi thiền và đọc kinh Phật lâu rồi nên biết: - Oán thù nên cởi không nên buộc. Nếu hận thù anh đã không bán đất cho các em, không hẹn em ra ngồi ở đây. Chiến tranh mà, chúng ta cứ bị cuốn đi… cuốn đi thôi… Hôm đó em đã bắn trúng anh…
- Bắn trúng anh? Trời ơi! Em… em…
- Giá hôm đó em bắn chết anh thì tốt quá. Nhưng anh không chết mà như đã chết. Sau khi lành vết thương thì anh không còn là đàn ông nữa. Vợ anh đã bỏ anh đi lấy chồng… Anh từng hận em nhưng giờ chỉ thương em và thương cho chính mình. Hai đứa mình cùng bị bắn đau lắm…
- Anh… Dù biết là vô nghĩa, em vẫn muốn xin lỗi anh. Hãy tha thứ cho em. Những vết thương ta gây cho nhau giờ cũng phải cầm máu, liền sẹo rồi. Tha thứ cho em…
Họ ôm lấy nhau rồi bật khóc. Biển cồn cào dữ dội. Nước mắt của họ chảy xuống bằng những con đường khác nhau nhưng đều rất mặn. Gã vứt cờ lê, vuốt ve mái tóc đen dày một thuở, giờ thưa thớt nhưng vẫn thơm ngát của cô. Cô ngả đầu vào ngực hắn, nghe tiếng trái tim đàn ông đập thong thả, bình yên.
Trong bụi cây gần đó, họ đã nhìn và nghe thấy tất cả. Họ bò xuống chạy trên bờ biển đẫm trăng, vừa khóc vừa nói gì đó với sóng biển đang vọt trào trắng xóa, cố đập vào ghềnh đá thờ ơ suốt vạn năm qua. Biển bỗng khóc òa.
Thái Nguyên, tháng 5/2023
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...