Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:13 (GMT +7)

Ngẫm ngợi sau một mùa thi

huongnghiep.hocmai.vn

Mấy chục năm qua, giáo dục nhiều thay đổi, song lịch trình học hành, thi cử với sự kết đôi của “mùa hạ” với “mùa thi” thì vẫn giữ nguyên. Chỉ có điều, mùa thi trong thực tế dường như càng ngày càng khắc nghiệt, chứ không nên thơ như mùa phượng…

Những kì thi chuyển cấp khiến học sinh, phụ huynh, nhà trường và xã hội quan tâm nhiều nhất. Sĩ tử, lều chõng, cuộc đua, tỉ lệ chọi… là những cụm từ “đặc dụng”, gợi ra sự khắc nghiệt, căng thẳng, gắn với các kì thi mang tính tuyển chọn, đối chọi để chuyển từ cấp học này sang cấp học khác. Nếu như trước kia, đỉnh cao của sự khốc liệt ấy là kì tuyển sinh đại học, thì nay sự căng thẳng dồn về kì tuyển sinh cấp thấp hơn: Thi tuyển lớp 10, thi vào lớp 6, thậm chí cả thi tuyển đầu vào Tiểu học. Trong số đó, kì thi tuyển học sinh từ cấp THCS sang cấp THPT được quan tâm nhiều nhất, thể hiện tính chất “cuộc chiến khốc liệt” rõ ràng nhất. Vậy tại sao kì thi lên một cấp học phổ thông, gần như phổ cập mà lại khó khăn hơn kì thi vào chuyên nghiệp?

Trước hết bởi tính chất khác biệt của hai hệ thống đào tạo này. Trung học phổ thông bậc cao nhất trong chương trình giáo dục phổ thông. Đã là “phổ thông” thì tâm lí chung là ai cũng cần cập đến, không vì mục đích công ăn việc làm sau này, thì cũng vì mục đích tâm lí xã hội: người trưởng thành, có “học thức”, không thể mang tiếng “chưa học hết cấp 3”. Trong khi đó, xu hướng lập nghiệp không bằng con đường học đại học lại dần trở nên phổ biến, trong bối cảnh thừa thầy thiếu thợ và sự lôi cuốn của làn sóng “đi làm công ty”.

Thứ hai, kì thi tuyển sinh lớp 10 không cho học sinh nhiều sự lựa chọn dẫu hình thức tuyển sinh với những “nguyện vọng 1”, “nguyện vọng 2”… vẫn được duy trì. Về cơ bản, đa phần học sinh và gia đình đều mong muốn cho con em mình học tập gần nhà, vì ở độ tuổi mười lăm, không phải em nào cũng đủ sức khỏe, bản lĩnh và tự tin để đi lại quá xa hay trọ học. Tuy nhiên, số lượng trường THPT hệ công lập trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, thành phố lại hạn chế, dẫn đến tỉ lệ “chọi” dâng cao, tỉ lệ nghịch với quy mô tuyển sinh và tỉ lệ thuận với uy tín của nhà trường. Kì tuyển sinh vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ngoài trường Chuyên - mô hình giáo dục chuyên biệt, các trường THPT khu vực thành phố như Lương Ngọc Quyến, Chu Văn An, Gang Thép đều có số lượng hồ sơ đăng kí dự tuyển cao kỉ lục, đồng nghĩa với việc rất nhiều học sinh trượt nguyện vọng vào lớp 10, dẫu có em tổng điểm lên đến 35, 36 (Bài thi được chấm theo thang điểm 10 (làm tròn đến 2 chữ số phần thập phân); môn Toán, Ngữ văn tính hệ số 2, môn tiếng Anh hệ số 1, cộng điểm ưu tiên, nếu có).

Đặc biệt, tính chất “sinh tử” của kì thi tuyển lớp 10 còn thể hiện ở chỗ, sự thất bại của thí sinh sẽ buộc họ rơi vào tình thế khó có đường lui. Nếu như trượt đại học (chính xác là trượt nguyện vọng 1), học sinh lớp 12 vẫn dễ dàng đến với những nguyện vọng tiếp theo trong vô vàn sự lựa chọn, thì cuộc thi vào lớp 10 hoàn toàn không có cơ hội rộng mở như thế. Khoảng cách giữa hai nguyện vọng vào THPT là khoảng cách của trường công và trường tư, của mức chênh học phí vài chục triệu đồng, là khoảng cách con đường đi học và cả “khoảng cách tâm lí” trong sự so sánh (đôi khi có phần định kiến) về “trường tốt”, “top đầu” với “trường dưới”, “giáo viên xoàng”, “học sinh hư”, “kỉ luật kém”… Chuyện bỏ ra một năm học “lớp 13” để ôn thi lại đại học rất bình thường, nhưng việc một học sinh lớp 9 nghỉ ở nhà để sang năm ôn vào lớp 10 cùng khóa đàn em lại là điều mà người trong cuộc khó chấp nhận.

Áp lực “lên lớp 10” đè nặng lên đôi vai bé mỏng của các em học sinh lớp 9, khiến năm học cuối cùng của chương trình THCS trở nên vô cùng căng thẳng, nhất là ở những địa phương liên tục có những thay đổi về phương án tuyển sinh, môn thi, giới hạn kiến thức. Chạy đua với lịch học thêm, học chính, học tăng cường tăng dần đều, các em còn phải “đấu trí” trong bước quyết định thành bại của kì thi: chọn trường nộp hồ sơ. Lúc này, tiêu chí “gần nhà” mặc dù quan trọng, nhưng nó được đặt bên cạnh một loạt các tiêu chí khác: chỉ tiêu tuyển sinh, khối lượng hồ sơ nộp vào, chất lượng thí sinh dự thi, điểm chuẩn năm ngoái, điểm chuẩn dự kiến năm nay… Thật là một sự “cân não” khiến không ít thí sinh năm lần bảy lượt nâng lên, đặt xuống, “chốt hạ” rồi lại “quay xe”.

Nỗi lo của học sinh đồng hành cùng gánh nặng tâm lí của bậc làm cha làm mẹ. Không ít phụ huynh sút cân, thậm chí trầm cảm sau kì thi của con, bởi họ hiểu sự quan trọng của cuộc thi song lại không thể chủ động cho việc học như những bạn trẻ. Nhiều bố mẹ sốt sắng bởi các bạn lớp 9 còn vô lo vô nghĩ, “chưa biết sợ” như anh chị lớp 12. Ngược lại, có những phụ huynh lo lắng cho sức khỏe tâm lí của con hơn cả kết quả xét tuyển. Thực tế, căn cứ vào bức tranh tuyển sinh lớp 10 hiện nay (với độ chênh điểm chuẩn rất lớn), có thể thấy, đa phần các thí sinh thi trượt nguyện vọng 1 vẫn có cơ hội nộp hồ sơ vào các trường tư thục hay một số trường công lập chưa tuyển đủ so với định mức ban đầu. Song bên cạnh bài toán về khoảng cách hay học phí, nhiều phụ huynh còn đắn đo: cho con đi học ở trường “top dưới”, liệu có khiến các em chán nản, buông xuôi hay tệ hơn là bị ảnh hưởng bởi các bạn xấu, bởi lứa tuổi của các em, tính cách vẫn đang trong quá trình phát triển, mà “học thày không tày học bạn”!

Sẽ là vô tâm, nếu như không nhắc đến cả những áp lực của nhà trường THCS, giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn trước kết quả thi của học sinh trường mình, lớp mình. Đâu đó, dư luận xã hội đã lên tiếng về “bệnh thành tích”, về sự “nhẫn tâm” khi một số trường THCS bắt phụ huynh có con em học kém cam kết không thi lên lớp 10 để giữ gìn vị trí và hình ảnh cho nhà trường. Song, chắc chắn, con số ấy rất ít so với hiện thực, là hàng ngàn giáo viên lớp 9 cứ mỗi năm đến hè lại phải thức khuya dậy sớm với học trò. Chỉ khi đặt mình vào vị trí của giáo viên, suốt một năm, thậm chí vài năm dạy học, uốn nắn, thuộc tính cách, quen với từng nét chữ của học sinh, ta mới hiểu, đa phần những lo lắng của thầy cô khi dạy dỗ, sự thót tim khi đọc đề, niềm hạnh phúc khi nghe trò báo điểm hay day dứt khi thấy các em hỏng thi… đều chứa đựng tình cảm tự nhiên, mà cái gọi là “bệnh thành tích” trở nên quá bé nhỏ.

Người ta nói, sự khốc liệt của kì thi vào lớp 10 năm 2022 một phần bởi thí sinh 2007 là những chú “heo vàng”. Họ được sinh ra vào một năm đẹp nên chuyện phải chiến đấu, phải đối chọi với đối thủ “đồng niên” là lẽ đương nhiên, không chỉ trong kì thi này mà sẽ còn rất nhiều kì thi khác. Nhưng rồi, đến năm sau, năm sau nữa, khi “heo vàng 2007” đã học lớp 11, 12 thì câu chuyện thi vào lớp 10 của sĩ tử 2008, 2009 chắc vẫn sẽ làm nóng dư luận, nóng hơn tiết “hạ chí”, “đại thử” của mùa hè. Làm gì để giảm bớt căng thẳng cho kì thi chuyển cấp quan trọng này, chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ của quý bạn đọc…

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Băn khoăn… chờ lương mới

Xem tin nổi bật 5 ngày trước

Chuyện tặng sách

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Việc kiêm nhiệm và vị trí việc làm

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Hãy là hình ảnh đẹp trong mắt du khách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Về chuyện lương giáo viên

Xem tin nổi bật 5 tháng trước