Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
08:30 (GMT +7)

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện với cụ Hồ

VNTN - So với rất nhiều nhân sĩ trí thức cùng thời, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (BSNKV) ít có dịp gặp gỡ và làm việc với cụ Hồ, nhưng có thể nói hai người có “duyên”, nên không ít người đã cho rằng: “Ông Viện do Bác Hồ đưa về nước!”.

Thực ra, điều này không đúng, vì lúc cụ Hồ sang Pháp đàm phán thì BSNKV đang ở trong tình cảnh “thập tử nhất sinh”, do bị lao mà hồi đó chưa có thuốc đặc trị, phải lên bàn mổ nhiều lần, cắt hơn 1 lá phổi và 7 xương sườn. Mãi sau năm 1947, nhờ vận dụng phương pháp khí công (Trung Quốc) và Yoga (Ấn Độ) - mà hiện nay nhiều người vẫn tập theo gọi là “Dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” - BSNKV dần hồi phục, vừa nằm điều trị vừa tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt kiều Pháp. Cho đến năm 1952, sau khi Pháp trục xuất ông Phạm Huy Thông về nước, BSNKV mới đảm trách tổ chức Việt kiều hoạt động bí mật.

Tuy vậy, ngay từ năm 1949, khi đang điều trị tại một bệnh viện gồm rất nhiều trí thức Pháp, BSNKV đã công khai lên tiếng ủng hộ chính phủ cụ Hồ. Trong cuốn sách “Ước mơ & Hoài niệm - Nguyễn Khắc Viện kể chuyện” (NXB Trí thức, 2017”, BSNKV cho biết:

“…Hồi đó vết mổ của tôi còn bị khoét rộng ra, tôi chưa đứng dậy đi lại được, nhưng mỗi lần có cuộc họp hay chiếu phim, bệnh viện đều bố trí cho ngồi xe lăn, nên tôi đều tham dự được. Nói vậy để thấy người ta tôn trọng quyền chính trị của bệnh nhân chu đáo biết chừng nào.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện Nguồn: congan.com.vn

Lẽ tự nhiên khi các vấn đề trình bày, thảo luận liên quan đến Việt Nam, chiến tranh Việt Nam thì anh em giao cho tôi chuẩn bị và phụ trách, tôi tích cực tham gia mọi hoạt động. Đến năm 1949 tôi được kết nạp vào chi bộ Đảng tại bệnh viện.

Cũng năm ấy xảy ra một vụ tôi còn nhớ đến bây giờ. Có vị nghị sĩ Chủ tịch ủy ban về Đông Dương của Quốc hội Pháp đến nói chuyện tại bệnh viện. Vị này là người của Đảng thuộc phe chủ trương chiến tranh kiên trì nhất chống cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Đây là một chính khách cáo già, ăn nói hùng hồn, lưu loát, tuyên truyền cho luận điệu Bảo Đại là đại diện cho dân tộc Việt Nam, còn Hồ Chí Minh là một nhóm phiến loạn.

Thuyết trình xong, vị ấy hỏi ai có ý kiến. Tôi lên nói rõ ràng trong hơn 15 phút, dựa vào những thực tế đã nắm được qua nhiều nguồn thông tin, trong đó có cả báo cáo mật của tướng Revers (là tướng chỉ huy quân sự ở Đông Dương) bị tiết lộ mà anh em Việt kiều đã thu thập được, chứng minh rằng 90% nhân dân Việt Nam đều đứng sau Chính phủ Hồ Chí Minh, có cả tôi và đa số Việt kiều ở Pháp. Chưa bao giờ có một vị thuyết khách nào đến bệnh viện này lại rơi vào một thế bí như vậy.

Mấy hôm sau đó, có một người thuộc loại phát xít cực đoan làm kiến nghị lên Ban giám đốc bệnh viện bảo: “Tay Viện này là một tay chống Chính phủ Pháp, ta không thể nuôi ong tay áo mãi, ta không thể tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng nó tử tế như thế này được nữa”. Lập tức hầu hết mọi người trong bệnh viện đều kiến nghị lên Ban giám đốc là không chấp nhận ý kiến của nhóm kia, không phải trên quan điểm là đồng ý với tôi, tán thành Chính phủ Hồ Chí Minh, mà trên quan điểm ông Viện làm bác sĩ ở bệnh viện Paris vào đây điều trị là phần phúc lợi của người lao động, không thể nào vì ý kiến chính trị mà tước bỏ quyền lợi đó được. Mặt khác, trong mấy năm ở bệnh viện, tôi là người đứng đắn, nghiêm túc, được mọi người - kể cả Ban giám đốc - cảm mến, nên cuối cùng kiến nghị của bọn phát xít kia bị gạt bỏ. Sự việc này nêu rõ một khía cạnh rất dân chủ của nước Pháp…”.

Xin được lưu ý: ở trong nước, nhất là những vùng thuộc chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát, việc tỏ thái độ ủng hộ chính phủ cụ Hồ thì chẳng có gì đáng kể; nhưng sống giữa “sào huyệt” đối phương, tính mạng của mình đang trong tay các bác sĩ người Pháp, bên cạnh lại có không ít những trí thức tên tuổi theo “phe Bảo Đại”, chính kiến của BSNKV lúc đó không chỉ thể hiện bản lĩnh của ông và lòng yêu nước của số đông Việt kiều sống xa Tổ quốc mà còn chứng tỏ uy tín của cụ Hồ và công cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta có sức mạnh như thế nào…

Mãi đến năm 1963, sau khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có đại diện tại Paris, BSNKV lên đường về nước và năm 1964 mới có dịp diện kiến cụ Hồ. Cũng trong cuốn sách đã dẫn ở trên, BSNKV kể:

“…Còn nhớ năm 1964, Bác Hồ mở Hội nghị Chính trị đặc biệt để các tầng lớp nhân dân Việt Nam nói lên quyết tâm chống Mỹ cứu nước. Tôi được thay mặt Việt kiều đến dự. Văn phòng Mặt trận Tổ quốc đã chuẩn bị sẵn cho tôi một bài, giao cho tôi đọc. Lúc phát biểu, tôi không đọc mà tự nói. Đồng chí cán bộ Mặt trận ngó bộ ngơ ngác, có Bác Hồ ngồi đấy, không hiểu ông này nói cái gì đây mà không có giấy tờ gì cả như thế này? Vì chuyện này, giữa một số anh em bên Mặt trận và tôi cũng không được hòa hợp cho lắm, sau đó một anh Việt kiều khác thay tôi tham gia Mặt trận…

Tôi không có dịp được gặp riêng Bác. Duy nhất là Hội nghị Chính trị đặc biệt ấy, khi tôi phát biểu thấy Bác gật gù, có vẻ vui. Sau Bác chỉ vào tôi hỏi: “Sao độ này thế nào rồi?”. Bác biết tôi đau phổi. Chỉ chốc lát thế thôi…”

5 năm sau, BSNKV lại mới “có chuyện” liên quan đến cụ Hồ. Lúc đó BSNKV được giao làm Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là NXB “Thế giới”) và mấy tờ báo đối ngoại. Trong cuốn sách đã dẫn, BSNKV kể:

“…Năm 1969, lớn nhất là sự kiện Bác Hồ mất.

…Tôi viết một bài đưa tin rất ngắn. Nhiều vị cấp này, cấp khác nhao lên hỏi tại sao một tin lớn như thế mà báo “Le Courrier du Vietnam” lại chỉ có một đoạn ngắn cun củn như vậy, nghĩa là thế nào? Tôi trả lời: Cạnh bài đó, tôi đăng điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương rồi. Nếu tôi viết một bài xã luận lặp lại những nội dung như bài điếu văn thì nó thừa. Chuyện cứ lặp đi lặp lại mãi như muốn nhồi người ta, độc giả nước ngoài rất ghét.

Lại còn việc dịch Di chúc của Bác cũng rắc rối. Trên giao cho tôi dịch. Một số vị tuy không thông thạo các từ ngữ, nhưng lại góp ý từ này nên dịch thế này, từ này dịch thế khác. Tôi không chấp nhận. “Về công tác Đảng, công tác tư tưởng, đồng chí là Bí thư Đảng ủy, đồng chí góp ý, chứ vấn đề tiếng Pháp là việc chuyên môn của tôi, đồng chí đừng lấy tư cách Đảng ủy mà góp ý kiến. Đồng chí nào muốn tôi sửa thì ký vào đây, tôi sẽ sửa, nếu không thì tôi làm theo cách của tôi”. Nhưng rồi mọi việc cũng xong, cũng trôi qua cả.

…Bác ra đi, cũng như toàn dân, tôi cảm thấy một sự mất mát lớn, từ nay vắng bóng một con người không bao giờ thấy lại được nữa. Tôi có làm một bài thơ, bài thơ độc nhất của tôi in ở báo nước ngoài, báo Nhân Dân cũng có đăng. Bạn bè chú ý nhất là câu:

“Sáu mươi năm xây dựng cơ đồ

Không dẫm lên chân một con người

Chỉ biết đạp đầu thù mà tiến tới.”

Có anh em hỏi là ngụ ý gì? Bác Hồ không dẫm lên chân một người khác. Thế thì ai dẫm lên chân người khác? Tất nhiên tôi không trả lời, nhưng anh em cũng biết…”.

Tròn nửa thế kỷ đã qua từ ngày đó. Sau ngày đó, không biết bao nhiêu nhà thơ đã trải lòng mình qua những vần thơ, nhưng một người như BSNKV cũng làm thơ khóc Bác thì có lẽ cũng là điều đáng suy ngẫm. Hình như nhiều người chưa biết bài thơ này, nên dịp này xin được in lại dưới đây.

Khóc Bác Hồ

“Bác ơi,

Chúng con đã biết nhìn thẳng quân thù mà bắn

Biết chắt chiu từng hạt gạo

Biết tính năng suất

Gặp một người gánh nặng co vai

Đêm nằm cũng biết trằn trọc lo nghĩ

Bác đã dạy chúng con tất cả

Tất cả vẫn còn đây

Đảng, bộ đội oai hùng

Nhà nước, khối sắt thép toàn dân

Anh em trăm nước

Tất cả còn đây

Mà chúng con vẫn nghẹn ngào thổn thức

Chao ôi đôi dép lốp bạc màu

Không một sợi kim tuyến, không một huy chương

Ngẫm nghìn xưa có ai như vậy?

Sáu mươi năm xây dựng cơ đồ

Trèo lên những đỉnh cao vời vợi

Không dẫm lên chân một con người

Chỉ biết đạp đầu thù mà tiến tới.

Hơn một tháng rồi, Bác ơi

Cây đổi màu, ánh mặt trời cũng khác

Bóng trăng thu không trọn vẹn như xưa

Việc làm hòa nước mắt

Nước mắt chảy, ruột dạ khơi trong

Việc càng làm, càng ham làm mãi

Chân bước tới, nước mắt còn chảy

Con biết làm gì hơn, nói gì hơn?

Nguyễn Khắc Viện

Tháng 10-1969

Sau 50 năm, đọc lại bài thơ, trong bối cảnh đất nước và cả thế giới đầy những biến động và bất trắc, hẳn là sẽ có nhiều cách bình giải, luận bàn khác nhau về tác phẩm này. Tôi không sành phê bình thơ phú, nên chỉ biết bày tỏ nỗi băn khoăn, lo lắng khi đối chiếu một số câu thơ trên với những điều “không vui” hay các vấn đề đang hàm chứa những “ẩn số” trong đời sống xã hội hiện nay.

Ví như: nửa thế kỷ trước, chúng ta đã “biết nhằm thẳng quân thù mà bắn”, nhưng hôm nay, “quân thù” là ai? Bác Hồ trong bài viết “Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” từ năm 1952 đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và Chính phủ” … Các chương trình nghị sự của những cơ quan quyền lực cao nhất nước cũng đã bàn kế sách chống lại “quốc nạn tham nhũng”; vậy là một loại “quân thù” đã rõ, nhưng vì sao càng “bắn” lại càng sinh sôi, nảy nở? Có “vấn đề” gì ở đây? Và liệu còn “quân thù” nào đang trá hình, núp bóng nữa?

Và ngày ấy chúng ta “biết chắt chiu từng hạt gạo”, đất nước hôm nay đâu đã quá giàu sang - nhiều địa phương hàng năm vẫn còn vùng thiếu đói, Nhà nước phải xuất gạo dự trữ cứu giúp! - mà không ít quan chức vẫn vung tay xài sang, ký đầu tư những dự án ngàn tỷ thua lỗ, vẫn nhởn nhơ bồ bịch nhậu nhẹt?

Và liệu còn những ai ngồi xe sang, sống trong các “lầu son gác tía” thấy người “gánh nặng co vai”, đêm về biết “trằn trọc lo nghĩ”?...

Và liệu vị bí thư tỉnh nọ khai man để được phong anh hùng có lúc nào nhớ tới Bác Hồ công lao với dân với nước như trời như biển, “60 năm dựng cơ đồ” mà không màng một tấm huân chương? Liệu còn bao nhiêu huân huy chương trao… lầm, bao nhiêu giáo sư dởm, rồi cả thương binh giả nữa?...

Và không cần nhắc tới vụ bắn nhau tại trụ sở Tỉnh ủy Yên Bái năm kia, chỉ riêng nạn “chạy chức” trước mỗi nhiệm kỳ mà trên các diễn đàn quan trọng nhất nước đã phải cảnh báo, chẳng phải đã xuất hiện những kẻ sẵn sàng… đạp vào đầu những người thực tài để giành chỗ đứng “ngon lành” cho mình đó sao!

Ôi chao! Quả là từ vị thế một con người - cho dù ở “chỗ đứng” nào đi nữa - cũng chỉ có thể kêu lên “biết làm gì hơn, nói gì hơn?”. Một cách nghĩ có phần bi quan chăng? Không! Chính Bác Hồ, từ hơn nửa thế kỷ trước, từng nhắc câu thơ của nhà thơ Thanh Tịnh, đúc kết bài học của dân tộc “khó vạn lần, dân liệu cũng xong!”. Nghĩa là thực sự biết dựa vào dân, có cơ chế huy động được sức mạnh và trí tuệ của toàn dân thì nhất định sẽ tìm ra giải pháp trả lời những vấn nạn nhức nhối nêu trên.

Vâng. Đây chỉ là một cách nghĩ… có thể còn “ngây thơ” và phiến diện. Mong sẽ được nghe những ý kiến sáng suốt và thực tế hơn. Mong lắm thay!

***

Quả là có “duyên” sao đó, nên khi bài viết trên đây tôi vừa gửi bổ sung vào tập sách cho Nhà xuất bản thì tôi bỗng nhận được tin nhắn đón xem phim cụ Hồ ở Paris, có cả BSNKV… Quả nhiên, phim Tài liệu “Hồ Chí Minh - phác họa chân dung một chính khách” được phát trên VTV1 tối 15/5/2019 của đạo diễn Pháp Géral Guillaume thực hiện năm 1973 đã dành nhiều thời lượng cho BSNKV nói mở đầu phim. Chợt nhớ, trong hồi ký của BSNKV (đã dẫn ở trên) có đoạn kể lại cuối năm 1972, Đảng Cộng sản Pháp mời BSNKV sang làm phim; ông từ nơi sơ tán về Hà Nội đúng những ngày B.52 Mỹ ném bom, nên tháng 1/1973, mới đi Pháp được. Như vậy là tròn 10 năm rời nước Pháp về nước, BSNKV lại được chính những người bạn Pháp “ủng hộ dân tộc Việt Nam” (lời BSNKV trong phim) mời trở lại Paris để làm phim về cụ Hồ đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh bại hai đế quốc lớn như thế nào. Đó cũng là lúc Hội nghị Paris bàn về Việt Nam sắp kết thúc nên BSNKV ở lại Pháp đến 40 ngày, ngoài thời gian đến xưởng phim, ông có đến 36 cuộc trả lời báo chí quốc tế, nhiều khi kéo suốt từ 9 giờ sáng đến nửa đêm…

Một anh bạn tôi, sau khi xem phim xong, đã hỏi: “Lúc đó, cán bộ lãnh đạo Việt Nam đang họp Hội nghị Paris tại Pháp có bao nhiêu là tên tuổi kỳ cựu hơn BSNKV, sao họ lại mời BSNKV từ Hà Nội sang cho tốn kém?”. Hẳn là sẽ có nhiều cách giải thích và chắc là phải dài dòng. Thôi, coi như là BSNKV có “duyên” với cụ Hồ sao đó… Thì cũng như việc BSNKV dịch Di chúc của Người sang tiếng Pháp, mà đoạn cuối phim đã trích đọc một đoạn. Tiếc là tôi không có tờ báo in bản dịch Di chúc để đưa lên đây.

Tròn 50 năm đã qua từ ngày đó… Huế, trung tuần tháng 5, nắng đang chói chang bỗng dịu lại. À, lại sắp có giông. Tôi rời bàn phím, đứng dậy và bất chợt nhìn lên bức ảnh cụ Hồ trên tủ sách. Tấm ảnh này - nếu tôi không nhầm, thì rất ít (hoặc không) nơi nào có - cả bộ sách 11 tập “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”, trong đó tập 11 (NXB Hội Nhà văn, tháng 12/2013) dành gần 100 trang (từ trang 13 đến trang 100) in 87 bức ảnh cụ Hồ do Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp, cũng không có. BSNKV cho biết tác giả bức ảnh là một nhiếp ảnh gia người Ý (quá lâu rồi, có thể tôi nhớ không chính xác); trong nhà BSNKV lúc đó ở Hà Nội đã có tấm to hơn treo phía trên các giá sách, nên ông lấy cái nhỏ hơn trong tủ cho tôi. Nhìn cụ Hồ (trong ảnh) tươi cười, gần gũi, tôi chợt nghĩ: Những ngày tháng này, ở “một cõi nào đó”, nếu như BSNKV có “duyên” gặp lại cụ Hồ, thì rất có thể sẽ có cuộc đối thoại như sau:

“- Thế nào? Lâu nay có dịch thêm được tác phẩm nào sang tiếng Pháp nữa không?

“- Thưa Bác, chưa có tác phẩm nào được như Truyện Kiều cả. Chỉ tiếc năm 1973 sang Pháp làm phim, Trung ương chưa cho công bố toàn văn Dự thảo Di Chúc, nên trong phim vừa công chiếu cho dân mình xem, khi trích đọc Di chúc ở đoạn cuối, không có mấy điều Bác dặn bổ sung…

“- Thôi, không cần, năm 1989, Trung ương đã công bố toàn văn cho nhân dân biết rồi. Cái khó là việc thực hiện. Lúc sinh thời, Bác cũng luôn nhắc nhở: “Nói phải đi đôi với làm.” Nửa thế kỷ qua rồi! Chúng ta giờ đã ở cõi khác. Thì cũng phải hy vọng ở hậu thế thôi! Nếu thực sự tin dân, dựa vào dân thì việc chi cũng làm được. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong!” Thơ của ông Thanh Tịnh đó! Vậy mà có mấy tay nhà báo không điều tra nguồn gốc cứ nói bừa là của cụ Hồ! Thôi, có dịp gặp các bạn Pháp hồi làm phim với nhau, cho mình gửi lời cảm ơn. Merci bien!”

Tôi hình dung, cụ Hồ nói câu cuối kèm tiếng Pháp lẫn trong tiếng cười trẻ trung, nhìn Cụ vui vẻ và rất… nghệ sĩ. Tôi nhớ “chức năng” nhà văn là còn phải biết phóng trí tưởng tượng, “hư cấu”, nên mới dám hình dung có đoạn đối thoại như trên. Không biết có bị ai cho là… “phạm thượng” không?...

Nguyễn Khắc Phê

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy