Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
18:51 (GMT +7)

Vó ngựa trên đồng cỏ xứ trà

VNTN - Cách thành phố Thái Nguyên khoảng 15km, bên bờ sông Công thơ mộng, hình ảnh những đàn ngựa nhởn nhơ ngặm cỏ trên cánh đồng rộng bát ngát và hồ nước trong xanh, tạo cho bất kỳ ai tới đây cảm giác như đang đứng giữa thảo nguyên Mông Cổ xinh đẹp. Đó là khung cảnh của khu vực chăn thả ngựa thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (xã Bình Sơn, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên).

“Lò” sản xuất các loại ngựa lớn nhất miền Bắc

Tháng 4/1960, tại nơi đây, Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Việt Bắc thành lập Trại Nhân giống ngựa Bá Vân. Trước yêu cầu phát triển ngày càng cao của công cuộc đổi mới, đến năm 1994, Trung tâm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) giao nhiệm vụ và đổi tên thành Trại Nghiên cứu ngựa và trâu Bá Vân. Tháng 1/1998, Bộ NN&PTNT đổi tên đơn vị thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi. Nhiệm vụ của Trung tâm là nghiên cứu chọn lọc, nhân thuần, lai tạo, lưu giữ giống gốc các giống vật nuôi (gia súc, gia cầm và động vật rừng...), phù hợp với vùng sinh thái khí hậu và điều kiện phát triển chăn nuôi, xây dựng mô hình chăn nuôi bền vững ở các tỉnh trung du và miền núi, trong đó vẫn duy trì việc nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống và lai tạo các giống ngựa.

 

Thấm thoắt đã 60 năm. Giờ đây đến Trung tâm, người ta không khỏi ấn tượng trước phong cảnh hữu tình thơ mộng được tạo tác bởi thiên nhiên và con người. Ngay từ cổng vào, dưới những tán cây xanh mát bên đường là hai hàng hoa khoe sắc rực rỡ. Trụ sở Trung tâm và khu vực nghiên cứu thí nghiệm cùng với các dãy chuồng trại nằm ẩn mình trong vòm cây cổ thụ, có nhiều cây xà cừ, phượng vĩ tuổi đã cao, được trồng cùng thời kỳ xây dựng Trại. Phía trước trụ sở, kéo dài ra tận bờ sông Công là cánh đồng cỏ xanh mướt, những giống cỏ được nhập khẩu, lai tạo và nhân giống phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh là những đầm sen, hồ nước và những trảng cỏ trải dài mơ màng sương núi. Đàn ngựa đủ loại vừa gặm cỏ, vừa tung tăng chạy nhảy đùa nghịch tạo cho khách cảm giác đang đứng giữa miền đất lạ xa xôi.

Dẫn chúng tôi đi thăm Trung tâm, anh Trần Thanh Nam, Phó Trưởng phòng Tổ chức Hành chính cho biết: Diện tích đất của Trung tâm hiện có khoảng gần 70 ha. Qua 60 năm xây dựng và phát triển, cơ sở vật chất của Trung tâm đã khá hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ công nhân có trình độ, kinh nghiệm trong việc lai tạo, nuôi dưỡng các giống ngựa và nhiều loại gia súc, gia cầm như trâu Murrah, vịt siêu thịt. Ngựa của người Việt đã có từ hàng ngàn năm trước, chủ yếu là ngựa màu và ngựa trắng. Qua thời gian ngựa bị đồng huyết nên có đặc điểm chung là thấp nhỏ, sức thồ, kéo kém. Các giống ngựa nước ngoài to cao, đẹp mã, sức khỏe tốt, tiêu biểu là loài ngựa Cabardin. Tuy nhiên, chúng có trọng lượng lớn, chăn nuôi tốn kém, cần nhiều thức ăn và vụng về không phù hợp với điều kiện miền núi, vùng cao nước ta. Vì vậy, Trung tâm thực hiện việc lai tạo với giống ngựa Việt để chuyển giao cho bà con. Hiện đàn ngựa giống của Trung tâm có khoảng hơn 100 con các loại.

Qua tìm hiểu được biết: trong nhiều năm, Trung tâm chủ yếu nhập nguồn tinh trùng ngựa từ Đức, Nga để thực hiện việc phối giống ngựa. Công tác chăm sóc ngựa cũng hết sực cẩn thận kỹ lưỡng. Chuồng trại luôn sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát mùa hè, ấm áp trong mùa đông. Mỗi loại ngựa được nhốt ở những chuồng trại riêng, chia khu ngựa mẹ, ngựa bố, ngựa con đã cai sữa. Trên các cửa chuồng đều được ghi rõ ràng, đầy đủ thông tin. Mỗi con ngựa cũng được đánh số để việc theo dõi dễ dàng. Hàng ngày các công nhân tắm, chải lông cho ngựa tạo sự thân thiện gần gũi.

Mỗi ngày ngựa có thể ăn 30 - 40kg thức ăn đủ loại. Để ngựa khỏe mạnh, cần có đủ thành phần thức ăn, nhất là cỏ. Sẵn có các giống cỏ lai tạo, giàu chất dinh dưỡng, Trung tâm tận dụng đất đồi bãi ở xung quanh để trồng làm thức ăn cho chúng. Ngựa giống ở đây luôn được chọn lựa kỹ để tránh bị đồng huyết. Thông thường ngựa động dục tập trung vào mùa xuân hoặc mùa hè. Khi các con ngựa cái đến kỳ rụng trứng, ngựa đực được đưa đến phối giống với ngựa cái tại một khu vực riêng biệt, không thực hiện trên đồng cỏ. Ngựa cái thường chỉ rụng một trứng, khoảng thời gian giữa các lần động dục là 19 - 21 ngày. Sau khi giao phối và mang thai trong khoảng 11 tháng thì các ngựa cái sẽ đẻ. Ngựa con có thể đi lại chỉ sau khi sinh một giờ và được mẹ cho bú trong khoảng 6 tháng. Ngựa 4 tuổi được coi là trưởng thành, mặc dù chúng tiếp tục phát triển bình thường cho đến khi 6 tuổi.

Ngựa của Trung tâm được chuyển giao chủ yếu cho các đơn vị quốc phòng và các tỉnh miền núi phía Bắc làm phương tiện tuần tra, thồ kéo và phục vụ đua ngựa trong nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc.

Trung tâm cũng là nơi cung cấp các loại ngựa đua sớm và chất lượng cao cho cả nước. Một con ngựa đua thường được lựa chọn rất kỹ. Ngựa đua là ngựa đực, có dáng hình cao ráo, vạm vỡ, chân thẳng, móng chụm, ngực nở, bờm dày, lông đều, óng mượt không có nhiều màu sắc và đặc biệt là khỏe. Nếu ngựa cha, mẹ có tốt, ngựa con đẻ ra mới là ngựa đua bản lĩnh và ngựa có thể đua trong thời gian khoảng 10 năm. Trung tâm đã triển khai nhập tinh ngựa đua thuần chủng ở Đức và cho lai với ngựa mẹ lai Cabardin cho ra đời dòng ngựa lai đua Việt. Giống ngựa đua này có thể phi với tốc độ lớn hơn 40km/giờ. Vòng đời của ngựa có thể kéo dài tới 30 năm, tuy nhiên chỉ sử dụng dưới 10 năm nên sau khi hết tuổi đua, những con ngựa tốt được dùng để nhân giống. Một số trường đua ngựa trong nước cũng đã tìm tới và đặt mua ngựa của Trung tâm.

Chúng tôi khá bất ngờ khi một kỹ thuật viên cho biết: Trung tâm đang thực hiện việc nhân giống ngựa bạch và ngựa trắng không phải là ngựa bạch. Không nhiều người có thể phân biệt chính xác hai loại ngựa đều có màu trắng này. Ngựa bạch toàn thân ngựa da có màu trắng hồng hoặc trắng mây, xung quanh viền mắt và con ngươi có màu đỏ hồng. Tất cả móng màu trắng ngà, các bộ phận như mũi, miệng, bộ phận sinh dục đều có màu hồng nhuận hay hồng đỏ. Điểm cốt yếu để phân biệt thường là đôi mắt và móng ngựa. Móng ngựa bạch phủ một màu trắng và toàn thân không có một chấm đen. Đôi mắt ngựa bạch tròn như hòn bi, ban đêm soi đèn chuyên dụng vào đồng tử hay còn gọi là con ngươi, ngựa bạch chuyển từ hình tròn sang hình dạng chữ nhật nằm ngang. Ngựa trắng thường thì vành mắt đen.

Tiềm năng phát triển đa dạng

Với vị trí là một đơn vị nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật mang tính chất trung tâm ở khu vực miền núi, lĩnh vực hoạt động của Trung tâm khá rộng. Hệ thống cơ sở vật chất để lưu giữ nguồn gien, thực nghiệm chăn nuôi đã được xây dựng khá hoàn chỉnh. Các vật nuôi do Trung tâm lai tạo, nhân giống và chuyển giao được các tổ chức cá nhân đánh giá cao. Đặc biệt với kinh nghiệm nhân giống ngựa của đội ngũ cán bộ công nhân, cơ hội để Trung tâm phát triển mạnh trong giai đoạn mới đã hiện hữu với sự năng động của Ban Giám đốc.

Nằm cách không xa thành phố Sông Công và thành phố Thái Nguyên, kề bên dòng sông Công và gần hồ Ghềnh Chè thơ mộng, vốn có sẵn thuận lợi về đất đai với vẻ đẹp hiếm có của miền sơn cước, chắc chắn Trung tâm sẽ là điểm đến lý tưởng của bạn bè gần xa.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Hiện Trung tâm có 40 cán bộ công nhân viên, trong đó 17 người có trình độ đại học và trên đại học, số còn lại là kỹ thuật viên có nhiều kinh nghiệm công tác. Ngoài nhiệm vụ chính phải tập trung tối đa nhân lực vật lực để nghiên cứu và phát triển giống và vật nuôi, Trung tâm đang có những bước đi thích hợp để tận dụng, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh hiện có góp phần phát triển kinh tế xã hội của ngành và địa phương. Đơn vị đang xây dựng phương án trình Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) xin phép được đầu tư các hoạt động trải nghiệm. Ngoài ra, còn liên kết với các trường đua ngựa để cung cấp ngựa đua chất lượng cao. Một đối tác Hàn Quốc cũng đã đặt lịch làm việc để bàn việc hợp tác nhân giống ngựa phục vụ các hoạt động văn thóa, thể thao, du lịch. Hiện nay, đã có nhiều sân golf trong cả nước tìm đến Trung tâm đặt vấn đề cung cấp ngựa cho họ để đáp ứng nhu cầu cưỡi ngựa chơi golf. Một số loại hình chăn nuôi khác như chó cảnh, chim cảnh, các loại thú cưng cũng đã được Trung tâm tính đến. Điều kiện con người và cơ sở vật chất tại đây có đủ khả năng để nhân giống, cho ra đời những sản phẩm vật nuôi làm “thú cưng” - một trào lưu đang ngày càng phổ biến, với những đòi hỏi khắt khe của thị trường.

Niềm yêu thích trải nghiệm khám phá đang là xu hướng mới không chỉ riêng giới trẻ. Thái Nguyên là nơi giàu truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng với nhiều di tích lịch sử văn hóa, các địa điểm tham quan du lịch. Bên cạnh các địa danh quen thuộc như ATK Định Hóa, Di tích Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, Hồ Núi Cốc… trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành nhiều khu du lịch sinh thái mới. Nếu tương lai Trung tâm cho ra đời hoạt động trải nghiệm, chắc chắn đó sẽ là một sản phẩm tham quan du lịch độc đáo hấp dẫn. Tại một số nước, cưỡi ngựa phi trên đồng cỏ hoặc bắn cung nỏ đã trở thành một môn thể thao được ưa chuộng, thu hút khá đông khách du lịch. Ở nước ta hoạt động cưỡi ngựa chụp ảnh cũng không còn xa lạ. Tại Trung tâm, đàn ngựa đã được thuần chủng, khá thân thiện với con người, cùng với cảnh đẹp thiên nhiên,… đây sẽ là một điểm đến lý thú cho một hành trình trải nghiệm. Sẽ có nhiều bạn trẻ không chỉ cưỡi ngựa chụp ảnh lưu niệm, chụp ảnh cưới với đàn ngựa, mà có thể phi ngựa trong trang phục chiến binh để sống với khí phách của các thế hệ cha ông từ ngàn xưa.

Dù có đôi chút tiếc nuối vì không thể ở lại lâu hơn, nhưng những gì đã ghi nhận được, trong đó cả những bức ảnh trong chuyến đi này mãi là kỷ niệm ý nghĩa, đáng nhớ. Hy vọng lần trở lại sau, mọi tiềm năng của Trung tâm được khơi dậy và phát triển ngoạn mục với những ý tưởng sáng tạo đã và đang lấp lánh hiện lên hình hài từ hôm nay.

Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước