Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
15:33 (GMT +7)

10 năm và cuộc hội tụ văn chương đầy ấn tượng

(Nhân đọc “Truyện ngắn tuyển chọn Báo Văn nghệ Thái Nguyên 2010 - 2020”- Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2021)

VNTN - Khoảng năm mươi, sáu mươi năm trở lại đây, truyện ngắn đã trở thành một thể tài mang tính truyền thống đối với cây bút Thái Nguyên. Không kể các nhà văn gạo cội đã từng xuất hiện vào những năm kháng chiến chống Pháp và thời kỳ đầu hòa bình lập lại như Nông Viết Toại, Nông Minh Châu… thì vào những năm chống Mỹ cứu nước với sự hiện diện của các nhà văn như Lê Minh, Xuân Cang, Vi Hồng rồi ngay sau đó là Vũ Duy Thông, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Anh Bình, Nguyễn Đức Thiện, Chu Hồng Hải, Nguyễn Hải Lưu, Nguyễn Minh Sơn… đã dần hình thành một đội ngũ tác giả truyện ngắn khá đa dạng. Đó cũng là thời kỳ hoàng kim của văn chương Thái Nguyên. Tuy không tránh khỏi những bước thăng trầm, nhưng truyện ngắn Thái Nguyên trong mỗi thời kỳ, thời điểm khác nhau luôn có những tác giả, tác phẩm xuất sắc, làm giầu thêm cho đội ngũ sáng tác truyện ngắn trên toàn quốc. Nhiều tác giả ở Thái Nguyên đã đoạt những giải thưởng truyện ngắn của các tổ chức văn học, báo chí ở trung ương.

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã từng có những tuyển tập truyện ngắn cho hội viên vào từng giai đoạn. Nhưng “Truyện ngắn tuyển chọn Báo Văn nghệ Thái Nguyên 2010 - 2020” là cuốn sách đầu tiên được tuyển chọn từ các truyện ngắn đã được đăng tải trên tờ Văn nghệ Thái Nguyên của các cộng tác viên trong vòng mười năm qua. Từ trên 500 truyện ngắn được đăng tải, Ban Tuyển chọn đã lọc ra 36 truyện ngắn hay nhất của 36 tác giả. Một tỷ lệ khắt khe như vậy, có thể hiểu cuốn sách giống như một tinh tuyển. Được biết, Ban Tuyển chọn đã đặt ra nhiều tiêu chí khi lựa chọn tác phẩm (đề tài, lứa tuổi, giới tính, trong - ngoài tỉnh…) nhưng tiêu chí số 1 vẫn là chất lượng, và đó cũng chính là tiêu chí làm nên thương hiệu cho cuốn“Truyện ngắn tuyển chọn Báo Văn nghệ Thái Nguyên 2010 -2020”.

Cuốn sách được ra đời từ một tập hợp rộng cả về không gian, thời gian, tác giả, tác phẩm… Ở đây, bạn đọc có thể gặp những tên tuổi nổi tiếng trong cả nước, như các nhà văn: Đức Hậu, Cao Duy Sơn, Hà Phạm Phú, Hoàng Đình Quang, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Tiến Thụy, Tống Ngọc Hân… trong đó có nhiều tác giả rất am hiểu Thái Nguyên. Bạn đọc cũng được gặp những tác giả quen thuộc trong tỉnh như Bùi Thị Như Lan, Lê Thế Thành, Phạm Đức, Phan Thái, Minh Hằng, Nguyễn Văn, Phạm Quý, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Thưởng, Đào Nguyên Hải… Nhiều truyện ngắn trong tập từng đoạt giải thưởng cao hoặc được lựa chọn vào những cuốn sách tuyển tập quan trọng trên toàn quốc… Với một tác phẩm đa dạng về nhiều mặt như vậy, có thể nói, cuốn sách giống như một “tiểu địa chí” bằng văn chương về đất và người Thái Nguyên.

Tuy các nhà văn Thái Nguyên tham gia trong cuốn sách có số lượng hơi 'khiêm tốn” (17 tác giả) nhưng điều bạn đọc dễ nhận ra, hầu hết đó là những truyện ngắn tiêu biểu về đề tài, nội dung tư tưởng, bút pháp… mà bấy lâu nay đã được các nhà văn Thái Nguyên dày công vun đắp và ít nhiều đã có thành tựu.

Nhà văn Lê Thế Thành vẫn chung thủy với mạch truyện về chiến tranh. Thông thường khi viết về đề tài này thì sự chết chóc, bom đạn, máu xương luôn là những hình ảnh được đề cập như một sự tất yếu. Nhưng truyện ngắn “Ngày ba mươi tháng tư của mẹ” của Lê Thế Thành lại là một truyện ngắn không tiếng súng. Tác giả đã diễn tả niềm vui trong ngày 30/4 toàn thắng bằng cách của riêng mình. Không phải là nụ cười, là hoa, là những tiếng reo vui mà là nước mắt của của những người mẹ, người vợ… có con, có chồng hy sinh ngoài mặt trận, cho đến tận ngày toàn thắng mới là lúc có thể tuôn rơi. Đó là những “tiếng nổ” của thời hậu chiến. Đúng như tác giả đã lý giải: “Cái không khí trong từng gia đình nó rất khác với cái không khí rộn rã náo nức ở xung quanh. Tôi bỗng hiểu mọi gia đình ấy cũng như mẹ tôi và chị dâu tôi. Đến lúc vinh quang mới thấm thía nỗi mất mát đau thương của bản thân mình…”. Truyện ngắn “Túi cơm sấy” của Đào Nguyên Hải gợi về những ký ức xa xưa trên chiến trường K (Campuchia). Tuy mất mát đau thương nhưng cái còn lại của ngày hôm nay là ân tình của người lính Cụ Hồ, người lính tình nguyện, những người đã đóng góp một phần xương máu để xây nên cuộc sống thanh bình cho đất nước bạn. Cuộc sống ấy đã được tác giả hình tượng hóa thành những cơn gió mát lành từ những cánh rừng thổi về, qua lời độc thoại của nhân vật chính :“Cơn gió ấy chắc được làm nên bởi ngàn triệu ngọn lá từ dãy núi Đan- rếch kia. Nhưng có lẽ chỉ một mình tôi biết, để làm nên cái mát mẻ trong lành ấy có cả ngọn lá cây cơm sấy của đội trinh sát chúng tôi năm xưa”….

 

Bìa cuốn “Truyện ngắn tuyển chọn Báo Văn nghệ Thái Nguyên 2010 - 2020”

Cũng viết về chiến tranh, nhà văn Phạm Quý lại quay lại thời chống Mỹ cùng các đội viên thanh niên xung phong Đại đội 915 thuộc đơn vị thanh niên xung phong của tỉnh Bắc Thái (gồm hai tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên), một đơn vị đã có sáu mươi cán bộ, đội viên hy sinh trong trận bom B52 hủy diệt của Mỹ vào đêm Nô-en năm 1972 tại Gia Sàng. Cũng không nhằm mô tả trực diện sự khốc liệt của chiến tranh, tác giả chỉ gợi lại những đau thương và quả cảm qua những hình ảnh ngây thơ, tươi sáng của những nữ đội viên trẻ đã xả thân để bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh trôi qua, những đội viên thanh niên xung phong ưu tú ấy ra đi mà không để lại một tấm ảnh. Nhưng rồi thật bất ngờ, bằng một tình cảm sâu nặng, thông qua trí nhớ, họa sĩ Nguyên (nhân vật chính trong truyện) đã tái tạo những bức chân dung của 5 liệt sĩ trước sự bất ngờ và xúc động của mọi người. Điều đó như để nói lên rằng Tổ quốc, nhân dân, gia đình, bạn bè đã và sẽ không bao giờ quên họ, bóng hình họ mãi mãi trường tồn trong tâm khảm của những người thuộc thế hệ sau. Cái kết truyện đơn giản, ngắn gọn mà cảm động, phản ánh chân thực tính cách những nữ thanh niên xung phong của Đại đội 915 trong thời chống Mỹ cứu nước: “Trên những bức chân dung ông vẽ, cô gái nào cũng có một bông hoa ngọc lan trên mái tóc” (Hoa ngọc lan).

Ngoài những tác giả vốn trưởng thành trong quân đội vẫn giữ được những trang viết nóng bỏng và đầy nhân văn về chiến tranh đã nói trên, điều đáng mừng là trong tập sách đã có mặt hầu hết các gương mặt văn xuôi của tỉnh.

Khoảng mười năm trở lại đây, song song với việc tập hợp được một đội ngũ sáng tác truyện ngắn khá thường xuyên, báo Văn nghệ Thái Nguyên còn có một điểm mạnh là đã duy trì được những tác phẩm đa dạng về đề tài. Những đề tài như công nghiệp, nông thôn, công chức, phụ nữ, thanh niên, miền núi… luôn hiện diện qua những truyện ngắn được đăng tải trên mặt báo. Bởi vậy, trong cuốn sách tuyển, mặt mạnh ấy cũng được phát huy cao độ. Những truyện ngắn như “Tiếng kèn pí lè” (đề tài miền núi) của nhà văn Bùi Thị Như Lan, “Kỳ nữ số đỏ và…”(đề tài công chức) của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh, “Thằng Thiết” (đề tài tệ nạn xã hội) của nhà văn Phạm Đức, “Chứng chỉ đàn bà” (đề tài phụ nữ) của nhà văn Phan Thái, “Lời thề khoáng sản” (đề tài công nghiệp) của nhà văn Nguyễn Văn, “Đầu cơ nghiệp” (đề tài nông thôn) của nhà văn Nguyễn Thưởng, “Lá số cuộc đời” (đề tài nông thôn) của nhà văn Minh Hằng, “Đánh thức mùa vu lan”(đề tài phụ nữ) của nhà văn Nguyễn Thị Sáu, “Mặt hồ phẳng lặng” (đề tài nông thôn) của nhà văn Trinh Nguyên, “Mùa trút lá” (đề tài phụ nữ) của nhà văn trẻ Trần Thị Nhung, “Cáy tắc” (đề tài miền núi) của nhà văn trẻ dân tộc Tày Hoàng Thị Hiền… đã phản ánh đầy đủ mặt mạnh ấy. Nhưng điều đáng nói hơn là dù viết bất cứ về đề tài nào thì vấn đề thân phận con người cũng được các nhà văn Thái Nguyên hết sức chú trọng và khai thác triệt để. Nhân vật Nụ, một cựu thanh niên xung phong đơn thân cùng số phận hẩm hiu, đến mức chỉ ước có một đứa con ngoài giá thú mà đã phải nhiều lần cam chịu nhục nhã vẫn bất thành, nếu như cuối cùng không gặp được một ông lão ngoài bảy mươi cùng hạnh phúc muộn màng. Thân phận nhân vật Nụ đã được nhà văn đẩy lên đến tận cùng (Chứng chỉ đàn bà - Phan Thái). Nhà văn Phạm Đức với truyện ngắn “Thằng Thiết” cũng đã có những trang viết cảm động về tình mẫu tử của người mẹ trong cảnh ngộ có đứa con nghiện ma túy đã đến mức cùng đường. “Tiếng kèn pí lè” của Bùi Thị Như Lan lại hướng ngòi bút vào những bi kịch trong hạnh phúc gia đình, chồng vợ. Đặc biệt, nhân vật phản diện Cục phó Ma Bảo Ngọc trong “Kỳ nữ số đỏ và…” của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh là một kiểu nhân vật khá chân thực và mới lạ. Bằng sự “rượt đuổi” tận hang cùng ngõ hẻm về tâm lý, tâm trạng, đời tư nhân vật, nhà văn đã dựng nên một Ma Bảo Ngọc đầy tham vọng cùng sự tha hóa cả về nhân phẩm lẫn thể xác nhưng cuối cùng vẫn là một con người đáng thương, đáng thể tất. Đúng như lời của nhân vật “hắn”, một trong những nhân vật chính trong truyện: “Em từng bảo quý và tin vì anh là phần trong trẻo còn sót lại trong em. Chả biết có đúng thế không. Hôm nay cái phần trong trẻo ấy về viếng em đây. Hãy an nhiên và siêu thoát em nhé... Bay về núi rừng đi. Đô thành xa hoa nhiều bụi lắm. Giữ làm sao cho sạch cái ngọt lành của nước suối quê mình”. Tóm lại, với tay nghề khá chắc chắn, nhiều nhà văn Thái Nguyên đã có những trang viết đầy tính nhân văn. Thông qua các truyện ngắn in trên báo Văn nghệ Thái Nguyên và nhất là qua tập “Truyện ngắn tuyển chọn Báo Văn nghệ Thái Nguyên 2010 - 2020”, người đọc có thể nhận thấy rất rõ ràng về sự vượt trội này của các cây bút truyện ngắn trong tỉnh.

Điều không thể không nhắc đến là trong 17 tác giả của Thái Nguyên có tới 6 cây bút trẻ được tuyển chọn (Nguyễn Thị Sáu, Trinh Nguyên, Hoàng Thị Hiền, Trần Thị Nhung, Nguyễn Nhật Huy, Nguyễn Bích Hồng). Điều này cho ta thấy tinh thần “tre già măng mọc” của các thế hệ người viết Thái Nguyên. Những trang viết của những cây bút trẻ trong tập tuy có một vài điểm yếu về bút pháp, về cách lý giải, ngôn từ… nhưng nhìn chung, mỗi người một vẻ, đều là những trang văn tươi rói, mới lạ, quyết liệt, giầu cảm xúc, đầy hấp dẫn… Nếu như Hoàng Thị Hiền vẫn giữ được những áng văn tươi sáng, kỳ ảo khi miêu tả phong cảnh miền núi: “Mặt trời ngó ra nhìn rồi kéo mây lăn vào núi Tả Ngả, đánh rơi vài hạt nắng lên cành đào trụi lá. Nắng biến thành nụ ủ trong sương…” (Cáy tắc) thì Trần Thị Nhung thường gây xúc động người đọc bằng một vẻ đẹp man mác buồn: “Làng quê này cũng thương thím mà nhuốm nhiều lắm vào cỏ cây, cảnh vật những nỗi buồn. Con đường đến bãi tha ma dài lê thê và ngày tháng ấy như xuyên thẳng nhức nhối vào lòng tôi, đau đớn cho đến tận bây giờ. Triền sông đầy nắng chiều hôm như ám vào lòng tôi cái nôn nao đến ngây ngấy người. Những bờ tre quên cả êm đềm, mát rượi, nay đứng dựa vào nhau bơ phờ, tiều tụy” (Mùa trút lá). Nếu như Nguyễn Bích Hồng thường chú trọng miêu tả tâm lý nhân vật thông qua những đoạn văn bình dị: “…sau hai năm bặt vô âm tín, Hoan sừng sững trước mặt Hân. Thúng rau lang tuột khỏi tay, rớt vung vãi dưới nền đất…” (Người tình của mẹ) thì Nguyễn Nhật Huy lại thiên về những chi tiết mạnh, quyết liệt, rờn rợn, gợi cho độc giả về một thế giới bất an: “Cả ngày bải hoải vì chưa quen sự yên lặng chết chóc ở nơi này. Tôi tự nhủ vẫn còn hơn là đối mặt với những gì đã qua. Con dao và một bông hoa đổ gục. Tôi bắt đầu khám phá nơi mình định sẽ sống. Sau bức tượng đá là một căn hầm. Tôi châm ngọn nến cháy dở và cúi mình luồn xuống. Đường tối. Vách đá long tong rêu nước. Mờ mờ chân tôi vấp phải gì đó và ngã xoài ra. Chống tay dậy lại chạm vào cái gì trơn trơn, ghê ghê. Ghé đèn sát lại thì thấy một bộ xương. Một bộ xương nửa đen nửa trắng…” (Chạy trốn). Nhìn chung, các tác giả trẻ xuất hiện trong tập sách đã làm tôn thêm cho bức tranh văn chương những màu sắc khác lạ, những luồng gió tươi.

Mặt khác, cuốn “Truyện ngắn tuyển chọn Báo Văn nghệ Thái Nguyên 2010 - 2020” còn có sự đóng góp quan trọng của các tác giả ngoài tỉnh. Nhà văn Cao Duy Sơn, người đã đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng văn học ASEAN, với tác phẩm “Còn nghe tiếng gà gáy” trong tập sách là một truyện ngắn mẫu mực cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Nhà văn Hoàng Đình Quang, người gốc Thái Nguyên đang sống và viết ở Thành phố Hồ Chí Minh là truyện ngắn “Phiên chợ tết cuối cùng” viết về chính quê hương Phổ Yên với những ký ức khó phai mờ. Ngoài ra, các nhà văn như Phạm Duy Nghĩa, người từng đoạt giải nhất báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam cùng các nhà văn tuy tuổi còn trẻ nhưng đã trở thành những tác giả nổi tiếng trên toàn quốc với các truyện ngắn thường xuyên được đăng tải trên các tờ báo, tạp chí lớn như Tống Ngọc Hân, Doãn Dũng, Nguyệt Chu, Vũ Thị Huyền Trang, Nông Quốc Lập… cũng có sự góp sức quan trọng để làm nên sự hấp dẫn của cuốn sách.

Về thi pháp, bút pháp, cấu trúc, xây dựng nhân vật, cốt truyện, ngôn từ… một số truyện ngắn trong tập đã bước đầu có sự cách tân, đã mang đến cho người đọc một lối nhìn không thông thường, một quan niệm khác về vẻ đẹp của thiên nhiên và chiều sâu tâm hồn con người. Đó chính là những dấu hiệu tiến gần đến sự đổi mới và tạo dựng một phong cách văn chương.

Tóm lại, mỗi tác giả truyện ngắn trong tuyển tập, dù trong tỉnh hay ngoài tỉnh, dù đã thành danh hay đang trên bước đường trưởng thành… bằng những con đường riêng, đã tạo ra một bức tranh toàn cảnh về đất và người xứ Thái. Nó giống như một cuộc hội tụ đầy ấn tượng của mười năm văn chương.

Không hề đắn đo khi đưa ra nhận định: “Truyện ngắn tuyển chọn Báo Văn nghệ Thái Nguyên 2010 - 2020” là một cuốn sách bổ ích cho bạn đọc, cho các nhà nghiên cứu văn học và đặc biệt là các thầy cô giáo, các em học sinh phổ thông, sinh viên khoa văn các trường đại học trong chương trình học tập về văn hóa, văn học địa phương hiện tại và tương lai.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy