Bộ tranh thờ “Thập Điện Diêm Vương” của dân tộc Tày – Nùng ở vùng Đông Bắc
Người Tày - Nùng chịu nhiều ảnh hưởng của ba dòng tôn giáo gồm: Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo. Họ quan niệm: Thế giới các vị thần linh bắt nguồn từ những thứ gần gũi như đất, nước, gió, lửa… tạo nên vạn vật, chi phối tất cả các công việc như dựng nhà, chữa bệnh, tang ma… Nhờ có tầng lớp thầy cúng: Tào, Mo, Then, Pụt mà những tư tưởng ấy đã khéo léo kết hợp với tín ngưỡng dân gian, ngày càng ăn sâu bám rễ và trở thành ý thức hệ về vũ trụ và thân phận con người, chi phối mạnh mẽ đời sống, xã hội của các cư dân thung lũng.
Họ hình dung ra vũ trụ không chỉ là thế giới xung quanh, mà bao gồm toàn bộ thiên nhiên, con người và sự vật trên 3 cõi, tương ứng với 3 tầng: trời, trần gian và âm phủ. Quan niệm này được thể hiện khá rõ nét trong các truyền thuyết, thần thoại, truyện cổ tích, qua các nghi lễ tang ma và qua nội dung của các bộ tranh thờ. Đặc biệt là bộ tranh thờ “Thập Điện Diêm Vương” của dân tộc Tày - Nùng vùng Đông Bắc Việt Nam.
Hiện nay tại phòng số 2 (nhóm ngôn ngữ Tày - Thái) của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang trưng bày bộ tranh thờ “Thập Điện Diêm Vương” của dân tộc Tày - Nùng. Trong nghi lễ tang ma, mỗi khi gia đình có người chết, trên bàn thờ của thầy cúng, nhất thiết phải có bộ tranh thờ Thập Điện Diêm Vương để thầy Tào thực hiện nghi lễ cúng dẫn độ linh hồn người chết vượt qua 10 cửa điện về với tổ tiên.
Bộ tranh Thập Điện Diêm Vương được dùng trong nghi lễ tang ma, gồm mười bức, miêu tả 10 vị vương cai quản âm phủ. Mỗi vị đứng đầu một điện để xét xử công tội những người mới chết. Đồng bào tin rằng sau khi chết, linh hồn bị quỷ vô thường (có trách nhiệm đón linh hồn người chết) dẫn tới trước điện diêm vương chịu tội của kiếp trước.
Tranh Nhất Điện Tần Quảng Vương: Tần Quảng Vương là vị thần chuyên điều khiển việc khỏe mạnh, ốm đau, sinh tử của trần gian. Tranh như một lời nhắc nhở về các chứng cứ tội lỗi dù mờ ám đến mấy cũng không thể che giấu được trước cuộc phán xét cuối cùng dưới địa ngục. Đó là một toà án lương tâm nghiêm khắc trong tâm linh của con người, mỗi khi hành xử trên trần thế cần phải nghĩ tới hậu quả báo ứng sau này.
Tranh Nhị Điện Sở Giang Vương: Tranh vẽ Sở Giang Vương ngồi trên án đan, viết lệnh. Dưới là các quan âm phủ, quỷ địa ngục và các linh hồn, cảnh các linh hồn đang chịu quả ác. Tranh có ý nghĩa: Nếu là người mà không cho ai tấm áo, manh quần nào, chỉ bo bo vào thân thì khi chết sẽ bị tội quẳng vào băng giá cho thấu cái lạnh lẽo. Làm người thầy thuốc thấy con bệnh hiểm nghèo mà không cứu, không cho các loại thuốc quý để cứu mạng người ta, thì chính con cháu mình cũng không thể giàu sang phú quý được, mà gông cùm và ngục lửa kia sẽ là hình phạt cho việc độc ác đó.
Tranh Tam Điện Tống Đế Vương. Tranh vẽ Tam Điện Tống Đế Vương lớn, dưới là quan và quỷ sứ đang trị tội những linh hồn khi sống làm điều ác.
Người được làm quan sung sướng, mũ áo sênh sang là nhờ tổ tiên mình hay làm chuyện phúc đức, ví dụ như: bắc cầu qua chỗ lầy lội cho ngàn người đi lại được thuận tiện…
Những người đàn bà độc ác giết chồng, tìm cách mưu hại người khác, bất hiếu với ông bà, cha mẹ thì sẽ chịu tội cho loài rắn độc cắn chết. Kẻ được người khác cậy nhờ mang tin tức về gia đình người ta mà không đến báo sẽ bị tội nhồi ngòi pháo vào rốn rồi đốt lên cho nổ tung làm muôn mảnh như xác pháo. Những kẻ sống phóng hoả đốt nhà, gây nên hoả hoạn rất thương tâm, khi chết đi sẽ bị trói vào quả pháo, khi nổ thân tan làm muôn mảnh như xác pháo.
Tranh Tam Điện Tống Đế Vương tranh vẽ Tam Điện Tống Đế Vương lớn, dưới là quan và quỷ sứ đang trị tội những linh hồn khi sống làm điều ác.
Tranh Tứ Điện Ngũ Quan Vương: Nội dung bức tranh là cảnh các linh hồn đang chịu tội. Đó là những người gian lận, dối lừa mọi người để thu lợi riêng trong kinh doanh, trong tranh có vẽ cái cân, cái đấu, con vật…
Trừng phạt tội nhân lừa dối trong việc dùng cân để kiếm lời trong việc xuất ít, nhập nhiều sẽ bị móc vào giá treo lên như móc của cái cân.
Trừng phạt tội nhân lừa dối trong việc dùng đấu đong gạo để kiếm lời trong việc xuất ít, nhập nhiều (đấu to) hoặc làm cho gạo ướt để gạo nở ra, tuy vẫn dùng đấu ấy như khi nhập (gạo khô), khi xuất (gạo ướt) sẽ dôi gạo ra để kiếm lời. Tội ấy phải bị trừng phạt, thân bỏ vào cái cối giã và nghiền cho nát. Những điều lợi nhỏ mà làm sai lạc sự thật hoặc vì sự bảo thủ ám muội mà làm mờ mắt mình trước việc xử lý, đều phải bị trừng phạt bằng gông, trói.
Tranh Ngũ Điện Diêm La Vương: Tranh vẽ Diêm La Vương ngồi trên án, cầm quạt, mắt đen, bên dưới góc trái là vọng hương đài các linh hồn hướng về trần gian. Bên phải vẽ hai vị thần nhỏ đang trừng phạt những linh hồn tội lỗi...
Tranh thể hiện các tội và hình thức phạt tội:
Thức ăn, thức uống, gạo thơm, cơm dẻo mà mình không biết quý, thấy rơi không nhặt lại giẫm đạp lên, hoặc đem đổ xuống cống rãnh bẩn thỉu, thì khi chết đi sẽ phải hoá kiếp hành thân chó, gà, lợn, trâu…
Ngỗ nghịch, bất hiếu, đánh người bề trên, bầy đủ mưu gian hại người tử tế, sẽ bị tội chém đầu.
Tranh Lục Điện Biện Thành Vương: Tranh vẽ Biện Thành Vương, dưới là các linh hồn tội lỗi đang chịu hình phạt như: căng thân, cưa thân, xé xác.
Các tội lúc còn sống như: đâm trâu, giết lợn hoặc những kẻ oán trời trách đất, bất kính thần linh, a dua điều ác, làm loạn điều thiện phải chịu hình phạt: căng thây xé xác, thân ra làm từng mảnh ở cõi địa ngục.
Tranh khuyên con người sống ở đời phải thiện tâm, tâm địa tốt, thiện ngôn, ăn nói đúng đắn không có ác ý… theo lời Phật dạy, để cho trần thế ngày một tốt hơn.
Tranh Lục Điện Biện Thành Vương vẽ Biện Thành Vương, dưới là các linh hồn tội lỗi đang chịu hình phạt như: căng thân, cưa thân, xé xác.
Tranh Thất Điện Thái Sơn Vương. Tranh vẽ Thái Sơn Vương ngồi trên án, phía dưới là cảnh quỷ đang trừng phạt những linh hồn tội lỗi với các hình phạt: đẩy vào hầm chông, vạc dầu đang sôi, bể lửa.
Tranh thể hiện hình phạt: ném xuống hầm chông, bỏ vào vạc đầu đang sôi hay quẳng vào ngục lửa (hoả xa địa ngục) những người phạm vào tội ác: gian dâm, phá tán tài sản cơ nghiệp của cha ông. Đồng thời khuyến cáo trước một thực tế sẽ diễn ra như một điều quả báo: người chồng gian dâm sẽ khó giữ được vợ và con gái trinh tiết hay lương thiện… người khắc nghiệt bạc ác có gây dựng được sản nghiệp thì chính con cái lại phá tán gia tài. Nên cần phải làm điều thiện, cần kiệm giữ gìn được gia sản sẽ cảm động lòng trời. Đó là giữ được đạo làm người - là một trong ba đạo lớn trong cõi nhân sinh, đó là đạo đối với trời, đất và người.
Tranh Bát Điện Bình Đẳng Vương: Tranh miêu tả Bát Điện Bình Vương trong tư thế tay để tự nhiên, ở phía dưới là các hình phạt như ném vào vạc dầu, ngâm trong ao máu dơ bẩn, mổ bụng moi gan, phanh thây xé xác.
Nội dung tranh thể hiện: Những việc mờ ám như thế nào đi nữa, thì cũng không thể nào che giấu được tội lỗi như giết chồng cướp vợ, phỉ báng thần linh, bất hiếu với cha mẹ, không tôn kính các bậc bề trên hoặc phạm điều giới luật; trai gái trong những ngày giỗ cúng tổ tiên không được tôn trọng… Đó là những việc rất khó lộ ra ngoài, nhưng sẽ có trời, đất, quỷ, thần và người biết, điều đó tất yếu sẽ có báo ứng.
Các hình phạt: Ném vào vạc dầu đang sôi, ngâm trong ao máu dơ bẩn (cho cả đôi gian phu dâm phụ, hoặc cho cả vợ chồng mắc điều dâm nghiệt) hoặc bị mổ bụng moi gan cho các tội giết chồng cướp vợ hoặc phanh thây xé xác.
Tranh Cửu Điện Đô Thị Vương: Tranh vẽ Đô Thị Vương và cảnh chịu hình phạt của tội nhân: lọc ra đánh trượng, tống vào cối xay để nghiền nhỏ thân hình hoặc ngâm vào ngục phân bẩn thối. Tranh thể hiện các hình phạt để trừng trị những kẻ gian ngoan, quá quắt, điêu toa và có tác dụng giáo dục nhân cách và đạo đức cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Tranh Bát Điện Bình Vương miêu tả Bát Điện Bình Vương trong tư thế phán xét tội danh, phía dưới là các hình phạt dành cho các tội nhân.
Tranh Thập Điện Chuyển Luân Vương: Tranh vẽ Chuyển Luân Vương bên trên và các linh hồn, tuỳ tội nặng nhẹ mà được đầu thai theo 6 nẻo: 3 nẻo thiện, và 3 nẻo ác.
Người hiền đức, nhân nghĩa đầu thai thành bậc công hầu khanh tướng. Người chân chính, lương thiện đầu thai thành người quyền quý. Người có nghiệp chướng nhẹ thì đầu thai vào loài chim lông vũ (2 chân) có đời sống ngắn để mau chóng trở lại kiếp người, hoặc người có nghiệp chướng nặng đầu thai vào loài vật 4 chân; hay tội quá nặng phải nhốt vào ngục tối vĩnh viễn. Loại cuối cùng tự sát phải chờ có hồn ma thay thế. Những hồn ma ấy cũng là kẻ chết bất đắc kỳ tử, như vậy là tội tự sát rất nặng. Có thể nói điện thứ mười này các linh hồn khi được đầu thai sẽ quên hết thân phận kiếp trước của mình.
Tranh Thập Điện Chuyển Luân Vương vẽ Chuyển Luân Vương bên trên và các linh hồn được đầu thai theo 6 nẻo (tuỳ tội nặng nhẹ)
Nhìn chung 10 bức tranh đều được thể hiện một cách thống nhất. Mặc dù trong mỗi bức tranh mô tả những hình người chi tiết có khác nhau nhưng đều thống nhất trong bố cục hình chữ nhật đứng, phác thảo nét hình rồi tô nhiều màu, sử dụng gam màu trầm chủ đạo như: xanh, đỏ, vàng, nâu, ghi…
Bố cục mỗi bức tranh được chia thành 2 phần trên dưới rõ ràng: phần trong điện và phần ngoài điện, khoảng giữa 2 phần được vẽ phân cách bởi một bức tường.
Cảnh trên ở trong điện: vẽ nhân vật chính (vương) đều lớn hơn các nhân vật khác, ngồi chính điện, trước mặt có bản án giấy màu trắng, chữ màu đen. Hai bên đều có các quan hầu cận và những người cầm lọng, quạt đứng hầu. Cạnh phía dưới là các quỷ sứ đầu trâu, mặt ngựa đang dẫn tội nhân vào xét tội. Chính giữa sát mép trên tranh vẽ tấm biển màu đỏ chữ Hán màu nhũ vàng ghi tên từng điện Diêm Vương. Ảnh dưới phía ngoài điện: vẽ các quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa đang dẫn các tội nhân đi chịu án.
Bộ tranh Thập Điện cho ta những cảm nhận thật rõ ràng về sự minh bạch (giấy trắng, mực đen trên bản án), sự công bằng (có tội thì bị xử phạt), giáo dục (nhìn những cảnh bị hành tội mà không dám làm điều ác). Qua những hình vẽ rất cụ thể như: mổ bụng, moi ruột, rút lưỡi, ném vạc dầu, thiêu cháy, cưa người…
Phần kết
Đối với người Tày - Nùng, tục thờ tranh dân gian đã được bảo tồn từ đời này qua đời khác, tạo nên nét đẹp văn hóa riêng biệt. Tranh thờ chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện niềm tin của con người vào thế giới tự nhiên, răn dạy con người làm điều thiện, loại trừ việc ác nhằm hoàn thiện nhân cách của mỗi con người.
Bộ tranh thờ “ Thập Điên Diêm Vương” với mục đích răn đe và giáo hóa con người, những vị thần linh đã được tạo ra với hình ảnh oai nghiêm và dữ dằn, để con người biết khuất phục hướng thiện. Bộ tranh mang tính giáo dục sâu sắc cho các thế hệ hôm nay và mai sau, hiện vẫn còn giữ nguyên được giá trị, đang được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là sự minh chứng cho bản sắc tộc người Tày - Nùng ở vùng Đông Bắc Việt Nam.
Đoàn Thanh Huế
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...