2 B R 0 2 B
Kurt Vonnegut (1922 - 2007) là một tiểu thuyết gia và viết tiểu luận người Mỹ với phong cách trào phúng kết hợp với những kiểu đùa xúi quẩy và khoa học viễn tưởng theo một tầm nhìn không tưởng về cuộc sống hàng ngày. Vũ trụ giả tưởng hỗn loạn của ông có lẽ là chịu ảnh hưởng bởi những sự kiện bi kịch trong cuộc đời ông. Nhan đề truyện ngắn “2 B R 0 2 B” được phát âm là “2 B R naught 2 B” (với từ “naught” cho số 0 thay vì cách đọc thông thường) ám chỉ đến câu nói nổi tiếng “to be, or not to be” (tồn tại hay không tồn tại) trong vở kịch Hamlet của Shakespeare.
Mọi thứ đều hoàn hảo.
Không nhà tù, không khu ổ chuột, không trại thương điên, không người què quặt, không người nghèo khổ, không chiến tranh.
Toàn bộ bệnh tật đều đã bị chế ngự. Cả tuổi già cũng vậy.
Cái chết, trừ chết vì tai nạn, là một cuộc phiêu lưu dành cho người tình nguyện.
Dân số nước Mỹ ổn định ở mức 40 triệu người.
Một buổi sáng đẹp trời nọ ở Bệnh viện Phụ sản Chicago, một người đàn ông tên là Edward K. Wehling đợi vợ mình sinh con. Anh ta là người duy nhất ở đó. Mỗi ngày không còn mấy người còn được sinh ra đời nữa.
Wehling 56 tuổi mới chỉ là một cậu thanh niên trong cái dân số mà tuổi trung bình là 120.
Việc chụp phim đã cho thấy rằng vợ anh sắp sinh ba. Lũ nhóc là con đầu.
Chàng Wehling ngồi lom khom, tay bưng lấy đầu. Anh trông thật nhàu nhĩ, bất động và nhợt nhạt đến mức gần như vô hình. Công cuộc ngụy trang của anh quả là thành công vì phòng chờ cũng có cái không khí hỗn loạn khiến người ta mất tinh thần vậy. Ghế và gạt tàn thuốc đã được mang đi khỏi chỗ tường nhà. Sàn nhà phủ vải lót dính sơn tung tóe.
Căn phòng đang được trang trí lại để tưởng nhớ một người đã tình nguyện chết.
Một ông già vẻ mặt mỉa mai khoảng 200 tuổi ngồi trên một cái thang gấp sơn bức tranh tường ông ta không thích. Ngày xưa hồi quá trình lão hóa còn nhìn thấy được, hẳn người ta đã đoán tuổi ông ta cỡ 35 rồi. Sự lão hóa đã đến với ông ta ở mức đó trước khi phương thuốc chữa lão hóa được tìm ra.
Bức tranh tường ông ta đang vẽ miêu tả một khu vườn rất ngăn nắp. Nam nữ mặc đồ trắng là bác sĩ và y tá lật đất lên, trồng cây con, phun thuốc đuổi côn trùng và rải phân.
Những người mặc đồng phục tím nhổ cỏ, cắt đi những cây già cây bệnh, cào lá rụng, mang rác tới chỗ đốt. Chưa bao giờ - ngay cả ở đất nước Hà Lan thời trung cổ hay Nhật thời xưa - lại có một khu vườn ngay hàng thẳng lối và được chăm nom tươm tất hơn vậy. Mỗi cái cây đều có đủ đất mùn, ánh sáng, nước, không khí và dinh dưỡng nó có thể dùng.
Một nhân viên quét dọn bệnh viện đi dọc hành lang, vừa đi vừa hát khẽ một bài hát thịnh hành:
Người yêu ơi, nếu em không thích nụ hôn anh trao
Thì anh sẽ làm như thế này:
Anh sẽ đi gặp cô em mặc áo tía
Hôn tạm biệt cái thế giới buồn rầu này
Nếu em không cần tình anh
Thì sao anh lại phải sống trên đời nữa?
Anh sẽ biến khỏi hành tinh già cỗi này
Để dành lại chỗ của mình cho một bé cưng dễ thương nào đó.
Người quét dọn nhìn bức tranh tường và người họa sĩ. “Nhìn y như thật nhỉ,” anh ta nói, “tôi gần như có thể tưởng tượng ra mình đang đứng giữa nó đấy”.
“Điều gì làm anh nghĩ là anh không sống ở trong đó?”, họa sĩ nói. Ông ta nhoẻn miệng nở một nụ cười châm biếm. “Nó được gọi là Khu vườn Cuộc sống Hạnh phúc”.
“Vẽ bác sĩ Hitz đẹp đấy”, người quét dọn nói.
Anh ta đang nhắc đến một trong những nhân vật mặc đồ trắng có phần đầu được vẽ theo chân dung bác sĩ Benjamin Hitz, trưởng khoa Phụ Sản. Hitz là một người đàn ông đẹp trai chói lọi.
“Vẫn còn nhiều khuôn mặt phải vẽ lắm”, người quét dọn nói. Ý anh ta là khuôn mặt của nhiều nhân vật trong tranh vẫn để trống. Tất cả các chỗ trống phải được lấp đầy bằng chân dung của những người quan trọng ở bệnh viện hoặc văn phòng ở Chicago của Cục Chấm dứt sự sống Liên bang.
“Hẳn là có thể vẽ ra những bức tranh trông giống thứ gì đó thích lắm nhỉ”, anh ta nói tiếp.
Khuôn mặt người họa sĩ đanh lại đầy khinh bỉ. “Anh nghĩ tôi tự hào về cái thứ lem nhem này à?”, ông ta nói. “Anh nghĩ đây là suy nghĩ của tôi về cuộc sống thực sự trông ra sao hả?”.
“Suy nghĩ của ông về cuộc sống ra sao?” người quét dọn nói.
Người họa sĩ phác cử chỉ vào tấm che cho khỏi dính sơn bẩn thỉu. “Trong đó có một bức tranh đẹp đấy”, ông ta nói. “Đóng khung nó đi, và anh sẽ có một bức tranh trung thực hơn cái này đấy”.
“Ông là một con vịt già bi quan đấy hả?”, người quét dọn nói.
“Thế là tội ác à?”, người họa sĩ nói.
Người quét dọn nhún vai. “Ngoại à, nếu ông không thích chỗ này thì…” và anh ta kết thúc bằng số điện thoại mà ai không muốn sống nữa nên gọi.
Số điện thoại là: “2 B R 0 2 B.”
Đó là số của một cơ quan có những biệt hiệu kì cục như: “Quán ăn tự động”, “Vườn chim”, “Nhà máy đồ hộp”, “Chuồng mèo”, “Máy bắt rận”, “Xưởng tự sát có đạo đức”, “Ra di thanh thản”, “Tên lưu manh vui vẻ”, “Hôn em nhanh”, “Thuốc tắm cừu”, “Máy xay sinh tố”, “Không còn khóc than” và “Sao lại lo?”.
“Tồn tại hay không tồn tại” là số điện thoại của phòng hơi ngạt thành phố của Cục Chấm dứt sự sống Liên bang.
Người họa sĩ chế nhạo người quét dọn. “Khi tôi quyết định đã đến lúc ra đi”, ông ta nói, “thì sẽ không phải nhờ đến Nước tắm cừu đâu.”
“Tự làm à?”, người quét dọn nói. “Kinh lắm đấy ngoại. Sao ông không nghĩ cho những người sẽ dọn dẹp sau đó chút đi?”.
Người họa sĩ tục tĩu bày tỏ việc mình không hề bận tâm đến nỗi khổ cực của những người sống lâu hơn mình. “Thế giới có thể tồn tại với đống hỗn độn hơn thế nhiều là đằng khác”, ông ta nói.
Người dọn dẹp cười to và rời đi.
Wehling, người sắp làm bố, lẩm bẩm gì đó với mái đầu vẫn gục xuống. Rồi anh ta lại tiếp tục im lặng. Một người đàn bà lỗ mãng sải bước trên đôi giày cao gót vào phòng chờ. Đôi giày cô ta mang, tất, áo khoác, túi và mũ ca lô đều màu tía, thứ màu tía mà người họa sĩ gọi là “màu của chùm nho vào Ngày Phán Xét.”
Tấm mề đay gắn trên chiếc túi lính đeo chéo màu tía của cô ta là dấu ấn của Bộ phận dịch vụ của Cục Chấm dứt sự sống Liên bang, một con đại bàng đậu trên cửa quay.
Người phụ nữ có rất nhiều lông trên mặt mà thực tế thì đó là ria mép không lẫn đi đâu được. Một điều lạ lùng về những người phụ trách phòng hơi ngạt đó là, dù họ có đáng yêu và nữ tính đến đâu thì khi được tuyển dụng, trong vòng 5 năm họ đều mọc ria mép.
“Đây có phải là chỗ tôi cần đến không?” cô ta nói với họa sĩ.
“Phần lớn còn tùy vào nhiệm vụ của cô là gì”, ông ta nói. “Không phải cô sắp sinh con đấy chứ?”.
“Họ bảo là tôi phải làm mẫu cho bức tranh nào đó”. “Tên tôi là Leora Duncan”, cô ta nói.
“Đồ khốn các người”, ông ta nói.
“Cái gì?”, cô ta nói.
“Bỏ qua đi”, ông ta nói.
“Bức tranh đó đẹp thật đấy”, cô ta nói. “Nhìn như thiên đường hay gì đó”.
“Hay gì đó”, họa sĩ nói. Ông ta lấy ra một danh sách tên từ trong túi áo bờ-lu. “Duncan, Duncan, Duncan,” ông ta vừa nói vừa xem xét từ trên xuống dưới. “Phải, cô đây rồi. Cô được quyền lưu danh sử sách. Nhìn xem cô muốn tôi dán đầu cô vào cơ thể không có mặt nào ở đây? Chúng ta chỉ còn vài lựa chọn thôi”.
Cô ta quan sát bức tranh một cách chán chường. “Giời ạ”, cô ta nói, “với tôi cái nào cũng như cái nào. Tôi không biết gì về nghệ thuật đâu”.
“Cơ thể nào cũng là cơ thể nhỉ?”, ông ta nói. “Được rồi. Với tư cách là người hiểu nghệ thuật, tôi nghĩ cô nên chọn cái này”. Ông ta chỉ vào một hình dáng phụ nữ không mặt đang mang mớ cỏ khô tới chỗ thùng đốt rác.
“Chà,” Leora Duncan nói, “nhìn giống mấy người dọn rác hơn nhỉ? Ý tôi là tôi làm ở phòng dịch vụ. Tôi có làm công việc vệ sinh đâu”.
Người họa sĩ vỗ tay vẻ vui sướng giễu cợt. “Cô nói cô không biết gì về nghệ thuật mà, rồi sau đó cô lại chứng tỏ ngay là mình biết về nó nhiều hơn cả tôi đấy! Tất nhiên là người ôm bó cỏ thì không dành cho nhân viên tổng đài rồi! Thợ cắt vải, thợ tỉa cây thì hợp với địa vị của cô hơn đấy”. Ông ta chỉ vào một hình người mặc đồ tía đang cưa một cành táo chết khô ra khỏi thân cây. “Cô này thì sao?”, ông ta nói. “Cô thích cô ta chút nào không?”
“Trời đất…” cô ta nói và đỏ mặt, rồi trở nên khiêm tốn, “làm vậy là tôi đứng sát bên bác sĩ Hitz rồi.”
“Việc đó làm cô không vui à?”, ông ta nói.
“Ấy chết, không phải!”, cô ta nói. “Chỉ là… thế thì vinh hạnh quá!”.
“À, cô… cô ngưỡng mộ ông ta hả?”, ông ta nói.
“Ai lại không ngưỡng mộ ông ấy chứ?”, cô ta vừa nói vừa trầm trồ trước chân dung ông Hitz. Ông ta mang chân dung của vị thần Zues quyền uy 240 tuổi tóc bạc trắng, da rám nắng. “Ai lại không ngưỡng mộ ông ấy kia chứ?”, cô ta lại nói. “Ông ấy là người lập nên phòng hơi ngạt đầu tiên ở Chicago”.
“Chả có điều gì làm tôi vui hơn”, họa sĩ nói, “so với việc đặt cô cạnh ông ta mãi mãi. Cưa một cành cây nghe có phù hợp không?”.
“Đó là loại việc mà tôi làm đấy”, cô nàng nói. Cô ta e thẹn về việc mình làm. Điều cô ta làm là khiến người ta dễ chịu khi giết họ.
Và trong khi Leora Duncan đang làm mẫu vẽ thì chính bác sĩ Hitz tiến vào phòng chờ. Ông ta cao hai mét mốt và nói to oang oang với vẻ vui tươi.
“Chà, cô Duncan đấy à!”, ông ta nói rồi nói đùa. “Cô đang làm gì ở đây thế? Đây không phải là nơi người ta ra đi đâu. Đây là nơi họ đến!”.
“Chúng ta sắp được đứng chung trong một bức tranh rồi đấy,” cô ta e thẹn nói.
“Tốt lắm!” bác sĩ Hitz vui vẻ nói. “Mà đó không phải là bức tranh nào đó chứ?”.
“Tôi chắc chắn là rất vinh hạnh được có mặt trong đó với ngài rồi”, cô ta nói.
“Nói nghe nhé”, ông ta nói, “tôi thấy vinh hạnh khi được có mặt trong đó với cô. Không có những người phụ nữ như cô thì thế giới tuyệt vời này sẽ không tồn tại được.”
Ông ta chào cô nàng rồi đi ra cửa dẫn tới phòng sinh. “Đoán xem thứ gì vừa mới ra đời nào”, ông ta nói.
“Tôi đoán không ra”, cô ta nói.
“Sinh ba!”, ông ta nói.
“Sinh ba!”, cô ta la lên khi nghĩ đến hàm ý pháp lí về ba đứa trẻ sinh ba.
Theo luật thì không trẻ sơ sinh nào có thể sống sót trừ khi cha mẹ chúng có thể tìm ra ai đó tình nguyện chết. Nếu ba đứa sinh ba đều muốn được sống thì phải gọi ba người tình nguyện.
“Cha mẹ chúng có ba người tình nguyện không?”, Leora Duncan nói.
“Lần cuối cùng tôi nghe nói”, bác sĩ Hitz nói, “thì họ có một người rồi, và đang cố moi cho ra hai người còn lại”.
“Tôi không nghĩ là họ làm được đâu”, cô ta nói. “Không ai đặt ba cuộc hẹn với chúng ta hết. Hôm nay toàn là các cuộc hẹn đơn thôi, trừ khi ai đó gọi tới sau khi tôi đi. Tên nhà đó là gì?”.
“Wehling”, ông bố đang chờ đợi nói rồi ngồi thẳng dậy với đôi mắt đỏ ngầu và vẻ nhếch nhác. “Edward K. Wehling con là tên của cái người sắp được làm cha trong hạnh phúc đây”.
Anh ta giơ bàn tay phải lên, nhìn vào một điểm trên tường và khẽ cười giọng khàn khàn khốn khổ. “Có mặt”, anh ta nói.
“Ồ anh Wehling,” bác sĩ Hitz nói. “Tôi không nhìn thấy anh.”
“Người vô hình mà”, Wehling nói.
“Họ mới gọi tôi bảo là ba đứa trẻ nhà anh mới ra đời”, bác sĩ Hitz nói.
“Lũ trẻ đều ổn, mẹ nó cũng vậy. Giờ tôi sẽ đến thăm họ đây. Hoan hô!”, Wehling nói một cách trống rỗng.
“Giọng anh nghe không được vui lắm”, bác sĩ Hitz nói.
“Ai ở vào tình cảnh của tôi mà lại vui được hả?”, Wehling nói. Anh ta đưa tay phác cử chỉ tỏ ra thẳng thắn vô tư lự. “Việc tôi phải làm là chọn ra đứa nào trong ba đứa được sống, rồi đưa ông ngoại tôi tới chỗ Tên lưu manh vui vẻ và trở lại đây với tờ biên lai.”
Bác sĩ Hitz đứng lên và trở nên gay gắt với Wehling. “Anh không tin tưởng vào việc kiểm soát dân số sao anh Wehling?”, ông ta nói.
“Tôi nghĩ nó cực kì xuất chúng”, Wehling không hề nao núng.
“Anh có muốn trở về ngày xưa, khi mà dân số trái đất là 20 tỉ - sắp đạt tới 40 tỉ rồi 80 rồi 160 tỉ không? Anh có biết quả hạch con là gì không anh Wehling?”, bác sĩ Hitz nói.
“Không”, Wehling sưng sỉa nói.
“Anh Wehling à, quả hạch con là một múi nhỏ, một thớ nhỏ của trái mâm xôi”, bác sĩ Hitz nói. “Nếu không có kiểm soát dân số, loài người lúc này sẽ sống chen chúc trên bề mặt của hành tinh già cỗi này như những quả hạch con trên một trái mâm xôi! Anh nghĩ đi!”.
Wehling tiếp tục nhìn chằm chằm vào điểm lúc nãy trên tường.
“Hồi năm 2000,” bác sĩ Hitz nói, “trước khi các nhà khoa học can thiệp và đặt ra luật lệ thì thậm chí nước còn không đủ uống và không có gì ăn ngoài rong biển, vậy mà con người vẫn khăng khăng mình có quyền sinh đẻ như thỏ rừng. Và nếu có thể là quyền bất tử nữa chứ”.
“Tôi muốn giữ lại mấy đứa nhỏ,” Wehling nói khẽ. “Tôi muốn tất cả bọn chúng”.
“Tất nhiên là vậy rồi”, bác sĩ Hitz nói. “Đó chỉ là con người thôi”.
“Tôi cũng không muốn ông ngoại mình chết”, Wehling nói.
“Đâu ai thực sự vui vẻ khi phải đưa người thân tới Chuồng mèo đâu”, bác sĩ Hitz nói vẻ dịu dàng, đồng cảm.
“Ước gì người ta không gọi nó như vậy”, Leora Duncan nói.
“Cái gì?”, bác sĩ Hitz nói.
“Tôi ước người ta không gọi nó là Chuồng Mèo hay mấy thứ như vậy”, cô ta nói. “Nó khiến người ta có ấn tượng không tốt”.
“Cô hoàn toàn đúng”, bác sĩ Hitz nói. “Xin thứ lỗi.” Ông ta chữa lời và đặt cho phòng hơi ngạt của thành phố danh hiệu chính thức, một danh hiệu không một ai từng công khai nói đến. “Đáng ra tôi nên nói là “Xưởng tự sát có đạo đức””.
“Tên đó nghe hay hơn nhiều”, Leora Duncan nói.
“Anh Wehling à, dù anh chọn giữ lại đứa con nào đi nữa”, bác sĩ Hitz nói, “thì nó cũng sẽ sống trên một hành tinh hạnh phúc, rộng rãi, sạch sẽ và giàu có nhờ kiểm soát dân số. Trong một khu vườn như bức tranh đây”. Ông ta lắc đầu. “Hai thế kỉ trước, khi tôi còn trẻ, đó là một địa ngục mà không ai nghĩ là có thể tồn tại được thêm 20 năm nữa. Giờ đây nhiều thế kỉ hòa bình đã qua và nhiều thế kỉ nữa sẽ đến cho tới chừng nào trí tưởng tượng còn muốn vân du”.
Ông ta mỉm cười rạng rỡ.
Nụ cười tắt đi khi ông ta nhìn thấy Wehling rút ra một khẩu súng lục.
Wehling bắn vào đầu bác sĩ Hitz. “Có chỗ cho một đứa nữa rồi - chỗ này lớn lắm đây”, anh ta nói.
Sau đó anh ta bắn Leora Duncan. “Chỉ là chết thôi mà”, anh ta nói với cô ta lúc cô ta ngã xuống. “Đó! Chỗ cho hai đứa luôn”.
Và rồi anh ta tự bắn mình tạo ra chỗ sống cho cả ba đứa con.
Không ai chạy đến hết. Dường như không ai nghe thấy tiếng súng.
Họa sĩ ngồi trên bậc trên cùng của cái thang gấp và tư lự nhìn xuống cái cảnh đáng tiếc.
Ông ta suy nghĩ về câu đố buồn rầu về sự sống đòi hỏi được sinh ra, và một khi đã sinh ra trên đời rồi thì lại đòi được đơm hoa kết trái… sinh sôi nảy nở và sống lâu hết mức có thể - làm được hết những điều đó trên một hành tinh nhỏ bé phải tồn tại mãi mãi này.
Mọi câu trả lời mà người họa sĩ nghĩ ra được đều thật kinh khủng. Thậm chí còn khủng khiếp hơn cả Chuồng mèo, Tên lưu manh vui vẻ hay Ra đi thanh thản. Ông ta nghĩ tới chiến tranh, dịch hạch, nạn đói.
Ông ta biết rằng mình sẽ không bao giờ vẽ nữa. Ông thả rơi cây cọ xuống tấm vải lót bên dưới. Và rồi ông quyết định rằng mình cũng đã sống đủ lâu trong Khu Vườn Cuộc Sống Hạnh Phúc rồi. Ông chậm rãi bước xuống khỏi thang.
Ông cầm lấy súng của Wehling, lòng thật sự có ý bắn mình.
Nhưng ông không có đủ dũng khí.
Rồi ông thấy bốt điện thoại trong góc phòng. Ông đi tới đó, bấm cái số ai cũng nhớ rõ: “2 B R 0 2 B.”
“Cục Chấm dứt sự sống Liên bang xin nghe,” giọng nữ nhân viên ở đó vang lên thật ấm áp.
“Tôi có thể đặt một cuộc hẹn sớm nhất vào lúc nào?”, ông hỏi giọng rất thận trọng.
“Chúng tôi chắc chắn có thể đưa ông vào danh sách chiều nay ạ”, cô ấy nói. “Thậm chí có thể còn sớm hơn nữa nếu có ai đó hủy hẹn”.
“Được rồi”, họa sĩ nói, “cho tôi làm đi”. Và ông cung cấp tên mình.
“Cảm ơn ông”, nhân viên tổng đài nói. “Thành phố biết ơn ông; tổ quốc biết ơn ông; hành tinh này biết ơn ông. Nhưng sự biết ơn sâu sắc nhất đến từ thế hệ tương lai”.
Kurt Vonnegut (Mỹ)
Dịch giả: Trương Thị Mai Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...