Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
16:38 (GMT +7)

Xuân quê trong thơ Đoàn Văn Cừ

Trong dòng thơ ca Việt về làng quê thời kì trước Cách mạng Tháng Tám 1945, mỗi người một vẻ để làm nên một thế giới thơ ca đa sắc đa màu, đậm đà vẻ đẹp truyền thống. Nếu Bàng Bá Lân là nhà thơ của khung cảnh lao động, đời sống gia đình con người nhà quê, Anh Thơ là nữ sĩ của những bức tranh quê ở từng không gian, thời gian cụ thể thì Đoàn Văn Cừ là nhà thơ của những sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng ở xã hội thôn quê. Đúng như cái tên của nó, tập Thôn ca của Đoàn Văn Cừ dựng tả thôn quê đồng bằng Bắc Bộ với thiên nhiên tươi đẹp, cuộc sống thanh bình, với những đám hội, chợ Tết, đám cưới ngày xuân… Thế giới nghệ thuật của Thôn ca phong phú những hoạt động, tươi tắn và linh động những sắc màu bởi được quan sát, miêu tả bằng đôi mắt tinh tường, “ngòi bút dồi dào mà rực rỡ”(*).

Xuân quê trong thơ Đoàn Văn Cừ
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Lẽ tự nhiên, những sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộn ràng, tươi tắn hơn cả vào mùa xuân. Chúng ta hiểu vì sao sự dồi dào, rực rỡ của ngòi bút thơ Đoàn Văn Cừ thể hiện đầy đủ hơn cả trong những bài thơ về mùa xuân.

Mùa xuân về quê, đi nhà thờ họ, lễ bái tổ tiên, gặp gỡ họ hàng, bè bạn - đó là văn hóa truyền thống của người Việt. Lại được về quê! Cái niềm vui ấy cứ rộn ràng, háo hức trong lòng con trẻ mỗi độ Tết đến xuân về. ở thế kỷ XXI này, con đường về quê của mỗi chúng ta chắc chắn đã khác trước, khác xưa nhiều lắm. Song cảm xúc trên đường về với nguồn cội, với những gì thân quen máu thịt ấy cũng chắc chắn có những điều không thể đổi thay.

Lúc này, đi trên Đường về quê mẹ cùng nhà thơ Đoàn Văn Cừ cũng là một dịp gặp lại cội nguồn văn hóa dân tộc, gặp lại những vẻ đẹp thuần hậu, đằm thắm mà ai đã chứng kiến một lần trong đời sẽ chẳng thể nào quên. Đường về quê mẹ đi giữa những cảnh sắc thiên nhiên tươi tắn, không khí lao động rộn ràng của người nông dân:

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,

Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần,

Lại dẫn chúng tôi về nhận họ,

Bên miền quê ngoại của hai thân.

 

Tôi nhớ đi qua những rặng đề,

Những dòng sông trắng lượn ven đê,

Cồn xanh bãi tía kề liên tiếp,

Người xới cà ngô rộn bốn bề.

Bút pháp tả thực được Đoàn Văn Cừ vận dụng thật sinh động để làm sống dậy trước mắt ta hình ảnh, không khí vùng quê đồng bằng Bắc Bộ mùa xuân, đồng thời cứ tự nhiên gợi lên cái hồn quê, tình quê thiết tha, đằm thắm:

Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng,

Đoàn người về ấp gánh khoai lang,

Trời xanh cò trắng bay từng lớp,

Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.

Những đứa con theo mẹ về miền quê ngoại giữa ngày xuân với một tâm trạng thật náo nức. Không náo nức sao được bởi đây là một “sự kiện” đặc biệt của năm. Càng không náo nức sao được khi được đi cùng mẹ. Cần chú ý rằng điểm nhìn hồi tưởng - trần thuật của bài thơ là từ hiện tại. Đây là chuyện “ngày ấy” và “tôi nhớ”. Hình ảnh người mẹ trong nỗi nhớ vẫn rõ ràng, tươi tắn và đậm duyên như thuở nào. Khí xuân làm cho mẹ tươi trẻ lại:

Thúng cắp bên hông nón đội đầu,

Khuyên vàng yếm thắm, áo the nâu,

Trông u chẳng khác thời con gái

Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.

Đúng là vẻ đẹp duyên dáng, đậm đà của người thôn nữ đồng bằng Bắc Bộ. Cũng đừng quên hệ thống sắc màu tươi và sáng trong khổ thơ về người mẹ: màu trắng của chiếc nón đội đầu, màu đỏ thắm của yếm, màu nâu tươi của áo the, màu sáng nơi mắt, màu hồng nơi môi, màu đỏ au nơi má… Hơn thế, những sắc màu ấy hé mở một tâm hồn sáng trong, đằm thắm. Tà áo nâu nổi bật giữa cánh đồng khiến người con thêm tự hào về vẻ đẹp trẻ trung của mẹ:

Bóng u hay bóng người thôn nữ

Cuối nón mang theo cặp má hồng.

Càng tự hào về mẹ, yêu mẹ hơn khi nghe bao người khen “nết thảo hiền” nơi mẹ. Với người Việt mình ngày ấy, nhất là với người ở thôn quê, nhận xét, lời khen chê của những người quen, láng giềng, bà con về nết ăn nết ở thật quan trọng, tạo nên niềm vui hoặc nỗi buồn trong cuộc sống thường ngày:

Tới đường làng gặp những người quen,

Ai cũng khen u nết thảo hiền,

Dẫu phải theo chồng thân phận gái

Đường về quê mẹ vẫn không quên.

Bài thơ ghi lại một kỉ niệm tươi tắn và ấm áp về tình cảm mẹ con, tình cảm với cội nguồn, toát lên vẻ thơ mộng của thiên nhiên, vẻ yên bình của cuộc sống nơi làng quê đất Việt. Giờ đây, khi cuốn theo nhịp sống hối hả, tất bật, khi phải chen chúc với chuyện lên xuống tàu xe, liệu vẻ êm dịu của Đường về quê mẹ có đánh thức được gì trong mỗi chúng ta ?

Nếu Đường về quê mẹ tươi vui nhưng chưa ồn ào thì sự náo hoạt, rộn ràng thể hiện thật rõ nơi Chợ Tết, Đám hội. Các sinh hoạt của làng quê, cái vất vả của đời sống thôn quê từng được Nguyễn Khuyến không ít lần nói tới. Nhưng dẫu sao chúng còn được nhìn bằng con mắt tĩnh, phần lớn hiện lên trong trạng thái tĩnh. Muốn sống động, muốn dí dỏm phải đợi đến Đoàn Văn Cừ. Tinh thần dân chủ, nhãn quan hướng ngoại tạo hình của thời đại Thơ Mới 1932 - 1945 thật tương hợp với cảm hứng tả chân, với tài quan sát và cái nhìn dí dỏm của Đoàn Văn Cừ để tạo nên nhiều bức tranh náo hoạt và đa màu đa sắc.

Chợ Tết được bố cục rõ ràng, giản dị như một câu chuyện kể theo trình tự thời gian. Bài thơ có ba phần: Cảnh người các nơi tưng bừng đến chợ từ sáng sớm - Cảnh bán mua tấp nập, chen chúc đông vui ở chợ - Cảnh chợ vãn, mọi người ra về lúc cuối chiều. Chuyện diễn ra trong suốt một ngày từ khi Dải sương trắng đỏ dần trên đỉnh núi đến lúc ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê.

Dụng ý tả cảnh, kể chuyện của Đoàn Văn Cừ thật rõ. ở đoạn 1 có: Người các ấp tưng bừng ra chợ, vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc; những thằng cu áo đỏ thì chạy lon xon; cô yếm thắm lại che môi cười lặng lẽ; con bò vàng cũng ngộ nghĩnh đuổi theo sau hai người gánh lợn; ngay đến tia nắng tía cũng nháy hoài trong ruộng lúa… Đến cảnh họp chợ (đoạn 2): Người khách nói bô bô, anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ, thầy khóa gò lưng trên cánh phản hí hoáy viết thơ xuân, cụ đồ nho vuốt râu cằm, miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ, lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà quên cả chị bên đường đứng gọi, mấy cô gái thì ôm nhau cười rũ rượi cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa, ngay cả cụ lý người ta cũng chẳng “nể”: áo cụ lý bị người chen sấn kéo/ Khăn trên đầu đang chít cũng tung ra… Đúng là kiểu náo nhiệt riêng của chợ Tết quê.

Nhưng hãy xem: bộn bề, chen chúc đấy mà cũng rất “lớp lang”, quy củ đấy! Người này cạnh người kia, việc này nơi không gian nọ dường như không thể khác. Anh hàng tranh phải tìm đến chỗ đông người, thầy khóa viết thơ xuân phải gò lưng trên cánh phản, bà cụ lão phải bán hàng bên miếu cổ, anh chàng bán pháo phải đứng dưới gốc cây đa… Đó lại là “trật tự” riêng của chợ Tết quê. Ai cũng có chỗ và được nhà thơ đặt rất đúng chỗ. Phải là thi sĩ của làng quê, phải có sự quan sát tinh tường mới có thể miêu tả “trúng” như thế. Cũng phải vui cùng ngày xuân ở làng quê, cùng cuộc sống của người dân quê đến độ nào mới có những cảm nhận, những so sánh:

Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha

Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết.

Con gà trống mào thâm như cục tiết

Một người mua cầm cẳng dốc lên xem…

Đôi mắt Đoàn Văn Cừ thật nhạy cảm với các sắc màu và dường như ông cố ý phô diễn kì hết vẻ phong phú, dồi dào của chúng trong thiên nhiên, trong phiên chợ Tết. Hãy thử liệt kê những từ, những hình ảnh có sắc màu trong bài thơ: mây trắng, đỏ dần, sương hồng lam, con đường viền trắng, đồi xanh, cỏ biếc, áo đỏ, yếm thắm, con bò vàng, sương trắng, tia nắng tía, chiếc áo the xanh, đồi thoa son, câu đối đỏ, tóc trắng phau phau, chiếc khăn nâu, đống vàng, đỏ chót tựa son pha, đầy như núi tuyết, mào thâm như cục tiết, ánh dương vàng. Phải chăng mùa xuân là mùa của bao sắc màu tươi tắn? Phải chăng chợ Tết trở thành dịp để mọi người thôn quê khoe diễn vẻ đáng yêu của riêng mình?

Thể thơ tám chữ không tách khổ với lối gieo vần chân nối tiếp khiến lời thơ Đoàn Văn Cừ cứ cuốn người đọc mải miết đi một mạch khó lòng dừng lại. Chẳng hạn đến cùng đám hội ngày xuân:

Trên bãi cỏ dưới trời xuân bát ngát

Một chị đương đu ngửa tít trên không,

Cụ lý già dừng lại ngửa đầu trông

Mắt hấp háy nhìn qua đôi mục kỉnh,

Mấy cô gái nép gần hai chú lính

Má đỏ nhừ bẽn lẽn đứng ôm nhau,

Chiếc ô đen lẳng lặng tiến ra cầu

Tìm đến chiếc san màu bay trước gió,

Bác nhà quê kiễng chân nhìn ngấp ngó

Rồi reo lên cho ai nấy cùng trông

Đoàn trải dài vùn vụt giữa dòng sông,

Người lố nhố chèo trên làn nước lạnh,

Bọn đô vật trước đình thi sức mạnh

Mình cởi trần gân cốt nổi như lươn,

Tiếng hò reo khuyến khích dậy từng cơn

Lẫn tiếng trống bên đường khua rộn rã.

(Đám hội)

Quả thật khó dừng lại, cưỡng lại mạch thơ Đoàn Văn Cừ khi ngòi bút ông cứ trôi đi trong một thế giới sắc màu sinh động. Hình ảnh đoàn người trên con đường trong đám cưới mùa xuân tạo nên bức tranh nhộn nhịp sắc màu. Theo từng câu thơ, một hình ảnh, một sắc màu lại hiện lên:

Trên cành cây bỗng một con chim gọi

Lũ người đi lí nhí một hàng đen

Trên con đường cát trắng cỏ lam viền

Họ thong thả tiến theo chiều gió thổi,

Dưới bầu trời trong veo không mảy bụi

Giữa cánh đồng phơn phớt tựa màu nhung.

Một cụ già râu tóc trắng như bông

Mặc áo đỏ cầm hương đi trước đám,

Dăm sáu cụ áo mền bông đỏ sẫm,

Quần nâu hồng, chống gậy bước theo nhau.

Hàng ô đen thong thả tiến lên sau

Kế những chiếc mâm đồng che lụa đỏ…

(Đám cưới mùa xuân)

Để vẽ lên những bức tranh từ thơ Đoàn Văn Cừ, chắc chắn phải chuẩn bị đầy đủ mọi bột, nước, màu,… đồng thời cần có nghệ thuật pha trộn khéo léo.

Ngày đó, khi sáng tác những bài thơ về mùa xuân, chắc hẳn Đoàn Văn Cừ vui thú lắm với cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống nơi làng quê, hào hứng lắm với niềm vui tả chân của mình. Thành công của Đường về quê mẹ, của Chợ Tết, Đám hội, Đám cưới mùa xuân… là sản phẩm của một kiểu tư duy nghệ thuật mới. Từ bước chạy lon xon của những thằng cu áo đỏ, từ hành động chen sấn kéo đến khăn chít trên đầu cụ lý cũng tung ra của những đám người nơi chợ Tết, từ đoàn thuyền đua vùn vụt giữa dòng sông ngày hội xuân… thơ ca Việt Nam đã chạy từ mảnh đất trung đại sang miền đất hiện đại.

Thơ ca từ đây không còn hoàn toàn cao đạo, cao sang nữa, không chỉ là chuyện “tải đạo”, “ngôn chí” nữa mà thành chuyện của đời thường muôn mặt. Cái nhìn dân chủ, nhãn quan hướng ngoại tạo hình đã thực sự trở thành cảm hứng sáng tạo thơ ca. Làm sao có thể tả đúng, tả hay những chợ Tết, đám hội ngày xuân, những đám cưới rộn ràng ở xã hội thôn quê bằng thái độ nghiêm trang, cái nhìn mực thước! Đằng sau những bức tranh thơ này của Đoàn Văn Cừ hiện lên cái nhìn hóm hỉnh, đôi mắt trìu mến của một con người biết tận dụng ưu thế của một lối thơ mới.

Nếu phong trào Thơ mới 1932 - 1945 thiếu vắng gương mặt Đoàn Văn Cừ? Nếu trong dòng chảy thơ Việt không có Thôn ca? Chắc chắn làng quê đồng bằng Bắc Bộ chịu thiệt thòi bởi không được thêm nhiều người biết, nhiều người yêu vẻ đẹp văn hóa nơi mình. Chắc chắn nhiều thế hệ bạn đọc không được gặp một dòng sông trong mát để mình được tắm giữa cái ríu rít, tươi tắn của cảnh sắc và cuộc sống làng quê. Giờ đây, trong xã hội hiện đại, khi xuân về Tết đến, trong những đám người vội vã vào siêu thị mua sắm kia, chắc rằng không ít người lòng vẫn không nguôi yêu, nguôi nhớ chợ quê, Tết quê!

 

-----

* Hoài Thanh, Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, HN, 1993 (tái bản)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy