Bóng các anh đậm sâu trong dáng hình đất nước
VNTN - Tôi vẫn luôn xem mình may mắn hơn nhiều người vì ít nhất được một lần ra thăm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Là người làm báo, được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều vùng đất, nhưng có lẽ ít nơi nào mà hai tiếng “Tổ quốc” lại thiêng liêng đối với tôi đến thế như khi đến với Trường Sa. Dù được biết nhiều qua phim ảnh, sách báo, nhưng khi đến đây, chính nơi đầu sóng, ngọn gió này tôi mới hiểu hết được những hy sinh mất mát cũng như tinh thần quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong chuyến hải trình 10 ngày ra thăm vùng biển phía Nam của Tổ quốc, tôi và các đồng nghiệp rất xúc động khi được tham dự các buổi lễ tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ ngay giữa mênh mông biển trời. Cũng tại đây, những câu chuyện cảm động về tình đồng đội, sự dũng cảm vượt qua nguy nan của cán bộ, chiến sĩ ta đã được kể lại sinh động và đầy tự hào.
Tôi nhớ như in buổi lễ tưởng niệm trên vùng đảo Len Đao hôm ấy. Biển Trường Sa bỗng tĩnh lặng khác thường. Mặt nước im phắc, dường như không có ngọn gió nào thổi qua, điều mà chưa từng xảy ra trong cả chuyến hải trình đã qua. Tại lễ tưởng niệm, chúng tôi như được gặp lại các anh, những người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam đã quyết tử với kẻ thù trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma cách đây đúng 29 năm. Đó là Anh hùng liệt sỹ, trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ, đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ 604… Đặc biệt nhất là tấm gương của Anh hùng liệt sỹ, thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Trước sự tấn công dữ dội, anh vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Tôi cũng không bao giờ quên ký ức về buổi lễ tưởng niệm ở vùng biển Ba Kè (nhà giàn DK1/9), thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Ở đây, những chiến sĩ của ta dù hy sinh không phải do đối đầu với kẻ xâm lược nhưng tính chất ác liệt cũng không hề thua kém - đó là bảo vệ nhà giàn trước sóng to, gió cả. Tháng 12-1990, cơn bão số 10 có sức gió giật cấp 12 đổ bộ vào biển Đông tạo ra sóng lớn như muốn nuốt lấy nhà giàn DK1/3 Phúc Tần. Trong hiểm nguy, dưới sự chỉ huy của trung úy, Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng, các chiến sĩ nhà giàn ra sức chống chọi. Song sức người có hạn, nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển, trong đó có 3 đồng chí anh dũng hy sinh. Đó còn là sự hy sinh cao cả của Anh hùng liệt sĩ, đại úy Vũ Quang Chương, Trạm trưởng và 8 cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên, trước sự hung giữ của cơn bão số 8 năm 1998. Khu nhà giàn bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội và bị đổ cuốn đi 9 cán bộ, chiến sĩ. Mặc dù lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình, nhưng có 3 đồng chí mãi mãi nằm lại biển khơi. Tưởng niệm các anh sau mấy thập kỷ diễn ra cuộc chiến đấu giữ đảo, giữ biển Trường Sa và bảo vệ nhà giàn, tôi cũng như nhiều người tham dự đã không cầm nổi nước mắt, thấy thương các anh vô cùng. Chúng tôi biết được rằng, còn nhiều cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn nằm lại biển khơi dù Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đã cố gắng hết sức để đưa các anh về với hơi ấm đất liền. Dù mãi mãi không trở về nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử. Máu của các anh đã hòa cùng biển mặn, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Các anh đã yên nghỉ trong bóng hình sóng nước, và chắc chắn sẽ luôn phù hộ cho các thế hệ hôm nay và mai sau mài sắc ý chí quyết tâm mãi giữ vững Trường Sa và giữ yên biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.Nhà báo Ngọc Sơn (Báo Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...