Bản tình ca khúc khuỷu (Kỳ III)
LTS: Sau khi Văn nghệ Thái Nguyên điện tử đăng tải 2 kỳ “Bản tình ca khúc khuỷu” của tác giả Nguyễn Hồng Lam, Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến muốn tìm hiểu về tác giả loạt Ký này.
Đáp ứng yêu cầu của độc giả, VNTN xin trân trọng giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Hồng Lam.
Nguyễn Hồng Lam tên thật là Nguyễn Đức Vinh, sinh năm 1972. Hiện là thượng tá – Phó trưởng Cơ quan Đại diện phía Nam Cục Truyền thông Bộ Công an; giảng viên thỉnh giảng môn Phóng sự, Điều tra báo chí, ngành Báo chí Truyền thông tại các Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh, Đại học Duy Tân Đà Nẵng, Đại học Đồng Tháp.
Nguyễn Hồng Lam viết từ khá sớm, từng đoạt Giải Nhì Thơ (không có giải Nhất), Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM năm 1989; Giải ba Truyện ngắn Thành Đoàn - Hội Liên hiệp Sinh viên TP Hồ Chí Minh năm 1991, Giải C Văn học về Đề tài An ninh quốc phòng do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công An tổ chức năm 2005...
Anh là tác giả các cuốn sách: Phục thiện (Truyện ngắn – 1996), Đường đời trong lòng tay (Truyện ký – 1998), Người Sài Gòn đánh Mỹ (Truyện ký – 1999), Chiếc cầu có đám ma đi qua (Truyện ngắn – 2001), Người của giang hồ (Truyện ký – 2004), Vụ án Đồi Hoa mai (Truyện ký – 2005), Người của giang hồ II và III (Truyện ký 2021) và sắp xuất bản Bản tình ca khúc khuỷu (Truyện ký – 2022).
Từ năm 2001, Nguyễn Hồng Lam đã được Thư viện Đại học Berkeley lập Profile tác giả và lưu tác phẩm.
Mời độc giả theo dõi tiếp Kỳ III của “Bản tình ca khúc khuỷu”.
III. Bão tố trong chén nước trà
Nguyên thủy, ngay sau 30/4/1975, chính quyền đã lấy Trung tâm cải huấn Thủ Đức của VNCH làm trại giam, gọi là Trại Thủ Đức, phiên hiệu là Z30D. Tháng 11/1975, Trại chuyển toàn bộ ra khu vực hai căn cứ 5 và 6, xã Tân Minh, Hàm Tân, Thuận Hải. Tên và phiên hiệu không đổi. Gọi là Trại Thủ Đức hay Trại Z30D đều đúng, vừa giam giữ vừa xây dựng trên một khu rừng lá (buông) trải rộng, giáp ranh 3 tỉnh Bình Thuận – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu ngày nay. Trại nằm phía Đông QL1, Đông và Đông Nam bị chắn bởi núi Le và núi Mây Tào. Diện tích Trại có biến thiên theo thời gian, khi rộng nhất lên đến hơn 23.000 ha. Diện tích của Trại giam lớn nhất nước rộng bằng khoảng 1/3 diện tích tỉnh Bắc Ninh bé nhất nước!
Khi Phú đến, mảnh đất này vẫn chỉ là một thung lũng lọt giữa rừng hoang đồi trọc, đầy lam sơn chướng khí và vi trùng sốt rét. Thế là hết. Đêm, hơi lạnh phả ra từ lô nhô núi đá khiến Phú trằn trọc. Tiếng chim lợn buồn nẫu rúc trong khuya, tiếng dế nỉ non âm âm vọng ra từ lòng đất càng khiến hắn chìm sâu hơn trong những cơn tuyệt vọng. Phú chỉ còn nung nấu một dự định duy nhất: trốn trại.
Vô vọng vì tội lỗi và hình phạt, nhưng trong tâm hồn hắn ánh sáng lương tri vẫn còn le lói. Hắn viết rất nhiều thư, cho bạn bè, cho người thân, chỉ để xin được nói một lời tạ tội. Thư cho Ngọc Điệp, hắn viết dài hơn, rất dài. Những yêu thương, khát khao cháy bỏng biến tấu thành nỗi ân hận đau đớn. Phú không dám xin Ngọc Điệp tha thứ, chỉ xin cô coi hắn như đã chết. Mà thật sự, đời hắn đã chết. Cuộc đời cô thì còn dài và chỉ mới bắt đầu!
Mười ngày sau, hắn nhận được thư Ngọc Điệp. Cô không chịu quên hắn. Không quên, không chấp nhận đánh rơi mất mối tình đầu. Nếu hắn có ngồi tù chung thân thì cô sẽ chung thân chờ đợi.
Đọc thư, Phú khóc.
Năm tháng trôi đi, rất chậm. Phú cảm nhận được bước thời gian theo những thay đổi của khu trại giam và của cảm giác ram ráp khi đưa tay xoa lên mặt, lên cằm. Hắn câm lặng chịu đựng những công việc cực nhọc, coi đó như một sự trả nợ. Niềm vui duy nhất mà Phú chờ đợi là những lá thư của Ngọc Điệp. Những lá thư đầy ắp cảm thông và nhung nhớ. Từ trại mộc, sang khu sản xuất, đến đội trồng rừng, hắn luôn tỏ ra chăm chỉ và gương mẫu. Nhưng, thái độ chịu đựng của hắn chỉ là cái vẻ hiền lành của một loài thú hoang đang thu vuốt chực một cú vồ. Trong đầu hắn, dự định trốn trại vẫn luôn nung nấu…
Thời cơ đã đến vào giữa mùa khô năm 1988. Do vô ý, lửa bùng lên thiêu rụi cả một vạt rừng bạch đàn. Toàn trại nhào ra dập lửa. Cả Giám thị Trịnh Nhu, Phó Giám thị Hồ Thanh Đình và nhiều cán bộ quản giáo, bảo vệ khác cũng lao vào giữa đám lửa. Phú cũng hùng hục vác rựa phạt cỏ, đốn cây để lập vành đai ngăn lửa. Nhưng mắt vẫn ngong ngóng một cơ hội. Một phút... năm phút... ba mươi phút... Lửa vẫn bốc cao. Ngọn lửa đã thu hết tâm trí của mọi người, không còn ai chú ý đến hắn. Đúng lúc Phú lăn xuống một khe cạn để trốn, hắn bỗng thấy từ trong vòng lửa, những bóng cán bộ quản giáo và phạm nhân vụt ra. Trên lưng Phó Giám thị Đình là một người tù bị bỏng, đã ngất xỉu vì ngạt khói. Dán bụng xuống đất, rúc trong lùm cỏ, Phú nghe nhiều tiếng ngăn cản:
- Đừng, đừng, anh đừng vào nữa!
- Lửa to lắm! Vào là không ra nổi. Ngạt khói là chết!
Xung quanh náo loạn, cuống quýt. Tất cả chỉ chăm chăm tìm kiếm người kẹt lại trong rừng lửa, không ai để ý đến phía ngoài rìa đám cháy. Không ai phát hiện ra hắn cả. Phú biết, đây là cơ hội duy nhất để trốn trại mà không bị phát giác. Xong đám cháy, điểm quân, có nhận ra tù trốn, việc tổ chức tìm kiếm cũng sẽ rất mất thời gian. Lúc đó, Phú có thể đã rời đi rất xa, có khi còn kịp ra khỏi địa giới của trại giam mênh mông, lẫn sang mé núi Mây Tào huyện Xuân Lộc hoặc về Núi Le, hướng Xuyên Mộc. Lửa và khói phía trước, những gò đá phía sau sẽ che chắn tầm nhìn. Hắn sẽ thoát. Chỉ cần thêm mấy vòng lăn…
Nhưng, chính vào giây phút đó, tiếng của Phó Giám thị Hồ Thanh Đình đã ngăn hắn lại. Không phải mệnh lệnh, chỉ là một lời khước từ:
- Không, tôi phải vào. Trong đó còn người. Cứu người trước đã…
- Có đưa ra cũng chưa chắc còn sống. Anh đừng liều! Chỉ còn một phạm nhân.
- Nhưng cũng là một con người! Chết cũng phải cứu!
Nói chưa dứt câu, người Phó Giám thị đã quăng mình vào đám cháy. Ngay phút đó, Châu Phú cũng đứng vụt dậy, thẳng người và lao theo. Gã không thể nằm mẹp như loài rắn, chuột rúc trong đám cỏ…
…Cuối cùng, người ta thấy Châu Phú là một trong những người xông vào lửa nhiều nhất để cứu, cõng những người bị thương ra khói đám cháy rừng. Phú là người kề vai đỡ người tù ngất xỉu vừa được Phó Giám thị Hồ Thanh Đình cõng ra. Ông cán bộ người Quảng Bình chỉ kịp kêu “Đỡ hắn cho tau” và chuyển người tù bị thương sang vai Châu Phú là kiệt sức khuỵu chân. Cán bộ Đình to, nặng, người tù được cứu ra cũng nặng và to, trong khi Phú thì mảnh khảnh. Suýt nữa, sức nặng trên vai đã xô Phú cắm đầu xuống mép mô đất, ngã vào chính đám cỏ dưới lòng khe mà lúc nãy gã trốn.
Đưa người tù đã ngất ra bãi đất trống, giao cho nhóm cứu hộ xong, Châu Phú lại lao vào lửa. Hắn không thể chạy trốn, không thể! Dẫu là một thằng tù hắn cũng là một con người. Đời có thể trừng phạt, có thể khinh hắn, nhưng bản thân hắn không thể tự khinh mình, không thể để mình thành kẻ đáng khinh. Phú chỉ cảm thấy ân hận, ray rứt vì đã toan tính, không chịu lao vào đám cháy sớm hơn.
Sau vụ cháy, một phạm nhân bị chết, một số người khác cả cán bộ lẫn phạm nhân bị thương. Phó Giám thị Hồ Thanh Đình bị phỏng nặng, ngất xỉu phải ngay lập tức đưa đi cấp cứu. Châu Phú cũng bị lửa táp mấy chỗ trên lưng nhưng may, chỉ bị phỏng nhẹ. Không một ai nhận ra hay nghi ngờ việc suýt nữa hắn đã bỏ trốn. Hơn thế nữa, vì tích cực cứu người, cứu rừng, Phú còn được thưởng. Phần thưởng là một khoảng tự do: 12 giờ trong nhà thăm gặp của trại.
Chế độ thưởng thăm gặp cho phạm nhân là một sáng kiến nhân văn vĩ đại đối với người tù, xuất phát từ Trại Z30D. Nghĩ ra và thực hiện là Đại tá Trịnh Nhu, ông Giám thị nhỏ thó, tóc chải trái ngôi và để ria mép, người đất Nông Cống, Thanh Hóa. Là một ông công an lão luyện, một trong những người có mặt đầu tiên dựng nên Trại giam lớn nhất nước thời phên tre nứa lá năm 1975, ông Giám thị này rất am hiểu tâm lý tội phạm, tâm lý người tù, lại có cách đối nhân xử thế rất… giang hồ. Ông Giám thị dòng dõi Chúa Trịnh rất quan tâm nghĩ cách để ngăn chặn nạn trốn tù từ manh nha. Đôi khi, có những gã tù hiền lành nhưng án nặng, ngồi lâu quá, nhớ nhà thì trốn. Có người trốn chẳng đặng đừng, bởi nghe tin cha mẹ mất. Gã khác, chỉ vài tháng nữa hết án, sẽ tự do, nhưng vẫn trốn, chỉ vì biết tin đúng hôm đó, người yêu cũ lấy chồng. Trốn, nếu may thoát còn có cơ hội một lần đứng từ xa mà ngó người yêu bước trong hạnh phúc cùng kẻ khác. Vậy thôi là đủ, rồi quay lại chồng thêm án mới một vài năm thì cũng có sao đâu?
Hiểu nỗi khát khao đó, ông Trịnh Nhu quyết định đặt ra lệ thưởng có một không hai nhưng sau này sẽ là một mô hình được áp dụng lên tất cả các trại giam trên toàn quốc. Phạm nhân cải tạo tốt, nhiều đóng góp, thay vì chỉ được thăm gặp một vài giờ trong điều kiện hạn chế, họ sẽ được đoàn tụ với người thân, gia đình một cách khá tự do, suốt 12 giờ ban ngày ở một nơi tương đối biệt lập nằm trong vòng rào trại. Người tù và thân nhân được quây quần, sinh hoạt với nhau như đang ở nhà, trong căn nhà nhỏ trại dựng nên có đủ bàn ghế, tủ giường… Những người tù nam giới, có vợ, có chồng, có con nhỏ, có thành tích thậm chí còn được thưởng thăm gặp qua đêm suốt 24 tiếng cả vợ chồng, con cái. Quãng thời gian đó vừa đủ để tâm sự, hàn huyên, thậm chí tranh luận, giải quyết nhiều khúc mắc gia đình. Sau thăm gặp, người tù sẽ an tâm hơn, cải tạo tốt hơn. Họ sẽ không nghĩ tới chuyện bỏ trốn chỉ vì những lý do cực đoan đến mức có chết cũng cam, chồng án cũng cam, như thường bày giải nữa.
(Còn nữa)
Minh họa: Đào Tuấn
Nguyễn Hồng Lam
Kỳ 1: Click
Kỳ 2: Click
Kỳ 4: Click
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...