Thứ bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2024
02:57 (GMT +7)

Biến nguy cơ thành thời cơ

VNTN - “Tồn tại hay không tồn tại?” - câu nói nổi tiếng trên là của nhân vật Hăm lét trong vở kịch cùng tên được nhà soạn kịch người Anh William Shakespeare sáng tác hơn 400 năm trước. “Tồn tại hay không tồn tại” đang là vấn đề đặt ra cho mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà quản lý trong hoàn cảnh ngặt nghèo hiện nay. Thế giới đang trải qua những ngày khó khăn mất mát do virus Corona (COVID-19) gây ra. Người chết. Nạn thất nghiệp. Khủng hoảng tinh thần và vật chất. Nhịp sống chậm chạp, đóng băng. Tăng trưởng thụt lùi. Các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tin doanh nghiệp phá sản, kéo theo hàng trăm nghìn người lao động thất nghiệp. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra sẽ làm mất đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý II năm 2020, tương đương với 195 triệu việc làm toàn thời gian. Riêng châu Âu là 7,8% (12 triệu người), châu Á - Thái Bình Dương là 7,2%, (125 triệu người làm việc toàn thời gian). Thiệt hại thấy rõ nhất ở ngành vận tải, du lịch, xuất khẩu. Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế ước tính các hãng hàng không thiệt hại 29 tỷ USD, chủ yếu ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Các hãng bay của Trung Quốc tổn thất khoảng 12,8 tỷ USD. Tháng 3 - 2020, hãng hàng không Flybe của Anh đã tuyên bố phá sản. Bạn hàng lớn nhất của hàng không là du lịch cũng sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Khoảng 29 tỷ USD thu nhập từ khách du lịch sẽ “biến mất” trong năm nay do COVID-19 gây ra. Tại Việt Nam, kết quả khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế cho thấy khoảng 74% doanh nghiệp dự kiến phá sản nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 6-2020 do chủ doanh nghiệp không thể trả lương, lãi vay ngân hàng và thuê mặt bằng kinh doanh. Riêng quý I năm nay, doanh thu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chỉ đạt 88.300 tỉ, giảm hơn 13.000 nghìn tỉ, lợi nhuận sau thuế giảm 4.600 tỉ đồng so cùng kỳ năm 2019. Khó có thể kể hết bao nhiêu doanh nghiệp thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực đang đứng trước lựa chọn “tồn tại hay không tồn tại”? Tuy nhiên thời điểm này, thế giới chứng kiến cuộc chuyển dịch mạnh mẽ của nhiều “ông lớn” để tiếp tục tồn tại. Hãng Sharp - đại gia điện tử Nhật Bản chuyển sang sản xuất khẩu trang. Công ty LVMH chuyên sản xuất mặt hàng xa xỉ của Pháp sử dụng thiết bị của mình để sản xuất chất khử trùng tay. Các hãng ô tô như Ford, GM, Rolls-Royce, Airbus, Jaguar Land Rover… bước vào chặng đua sản xuất máy thở. Tại Việt Nam, hãng Vinfast ngừng sản xuất ô tô, chuyển sang sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt. Cũng thời điểm này, công nghệ thông tin đã chứng minh sức mạnh kết nối - điều khao khát của cộng đồng khi phải cách ly xã hội. Người dân ngồi nhà vẫn xem diễn ba lê, nghe dàn nhạc giao hưởng từ nhà hát lớn; các ca sĩ không ở gần nhau vẫn cùng hòa giọng hát. Linh mục làm lễ cưới trực tuyến; thầy giáo giảng bài online; các buổi trao đổi công việc chỉ cần chiếc smart phone và mạng internet. Nhiều hãng bảo hiểm tư vấn khách hàng, chốt hợp đồng, chuyển tiền; các ngân hàng tăng lãi suất gửi tiền tiết kiệm cho khách hàng giao dịch qua mạng. Cách ly xã hội là “thời cơ vàng” cho dịch vụ mua - bán online phát triển. Rau, củ, thịt, cá, quần áo, phở, bún, bánh cuốn, lòng lợn, hoa quả tươi… đều bày hàng trên mạng. Nhiều trung tâm yoga ở Thái Nguyên mở lớp học trực tuyến 3 ca/ngày; trang facebook “Yêu bếp” chia sẻ cách chế biến món ăn tăng 20% số lượng thành viên từ ngày có dịch; nhóm Mua bán đơn hàng đặt online tăng 30% so với thời điểm chưa có dịch. Một số trang bán hàng trực tuyến có doanh thu tăng bất ngờ. Điển hình như Tiki mỗi phút có 3.000 đến 4.000 đơn hàng; Saigon Co.op giao dịch qua kênh online tăng gấp 10 lần so với trước đây. Nhiều doanh nghiệp Việt đã tận dụng cơ hội này đã số hóa hoạt động kinh doanh. Để phù hợp hoàn cảnh, người dân cũng tiếp cận phương thức thanh toán chuyển khoản; chọn hàng, mua bán qua mạng. Nhiều người lớn tuổi phải học sử dụng công nghệ để tập thể thao, khiêu vũ, đàn hát, khám bệnh… qua YouTube. Người nào không “theo được” công nghệ đành chấp nhận thua thiệt. Cuộc sống mùa covid vẫn phải tiếp diễn theo cách phù hợp. Phải tồn tại để tiếp tục phát triển, đó là câu trả lời của hầu hết những người đang đối mặt với khó khăn hiện nay. Sau khi hết dịch, nếp sinh hoạt thông minh nhờ công nghệ trở thành thói quen trong cộng đồng. Vậy là nguy cơ do dịch bệnh gây ra đã biến thành thời cơ cho thời đại công nghệ 4.0 phát triển.

THÁI VĂN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 6 tháng trước