Bàn thêm câu “Tiên học lễ hậu học văn”
VNTN- “Khổng Tử nói: Con em ở trong nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài phải kính trên nhường dưới, cẩn thận trong lời nói việc làm mà thành thực, yêu mến khắp mọi người và gần người nhân đức để noi theo; làm được như vậy rồi mà vẫn còn dư sức thì hãy học văn”.
Thầy đồ dạy chữ xưa. Ảnh tư liệu lịch sử.
Mới đây trong tại hội thảo giáo dục chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS Trần Ngọc Thêm có nêu ý kiến nên bỏ câu “Tiên học lễ hậu học văn” đang treo ở các trường học trong toàn quốc… Sau đó trên mạng facebook lại rộ lên ồn ào, người đồng tình thì ít, người phản đối càng nhiều. Trong số người phản đối, có người còn dùng những lời rất khiếm nhã lăng mạ ông Thêm thậm tệ, chẳng cần nói lí lẽ gì, như vậy sao gọi là phản biện, giữ “Lễ” nhỉ?
Dưới đây tôi cũng mạnh dạn nêu ý kiến của cá nhân mình về việc này. Xin bắt đầu từ tìm hiểu rõ nguồn gốc của 6 chữ “Tiên học lễ hậu học văn”.
Đây là câu nói đầu lưỡi của các thầy đồ dạy chữ Nho thời trước. Hầu như cũng được coi là phương châm để đào tạo những lớp người gọi là Nho sĩ, cung cấp cho bộ máy quan lại trở thành công cụ giúp các triều đại phong kiến trị vì. Cũng chưa thấy ai khẳng định rõ câu này ra đời từ khi nào. Nhiều người trên facebook vẫn khẳng định câu này của Khổng Tử. Nhưng tìm trong kinh sách của Nho học không thấy có ghi 6 chữ này. Tìm trong các bộ từ điển lớn của Trung Quốc như Khang Hy tự điển, Từ hải, Từ nguyên, Bách khoa đại từ điển, Thành ngữ từ điển cũng không thấy ghi. Chỉ thấy có một đoạn văn trong sách Luận ngữ do học trò ghi lại những lời dạy của Khổng Tử có ý nghĩa tương tự 6 chữ trên. Đoạn văn đó như sau: “Tử viết: Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân; hành hữu dư lực tắc dĩ học văn.” (Học nhi - 6). Dịch nghĩa ra như sau: “Khổng Tử nói: Con em ở trong nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài phải kính trên nhường dưới, cẩn thận trong lời nói việc làm mà thành thực, yêu mến khắp mọi người và gần người nhân đức để noi theo; làm được như vậy rồi mà vẫn còn dư sức thì hãy học văn”.
Như vậy đủ thấy rõ câu “Tiên học lễ hậu học văn” là do hậu Nho (chưa rõ tác giả) đã tự tiện rút ngắn lại theo trật tự trước (tiên) sau (hậu) thành 6 chữ là từ câu nói trên của Khổng Tử. Tưởng là đúng nhưng vô tình làm sai hẳn ý nghĩa câu nói của Khổng Tử. Thực ra ý Khổng Tử muốn nói về cách tuyển chọn học trò để ông đào tạo người quân tử vừa có đức Nhân vừa có học vấn (chữ nghĩa, kinh sách…) mới có thể tham chính. Muốn vậy trước tiên phải tìm ra người có những hành vi hợp với Lễ, chứng tỏ ưa thích điều Nhân (cũng tựa như ngày nay ta chọn học trò có năng khiếu về ngành nào đó để bồi dưỡng thành tài về ngành đó vậy), thì mới đủ tiêu chuẩn để ông trau dồi thêm cả đạo đức và học vấn rồi mới có thể thành kẻ sĩ quân tử, mong tiến cử cho triều đình để được tham chính, thực hành theo lý tưởng “Nhân trị” (Đức trị) của ông.
Xin được nói thêm về phạm trù “Lễ”. Nghĩa gốc của “Lễ” là kính Thần. Trong văn tự giáp cốt khắc hình thứ đựng đồ cúng thần. Sau mở rộng thêm nhiều nghĩa như: kính trọng, nghi thức, những quy định mẫu mực về đạo đức, những hành vi giao tiếp lịch sự ngoài xã hội thể hiện đạo đức, văn hoá. Những hành vi mà Khổng Tử nói ở đây như: hiếu, đễ, cẩn, tín, phiếm ái chúng, thân Nhân, đều là hành vi thuộc nội hàm của Lễ. Những hành vi này là biểu hiện của đức Nhân.
Bởi vậy ông từng trả lời học trò Nhan Uyên khi hỏi về điều Nhân: “Khắc kỷ phục Lễ vi Nhân”. Nghĩa là ức chế khắc phục bản thân mình theo Lễ là Nhân. Hữu tử - học trò của Khổng Tử cũng nói: “Hiếu đễ dã giả kỳ vi Nhân chi bản dư”. Nghĩa là: Hiếu đễ, điều đó là gốc của đức Nhân vậy.
Tư tưởng của Khổng Tử chỉ nêu một chữ Nhân để quán triệt tất cả. Ông giải thích cho học trò: “Nhất dĩ quán chi”, nghĩa là “lấy một điều Nhân để quán triệt mọi điều. Đến Mạnh Tử thêm Nghĩa thành Nhân Nghĩa. Đến Đổng Trọng Thư mới quy định lại thành Ngũ thường: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín, rồi gộp cả Tam cương của Ban Cố (quân thần, phụ tử, phu phụ) thành Tam cương Ngũ thường mà ngày nay ta cũng gán cho Khổng Tử hết cả!
Cũng vì cách “tuyển” học trò như vậy nên học trò của Khổng Tử đều là những người trưởng thành. Có học trò chỉ kém ông dăm mười tuổi, ông từng đàm luận cùng họ như bạn bè vậy, không có học trò nào là trẻ nhỏ. Ông cũng là người mở lớp dạy tư đầu tiên thời đó, để đào tạo kẻ sĩ quân tử theo lý tưởng của ông. Triều đình thời ấy chỉ có Quốc tử giám dạy riêng con vua và con quan lại trong triều. Mãi đến thời Hán Vũ Đế Lưu Triệt (156 - 87 TCN), nghe theo học phái hậu Nho là Đổng Trọng Thư (179 - 104 TCN) mới cho mở trường tư ở các địa phương để đào tạo sĩ tử và chọn lựa quan lại qua các kỳ thi.
Nho học nước ta tiếp thu ảnh hưởng chủ yếu của Hán Nho và Tống Nho vốn đã khác xa tư tưởng của Khổng - Mạnh. Trừ người học đến nơi đến chốn, thuộc làu Văn, Sử, Tử, Tập rồi đỗ đạt cao ra làm quan, còn đa phần tuy có học nhưng chưa đạt bằng cấp gì, thậm chí có người mới qua “nhất trường” (một trong 3 bài kỳ thi Hương), chữ chưa hay cày chưa biết, trong bụng mới có một nhúm chữ Nho cũng đủ để mở lớp “khai tâm” cho dăm học trò còn để tóc trái đào, đã hiểu gì lễ nghĩa trong nhà ngoài làng như lời Khổng Tử nói; nhưng vẫn theo thầy để học Văn tức chữ nghĩa, kinh sách (!). Những thầy đồ này cũng chỉ cần hiểu 6 chữ trên với nghĩa đủ để làm chỗ dựa cho uy quyền của thầy để nhắc nhở mỗi khi học trò sơ suất trong lời ăn tiếng nói không đúng lễ phép của thân phận học trò mà thôi. Thầy cũng hay nói 6 chữ đó cho phụ huynh học trò rõ để thầy còn tự do đe nẹt học trò. Cứ như vậy một truyền mười, mười truyền trăm,… đời trước truyền đời sau. Để đến tận bây giờ ai cũng thuộc và đinh ninh là câu của Khổng Tử, tưởng là chân lý cho muôn đời chẳng ai dám cãi (!). (*)
Cho dù giờ đây ta hiểu đúng hay sai, câu đó cũng đã làm tròn “sứ mệnh lịch sử” của nền giáo dục Nho giáo trước đây, để thực hiện một mục tiêu duy nhất là đào tạo lớp trí thức tuân phục bề trên theo đạo Quân - Sư - Phụ, phục vụ cho hệ thống chính trị quân quyền thời Phong kiến. Bởi vậy mà sáu chữ này làm sao thích hợp với nền giáo dục xã hội dân chủ hiện đại của chúng ta hiện nay?
Nền giáo dục của ta hiện nay là dành chung cho toàn xã hội. Mục đích chung nhất là nâng cao dân trí để xây dựng một xã hội bình đẳng, tự do, dân chủ, văn minh. Nhiệm vụ trong trường học như nguyên lý giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra từ lâu là: “Đào tạo con người lao động mới, toàn diện theo 4 tiêu chí ĐỨC – TRÍ - THỂ - MỸ”. Tiêu chí rõ ràng như vậy, làm gì có khái niệm “trước sau”? Dù trong 4 tiêu chí thì đức dục vẫn nói đến trước tiên, nhấn mạnh đạo đức là quan trọng nhất để làm con người lao động mới. Còn những hành vi đạo đức cụ thể ứng xử có văn hoá trong mọi quan hệ với đồng loại như hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng người già, kính thầy yêu bạn v.v. thuộc về nội hàm Lễ xưa, những điều ấy là những điều tất yếu phải ghi trong sách giáo khoa ở trường học. Đâu có phải như một số người phản đối nghĩ, nếu bỏ câu “Tiên học lễ hậu học văn” là không còn giáo dục đạo đức?
Bốn tiêu chí ấy rõ ràng hơn hẳn câu “Tiên học lễ hậu học văn” cả nội dung và hình thức. Vả lại nếu câu “Tiên học lễ hậu học văn” là hay, là giáo dục được đạo đức cho học sinh, cần thiết cho phương châm giáo dục ngày nay, thì cớ sao ta đã treo cao câu đó mấy chục năm ở khắp các trường học trong cả nước; nhưng nền giáo dục của ta không những không tiến lên mà xu hướng giật lùi ngày một rõ? Trí dục, đức dục sa sút rõ rệt! Vậy rõ ràng sự tồn tại của câu đó là vô ích, nếu không muốn nói là tác dụng xấu! Bằng chứng là chính học sinh đã xuyên tạc câu đó thành “tiên đưa lễ hậu đưa văn” để giễu cợt nền giáo dục đang có xu thế “thương mại hoá” ở khắp các trường sở từ phổ thông đến đại học!
Đúng ra thì nền giáo dục nước ta tốt lên hay kém đi, đâu vì một cái biểu ngữ hay khẩu hiệu? Nếu vậy chẳng hoá ra chỉ cần thay cái khẩu hiệu hay biểu ngữ là làm cho giáo dục thay đổi được hay sao? Khẩu hiệu hay biểu ngữ chỉ để dùng ở những cuộc biểu tình, hay mít tinh nhằm kêu gọi, cổ vũ tinh thần tự nguyện của mọi người làm việc gì bức thiết như chống thiên tai địch hoạ, làm từ thiện, hoặc phản đối điều gì ảnh hưởng đến quyền lợi dân chúng. Còn những việc đã đưa thành luật, bắt buộc mọi người phải thực hiện như giáo dục, kinh tế,… thì khẩu hiệu biểu ngữ là thừa, không thích hợp. Không những khẩu hiệu mà cả các “phong trào thi đua”cũng không cần trong những lĩnh vực đã có luật định.
Thời kỳ kháng chiến nhiều lĩnh vực không có luật nên nhà nước phát động các phong trào thi đua. Cả giáo dục cũng vậy. Nay phong trào thi đua xem ra không còn thích hợp nữa. Không những không thích hợp mà còn trở thành nguyên nhân đẻ ra những báo cáo dối trá, có thành tích cao để lĩnh thưởng cho tập thể và cá nhân mà thôi.
Để thay cho lời kết, tôi chỉ mong sao các chuyên gia giáo dục nước ta từng đi tìm hiểu, nghiên cứu nhiều nền giáo dục ưu việt ở các nước như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, các nước Bắc Âu,… hãy tìm biện pháp cải cách giáo dục để giáo dục nước nhà ưu việt như họ. Làm sao không những đào tạo học sinh, sinh viên thành những người vừa có đức vừa có tài mà còn phát huy được tinh thần tự lập, nâng cao lòng tự trọng của học sinh, sinh viên. Tạo điều kiện cho họ phát huy được tinh thần dân chủ, độc lập tư duy, tự do sáng tạo, bình đẳng trong phản biện để phân biệt cái đúng cái sai, điều tốt điều xấu, có những phát minh sáng chế, góp phần làm cho đất nước được giàu mạnh. Tránh lặp lại lối mòn của thời kỳ qua - thời lớp tuổi chúng tôi thời còn trẻ, đã bị hạn chế mọi điều dưới áp lực của óc gia trưởng, “học phiệt” trong nền giáo dục Nho học cũ còn hằn sâu trong nếp nghĩ cả già lẫn trẻ, thầy lẫn trò, chẳng hạn như phân biệt giai cấp, bằng cấp, chức tước, chiếu trên chiếu dưới, sang hèn,… Tệ hại đến mức học trò chỉ biết vâng lời cả khi thấy thầy nói sai, chỉ học vẹt, sợ đủ thứ không dám mở miệng! Ra công tác chỉ biết vâng lời cấp trên, trở thành một thứ “công cụ” chỉ gì làm nấy,…
Làm như vậy là đào tạo con người “công cụ” theo kiểu giáo dục cũ đã lạc hậu. Sao có thể gọi là giáo dục tôn trọng con người như bản Quốc tế Hiến chương các nhà giáo từng quy định, để con người làm chủ, phát huy được khả năng sáng tạo của tuổi trẻ như ở các nước có nền giáo dục tiên tiến? Bởi thế mà đất nước lạc hậu, kém phát triển là lẽ đương nhiên. Mong mỏi và hy vọng nền giáo dục của ta thay đổi tốt đẹp lắm thay!
-----------
(*) Tôi nghĩ người rút ngắn đoạn văn của Khổng Tử thành 6 chữ này, chắc là nhà Nho người Việt. Lối nói tắt này cũng thấy nhiều trong tiếng Việt. Nếu là nhà Nho Trung Quốc thì nhất định thành lời nói phổ biến bên nước họ, như vậy nhất định phải ghi trong từ điển. Nhưng các loại từ điển đều không thấy.
Trần Ngọc Chùy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...