Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
00:42 (GMT +7)

Bản tình ca khúc khuỷu (Kỳ IV- tiếp theo và hết)

 IV. Cổ tích vô hậu

Với người tù, không gì quý hơn khoảnh khắc tự do, kể cả tự do tạm bợ trong khuôn khổ. Rất nhiều tên tù lỳ lợm cứng đầu đã trở nên ngoan ngoãn, nhẫn nại và chăm chỉ để kỳ vọng cứ 3 tháng một lần sẽ có cơ hội được hưởng 12 hoặc 24 giờ tự do trong nhà thăm gặp. Cơ hội đó, những người tù chung buồng giam, chung phân trại tự bình bầu, san sẻ hoặc tranh đấu với nhau. Cơ hội đó chính là một mục đích thi đua của phạm nhân.

Lần đầu tiên được đưa ra nhà thăm gặp, Châu Phú tưởng chừng phát điên lên vì hạnh phúc: Ngọc Điệp từ đằng xa chạy ùa tới, ngã nhào vào lòng hắn. Người cán bộ quản giáo vừa nói chuyện, dặn dò cô khá lâu trước đó lặng lẽ quay đi…

Cô gái đã khóc, khóc rất lâu trong vòng tay của hắn. Phú im lặng, mặc kệ cho trái tim – sau bao năm chai sần – giờ đây, đập tơi bời và chảy tan trong hạnh phúc. Ngọc Điệp không bỏ hắn. Cô không cho hắn nói, không muốn nghe hắn bảo “quên đi”. Mà thực tình, hắn cũng không muốn nói, không muốn bị quên.

Cuống quýt, môi gắn chặt môi. Có trời mới biết họ đã làm những việc long trời lở đất gì trong 12 giờ đó!

Từ đó, cứ mỗi ba tháng, cô giáo dạy Hóa Ngọc Điệp lại rời Đà Lạt để xuống trại Z30D thăm Phú một lần. Cô không hề đem theo một thứ chất hóa học, kem trộn hay lột nhẹ nào cả, nhưng sau những lần gặp gỡ, Phú lại như một lần lột xác, biến thành con người khác. Hắn yêu đời hơn, yêu việc hơn, làm hùng hục, thỉnh thoảng lại còn khe khẽ hát. Hát để quên ngày tháng, để chóng đến ngày được thưởng thăm gặp với Ngọc Điệp. Có tình yêu, đến cả nhà tù cũng không quá lạnh lẽo.

Hắn trở thành một người tù gương mẫu, được phân làm cờ đỏ theo dõi thi đua toàn phân trại K1, trại Z30D. Theo những lá thư, những lo âu đời thường cũng len lỏi vào tận buồng giam với Phú. Hắn biết, cha mẹ hắn đã già đi nhiều lắm, gánh nặng tuổi tác càng oằn thêm vì sự chờ đợi. Mẹ Phú hơn 70 tuổi, sức yếu lắm rồi, e không đợi nổi ngày đứa con trai được quay trở lại làm người! Ngày mới ra trường, Phú hồ hởi lắm. Hắn tin chắc từ đây, mình có thể đặt gánh năng trên vai mẹ xuống. Những vết hằn thời gian trên đuôi mắt cha hắn cũng sẽ giãn ra theo. Một ngày nào đó, không lâu nữa, hắn dắt dâu về. Khuôn mặt cả cha lẫn mẹ sẽ rạng rỡ lên, mãn nguyện. Vậy mà… Mới  chỉ một năm, tất cả đã tan tành. Ngày đó sẽ không bao giờ đến nữa…

Đến lúc đó, nỗi ăn năn mới thẩm thấu vào tận từng tế bào của con tim hắn. Phú đã khóc, nức nở và tắc nghẽn khi nói đến chuyện đó với Ngọc Điệp trong một lần thăm gặp.

Và Phú không ngờ, cô gái ấy đã lặn lội ra tận làng Hương Vinh ở Huế xa xôi thay hắn chăm sóc bà mẹ đang ốm nặng như một cô dâu thảo. Bất chấp lời ong tiếng ve, bất chấp năm tháng đằng đẵng, cô gái ấy đã vượt lên tất cả để sống trọn vẹn cho tình yêu. Án tù chỉ tuyên cho riêng hắn nhưng việc thi hành, Phú biết, hắn không chịu đựng chỉ một mình. Ngọc Điệp đã chia sẻ án chung thân với hắn, đã tự nhận về mình nhiều nỗi đau đớn, tất cả vì Châu Phú. Cô gửi thư cho hắn, nói rõ tình hình sức khỏe của bà mẹ. Cô đề nghị với hắn một đám cưới chạy tang!

Phú hoảng loạn. Hắn không dám tin, không tưởng tượng nổi. Lần đầu tiên hắn biết đến một sự vong thân, cho tình yêu, cho hắn, một sự vong thân cao thượng và không tính toán. Không còn cách nào khác, đó là ước mong cuối cùng và lớn nhất mà mẹ Phú chờ đợi nhưng hắn đã đang tâm cắt đứt. Lần này Phú biết, hắn không có quyền từ chối.

Một tay Ngọc Điệp lo tất. Đám cưới đã diễn ra vào mùa hè năm 1990, với pháo đỏ, rượu hồng, có cả đám rước dâu từ Đà Lạt ra tận Huế. Một đám cưới rất đầy đủ chỉ thiếu có mình… chú rể. Chú rể Châu Phú vẫn ngồi trong tù, đón tin rước dâu qua điện thoại, hạnh phúc chảy tràn nước mắt đón nhận những lời chúc, những món quà mừng nho nhỏ của Ban Giám thị và những bạn tù cùng trại. Tối đó, hắn – chú rể – thức trắng đêm để viết những câu thơ muộn tặng vợ mới cưới nhưng không biết bao giờ mới trọn vẹn một đêm hoa chúc:

“Nếu được chọn làm người viết sử,

dòng đầu tiên anh sẽ khắc tên em”.

Không chỉ thể xác hồi sinh, tình yêu cũng đang làm sống lại cả tâm hồn hắn…

Ba năm sau, mẹ hắn mất. Có cô dâu thảo chăm sóc suốt mấy kỳ hè, những khổ đau chất chứa của đời bà cũng được đền bù đôi chút và vơi đi không ít. Phần gia tài bà để lại đợi con trai là nỗi hàm ơn với Ngọc Điệp, cô gái xứ sương mù.

Sau mười năm trả nợ tội lỗi, Phú được bể án còn hai mươi năm. Mức án cứ vơi dần, chỉ còn vài ba năm nữa, anh ta sẽ được quay lại làm một con người đủ nghĩa.

Mãn hạn, anh ta dự định sẽ về Đà Lạt, quê Ngọc Điệp, xây tổ ấm trên vùng đất họ gặp gỡ đầu tiên. Vợ dạy học, chồng cuốc đất trồng rau, tối đốt lửa hát cho nhau nghe bản tình ca về những vùng đất hồi sinh. Một đồng cỏ xanh non đang trải dài ngút ngàn trong thung lũng khô cằn của đời hắn. Đọc thơ nữa, những câu thơ Châu Phú đã rút ruột miệt mài viết ở trong tù để tặng riêng cho Ngọc Điệp.

“Và anh sẽ biến thành con ngựa.

Bãi cỏ đời em trốn chỗ nào (?!)”.

Giấc mơ hết sức nhỏ nhoi. Dù vậy, sự cố gắng cũng vẫn là con đường duy nhất.

Mấy lần gặp tôi trong trại Z30 D, Phú đã rất hân hoan với những dự định tương lai. Mọi câu chuyện rồi đều hướng về cô giáo Ngọc Điệp. Kể cả có giám thị hay cán bộ Trại ngồi cùng, chuyện của Phú cũng vẫn là Ngọc Điệp. Đời Châu Phú có hồi sinh, đó là nhờ Ngọc Điệp. Gã cứ nhắc đi nhắc mãi câu của Johann Wolfgang von Goethe, mà theo gã chính là chân lý: “Trước trí tuệ vĩ đại, tôi xin cúi đầu, trước tâm hồn vĩ đại, tôi xin quỳ gối”.

Trước tình người, tình đời, Châu Phú không còn sự chọn lựa nào khác.

Nhưng…

Nếu là thế, câu chuyện này đã thành cổ tích. Tôi cũng cầm bút, thích đọc, nhưng chẳng hề muốn bắt chước Hans Christian Andersen. Châu Phú chẳng phải Hoàng tử và Ngọc Điệp dĩ nhiên cũng không là nàng Bạch Tuyết.

Ngày Châu Phú được trả tự do sau hơn 14 năm tù tội, Ngọc Điệp đã từ Đà Lạt xuống đón từ hôm trước. Cô mặc áo dài, ôm một bó Forget me not tím đến trước cửa trại giam đứng chờ từ rất sớm. Đứng cạnh cô là một mấy cán bộ Công an. Họ nhìn cô đang bồn chồn, hồi hộp bằng cái nhìn cảm thương và ái ngại. Người cán bộ lớn tuổi quay đi, nén một tiếng thở dài. Dường như không chịu đựng nỗi, ông lặng lẽ tiến về phía thiếu phụ đang ôm hoa chờ đợi. Nghe chưa hết vài lời ngắn gọn của người cán bộ Công an, nước mắt đã chảy dài trên khuôn mặt của Ngọc Điệp. Cõi lòng tan nát, cái nhìn của cô lạc thần, thẩn thờ như hóa đá.

Rồi bên trong cửa nhà tù, bóng Châu Phú cũng xuất hiện. Cầm quyết định được trả tự do ra trên tay, gã cúi đầu đi rất chậm, mặt cúi gằm, hổ thẹn, đau đớn và tuyệt vọng. Ra đến cổng trại, gã chỉ liếc rất nhanh về phía Ngọc Điệp trong môt chốc bằng cái nhìn sám hối của một tội đồ đã hết cơ hội ăn năn! Tout employe du genre vont reveler son secret: c' est un comprime https://asgg.fr/ de pilules que n' importe quel homme va faire un super- heros. Những người công an chờ sẵn tiến lại, bắt gã đứng yên, đọc lệnh bắt và còng tay Châu Phú. Vì một vụ án khác. Trước khi “vô tình” đồng phạm vụ giết cậu ruột của Trần Kim Hùng, ở Phù Cát, Bình Định, anh ta đã giết một học sinh (xô từ trên núi xuống) để cướp xe đạp.

Châu Phú đã biện minh là đi chơi, chỉ vô tình làm em học sinh trượt chân ngã thiệt mạng. Sau đó, vì sợ trách nhiệm, sợ tù tội, anh ta mới đem xe đạp của nạn nhân bán đi để phi tang, không cố ý giết người cướp của. Nhưng Phú không thuyết phục được luật pháp. Vụ này chỉ bị phát giác sau khi anh ta đã ngồi tù nhiều năm. Phiên tòa xét xử Phú đã được tổ chức khi Phú đang ngồi Trại Z30D, sắp hoàn tất món nợ của bản án cũ.

Thêm một bản án mới 20 năm. Ra khỏi Trại Z30 D, Châu Phú bị bắt lại ngay để chuyển xuống trại giam Kinh 5 ở miền Tây thụ hình án mới… Khi cửa xe thùng chuyển tù đóng lại, bánh vừa xe lăn thì cô giáo Ngọc Điệp cũng khụyu chân. Bó thạch thảo mong manh trên tay rơi xuống đất. Ngày cuối thu xạc xào. Một cơn gió chợt thốc lên, rứt những cành hoa tím li ti bay lả tả về phía cổng nhà tù đã đóng. Thế là hết. Cuộc đời cô, tình yêu của cô, gió bụi cuộc đời đã rứt đi, tan tác biết mấy thu rồi…!

Minh họa: Đào Tuấn

Nguyễn Hồng Lam

(Biên tập và hoàn chỉnh 13.11.2021)

Kỳ 1: Click

Kỳ 2: Click

Kỳ 3: Click

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Oai linh đám ma của thầy cúng Sán Dìu

Xem tin nổi bật 18 giờ trước

Những “người lái đò” đặc biệt

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Người đàn bà mang nợ những trần ai

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Phùng Quán, người đặc biệt nhà số 4

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Tự khúc Na Rang

Xem tin nổi bật 4 tháng trước