Bất an bệnh viện
VNTN - Những năm gần đây, thêm một vấn đề mà người công tác trong ngành Y đang phải đối mặt, bên cạnh áp lực vì khối lượng công việc lớn, vất vả trực ngày trực đêm, lo cấp cứu bất kể lúc nào…, thì nguy cơ bị đe dọa, hành hung cũng là nỗi bất an vô cùng lớn. Cách đây ít ngày, sự việc một nữ điều dưỡng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) bị đánh đến chấn thương gãy xương hàm, khiến nhiều người bất bình cảm thán, rằng bệnh viện giờ nguy hiểm như chốn… võ đài vậy. Theo đó, vì thiếu giường, nữ điều dưỡng này đã đề nghị người nhà một bệnh nhi đang nằm ở phòng lưu bệnh di chuyển ra khu vực ghế ngồi chờ, nhường giường để theo dõi cho bé mới vào có tình trạng bệnh nặng hơn. Người nhà không đồng ý với yêu cầu của chị nên đã “xuống tay”. Liên quan đến những vụ hành hung nhân viên y tế, gây rối trong bệnh viện, có hàng tá tình huống: chồng xách dao đi khắp bệnh viện tìm người gây tai nạn cho vợ để “xử”; rượt đánh bác sĩ khi được yêu cầu chờ tới lượt do bệnh nhân đông… Không thiếu trường hợp các y, bác sĩ bị côn đồ đâm trọng thương, đánh thủng màng nhĩ, người thì gãy sống mũi, chấn thương mắt; có người bị đánh vì người nhà cho rằng con/em họ không được “nhiệt tình” chữa trị… Theo khảo sát của Bộ Y tế về bạo hành nhân viên bệnh viện, thì đối tượng bị tấn công là bác sĩ chiếm 70%, điều dưỡng là 15%; 90% vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện; 60% khi thầy thuốc đang cấp cứu và 30% khi thầy thuốc đang giải thích… Cũng theo số liệu của Bộ Công an, trong 2 năm 2017 - 2018, có gần 50 vụ hành hung bác sỹ, nhân viên y tế (gây thương tích, đập phá, gây rối...). Nhưng đó là con số thống kê chưa thực đầy đủ, bởi ngoài những vụ hành hung thân thể, họ còn phải chịu đựng nhiều hành vi đe dọa về mặt tinh thần, bị nhục mạ, xúc phạm, gây tổn thương về mặt tâm lý nữa… Thực tế cho thấy, các bệnh viện ở ta hiện nay còn thiếu và hạn chế về trang thiết bị an ninh bảo vệ; rất ít bệnh viện có sự phối hợp với lực lượng công an sở tại trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại bệnh viện. Nhân viên bảo vệ tại chỗ mỏng, phần lớn họ chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát người ra vào, trông xe, ít can thiệp vào việc kiểm soát tại khu vực khám chữa bệnh, nên khi có vấn đề phát sinh không kịp phản ứng, xử lý tình huống; không dám khống chế, trấn áp nếu đối tượng sử dụng hung khí. Những năm qua, ngành Y tế đã có rất nhiều cuộc hội thảo phân tích và tìm hướng giải quyết cho vấn nạn hành hung nhân viên y tế. Để bảo đảm an toàn cho y, bác sĩ, các bệnh viện có những phương pháp như: tăng cường lực lượng bảo vệ, hạn chế người nhà vào khu cấp cứu, điều trị; tổ chức các khóa dạy kỹ năng (đối phó với các tình huống tương tự), câu lạc bộ dạy - học võ; lắp đặt hệ thống báo động, phản ứng khẩn cấp theo nhiều cấp độ để kịp thời hỗ trợ, ngăn chặn hành vi nguy hiểm. Cơ quan công an cũng vào cuộc hết sức nghiêm túc, đã bắt và xử lý theo pháp luật các đối tượng hành hung, gây rối; tăng cường lực lượng an ninh nơi bệnh viện, lập đường dây nóng tới lực lượng cơ động 113 để các cán bộ, nhân viên y tế có thể gọi hỗ trợ bất cứ lúc nào… Có nhiều hướng giải quyết như vậy, nhưng dường như những vụ việc nhân viên y tế bị hành hung vẫn đang gia tăng. Rõ ràng là, hành vi tấn công nhân viên y tế dù với bất cứ lý do gì cũng không thể chấp nhận được, song chúng ta cũng cần/nên có cái nhìn thẳng thắn, khách quan từ cả hai phía. Từ phía bệnh viện, tình trạng các điều dưỡng viên, nhân viên hành chính có tác phong ứng xử, hành vi, lời nói không đúng mực khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân là có thật. Thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu, gây tâm lý bức xúc trong người nhà bệnh nhân cũng có thật. Đặc biệt ở các ca cấp cứu nguy hiểm, các bác sĩ của chúng ta hầu như thiếu kỹ năng ứng xử về mặt tâm lý, trấn an tinh thần cho người nhà, gây nên những tác động tiêu cực đến tinh thần, cảm xúc của họ. Còn từ phía bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, họ hành động bộc phát chỉ vì một lý do duy nhất: bị kích động tâm lý. Bởi khi vào viện là tinh thần luôn trong trạng thái lo lắng, căng thẳng và trông chờ sự cứu giúp của bác sĩ, nếu không có được sự “xoa dịu” cần thiết sẽ dễ… bốc hỏa. Xã hội vốn vẫn coi ngành y là ngành phục vụ nên luôn có tâm lý đổ lỗi cho nhân viên y tế. Có nhiều phương cách để đối phó với các hành vi kích động tâm lý, nhưng thiển nghĩ, cách tối ưu và đơn giản nhất, vẫn nằm ở việc các y, bác sĩ nhẹ nhàng “xoa dịu” những căng thẳng, lo âu của người bệnh và thân nhân của họ bằng tấm lòng luôn ấm áp như Từ Mẫu.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...