Thứ tư, ngày 01 tháng 05 năm 2024
21:28 (GMT +7)

Bản Di chúc – Một cốt cách văn hóa của Bác Hồ

Trước lúc vĩnh biệt chúng ta Bác Hồ đã để lại một tài sản hết sức quý báu cho nhân dân Việt Nam là bản Di chúc. Từ đó đến nay, trong quá trình thực hiện những căn dặn của Bác trong Di chúc đã có hàng trăm công trình nghiên cứu rất sâu sắc và phong phú. Nhất là về nội dung của tài liệu lịch sử này. Kế thừa thành quả của những người đi trước gợi ý, bài viết này chỉ tập trung vào mấy vấn đề.

1. Di chúc của Bác Hồ

Bản thứ nhất

Mở đầu bản Di chúc được Bác viết “Tuyệt đối bí mật” là “Nhân zịp mừng 75 tuổi”. Hai dòng này được gạch chân, nghĩa là người viết nhấn mạnh, lưu ý. Cũng trong bản này Bác viết: “…tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi”. Chữ Di chúc là sau này con cháu căn cứ vào nội dung và hình thức mà thêm vào. Cần lưu ý là Bác dùng chữ “để lại mấy lời” chứ không phải “viết”, và cũng chỉ “tóm tắt vài việc thôi”. Cuối bản Di chúc, đề rõ Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 1965 và chữ ký của Bác. Góc bên trái có “Chứng kiến. Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương: Lê Duẩn”.

Di chúc của Bác được Bác ký ngày 15/5/1965. Tiếp những năm sau, cứ đến dịp sinh nhật (từ ngày 10 đến 20 tháng 5, khoảng 9 đến 10 giờ sáng), Bác lại viết bổ sung. Có khi bổ sung cả đoạn văn, có năm Bác chỉ bổ sung 1, 2 ý trong câu, có năm Bác bổ sung cả những vấn đề quan trọng, nhưng có năm Bác chỉ sửa hoặc thêm 1, 2 chữ (1). Như vậy chúng ta đã có thêm 4 bản nữa.

Bản thứ hai

Bác không đề ngày viết cụ thể mà “Năm nay, tôi vừa 78 tuổi” nghĩa là vào năm 1968. Lần bổ sung này Bác đặc biệt nhấn mạnh đến Về việc riêng (có gạch chân bằng mực đỏ), và dặn dò khi Bác qua đời “không tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” và “Tôi yêu cầu (có tính bắt buộc chứ không phải đề nghị) thi hài tôi được đốt đi” rồi chia tro “làm 3 fần” cho đồng bào 3 miền.

Bản thứ ba

Bác không đề ngày nhưng “tháng 5, 1968, khi tôi xem lại thư này…” có nghĩa là viết bổ sung ngay sau khi viết bản thứ hai, cùng thời gian. Lần này Bác bổ sung nhiều vấn đề chuẩn bị hàn gắn vết thương sau chiến tranh… trong đó có chính sách đối với những người thuộc chính quyền Sài Gòn với tinh thần hòa giải dân tộc.

Phần quan trọng nhất trong bổ sung lần này là “miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các h.t.x nông nghiệp để cho đồng bào hể hả, mát dạ, mát lòng…

Tiếp theo là Bác bổ sung về “Kế hoạch xây zựng lại thành fố và làng mạc…” và “Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc…”.

Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Bản thứ tư

Bác ghi rõ ngày 10/5/69 bằng mực đỏ. Bác khẳng định một lần nữa là “cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn” và dự định của Người là sau chiến thắng sẽ “đi khắp 2 miền Nam Bắc để thăm hỏi đồng bào và chiến sỹ”, “sẽ thay măt nhân zân ta thăm và cảm ơn các nước…. bầu bạn đã tận tình và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”.

Cùng với những bổ sung ấy, Bác lần nữa khẳng định lại sự minh mẫn, bình tĩnh của mình, thanh thản và chủ động đón cái thời khắc “sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” của Bác “để đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”.

Bản thứ năm

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969. Đây là bản tổng hợp 4 bản Di chúc trên đây. Do hoàn cảnh chiến tranh, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở giai đoạn quyết định, nhiều vấn đề bí mật chiến lược, chiến thuật không thể công bố vào thời điểm ấy. Ví dụ như dự báo về thời gian kết thúc chiến tranh: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa…” (bản thứ nhất) và nhiều vấn đề khác như ở bản thứ ba Bác đã viết. Ngay cả Về việc riêng, bản thứ năm cũng không công bố việc Bác yêu cầu hỏa táng thi hài của Người mà trong bản thứ nhất và bản thứ hai đã có…

Nghiên cứu về Bác Hồ, về Di chúc, người nghiên cứu phải biết và đi sâu nghiên cứu từng bản, từng đoạn, từng dòng và từng chữ và cả những khoảng lặng giữa hai dòng chữ mà Bác không viết ra mới thấy hết những suy nghĩ và tư tưởng của Bác.

Theo ông Vũ Kỳ, người thư ký tận tụy và trung thành của Bác, giúp việc cho Bác suốt từ năm 1945 đến khi Bác qua đời kể lại trong Bác Hồ viết Di chúc thì Bác đã viết trong thời gian 4 năm, từ 10/5/1965 đến ngày 10/5/1969 (2).

Bốn năm viết 10 trang, sửa chữa, bổ sung nhiều lần. Bốn bản thảo của Di chúc được Bác gạch, xóa, viết chồng lên, ngoặc xuống thêm chữ, sửa lại từng câu văn bằng bút màu đỏ… chỗ nào cần nhấn mạnh thì Bác gạch chân thêm, nhưng chữ vẫn rõ ràng, đúng nghĩa, trọn câu, chính xác (kể cả phát âm tiếng xứ Nghệ, Bác vẫn quen dùng hàng ngày). Như thế mới thấy sự quan tâm, lo lắng của người viết và tầm quan trọng của tài liệu lịch sử vô giá này.

Chính nhờ vậy mà ta biết thêm cốt cách văn hóa của Bác Hồ như Người đã từng thể hiện qua “một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” (Điếu văn của BCHTW).

2. Bản Di chúc - Một cốt cách văn hóa của Bác Hồ

Tất cả vì nhân dân

Nội dung bao trùm của bản Di chúc là tấm lòng và tình cảm của Bác đối với nhân dân. Tổ quốc là dân, Đảng là dân, ở Di chúc nhân dân được Bác quan tâm nhất, viết nhiều nhất. “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh” (bản thứ nhất). Ngay cả khi đang chiến tranh ác liệt nhất (năm 1968) Bác đã “… có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp” (bản thứ ba). Bác quan tâm đến việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại thành phố, nông thôn mới. Nhà nước cần có chính sách đối với người có công với cách mạng, với gia đình thương binh, liệt sỹ, với thanh niên xung phong và cả với “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ”. Không chỉ những việc lớn cho nhân dân mà ngay cả việc cụ thể, khi viết về việc riêng: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân” … “Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng” (bản thứ nhất), là đức tính giản dị khiêm tốn của một người luôn từ chối mọi sự tôn sùng đối với mình, nhưng trước hết là để dân khỏi vất vả, tốn kém. Năm 1968, Bác lại lần nữa nhắc lại “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” (bản thứ ba). Tất cả Bác chỉ nghĩ đến nhân dân.

Bản Di chúc Bác ký vào ngày 15 tháng 5 năm 1965 nhưng được viết vào 9 giờ sáng ngày 10 tháng 5. Trước đó, ngày 15 tháng 2 năm 1965 Bác đã về Côn Sơn (Hải Dương) thăm Nguyễn Trãi. Trong rất nhiều anh hùng dân tộc, Bác lại chọn đi thăm Nguyễn Trãi đúng dịp này? Nguyễn Trãi và Lê Lợi cùng nhân dân Việt Nam đã ngoan cường kháng chiến, chống lại quân xâm lược nhà Minh suốt 10 năm, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Nguyễn Trãi không chỉ là người anh hùng mà tài thao lược, tài ngoại giao làm quân thù kính nể mà ông còn là một nhà thơ xuất chúng. Thăm Nguyễn Trãi, hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn gặp nhau với tấm lòng thương yêu nhân dân, chiến đấu vì hạnh phúc của nhân dân.

Với Nguyễn Trãi (sống cách Bác 5 thế kỷ), điều mà Bác Hồ tâm đắc là trong suốt lịch sử 2.000 năm phong kiến Việt Nam, kể cả 1.000 năm phong kiến tập quyền, ông là người đầu tiên đưa ra và đề cao vai trò của nhân dân trong lịch sử và đời sống xã hội.

Mở đầu Thiên cổ hùng văn Bình Ngô Đại cáo, bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai (sau Nam quốc sơn hà Nam đế cư của Lý Thường Kiệt) Nguyễn Trãi đã viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Nhiều lần Nguyễn Trãi khẳng định “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Bác Hồ cũng từng nhắc nhở chúng ta: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Cũng thời gian này, sau khi ký Di chúc, ngày 15 tháng 5 năm 1965 Bác Hồ đi nghỉ dưỡng ở Trung Quốc theo lời mời của phía Trung Quốc. Dịp này Bác cũng đã đến thăm Khổng Tử (cả Khổng Phủ là nơi ở của Khổng Tử và Khổng Lâm, nơi ông dạy học). Lúc này Bác đang “Nỗi lo dân nước, nỗi năm châu”, đang bận trăm công ngàn việc, sao Bác lại đi thăm Khổng Tử?

Bác Hồ là vị lãnh tụ thiên tài, có tầm nhìn xuyên suốt lịch sử. Là con người của tương lai nhưng cũng là người của lịch sử. “Người đã phát huy truyền thống đạo đức phương Đông là Trí Nhân Dũng trên cơ sở hoàn toàn mới” (Lời đồng chí Trường Chinh tại lễ mừng sinh nhật lần thứ 60 của Bác). Do đó Bác kế thừa và phát huy được tất cả những gì tốt đẹp của văn hóa nhân loại. Bác đến thăm Khổng Tử dịp Bác viết Di chúc cũng là chia sẻ và thấm nhuần hơn nữa tư tưởng thân dân của triết gia cổ đại này.

Chắc chắn Khổng Tử là người sớm đưa ra tư tưởng thân dân trong lịch sử. Bác cũng đã sớm biết điều này. Bác kể lại, ngay từ năm 1921 trên tờ tạp chí Cộng sản Bác đã trích câu: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng” là của Khổng Tử. “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên…”, cũng như câu thành ngữ: “Lấy dân làm gốc” cũng là của Khổng Tử, sau này Mạnh Tử phát triển thêm “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Bác dịch là: “Lợi ích của dân là trước hết, thứ đến là lợi ích của quốc gia, còn lợi ích của vua là không đáng kể” (3).

Lợi ích của dân là trước hết”. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Khi mất, trong Di chúc Bác còn “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Thế là ta hiểu và trả lời được những câu hỏi trên đây.

Nhân dân là Tổ quốc, Đảng là nhân dân

Đảng từ nhân dân mà ra, Đảng chiến đấu và “Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, nên trong Di chúc Bác viết: Trước hết nói về Đảng. Với những đánh giá công lao, thành tích của Đảng đối với cách mạng, nhưng quan trọng hơn là những dự báo về nguy cơ mất đoàn kết và suy giảm uy tín của một số đảng viên, Bác nêu lên những biện pháp khắc phục để nâng cao sức chiến đấu của Đảng, cũng tức là vì nhân dân. Cũng lạ (bản thứ hai), Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân…”, (bản thứ tư) Bác lại viết: “Nhưng ai mà biết được tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?”, và Bác không có chữ nào là phục vụ Đảng, mặc dù Bác là người sáng lập và lãnh đạo Đảng (?). Bác viết như vậy bởi Bác bao giờ cũng coi Đảng nằm trong nhân dân, Đảng không đứng trên Tổ quốc và nhân dân…

Bác Hồ không chỉ là của Việt Nam

Hồ Chủ tịch là tượng trưng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trái tim, khối óc của Người giành cho dân tộc Việt Nam ta cũng hướng về giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới” (Điếu văn của BCHTW).

Nói gì thì nói nhưng thế kỷ XX là thế kỷ của phong trào Cộng sản. Với Cách mạng tháng 10 Nga, đã mở ra một thời đại mới cho nhân loại… Nhưng khi Bác viết Di chúc, Bác đã từng biết các sự kiện lớn nhỏ xảy ra trên thế giới. Trong đó có việc Stalin đàn áp những người đồng chí của mình những năm 1920 mà Bác cũng suýt nữa là nạn nhân. Sau chiến tranh thế giới II, ngay năm 1946 quân đội Liên Xô đã can thiệp, đàn áp sinh viên Rumani khi họ biểu tình đòi tự do. Năm 1956, Liên Xô đã cho quân đội vào Hungary dập tắt cuộc nổi dậy của nhân dân Budapest. Năm 1968, xe tăng của quân đội Liên Xô đã chĩa súng vào nhà Quốc hội Tiệp Khắc đàn áp những người đòi tự do, dân chủ… Bác cũng chứng kiến cuộc chiến đẫm máu của hai người bạn của mình là Trung Quốc và Ấn Độ nổ ra năm 1962 ở biên giới. Bác đau lòng hơn là sự bất hòa của hai người anh em Liên Xô và Trung Quốc từ những năm 1960 ngày càng sâu sắc, và đỉnh điểm là xung đột đổ máu ở Damasky, biên giới của hai nước…

Bác vừa kịp trông thấy cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc (1966 - 1968) giết hại hàng chục triệu người, trong đó có những người bạn gần gũi của Người bị đàn áp dã man, bị tù đày và bị giết. Bác cũng không kịp biết cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 của bọn bành trướng Đại Hán, cũng không thể lường được sự sụp đổ nhanh chóng của Liên Xô và phe XHCN năm 1989 - 1991, nhưng là người có tầm nhìn xuyên suốt lịch sử nên trong Di chúc Bác đã viết “Về phong trào cộng sản thế giới - Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”. Cần lưu ý, bác viết “Suốt đời phục vụ cách mạng” chứ không phải phục vụ chủ nghĩa nào cả. Bác không chỉ tự hào về sự lớn mạnh của phong trào cộng sản mà còn cả phong trào công nhân quốc tế nữa. Bác viết tiếp: “Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”. Rõ ràng Bác phân biệt các đảng anh em và các nước anh em. Hiện nay các đảng anh em nhiều nơi đã lùi vào lịch sử nhưng các nước anh em thì vĩnh viễn còn và ngày càng đông hơn. Bác Hồ không chỉ là của Việt Nam mà là của cả thế giới là vì thế.

Nói về Bác Hồ và Di chúc là vô cùng vô tận. Tại sao Bác Hồ lại viết Di chúc vào năm 1965? Những dấu vết tiếng Nghệ như “Trên mả”, tất cả những từ có dấu hỏi (?) đều được Bác viết thành dấu ngã (Dân chũ, Đỗ - fũ, Đãng ta, cộng sãn…), Bác lẩy Kiều (bản thứ nhất): Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay; thiên tài dự báo của Bác: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa…” và đúng là chỉ mấy năm nữa, năm 1975 chứ không phải là vô hạn… Rồi dự báo của Bác về những vấn đề mà Đảng sẽ gặp phải sau chiến tranh như đoàn kết và đấu tranh phê bình và tự phê bình…; dự báo tương lai nước ta là “một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh” v.v. xin để viết vào dịp khác.

Lê Thị Hạnh Liên

------------

(1) Xem: Vũ Kỳ, Bác Hồ viết Di chúc, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2015.

(2) Vũ Kỳ, Sđd.

(3) Vũ Kỳ. Sđd.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy