Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
05:58 (GMT +7)

Bản tình ca khúc khuỷu (Kỳ I)

LTS: Ở đời, có những câu chuyện thật khó tin, nhưng đó lại là sự thật 100%. Câu chuyện sau đây là một trường hợp như thế. Những tình tiết trong câu chuyện khiến người đọc không khỏi băn khoăn vì sự xác thực; cũng những tình tiết ấy, đã khiến tác giả bị ám ảnh mất một phần tư thế kỷ mới dám viết ra như một cách giải tỏa sự bức bối trong cảm xúc…

VNTN xin giới thiệu với độc giả loạt Ký của nhà báo Nguyễn Hồng Lam, không phải tìm kiếm sự hiếu kỳ mà chỉ là những chia sẻ về thân phận con người – tình người trong kiếp nhân sinh này.

Trân trọng!

 

 


 Mùa hè năm 1995, khi đang là biên tập viên của Chi nhánh NXB Công an Nhân dân ở phía Nam, tôi được giao nhiệm vụ vào Trại giam ở đó một tháng trời để giúp thực hiện cuốn “Z30 D, mảnh đất nảy mầm nhân ái”. Sách là một tập hợp vừa lịch sử vừa sáng tác viết về trại giam lớn nhất nước sắp tròn 20 tuổi. Để có tư liệu, tôi đã phải lục lọi hết tất cả văn bản liên quan, gặp hầu hết những khuôn mặt cán bộ tiêu biểu, nghiên cứu hết lai lịch và chân dung của các phạm nhân cộm cán nhất của trại tính từ ngày thành lập, tháng 11/1975.

Nhân vật trong câu chuyện này chỉ là một phần trong số những người đã gặp, những chuyện đã nghe trong suốt tháng ở trại. Anh ta không phải là nhân vật quan trọng nhất, tội lỗi và hình phạt cũng không chắc đã ghê gớm mấy, nếu so với hàng trăm, hàng ngàn phạm nhân ở trại Z30 D, nơi giam giữ toàn những kẻ tội dày, án cao bậc nhất ở miền Nam. Nhưng chắc chắn, câu chuyện về anh ta ám ảnh tôi lâu nhất, không dứt nổi. Rời cửa trại giam, tôi đã ra Huế, Bình Định, lên Đà Lạt, lần theo chặng đời của gã tù khi anh ta còn tự do, gặp đủ người trong cuộc tìm thêm tư liệu. Một nửa câu chuyện, tôi đã viết thành truyện ký cùng tên "Bản tình ca khúc khuỷu" từ năm 1995, đã in trong cuốn truyện ký "Đường đời trong lòng tay" (NXB Công an Nhân dân -1998). Gọi là ký, vì người thật, việc thật nhưng thể hiện thành truyện cho dễ đọc. Hơn thế nữa, nó đầy ắp tình tiết hấp dẫn và... quái lạ.

Nhưng những gì đã viết, đã in chỉ là “một nửa sự thật”. “Một nửa”, không phải vì nhân vật và những người xung quan cắt xén hay bịa đặt, chỉ đơn giản là họ không cung cấp hết, vì không biết, không ngờ. Nhân vật chính thì đương nhiên biết, nhưng đó là bí mật tưởng chừng sống để dạ, chết  mang theo, anh ta tuyệt đối không đề cập, cho đến ngày cây kim trong bọc tự nó lòi ra theo những mảnh vụn sám hối của lương tâm.

 Phải 3 năm sau đó, khi tôi mang cuốn sách đã in lên Trại Z30 D, định bụng sẽ đón gã tội nhân được mãn hạn ra tù, tặng sách vừa in cho nhân vật làm kỷ niệm, một nửa sự thật động trời so với những gì tôi đã biết và viết mới đột nhiên xuất hiện. Tựu trung lại, đó là một cuộc đời ly kỳ hơn phim, cực kỳ hấp dẫn và đau xót. Nhưng, vì không thể khuấy lại vũng màu xám cay đắng, tuyệt vọng đang nhuộm đục tâm hồn các nhân vật liên quan, tôi không thể viết. Sau hơn 25 năm, thời gian đã đủ để nguôi ngoai. Với người trong cuộc, tất cả đã khép, nếu không nói là sự thật coi như đã chết hay hóa thạch trong im câm. Viết, đó là cách duy nhất để cởi bỏ những băn khoăn, trăn trở trong đầu. Viết, tôi tự cởi trói cho chính tâm hồn mình….

***

I. Romance Phố Núi

Tên hắn là Châu Phú. Một cái tên mộc mạc để gửi gắm một mơ ước mộc mạc. Dáng thư sinh, cái nhìn lơ đãng, mái tóc dày bồng bềnh, học giỏi, hát hay, móc classic guittare khá điêu luyện và có khá nhiều thơ tình đăng báo, hắn nhanh chóng trở thành một tiểu vũ trụ ở trường Cao đẳng Sư phạm Huế. Không ít cái nhìn của đám con gái đã hòa tan hình bóng Phú trong đáy mắt. Nhưng hắn vẫn dửng dưng. Những kẻ đa tài thường bắt đầu sự dại dột và khốn khổ của đời mình bằng ánh nhìn kiêu bạc.

Mùa hạ năm 1983, trước lúc ra trường, lớp sư phạm văn của hắn tổ chức một chuyến tham quan các tỉnh phía Nam. Nha Trang, Sài Gòn rồi Vũng Tàu… Chặng cuối, đoàn dừng tại xứ Lang Biang. Dành cho Phú vẫn là những tràng vỗ tay, những ánh mắt tán thưởng của bạn bè mới quen ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, chốn họ đến giao lưu.

Nhưng rất nhạy cảm, lòng Phú nhận ra ngay phía có cái nhìn nồng nàn nhất, tiếng vỗ tay kêu nhất. Gã trai đất Thần Kinh chao đảo đổ lời ca tiếng đàn lệch về một bên, nơi có ánh mắt của Ngọc Điệp, cô giáo sinh khoa Hóa năm thứ hai của phố núi.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Đêm chia tay, một đống lửa to được nhóm lên phía cuối chân đồi. Bạn bè hai trường ngồi sát lại bên nhau, nắm chặt tay nhau mà không ai nói một câu nào. Vài đứa con gái mau nước mắt đã bắt đầu thút thít. Một ai đó ghé vào tai Phú, thì thào:

- Làm gì đi Phú?

- Làm gì bây giờ?

- Hát, ngâm thơ… Gì cũng được, không thì tao khóc mất.

- Ừ thì hát!

Phú lặng lẽ ôm đàn tiến ra giữa vòng tròn. Lời bài hát có quả thông khô rớt vào đống lửa, có hồng hoang gió núi đuổi nhau, có tuổi hai mươi trái tim trong lồng ngực lần đầu biết gõ lệch về một phía… Hắn cứ hát, bài này sang bản khác, hát nữa và hát mãi. Ngón tay bấm phím tê dại và buốt nhức, muốn bật máu.

Khi Phú buông đàn, ngưng tiếng hát và ngẩng lên thì xung quanh đã vắng bóng người. Duy nhất Ngọc Điệp là vẫn còn đứng lại, tay nắm vạt áo run run bên đống lửa đã tàn.

- Bao giờ thì anh về?

- Sáng mai.

- Tại sao anh phải về?

Câu hỏi của Ngọc Điệp đã bắt đầu tối nghĩa. Không trả lời. Bàn tay gã trai vụng về chụp lấy vai cô gái kéo sát vào lòng. Cô gái không đẩy ra. Hơi thở của họ gấp, nóng hổi trong sương giá. Không ai nói câu nào. Cả hai cùng hóa thạch trong im lặng, để có cảm tưởng rằng người đối diện sẽ sắp sửa nói một câu gì đó. Một câu gì đó như… một câu gì đó. Mà không biết là câu gì. Bóng đêm đồng lõa phủ xuống nơi họ đứng một màn đêm che giấu.

Ra trường, Phú vào Phù Cát, Bình Định làm một thầy giáo dạy văn, đan nỗi nhớ nhung vào câu thơ giảng khi đứng lớp. Ở làng Hương Vinh, Hương Trà, Huế, ông bà Châu Nai dấm dứ nuôi một con heo đợi ngày con trai dắt dâu về.

Nhưng nhất thất túc thành thiên cổ hận, đám cưới vui vẻ ấy đã không diễn ra như dự định. Nốt lặng của bản romance phố núi có ai ngờ lại vỡ tung thành những đợt phong ba cuồng nộ, xô đời Phú bắn sang bờ khác. Với Ngọc Điệp, chạm ngõ đàn bà sớm nhưng bước chẳng được lâu. Giấc mơ thanh xuân của cô rồi sẽ sớm bị nhận chìm dưới đáy sâu của bão tố trong một tách trà!

II. Nhất thất túc thành thiên cổ hận

Huế, tháng 7/1984.

Hết năm đầu tiên đi dạy, Phú về quê nghỉ hè.

Trời nóng như thiêu. Nhưng lửa trời không nóng bằng lửa nhớ nhung cháy trong lòng Phú. Suốt một năm qua, đi đâu, làm gì, trong đầu hắn hình ảnh Ngọc Điệp vẫn cứ hiện lên.

Đúng lúc đó, Trần Kim Hùng, bạn học cũ ở trường Cao đẳng tới rủ:

- Đi Sài Gòn rồi lên Đà Lạt chơi đi Phú.

- Ừ, đi.

Tuổi trẻ luôn chờ đơi một lời rủ rê và tình yêu thì chỉ cần một cái cớ. Phú hồ hởi nhận lời ngay, không kịp nhận ra rằng mặt thỏ mỏ dơi, tướng lừa thầy phản bạn, Trần Kim Hùng chẳng bao giờ có thể là bạn đồng hành đáng tin cậy.

Phú, Hùng cùng hai học trò cũ trong lớp mà họ dạy hồi thực tập lên tàu vào TP. Hồ Chí Minh. Chỉ sau vài ngày lang thang ở Sài Gòn, ví và túi của bốn thầy trò đều lộn trái. Gom hết những tờ bạc cuối cùng cũng chỉ đủ tiền mua hai vé tàu cho hai cậu học trò trở lại Huế, Phú và Hùng đưa mắt nhìn nhau. Cuối cùng, Trần Kim Hùng bảo:

- Tối xuống nhà ông cậu tao. Ổng giàu lắm, thế nào cũng kiếm được một mớ.

Mừng quá, Phú gật đầu ngay, không kịp nhận ra ẩn ý tội lỗi trong câu nói của Hùng.

Cậu của Hùng đã già, sống một mình trong căn nhà nhỏ ở đường Đinh Bộ Lĩnh, Bình Thạnh. Giữa Sài Gòn, khu vực này khi đó vẫn không khác gì ngoại ô tỉnh lẻ. Môt thời, đó là khu Đồng Ông Cộ, nằm gần bên Sở Thùng hoang vắng và khét tiếng của đất Gia Định. Không có đèn, đường đầy ổ gà, ổ voi, hai bên vẫn loang lổ ao chuôm, kinh rạch, ruộng rau muống và những bãi rác. Mưa xuống, đường lầy lội, bẩn thỉu vắng người qua. Khi “hai thằng cháu” đến chơi, quanh nhà ông cậu vẫn tối om, chỉ rền vang tiếng mưa gõ mái tôn, râm ran tiếng ếch nhái não nề từ đầu hôm đến sáng.

Bóng điện tròn tù mù thời bao cấp không đủ sáng cho Phú nhận ra khuôn mặt gã bạn đồng hành đã tối sầm lại ngay từ khi hai đứa mới bước vào. Phú ngồi uống nước ở gian ngoài, Hùng theo chân ông cậu vào gian trong. Đột nhiên, nghe huỵch một tiếng. Hùng thét vọng ra:

- Phú, giúp tao! Lẹ lên!

Phú vội vã phóng vào trong. Cảnh tượng bày ra trước mắt quái gở không tưởng tượng nổi: Hùng đang đè ngửa ông cậu ra giữa nhà, tay bịt mồm, tay bóp cổ, chân tì lên ngực. Ông cậu giãy giụa, những tiếng kêu ằng ặc nghẽn lại trong cổ họng, hai chân đạp tơi bời. Phú bấn loạn, tay chân thừa thãi run lên. Gã không biết phải làm gì.

Hùng hét:

- Giữ chân ổng lại!

Đầu óc mụ mẫm, lý trí tê liệt, Phú thụp xuống làm theo như cái máy. Hùng xé áo nhét vào mồm và trói tay chân ông cậu lại. Xong, hắn vơ chùm chìa khóa, mở tủ, khoắng được 2 lượng vàng và một ít tiền...

- Vọt!

Phú vội lao theo, mặt cắt không còn hột máu. Hai đứa cắm cổ chạy một mạch. Lúc dừng lại, thấy Phú đang rũ ra như tàu lá héo, Hùng trấn an:

- Khỏi lo, ổng thương tao lắm, không báo công an đâu mà sợ. Mở trói xong, ổng có ra Huế tìm, đã có bà già tao trả. Ông chỉ giận ít bữa là coi như... huề.

Hai đứa phóng lên Đà Lạt. Quấn quýt bên Ngọc Điệp, Phú quên mất là mình vừa phạm một tội ác tày trời. Ngạt thở, ông cậu Hùng đã chết! Khi Phú trở lại Huế thì xe side - car (mô tô thùng) của công an đã chờ hắn đầu ngõ.

Khi Phú trở thành một thành viên chính thức của trại tạm giam Chí Hòa, nền văn minh nơi đây vẫn đang còn thời kỳ dã man. Vừa bước vào, mắt chưa kịp quen với cường độ ánh sáng yếu ớt của buồng giam, giỏ đồ trên tay Phú đã bị giật phăng, kèm theo những tràng cười hố hố! Nhịp nhịp ổ bánh mì vừa cướp được trên tay, một gã lùn tịt, loang lổ hình xăm tiến về phía Phú.

- Chào! Tớ là Minh, cứ gọi bửa là Minh Heo cho nó bảnh, xếp sòng phòng này. Còn bồ?

- Châu Phú!

- Hà, Phú, dân "bọ" hử? Trộm hay cướp?

- Không, giết người.

- Ngon cơm! Giết người gì mà thư sinh trắng trẻo quá dzậy? Bộ làm bác sĩ, chích... lộn kim làm chết con người ta à? - Gã cười luôn một tràng, nhăn nhở.

Phú lộn ruột:

- Không, tôi là thầy giáo. Hỏi gì nữa không?

- Cái gì? Mẹ mày, ăn nói vậy đó hả. Vô đây còn định làm "thầy" hả?

Cứ mỗi tiếng "hả", Minh Heo lại kèm theo một cú lên gối vào bụng Phú, đau nổ đom đóm mắt.

Ngay sau đó là màn "chào phòng" đúng kiểu "luật rừng". Một trận mưa cẳng tay cẳng chân tới tấp lấy đầu, ngực kẻ mới vào làm đích. Trước khi ngất xỉu vì đau đớn, Phú còn mang máng nghe tiếng thằng Minh Heo quát tháo:

- Không thằng nào được giúp nó. Xối nước cho nó tỉnh, khiêng lại đầu kia. Cho nằm cạnh cầu tiêu cho nó biết lễ độ!

Trong trại tạm giam, thứ “tù con so” (ngồi tù lần đầu), không số không má lại cũng chẳng có thăm nuôi, gửi gắm, Phú nhanh chóng trở thành cái bia hứng tất cả những trò hành hạ đấy bạo lực. Sáng hôm sau, khi những vết thương do trận đòn hôm trước còn chưa tan máu bầm, Châu Phú đã bị buộc phải tham gia “học tập sanh hoạt”. Hai thằng người xăm trổ, tuổi non choẹt nhưng mặt già háp kè hai bên, bắt Phú ngồi xếp bằng, hai tay lót dưới mông. Đây là cách ngồi bắt buộc để tránh nạn nhân manh động, bất ngờ tấn công kẻ hành hạ mình bằng nắm đấm. Suốt cả ngày trời, Phú không hề được đổi thế ngồi, miệng phải nhắc đi nhắc lại đúng một ngàn lần một câu hết sức vô nghĩa:

- Anh là đàn anh, em là đàm em. Việc của anh là việc của em. Đồ của em là đồ của anh.

Cạnh Phú có một thằng được phân đứng đếm. Mỏi quá, cựa quậy đổi thế ngồi là ăn ngay một cú đá đau vẹo xương sườn. Nhắc nhầm câu “thần chú” trời ơi kia cũng bị đánh.

Trong buồng tạm giam có một bể nước nhỏ. Lâu quá, chịu không nổi, Phú ngất đi, được xối một xô nước cho tỉnh, gọi là “một góc tư”. Tổng cộng, hôm đó gã sa chân người Huế đã phải chào phòng “ba góc tư”, tức xối 3 lần. Xuất thân thầy giáo, không phải dân anh chị lỳ đòn, không phải tên tù nào cũng có thể chịu đựng nỗi như thế. Chập tối, khi dừng cuộc “sinh hoạt”, thằng đàn anh trong buồng giam ngó Châu Phú từ đầu đến chân, bảo:

- Thằng này bảnh!

Tưởng xong, hắn lồm cồm bò đến chỗ khẩu phần ăn đặt trong góc nhà. Bốp một phát, Phú lãnh nguyên cú đá suýt văng vào tường :

- Ai cho mày ăn mà mày dám ăn?

Cơm canh còn nguyên, sáng đem đi đổ, nhưng đêm đó Châu Phú phải nhịn đói, cố lắm mới lết được về chỗ nằm ngay cạnh cầu tiêu khi đã quá nửa khuya.

Nhưng đó mới chỉ là khúc dạo đầu từ địa ngục...

(Còn nữa)

Minh họa: Đào Tuấn

Nguyễn Hồng Lam

Kỳ 2: Click

 

Kỳ 3: Click

 

Kỳ 4: Click

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Oai linh đám ma của thầy cúng Sán Dìu

Xem tin nổi bật 23 giờ trước

Những “người lái đò” đặc biệt

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Người đàn bà mang nợ những trần ai

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Phùng Quán, người đặc biệt nhà số 4

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Tự khúc Na Rang

Xem tin nổi bật 4 tháng trước