Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:47 (GMT +7)

Về hai điển tích trong Truyện Kiều

Một cuộc bể dâu

Những ai đọc qua Truyện Kiều chắc hẳn đã từng ngâm nga những câu thơ đầu tiên trong kiệt tác này:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy

mà đau đớn lòng.

Về cơ bản thì bốn câu thơ này không có gì quá khó hiểu, nhưng ở câu thứ ba có một từ cần lưu ý, đó là “bể dâu”. Đại đa số độc giả đều được giải thích từ “bể dâu” là cách nói dân gian, được dịch và rút gọn nghĩa từ gốc Hán “Thương hải tang điền” để chỉ sự biến đổi lớn trong cuộc sống.

Thành ngữ “Thương hải tang điền” gắn với điển tích về nàng tiên nữ Ma Cô. Rằng, thời Hiếu Hoàn đế nhà Hán, thần tiên Vương Viễn tự Phương Bình có hẹn cùng tiên nữ Ma Cô xuống nhà Thái Kinh dưới hạ giới để uống rượu. Trong bữa tiệc, Ma Cô tự mình nói với Phương Bình rằng: “Từ lần gặp gỡ trước đến nay, đã thấy Đông Hải ba lần biến thành đồng dâu, hướng đến đảo Bồng Lai thì lại thấy nước cạn đi so với trước, xem thời gian thì ước đoán đã cạn đi một nửa, lẽ nào lại sắp biến thành gò đống, lục địa ư?”. Phương Bình cười nói: “Thánh nhân đều nói, Đông Hải sắp sửa nổi lên thành cồn đất rồi đó!”.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Theo điển cố trên, có thể nhận thấy ý nghĩa của thành ngữ “Thương hải tang điền” biểu thị sự biến đổi lớn của tạo vật, đồng thời cũng thể hiện một khoảng thời gian rất dài của vũ trụ. Hơn nữa sự biến đổi có tính chất tuần hoàn, tức biển xanh biến thành đồng dâu và rồi đồng dâu lại biến thành biển biếc, nên nàng Ma Cô mới nhìn thấy sự biến đổi đến ba lần. Từ cơ sở đó, trở lại với từ “bể dâu” trong Truyện Kiều, tác giả dùng “một cuộc bể dâu”, tức một cuộc xoay vần lớn của vũ trụ và con người. Cuộc xoay vần đó có thể ứng với cuộc đời Thúy Kiều, Đạm Tiên và những người con gái có số phận giống như họ; cũng có thể ứng vào cuộc đời của Tiểu Thanh, hay Nguyễn Du những người vướng vào “phong vận kì oan”. Cuộc “bể dâu” đó thậm chí còn có thể kéo dài từ đời này qua đời khác, từ kiếp này qua kiếp khác như một nỗi khắc khoải của thi nhân.

Giấc hòe

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du có viết:

Tiếng sen khẽ động giấc hòe,

Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.

“Giấc hòe” ở đây gắn với điển tích “Mộng Nam Kha”. Vào cuối đời Tùy, đầu thời Đường, có một người tên là Thuần Vu Phần nhà ở Quảng Lăng. Trong vườn nhà ông ấy có một cây hòe lâu năm rễ sâu lá rợp. Vào ngày sinh nhật của Thuần Vu Phần, bạn bè đến chúc mừng, ông có quá chén, đến đêm muộn khi mọi người đã tản mác về hết, một mình ông mang rượu ra ngồi dưới gốc hòe để hóng mát, cơn say tỉnh chập chờn khiến ông bất giác chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Trong mộng, ông mơ thấy mình đến nước Hòe An, cũng vừa kịp lúc lên kinh thi Hội, ông báo danh vào trường thi. Tam trường kết thúc, bài thi của ông đều rất mực thuận lợi. Đến khi phát bảng, ông đỗ thứ nhất. Sau đó ông tiếp tục ứng thí thi Đình. Nhà vua thấy Thuần Vu Phần tướng mạo khôi ngô, hẳn là đấng nhân tài bèn lấy bút đích thân điểm cho Phần đỗ Trạng Nguyên, đồng thời gả công chúa cho Phần.

Sau khi kết hôn, vợ chồng hết mực hạnh phúc. Thuần Vu Phần được vua phái đi làm Thái Thú quận Nam Kha, thời hạn là 20 năm. Trong thời gian làm Thái Thú, ông thường đi tuần qua các huyện, khiến cho các huyện lệnh dưới quyền không dám làm sai trái điều gì. Vì thế ông được nhân dân ca tụng. Việc đến tai vua, vua cũng khen ngợi.

Đến một năm nọ, có giặc ngoại xâm, nhà vua phái tướng quân đi đánh địch nhưng liên tiếp thất bại. Địch đã tiến gần đến kinh đô, thế nước nguy nan, nhà vua bèn họp mặt văn võ bá quan để tìm cách chống giặc nhưng vẫn không tìm ra phương kế. Trong lúc nhà vua giận dữ thì Tể tướng tiến cử Thuần Vu Phần. Nhà vua lập tức hạ lệnh, sai Thuần Vu Phần lãnh binh đi đánh giặc. Nhưng Phần từ xưa không biết gì về binh pháp do đó thất bại là tất yếu. Nhà vua biết tin vô cùng giận giữ, cắt chức và đuổi Phần về quê. Phần kinh hãi giật mình tỉnh giấc, nhận ra nước Hòa An chính là tổ kiến dưới cây hòe mà mình đang tựa vào gốc ngủ.

“Giấc hòe” Nguyễn Du sử dụng được hiểu là giấc mộng công danh phú quý mà Kim Trọng đang mơ đến, dẫu vinh hoa phú quý luôn là giấc mộng ngắn ngủi. Trong bối cảnh xã hội của tác phẩm, Kim Trọng là Nho sinh lên Kinh đô ôn luyện chờ ngày thi, do đó vào những đêm dùi mài kinh sử mệt mỏi, chàng học trò ấy thiếp đi và mơ đến một ngày đỗ đạt thành danh cũng là điều dễ hiểu.

Việc cắt nghĩa và truy nguyên hai điển tích trên giúp cho người đọc Truyện Kiều có được nhận thức đầy đủ hơn về câu chữ trong kiệt tác này.

Như Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy