Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
20:53 (GMT +7)

Về làng ăn cơm làng

Giờ, đã tương đối thư thả, tôi hay về làng hơn. Có khi còn ở hẳn lại đến cả một tuần, vài tuần, thong dong đường làng, ngõ xóm quanh co, rồi đi ra đồng, ra bãi, ra sông… Vừa đi vừa ngẫm nghĩ, bao nhiêu nhớ thương trùng điệp cứ như được tở mở gợi lại, như được gọi trở về.

Tôi được sinh ra ở làng. Cha mẹ lại là người cùng làng. Nhưng mới đến đoạn bắt đầu lớn lên, biết nhận biết xung quanh, chừng độ bốn, năm tuổi, là tôi đã phải rời làng ra đi, theo bước chân cha tôi gập ghềnh công tác, nay đây mai đó. Mãi rồi đến khi vào tuổi thanh niên, thành sinh viên về Hà Nội học, tôi mới tự mình tìm về với làng. Ký ức còn lưu giữ những bước chân lầy lội trên con đường bùn nhão, hun hút… Con đường của thời thơ bé, tự mình lẫm chẫm đi mãi theo phía cha mẹ mình đã ra đi. Mà lần trở về ấy cũng chỉ là vội vã trở về, rồi lại vội vã ra đi. Con đường vẫn còn hun hút, xa vắng lắm. Con đường ấy là đi trên bờ đất, đồng thời cũng là cái bờ ruộng lớn, ngày khô ráo, có thể đạp xe đạp được, chứ vào những ngày mưa dầm, bùn lẫn rơm chét lại đầy kẹt hai bánh xe, không thể nào nhúc nhích, thì thà đi bộ, còn nhanh hơn. Về làng ngủ lại một, hai đêm, trong cái không gian ắng lặng, le lói đèn dầu thời bao cấp, có thức khuya đến mấy thì cũng chỉ là đến sau tiết mục “Tiếng thơ” phát ra từ cái đài bán dẫn chạy bằng pin, là ắng lặng bao trùm…

Cùng với thời gian, làng theo vận nước, đã sáng dần lên. Rồi làng cũng hiện đại phong quang nhanh hơn nữa trong những năm gần đây. Bây giờ, nếu không trải qua, kể lại, có khi đám trẻ mới lớn hiện nay không hình dung nổi cái làng quê gốc tích của cha nó, của ông nó, lại có thể tăm tối và xa hút đến như thế...

Bây giờ, thời mới rồi, đường sá từ Hà Nội về làng tôi, có đến mấy lối về, chạy xe ô tô chỉ mất non hai tiếng đồng hồ. Khi đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thông xe, lại còn rút ngắn hơn nữa, chỉ độ tiếng rưỡi sau lúc tan làm là đã đỗ xịch xe ở sân nhà, giữa làng rồi. Làng chả còn xa ngái như ngày trẻ thơ hay thời thanh niên. Làng dù đã mất bớt đi những lũy tre xanh um, cái chỉ dấu làng xưa ấy giờ chỉ còn mờ mờ trong tâm tưởng mà thôi. Nhưng làng vẫn là làng, vẫn còn nhiều chỉ dấu khác, vẫn là nơi ta nhớ về, gắn bó trong tâm tưởng, là nguồn cảm xúc mới mẻ, khi ta thấy vơi cạn thì lại lần về mà tiếp lấy, để tiếp tục đi ra hòa nhập với thế giới lớn rộng.

Nhà văn Nguyễn Thành Phong (thứ hai từ phải sang) cùng các bạn văn trong một chuyến vãn du dọc bờ sông Đuống - Ảnh: Hoàng Xuân Tuyền.

***

Một trong những thích thú của tôi khi về làng là được ngồi cùng mọi người ăn bữa cơm làng. Cơm làng cũng từ những nguồn thức ăn chả hề xa lạ, nhưng có không gian riêng, có cách chế biến và phối hợp riêng, mà thành đặc sắc, chả ở đâu thích thú được như vậy.

Có một đặc điểm thú vị, rất đáng khoe khoang, là trai làng Phú La của tôi, hầu như ai cũng biết và thích nấu ăn, lại nấu ăn rất ngon. Bữa cơm ngày thường là do đàn bà soạn sửa, nhưng mỗi khi được tụ hội lúc nông nhàn, chuẩn bị cỗ bàn đánh chén hay có dịp làm cỗ thết đãi khách, thì đàn ông thành người sắp đặt và là tay nấu chính, các bà các chị lui xuống hàng sau, chỉ là người phụ giúp. Món ăn ở bữa cỗ làng cũng chẳng mấy cầu kỳ. Có món thì làng nào ở quê tôi cũng có, lại có món chỉ riêng là của làng tôi, mỗi một làng tôi, đi khắp nơi chưa bao giờ thấy, dù nhang nhác giống...

Đã biết bao nhiêu chuyến đi đi về về làng, có nhiều bận kéo theo khách, người sang danh nổi như cồn cũng có, còn đa số chỉ là bạn hữu thân quý của mình. Có bận, cha tôi ngồi cùng tôi tiếp rượu đám bạn văn, bạn báo ngay trước sân nhà. Cha tôi trách: “Anh Phong là nhà văn nhà báo, trước nay tôi chỉ thấy anh viết về những đâu đâu, sao chẳng thấy anh viết về làng mình?”. Tôi ngồi ngẩn, nhận ra, làng quê gắn bó với mình thân thương như thế mà lại thành thường tình, lại không nghĩ là có chuyện mà viết. Nhưng ngẫm kỹ thì thấy không phải dễ đâu mà có một làng quê chôn nhau cắt rốn, mảnh đất nơi mình đang ngồi đã có lịch sử khai khẩn hàng ngàn năm. Mồ hôi, công lao của bao nhiêu thế hệ đã rỏ xuống để làm nên thành quả cho mình hưởng hôm nay. Mâm cơm trước mặt mình đây là từ những sản vật từ ngày lập làng đã có, đầy sẵn ra đấy, chỉ qua tay mấy anh trai làng chế biến, là thành miếng ngon thôi.

Làng Phú La tôi đã có lịch sử lập nên cách đây chừng hơn mười thế kỷ, nằm trên lưu vực bồi tụ phù sa của ba dòng sông, sông Hồng, sông Luộc, và sông Trà Lý. Khởi đầu, đây là một vùng đầm lầy, đất trũng ngập nước quanh năm. Có một chàng trai họ Nguyễn, người làng Đô Kỳ, lấy vợ, mới sinh con, dựng ngôi nhà nhỏ trên vuông vườn cha mẹ chia cho, thấy đất ở chật hẹp, bức bối, không thoả chí mình, nên ngày ngày đã đi ngang dọc trong khắp các vùng lân cận, tìm nơi khai khẩn. Ba chàng trai khác, họ Đinh, họ Vũ, họ Trần, là người ở các làng khác cùng trong vùng ấy, cũng giống hoàn cảnh và đồng chí nguyện. Một chiều, bốn chàng trai gặp nhau khi cùng đứng trước một đầm lầy hoang hoá mênh mông, nhìn thấy hàng đàn cò vạc đáp xuống bay lên thơ thới, nhìn xuống mặt nước thấy sẵn cá tôm, thế là bốn cặp tay cùng đập chồng vào nhau, quyết đưa vợ con xuống đấy, đồng tâm khai khẩn vùng đất mới.

Bốn gia đình chọn bốn gò cao ở bốn hướng dựng nhà, rồi bắt đầu chăn thả vịt ngan, vật đất bùn lên thành ruộng cấy lúa chiêm mùa, thành vườn ươm cau, trồng chè, giâm chuối, mặt nước còn lại thì nuôi thả cá tôm. Thế rồi thêm ríu rít chim về, thêm ấp iu người tìm đến, dần dần thành một quần cư, thành xóm, thành thôn, thành làng… Ban đầu làng chưa có tên, sau có người hay chữ đi qua, đứng lại ngắm làng, thốt lên: “Đúng là Phú La!”. Phú là giàu có, sung túc. La là vùng trũng, vùng thấp. Thế là thành tên làng Phú La. Tôi nhớ, hồi còn nhỏ tí, làng còn cái cổng xây, hai bên có đôi câu đối bằng chữ Nho, do mấy ông giáo làng soạn: “Đa văn vi Phú La thiên hạ/ Tri ngộ như An Lạc tính tình”.

Nói chuyện lịch sử làng, rồi lại quay về những món ăn trên mâm. Món chạch ruộng béo bùi om với củ chuối non thái sợi trắng ngần thơm mùi mẻ mới ngấu; Món cá rô, cá diếc láu tháu kho nồi đất nung có thêm mấy lát riềng non, vài quả chay chua đậm đà, thơm nục, ăn vào tan cả vây xương. Ngay cả con gà choai choai, luộc lên chỉ bày đầy một đĩa, lòng với tiết thì đem xào với thân cây chuối non. Hay món rau diếp bánh tẻ thái nhỏ biến rửa qua mấy lần nước mưa, thêm các loại rau thơm, rau mùi nhặt quanh vườn, ăn với cà chua chưng tóp mỡ, cứ gọi là và đẫy miếng cơm… Tất cả những món ấy, tôi đồ rằng đều đã có ngay từ thời mới lập làng.

Còn một món, chỉ ở làng tôi mới có. Tôi đã đi ăn mòn bát thiên hạ, chưa thấy ở đâu cả. Làng tôi gọi đó là món gỏi sụn, cũng có người gọi là món nộm lòng. Tôi đặt tên mới cho nó, gọi là món “Gỏi lòng Phú La”. Tất cả các bộ phận của bộ lòng con lợn, thêm sụn, thêm tai, luộc chín lên rồi thái nhỏ biến, trộn bóp với các loại rau thơm, mắm tôm, chanh ớt, thêm chút lá tỏi tươi thái nhỏ, là thành. Gỏi lòng Phú La bày đĩa, dùng miếng bánh đa vừng nướng xúc lấy mà ăn, thêm hớp rượu quê nút lá chuối, là ngon không bút nào tả xiết. Có mấy nhà văn tiếng tăm đã từng đến làng tôi, được ăn món này, đều thốt lên đầy thán phục: “Tuyệt! Tuyệt! Cũng chỉ là từ bộ lòng con lợn thôi, chế biến, gia giảm làm sao mà nên thần kỳ, đầy hương vị đến như vậy chứ!”.

Tôi mới thư thả kể rằng, món gỏi lòng Phú La này có từ thời tướng quân Nguyễn Phục được triều Lê cử mang mười vạn quân đến vùng Thái Bình luyện tập binh mã, kêu gọi dân chúng tích góp quân lương để đánh giặc xâm lược phương Bắc đang theo đường biển lăm le kéo vào. Nhân dân cả vùng, trong đó có làng Phú La, đã góp hết trai đinh, lương thảo cho tướng quân Nguyễn Phục đánh giặc ngoại xâm. Đuổi giặc xong rồi, làng đón trai tráng trở về trong cảnh nghèo xác nghèo xơ. Cả làng mổ một con lợn nhỏ để ăn cùng, chung vui chiến thắng. Con lợn nhỏ tí, “bầu dục đâu đến bàn thứ chín”, nên người ta đã nghĩ ra cách thái nhỏ biến tất cả rồi trộn đều nắm lại chia cho mỗi nhà một nắm, gọi là ăn cỗ làng chung, để ai cũng thấy mình được ăn đều chia sòng trong ngày chiến thắng. Không ngờ thế mà thành món ngon đặc biệt. Từ sau đó cứ thế mà làm theo, thành ra miếng ngon riêng của làng tôi, mỗi khi mổ lợn làm cỗ là không thể thiếu...

***

Ăn bữa cơm làng mà thấm thía những câu chuyện dọc dài lịch sử thăng trầm của làng, của nước như thế, thì thấy mình bỗng như được tiếp thêm những xúc cảm mà sâu lắng hơn, mà bình tĩnh hơn giữa những chuyển biến nhanh chóng và hiện đại của đời sống hội nhập hôm nay.

Và tôi bỗng bâng khuâng nghĩ ngợi thêm. Ngày xưa mình ở làng, rồi đi ra với nước, sống và làm việc nơi thành phố. Mình cũng từng đi nước ngoài nhiều, nhưng là đi công tác, đi chơi, đi thăm. Mình từng xơi cơm Tây, cơm Tàu, ăn qua cho biết vậy, chứ không nhiều thích thú. Thế nên mình vẫn giữ được cái mối dây của mình gắn với làng quê gốc tích của mình, vẫn thích thú với các món ăn, phong tục và khí vị của làng mình. Và như vậy là vẫn còn những gắn buộc với lịch sử, truyền thống và quá khứ, càng làm cho mình bình tĩnh hơn với những biến động và hòa nhập trong thời hiện tại.

Bây giờ, con cháu mình, sinh ra nơi thành phố, lớn lên còn tung cánh bay xa gấp nhiều lần đời mình. Chúng đi đến khắp nơi trên thế giới, chúng sống ở đâu trên thế giới này cũng thỏa mái, chúng ăn những món ăn nhanh, hiện đại… Vậy thì chúng có còn thích thú khi trở lại làng, có thích thú với những bữa cơm và món ăn của làng nữa không? Và từ đấy, những gắn buộc rất là quan trọng của đời ông đời cha của chúng với quê hương bản quán có còn là quan trọng đối với chúng nữa không?

Ôi chao, hòa nhập mà không hòa tan, hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc riêng, là bắt đầu từ những trăn trở như thế này đây. Mọi người liệu có cùng suy nghĩ và chia sẻ với tôi không?

Tùy bút của Nguyễn Thành Phong

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy