Bàn về chuyện chính tả, dùng từ
VNTN - Viết sao cho đúng nghĩa từ hoặc chính tả (viết đúng quy định) là một câu chuyện khá phức tạp. Thường trong ý nghĩ của nhiều người thì những ai có học hành bài bản, có học vị cao ắt viết chuẩn hơn những người bình thường. Điều đó có thể đúng, nhưng đúng tuyệt đối thì không. Trên thực tế có không ít người có học hàm học vị cao, thậm chí rất cao mà viết đâu có thật sự chuẩn xác. Hay các nhà văn, nhà báo, nhà giáo là những người gần như suốt đời làm bạn với chữ nghĩa, vậy mà nhiều khi gửi bài cũng làm cho biên tập viên vất vả khâu sửa câu chữ, chính tả…
Nói thì nói vậy chứ về việc này cũng chẳng nên chê cười ai. Nhận thức về từ ngữ, chính tả là một quá trình dài, có thể nói là suốt đời. Nếu ai đó có lỡ dùng sai một từ, viết sai đôi lỗi chính tả trong một bài viết vài nghìn chữ cũng là chuyện nên thể tất, không nên đánh giá họ là “thiếu học” hoặc thiếu kiến thức. Vì vậy mới phải sinh ra người làm công tác biên tập.
Có một nhà văn từng tâm sự: “Là một người thường tự hào về năng lực chính tả mà có lần đưa tập thơ về một nhà xuất bản, tôi bị biên tập viên sửa một lỗi. Đó là trong câu thơ “Đời xưa ăn rở đời nay vẫn thèm” ở bài thơ viết về Thị Màu. Khi bị biên tập viên sửa từ “dở” thành từ “rở” tôi hơi tự ái. Nói về chuyện “ăn rở” của phụ nữ mang thai, không ít người, trong đó có tôi thường quan niệm hiện tượng “ăn dở” tương đồng với “dở người”, “dở chứng”. Đến khi mua sách từ điển chính tả về tra mới ngã ngửa người là mình sai”.
Thế mới biết, chuyện sai chính tả không ai có thể nắm tay từ sáng đến tối. Song thực tế cho thấy chuyện dùng từ không đúng, viết chính tả không chuẩn phần nhiều là do không chịu rèn luyện, một số người do tâm lý chủ quan hoặc coi thường mà thành. Vả lại, cũng xuất hiện ý nghĩ viết chính tả đúng/sai chẳng hại ai, cốt mọi người hiểu ý mình viết là được. Vì thế, ở đường phố mới xuất hiện la liệt các dòng chữ trên các biển hiệu như: “Cơm, phở và các món sào”, “Bán chứng vịt nộn”, “Bánh trưng Bờ Đậu chính hiệu”…
Điều đáng nói là tiếng Việt hiện hành cũng có những điều chưa thật sự định hình. Theo quy định về chính tả tiếng Việt, có khi một từ mà có hai, thậm chí ba cách viết đều được công nhận là đúng. Ví dụ “dâm bụt” viết “dâm bụt”, “râm bụt”, “giâm bụt” đều không sai. Chữ y và i cũng có quy định khá lơi lỏng, nhiều cách viết… Việc dùng từ cũng vậy. Có những từ Hán Việt, chiểu theo nghĩa gốc là sai nhưng vẫn cứ dùng dài dài và không bị nhắc nhở. Nhiều nhà ngôn ngữ bảo, cái sai cứ dùng mãi thành quen, nghe xuôi tai sẽ trở thành đúng (độ tin cậy đến đâu chưa rõ). Đơn cử như từ khuất tất chẳng hạn. Khuất tất, theo nghĩa Hán là luồn cúi, mất nhân cách, nhưng lâu nay nhiều người vẫn viết với nghĩa là mờ ám (làm ăn khuất tất).
Nhưng dù thế nào đi nữa thì trước một hiện tượng dùng sai, viết sai chữ cũng nên tự trách bản thân, rất nên có sự nhìn nhận lại để có thể viết đúng hơn ở những lần viết sau. Dùng từ sai, viết chính tả sai là thiếu trách nhiệm, trước hết với chính mình và với người đọc.
Nói về chuyện chính tả, dùng từ, tiện liên hệ tới chuyện cuốn từ điển chính tả sai chính tả “gây xôn xao” dư luận thời gian vừa qua và đã có quyết định thu hồi từ Nhà Xuất bản, nhiều chuyên gia, nhà quản lý bày tỏ quan điểm cần có Luật tiếng Việt. Thiết nghĩ, đây cũng là điều đáng để bàn tới.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...