Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
23:31 (GMT +7)

Yêu những tháng năm này…

VNTN - Tôi bấm máy gọi cho cha như mọi khi, vào chiều chủ nhật mỗi tuần. Nhưng hôm nay cha nghe và chắc rằng tôi nhớ ngày giỗ chú Bảy. Giật mình, rằng tại sao lại có thể dần quên đi ngày mất người thân nhất của mình? Người mà trong lòng mình quý trọng như cha?

Chú mất khi còn rất trẻ, ngày đưa ra phần mộ, mưa giăng trắng trời. Một tuần sau tôi bắt đầu những cơn mơ về chú nhiều hơn bao giờ. Lúc thì thấy chú ngồi dưới gốc cây vải thiều ôm guitar gảy bản romance điêu luyện. Có khi lại thấy chú khệ nệ bê chiếc chum vỡ xếp vào góc vườn. Có bận thấy chú nằm dài khoan khoái nghe nhạc thần tượng Anh Thơ, cái dáng phong trần, nụ cười mãn nguyện thật quen. Có lần thấy mình ngồi sau xe chú, đến mỗi đoạn đường khó, nghe chú chỉ cách xử lý, giữ xe sao cho bền. Lòng lâng lâng hạnh phúc khi thấy chú thích thú, khen mãi món chuối xanh xào nước mắm tỏi ớt trong bữa cơm mình nấu,… Nhiều đêm sau cơn mơ, tỉnh giấc và ôm mặt khóc, vì nhớ.

Qua một tháng, thì không còn mơ nữa. Công việc mải miết cuốn đi, những ngày nhớ chú bắt đầu giãn ra, thưa thớt. Lần nào về thăm nhà cũng thắp một nén nhang, ngắm nụ cười thật thà trong ảnh, thấy thương đến cháy lòng. 

Một vài năm sau, nhớ chú khi nghe ai đó nhắc, mỗi khi đến ngày giỗ… Nhiều khi muốn gặp lại chú trong giấc mơ mà cũng không được nữa. Mới thấy, cuộc đời này, đáng giá nhất vẫn là hiện tại. Là những phút giây bên cạnh nhau, trò chuyện, thấu hiểu. Còn những thứ thuộc về quá khứ, thì dù có đậm sâu, thân thiết đến thế nào, khi đã rời bỏ thực tại thì cũng sẽ dần lùi xa. 

Ngày hôm kia, chạy xe và chứng kiến một vụ tai nạn thảm khốc trên tuyến quốc lộ. Những vệt máu loang dưới lòng đường, mũ bảo hiểm vỡ nát, chiếc xe máy vo viên trong gầm xe tải, cách đó mấy mét, một manh chiếu đắp hờ lên người xấu số. Chẳng biết những thân xác ấy có kịp cảm thấy đau đớn khi lìa bỏ cuộc sống này không? Họ có khổ đau, có giận dữ không khi buộc phải rời bỏ thực tại, rời bỏ thân xác khi còn nhiều điều chưa thực hiện được. Có thể chỉ là một email chưa kịp gửi, có thể chỉ là một bữa cơm đang nấu dở, có khi chỉ là bó hoa chưa kịp cắm vào lọ…

Thời sinh viên, tôi đến chơi nhà người bạn cùng lớp ở một làng chài ven biển. Ảo ảnh giữa nắng và nước hòa vào nhau tạo thành những vệt sáng loang nhức mắt, nhìn ngắm ngư dân thu lưới trở về, đôi mắt bạn xa xăm. Bạn bảo, ở biển buồn nhất là khi mưa. Nỗi buồn khi nhìn mưa dông ở biển, như là đặc sản ấy, qua năm tháng thấm mãi vào ruột gan. Thảm cảnh của ly hương ở làng chài này, là những đứa con hư hỏng đua đòi, những nhạt phai tình cảm vợ chồng vì gạo tiền cơm áo… Cha mẹ bạn rời làng chài ra thủ đô vì không chịu nổi những bất an mỗi lần biển gầm cơn sóng dữ. Người làm phụ hồ, người đi ở đợ, chiếc thuyền gỗ bao năm bám biển nằm úp mục. Nhiều năm, cái nghèo chẳng vơi đi là bao, cha bạn trở về làng, thân thể không còn lành lặn sau một lần ngã giàn giáo. Ông bảo, chẳng dám ra khơi nữa, bởi ngư dân khi đã úp thuyền, là đã bội bạc lại chính hơi thở của mình. Biển sẽ cự tuyệt. Bạn thì luôn tin, rằng biển là linh hồn ngư dân, người còn, biển sẽ bao dung. Nhưng cha bạn không nhìn cuộc đời sắc màu, lạc quan như thế. Nhiều buổi chiều nắng rát, ông ngất ngư men rượu lẩn thẩn đi dọc bờ cát. Không biết trong đầu nghĩ gì, lắm khi ông tìm giật tung những tấm lưới của người làng chài, khóc như điên dại. Nhà đã từng là nơi bình yên nuôi ước vọng cho bạn vào đại học. Nhưng bây giờ thứ ám ảnh bạn ngay cả trong những cơn mơ, là những vệt máu tươi chảy ròng ròng từ bàn tay cha khi vơ cả búi xương rồng trước hiên nhà nắm chặt đến nhàu nhĩ. Vệt máu khô đen đọng trên những múi gai nhọn hoắt. Vết gãy đau đớn, bụi xương rồng nhễu ra thứ nước trong như là nước mắt. 

Nhiều tháng ngày, tôi cứ luôn nghĩ về cách chúng ta đang sống. Ấy là nghĩ rất nhiều về việc người khác nghĩ gì về mình; bận tâm đến những chuyện ngày hôm qua; buồn lo, ngẫm ngợi việc của ngày mai… Thì rằng nếu mà không nghĩ lại thành người vô tâm, nhưng vì nghĩ mà quên mất hôm nay chưa hoàn thành được việc gì.

Lại có những người, vì mãi soi chiếu vào một vết thương trong quá khứ, đến nỗi sau rất nhiều năm, sự tự tôn trở thành lòng ích kỷ. Họ giữ mãi trong lòng những mối tị hiềm, tự dưng thấy đôi mắt chẳng còn trong, thấy giọng nói bỗng nặng nề, thấy tiếng cười cũng gằn gỗi. Có người buông tay phụ rẫy người thương mình để chọn lựa một người - một nơi chốn được kỳ vọng tươi sáng ở tương lai. Nhưng nhiều năm sau gặp lại, thấy họ thở dài tiếc nuối, nếu mà thời gian quay trở lại, sẽ chọn lựa thế này, sẽ hành động thế kia… 

Thế mới biết, tương lai, rất nhiều khi chưa chắc đã là mai.

Trong câu chuyện về tình yêu, người ta nói rằng, mối tình đầu là mối tình đẹp nhất, mối tình cuối là mối tình bền vững nhất, nhưng chúng ta, rất nhiều khi lại ơ thờ với mối tình hiện tại. Dẫu biết hiện tại mới là thực, là điều cần được quan tâm bởi vì nó giá trị nhất, nhưng chẳng hiểu vì cớ gì, vẫn cứ chẳng chịu yêu những tháng ngày thực tại.

Yêu những tháng năm này, là khi chúng ta có internet, có facebook, và có rất nhiều lựa chọn.

Yêu những tháng năm này, là những buổi chiều lững thững xuống nhà xe, chạy tắt qua ngõ, bỗng thấy một chùm hoa xoan tím rụng, lòng rộn lên như gặp cố tri. Yêu đám trẻ con trong xóm khi chúng tìm đến và làm căn phòng bừa bộn lên, nhưng nụ hôn của chúng khi tạm biệt ra về vẫn khiến ai kia nở nụ cười nhẹ nhõm.

Yêu những tháng năm này, là mỗi khi chuẩn bị những chuyến đi xa, cha vẫn dặn dò như trẻ nít. Mỗi lần về nhà, mẹ vẫn gói ghém cho bao nhiêu thức quà quê.

Yêu những tháng năm này, là biết tự bằng lòng. Bằng lòng không có nghĩa là ngừng nỗ lực và cố gắng, mà để định giá trị của bản thân, để biết mình may mắn hơn bao phận người xấu số. Hạnh phúc giản đơn là một giấc ngủ không mộng mị, không ám ảnh về những giọt nước mắt xương rồng…

Yêu những tháng năm này, tôi tin chú của tôi đã tìm thấy một cõi an lành khác để tái sinh. An trú ngay lúc này, hạnh phúc đang ở xung quanh…

 Mai Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự đêm giao thừa

Văn học 1 năm trước

Chợ

Văn học 2 năm trước

Tháng Tám mùa thu

Văn học 3 năm trước

Dưới tán côm xanh

Văn học 7 năm trước