Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
16:19 (GMT +7)

Ăn uống thời dịch bệnh

Bài “Các quy tắc trên mâm cơm của người Việt xưa” ai đó đăng lên Facebook gần đây, khiến “cư dân mạng” được phen bàn tán.

Các quy tắc ấy xoay quanh chuyện ăn cơm, như: Trước khi ăn phải mời; không vừa ăn vừa nói; không “và” cơm quá 3 lần liên tục… vân vân và vân vân. Trong số rất nhiều quy tắc ấy thì việc sử dụng đũa được nói đến nhiều nhất: Không dùng đũa riêng để khuấy, chọc vào bát, đĩa thức ăn chung; đưa đũa ra là gắp 1 lần, không được đảo, chọn thức ăn trong bát đĩa chung; phải trở ngược đầu đũa của mình nếu muốn gắp đồ cho người khác, hoặc dùng đôi đũa sạch khác để gắp cho mọi người; không nên cắn, mút đầu đũa; không được nối đũa khi gắp đồ cho người khác hoặc được người khác gắp đồ ăn cho…

Giữa lúc dịch COVID-19 hoành hành, nhiều nơi bà con lo cái ăn để tồn tại qua ngày, đưa ra “quy tắc” ăn uống lúc này có vẻ “vô duyên”. Bởi thế, ở dưới bài viết này, không ít người phản hồi chê bai: Phú quý sinh lễ nghĩa; quý tộc rởm; ăn chứ có phải biểu diễn đâu; có cái cho vào mồm là quý rồi, thời gian đâu mà cầu kỳ bày vẽ… Có người còn phân tích rằng các quy tắc ấy chỉ dành cho tầng lớp “ăn trên ngồi trốc”, chứ với người lao động, ăn vội ăn vàng mà còn làm, thời gian đâu mà quy với chả tắc.

Nhưng nếu tĩnh tâm nghĩ lại, trong “đống” yêu cầu có vẻ nhiêu khê ấy, ta chắt lọc được nhiều thông tin hữu ích và nếu thực hiện sẽ hạn chế không nhỏ việc lây lan dịch bệnh, nhất là dịch Covid hiện nay.

Bấy lâu, trên mâm cơm của chúng ta thường bày các thức ăn (canh, rau, thịt, cá…) vào đĩa, bát to để mọi người dùng chung. Mỗi người có 2 vật dụng riêng là cái bát con và đôi đũa. Trong quá trình ăn, đôi đũa là vật “nâng lên đặt xuống” nhiều nhất, vì thế ối chuyện dở khóc dở cười từ cách sử dụng đôi đũa mà ra. Có người trước khi ăn nhúng đầu đũa vào bát canh khoắng khoắng “rửa” đũa; có người mút đầu đũa chùn chụt rồi xọc vào đĩa thịt ngoáy tung lên tìm miếng ưng ý mà gắp vào bát mình; có người kẹp đũa vào kẽ ngón tay rồi cầm muôi múc canh khiến đôi đũa cứ “múa” loạn trước mặt mọi người.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Món trung tâm trên mâm cơm của người Việt là bát nước mắm. Nhà giàu hay nhà nghèo, cỗ bàn thịnh soạn hay cơm canh qua bữa cũng không thể thiếu bát nước mắm. Rau, thịt, cá… đều “tiếp xúc” với nước mắm trước khi về bát riêng. Thế nên bát nước mắm trở thành nơi trung chuyển dịch bệnh từ người này sang người khác.

Một “tập tục” mất vệ sinh nữa nhưng nhiều người lại nghĩ là “lịch sự”, đó là việc gắp thức ăn cho người khác bằng đôi đũa mình đang dùng. Đi ăn cơm khách, ăn cỗ cưới, toàn người xa lạ ngồi cùng mâm, mà cứ người này gắp cho người kia, rất mất vệ sinh.

Sự chung đụng trong ăn uống tạo cơ hội cho dịch bệnh lây lan nhanh. Không ít bệnh lây qua đường nước bọt như cảm cúm, dạ dày, viêm gan, lao và nay là COVID-19 từ cách dùng đũa mà ra.

Chuyện ăn tưởng chừng quen như hơi thở mà không hẳn ai cũng biết. Vợ chồng cố Giáo sư Trần Quốc Vượng - Nguyễn Thị Bẩy trong cuốn “Văn hóa ẩm thực Việt Nam” dày gần 300 trang (xuất bản năm 2010), đúc rút: “Ăn uống vừa có tính đời vừa có tính thiêng”. Trong nhân tướng học, người ta nhìn cách ăn để đoán tính cách, đoán nguồn gốc xuất thân, thậm chí đoán được cả tiền vận, hậu vận.

Không rõ “Các quy tắc trên mâm cơm của người Việt xưa” có nguồn gốc từ đâu? Nhưng nếu ai đó thực hành được, chắc hẳn người đó sẽ trở nên lịch lãm, sang trọng và nhất là bảo vệ được bản thân tránh nhiều dịch bệnh lây qua đường ăn uống.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước