Thứ hai, ngày 30 tháng 12 năm 2024
03:03 (GMT +7)

Bi kịch từ sự… cam chịu

VNTN - Dân gian ta từ xưa có câu “một điều nhịn, chín điều lành”. Người Việt đã, đang coi đó như một phương châm sống, bởi suy nghĩ việc “nhịn” sẽ mang đến mọi sự an ổn thay vì xung đột, tranh chấp. Tuy nhiên trong thực tế, có rất nhiều trường hợp sự nhẫn nhịn, chịu đựng không là giải pháp tốt nhất. Ở một khía cạnh nào đó, nó còn có phần tiêu cực vì góp phần vào sự tồn tại của những yếu tố xấu trong cộng đồng; cản trở sự đấu tranh, phản kháng của bản thân mỗi người. Những tấn bi kịch xuất phát từ sự cam chịu cũng từ đó mà sinh ra.

Những ngày qua, dư luận xã hội hết sức phẫn nộ với sự việc chị Y Nhiêu (23 tuổi, dân tộc Giẻ Triêng, trú tại huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) đi làm giúp việc ở Gia Lai bị chủ nhà Nguyễn Thị Hà (tên thường gọi là Nga) hành hạ, đánh đập dã man bằng nhiều ngón đòn hiểm ác như thời trung cổ. Nhận mức thù lao mỗi tháng 3,5 triệu đồng, từ tháng 3/2017 cho đến thời điểm trốn thoát (11/7/2018), Y Nhiêu phải chịu cảnh bị bà Nga dùng bàn là nóng dí vào người; bị đánh bằng cây sắt hơ vào lửa; bị cắt tai bằng kìm cắt kẽm; mảnh chai, dao lam cắt vào mặt và người; lấy búa đập rồi dùng kìm nhổ răng. Bị khò thui trụi tóc và cạo đầu bằng dao lam; dùng búa đập vỡ xương tay, lấy cây gỗ có gắn đinh đập vào vùng kín và ngực… Có bạn trai và mang thai ở tháng thứ 5, Nhiêu liên tục bị đánh đập, đạp vào bụng đến sảy thai. Chừng ấy hình phạt chỉ vì lý do, bà Nga ngáo đá (nghiện ma túy đá và cỏ Mỹ), nghi ngờ Nhiêu trộm tiền, dụ dỗ chồng mình. Tận khi bị Nga dọa sẽ cắt lưỡi thì Y Nhiêu mới tìm cách để bỏ trốn.

Đọc thông tin được ghi lại từ lời kể của nạn nhân trên báo chí, cảm giác ớn lạnh, sợ hãi và xót xa. Bất bình vì dường như bi kịch đang lặp lại, ngày càng nhiều và khủng khiếp hơn. Người ta nhớ đến sự việc cách đây 8 năm của cậu bé Hào Anh (14 tuổi) ở trại tôm giống Minh Đức (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Bị tra tấn ép uống nước tiểu, dùng kìm kẹp môi, đũa than nóng chích vào người…; cậu bé được giải cứu khi người dân phát hiện em đã bị đánh bất tỉnh và đưa đi điều trị với thương tích 70%. Nghĩ tới thôi vẫn khiến nhiều người chưa hết ám ảnh.

Lại nhớ sau vụ việc của Hào Anh, cộng đồng xã hội lại một phen xôn xao khi nghe tin một nạn nhân khác, cũng là người giúp việc tại một gia đình ở Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội bị bạo hành cùng cực (2011). Chỉ vì nhiều tuổi, làm việc chậm chạp mà nạn nhân thường xuyên bị bà chủ chửi bới, không cho ăn và bị đánh… Khi bắt gặp người giúp việc ăn vụng bánh trên bàn thờ, lấy tiền lẻ đi mua mì tôm, chủ nhà đã bắt phải bới thùng rác tìm phân cháu ngoại của họ để… ăn. Nghiêm trọng nhất là khi nghi người làm ăn cắp tiền, chủ nhà đã bật nước nóng hết cỡ, xối vào ngang bụng và vào bộ phận sinh dục. Dù bị bỏng nhưng nạn nhân không được chủ nhà cho đi chữa trị; có lần còn bị ép ăn hết 200 gram ớt cay khiến miệng bị phồng rộp…

Nhiều người trong chúng ta hẳn sẽ phẫn nộ và hoài nghi về tình người; cùng với đó là nỗi buồn và sự day dứt. Vì sao những nạn nhân kia lại có thể chịu đựng sự tra tấn lâu như thế, vì sao họ không phản kháng? Tại sao cận kề cái chết cũng không biết quý trọng sinh mạng?

Thực tế đáng buồn là, người lao động nói chung, những nạn nhân trong các sự việc đau lòng kể trên nói riêng đều thiếu sự phản kháng cần thiết. Họ bị chi phối bởi cái nếp nghĩ “một điều nhịn chín điều lành” đã ăn sâu; họ nghĩ mình phải nhẫn chịu vì thân phận là người làm thuê? Người lao động thiếu bản lĩnh tự vệ để chống trả là một chuyện, cái chính là họ chưa được tuyên truyền, giáo dục đầy đủ về quyền hạn của mình. Không ít người cam chịu vì nghĩ, nếu phản kháng sẽ bị đòn nặng hơn. Không được trang bị kỹ năng tự vệ, thụ động chịu trận, họ chưa có ý thức rằng mình được quyền gọi cảnh sát hay gọi sự trợ giúp từ các cấp có thẩm quyền khi bị hành hạ và đe dọa.

Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự, thì tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (thương tích 31-60%, phạm tội nhiều lần, tái phạm nguy hiểm) thì bị phạt tù 2-6 năm tù giam. Bị phạt tù từ 5-10 năm khi thương tích (hoặc tỷ lệ tổn hại sức khỏe) 61% trở lên. Mức án 7-14 năm tù khi gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên. Khung hình phạt rõ ràng là vậy, song bi kịch vẫn tái diễn trong nhiều năm qua. Đó hẳn là vấn đề đáng báo động.

Nói đến đây, bỗng nhớ tới câu chuyện về một cậu bé 8 tuổi người nước ngoài khi lên lớp không học bài, bị cô giáo đánh thước kẻ vào tay, cậu liền nghiêm mặt mà rằng: nếu tiếp tục đánh, tôi sẽ gọi cảnh sát!

Mới thấy, nên chăng chúng ta cần có những lớp tập huấn để nói với người lao động về luật pháp và quyền hợp pháp của cá nhân họ. Nhằm hạn chế và tránh lặp lại những bi kịch xảy đến vì tâm lý cam chịu, nhẫn nhục đáng tiếc như vừa qua, việc truyền dạy về kỹ năng phản kháng cũng là việc cần thiết và nên làm.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước