Vành khăn tang màu nâu đất – Truyện ngắn. Đào Nguyên Hải
VNTN - Đám tang bà Bân mẹ thằng Hồi, cả làng Ao Liễng đều khóc. Khóc vì những nỗi bất hạnh, vất vả, khổ đau đến tột cùng của một người mẹ xấu số.
Người đưa tang nhìn thằng Hồi, ngạc nhiên hỏi nhau:
- Sao cái khăn tang trên đầu thằng Hồi lại thế kia?
Mọi người nhìn ra, thấy đầu thằng Hồi chiếc khăn tang màu nâu đất nhàu nhĩ giữa những chiếc khăn tang trắng sạch sẽ, gấp nếp của thân quyến nhà bà Bân. Dân làng tỏ ra cám cảnh. Nghèo mấy thì nghèo chứ đám tang mẹ mà không có nổi chiếc khăn hẳn hoi hay sao? Bàn ra tán vào mãi vẫn chẳng ai hiểu sự tình. Hỏi ông trưởng xóm cũng chỉ được giải thích bằng mấy câu chung chung:
- Giờ phát tang, thằng Hồi cứ một mực nói nó chỉ đội chiếc khăn tang ấy, không nhận bất cứ chiếc khăn nào khác.
Mọi người không ai hiểu nổi, chỉ ngậm ngùi xen chút oán trách nhìn thằng Hồi xiêu vẹo đi theo quan tài mẹ với vành khăn tang màu nâu đất nhem nhuốc.
Sau cái chết của mẹ, thằng Hồi bơ vơ ngơ ngác giữa cuộc đời. Dân làng thương nó và cũng không tránh nổi nỗi lo giờ đây không còn mẹ, thằng Hồi sẽ lại tiếp tục nhấn thêm vào con đường nghiện ngập. Mấy năm qua, nó đã cố gắng cai nghiện mà không nổi. Chính vì hút hít mà thằng Hồi đã đưa gia đình xuống vực thẳm. Cái chết của bà Bân, nói cho cùng, cũng là do nó mà nên.
Cả cái làng Ao Liễng này không ai lạ gì gia cảnh của mẹ con thằng Hồi. Năm mười tuổi, bố mất vì bệnh hiểm nghèo, thằng Hồi lớn lên trong tình yêu thương của mẹ. Nhà tuy neo đơn, khó khăn nhưng nó được mẹ cho ăn học bằng bạn bằng bè. Ngày học hết cấp 2, Hồi quyết định ở nhà làm ruộng để gánh vác việc ruộng đồng thay mẹ. Để thuyết phục việc này, Hồi lấy lí do vì nhà quá nhiều muỗi nên không thể ngồi yên mà học bài. Quả là nhà Hồi nằm lọt giữa một vùng ao chuôm rậm rạp nên muỗi nhiều vô kể. Mẹ nó không nói gì, sau đó vài hôm mang về một chiếc màn mới tinh bảo rằng để cho nó tối tối có thể chui vào đó để học bài. Thế là cu cậu hết lí do bỏ học. Mẹ Hồi thường bảo, dù có phải ăn đói mặc rét nhưng phải cố cho Hồi học hết đại học để mở mặt với đời. Đấy cũng là nguyện vọng của bố nó trước khi nhắm mắt.
Từ đấy, Hồi gắng công đèn sách, quyết tâm thực hiện ý nguyện của bố và mong ước của mẹ. Ai cũng mừng cho bà Bân có đứa con ngoan hiền, chăm chỉ, lại có chí.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như làng Ao Liễng không bỗng nhiên bùng lên nạn khai thác quặng thiếc. Cả làng nóng lên như núi lửa sắp phun trào. Ô tô, xe máy chạy suốt ngày đêm, điện kéo sáng trưng trên các ngọn đồi quanh làng. Người tứ xứ đổ về rầm rập. Dân Ao Liễng cũng cuốn vào dòng người ấy, họ đổ xô lên đồi đào quặng. Rồi tiền, xe, ti vi, tủ lạnh… đổ về, dân làng thi nhau sắm sửa. Nhiều gia đình đập nhà cấp bốn, xây nhà tầng, xanh đỏ lòe loẹt. Dân làng cứ như đang sống trong mơ. Dẫu có bình tĩnh, vô tư đến đâu cũng chẳng mấy ai đứng vững trước cơn “cuồng phong” tiền của ấy.
Nhìn mẹ lam lũ vất vả, cảnh nhà sơ sài, trống trải, nhân dịp nghỉ hè để ôn thi đại học, Hồi xin với mẹ lên bãi quặng tranh thủ kiếm chút tiền để thoát nghèo. Lần này Hồi không nghe lời mẹ. Nhìn làng xóm kinh tế mỗi ngày một tiến vù vù, nó không đừng được. Rồi cũng như bao người khác, nó bị cuốn vào dòng thác tiền ấy. Mới có gần tháng trời mà nó đã mua được ti vi, tủ lạnh, mua được cả giường mới cho mẹ.
Một tháng, hai tháng, rồi ba, bốn tháng, thằng Hồi vẫn mải mê trên bãi quặng, không còn nghĩ đến ôn thi. Mẹ nó năm lần bảy lượt nhắn gọi về nhưng lần nào nó cũng bảo “hang đang rực quặng, không về được đâu”. Bẵng đi một thời gian, thằng Hồi cưỡi xe máy về làng với vẻ mặt hả hê, sung mãn. Rồi ít lâu sau nó mua vật liệu xây nhà to nhất xóm.
Cả làng mừng cho mẹ con thằng Hồi. Thôi thế là dù sao bà Bân cũng được đền đáp. Xây xong nhà, thằng Hồi lại vội vã lên bãi quặng. Chừng như nó đã quên hẳn việc ôn thi vào đại học.
Bà Bân vẫn cặm cụi với mảnh vườn, thước ruộng. Có điều, nét mặt bà luôn ưu tư sầu muộn. Được cuộc sống như bây giờ lẽ ra bà phải vui mới đúng. Có lẽ bà buồn vì thằng Hồi mải đuổi theo đồng tiền mà quên mất lời trăng trối của bố.
Nhưng rồi, cơn “mưa” tiền trên bãi quặng đột nhiên ngưng lại do việc khai thác lộn xộn gây mất trật tự, ô nhiễm môi trường nên chính quyền đã ra lệnh cấm khai thác. Thằng Hồi trở về, người vui nhất là bà Bân. Bà như trút được gánh nặng bấy lâu nay chứa chất trong lòng. Bà hy vọng thằng Hồi lại đèn sách học hành, thực hiện lời trăng trối của bố.
Nhưng từ hôm trên bãi quặng về, không hiểu sao thằng Hồi cứ như người ngẩn ngơ. Nó ra vào với vẻ bồn chồn, có hôm lại biến đi đâu đó đến mấy tiếng đồng hồ. Bà giục đi mua sách ôn bài, nó chỉ ậm ừ vâng dạ rồi lảng sang chuyện khác. Điều đáng sợ nhất là thằng Hồi tiêu tiền như nước. Vài triệu trong tay, chỉ mấy bữa là hết veo. Sáng sớm nó cưỡi xe đi, tối nhọ mặt người mới về.
Rồi cái gì đến cũng phải đến. Một buổi trưa, bà đang tranh thủ mò cua, bắt cá kiếm thêm chút thức ăn thì có tiếng gọi thất thanh:
- Bà Bân ơi! Bà lên ngay ủy ban mà đưa thằng Hồi về. Mấy đứa túm tụm chích ma túy ở xóm bên, công an bắt đang ở trên xã kia kìa.
Chiếc chậu nhôm tuột khỏi tay bà, mấy con săn sắt, đòng đong văng tung tóe xuống mặt ruộng. Thằng Hồi chích ma túy! Bà bủn rủn ngã ngồi xuống đất.
Sau cái hôm ở ủy ban về, thằng Hồi lầm lũi xám xịt như cái bóng. Nó tránh mặt tất cả mọi người trong làng. Thỉnh thoảng lại thấy nó lẩn đi vào giữa trưa hay nhá nhem tối. Nhìn con mỗi ngày một tiều tụy, bà Bân héo từng khúc ruột.
Có lần, Hồi sa nước mắt nói với mẹ:
- Mẹ lấy thừng trói con vào cột nhà đi.
Bà kinh ngạc:
- Sao lại trói?
Hồi cau có:
- Để con cai nghiện. Làm thế, may ra mới cứu được cả hai mẹ con.
Nhưng rồi chỉ được mấy hôm, đi làm đồng về, bà nhìn thấy chiếc dây thừng chỏng chơ dưới chân cột.
Bà nghe người ta nói, những người đã chích thuốc thì không thể cai được. Có lẽ nào cuộc đời thằng Hồi không còn lối thoát. Nghĩ vậy, bà mất ăn, mất ngủ. Nỗi khổ của bà kêu tận trời xanh không thấu.
Thằng Hồi đã trở thành kẻ táng tận lương tâm. Nó gọi người đến bán cái giường mà ngày trước nó mua cho mẹ, rồi vo nắm tiền lao đi như con thú đang bị săn đuổi. Sau buổi đó, cứ mỗi ngày nó lại nhặt nhạnh bán đi một thứ. Chẳng mấy chốc, căn nhà trống trơn, chỉ còn lại cái bóng xiêu vẹo gầy xơ của mẹ nó. Bà Bân nhặt đâu được cái niêu đất. Đó cũng là cái vật dụng duy nhất để bà thổi nấu cho hai mẹ con.
Ngày nào Hồi cũng giương cặp mắt đỏ như cá chày, nói với mẹ:
- Không thể cai được nữa đâu mẹ ơi. Con xin lỗi vì từ đầu đã không nghe lời mẹ. Bây giờ thì đã muộn quá rồi.
Bà Bân cạn khô nước mắt vì con, nhưng cũng chẳng làm được gì hơn là ngày ngày cố vắt cạn sức trên đồng ruộng để kiếm bát cơm cho hai mẹ con sống qua ngày. Buổi trưa nào khi xong việc đồng bà cũng phơi nắng, cố bắt được nắm cá con để mang ra chợ bán. Những đồng tiền bán cá ít ỏi ấy luôn bị Hồi lột hết. Bà biết nó dùng số tiền ấy để làm gì, nhưng bà buông lòng. Bà không thể chịu nổi những cơn vật khủng khiếp của đứa con tội nghiệp khi không có tiền mua thuốc.
Hôm nay nóng quá, Hồi đang nằm sõng soài trên nền đất trong buồng thì nghe tiếng bước chân chạy vội cùng tiếng người xôn xao:
- Đưa….đưa bà ấy vào đây!
Hồi chồm dậy lao ra. Mẹ nó nằm còng queo trên cái giường long chân, hai mắt nhắm nghiền, những vệt đất bùn còn dính đầy trên khuôn mặt hốc hác sạm nắng. Hồi thét lên:
- Mẹ...Mẹ...Mẹ ơi!
Nó lao đến ôm lấy cái thân gầy xơ xác của mẹ. Một bàn tay bà Bân nắm rất chặt như đang giữ một vật gì đó hẳn là quí giá lắm, nên giữa ranh giới cái sống và cái chết, bà vẫn quyết bảo vệ bằng được. Hồi cố gỡ bàn tay co quắp của mẹ. Cố gắng lắm nó mới kéo ra được. Những ngón tay héo quắt của bà Bân vừa duỗi ra, một con săn sắt lẫn trong bùn lăn xuống chiếu. Hồi gào lên, úp mặt xuống bàn tay mẹ khóc như điên dại.
Anh y sỹ tháo chiếc ống nghe từ tai ra, lấy cái đèn pin soi vào mắt bà Bân, lắc đầu nói với mọi người:
- Bà ấy đi rồi.
Ông trưởng xóm đặt tay lên đôi vai gầy đang run lên của Hồi, khẽ giục:
- Thôi, cháu buông màn xuống cho mẹ rồi ra đây bàn chuyện với bác.
Hồi lập cập đứng lên kéo cái màn xuống. Nếu như không mắc ở trên giường thì không ai nghĩ đấy là cái màn, vì trông nó như một cái vó rách bươm, bùng nhùng một màu nâu đất do ám khói. Đó chính là cái màn mà mấy người thân cận trong xóm đều biết bà Bân đã phải lặng lẽ đi bán máu ở bệnh viện để lấy tiền mua cho thằng Hồi với mong ước nó có thể tiếp tục đi học. Chuyện này, cho đến gần đây thằng Hồi mới được người láng giềng kể cho nghe.
* * *
Đám trẻ trâu trong làng vừa chạy từ đồi Keo xuống vừa hoảng loạn la hét:
- Anh...Hồi...Anh...Hồi!...chết bên mộ mẹ…rồi….
Dân làng hộc tốc chạy lên. Thằng Hồi hai tay ôm lấy mộ mẹ, một chân xích vào gốc cây keo gần đấy, bên cạnh là chiếc ba lô ngày trước nó vẫn thường đeo đi học. Chẳng biết có gì trong ấy mà căng phồng.
Chiếc ba lô được mở. Thì ra toàn là sách vở của lớp 12. Dưới đáy ba lô là cái màn mầu nâu đất. Một góc màn bị xé toạc. Mọi người sửng sốt nhận ra mảnh màn bị xé chính là cái khăn tang mà Hồi đã đội trên đầu.
Nhìn cảnh tượng ấy, ai cũng ngậm ngùi. Người láng giềng nhà Hồi tỏ ra hiểu biết:
- Nó định xuống đấy để làm lại tất cả mọi chuyện mà ở trần gian nó bất lực. Chiếc khăn tang của nó không phải là khăn tang bình thường đâu bà con ạ. Nó đội máu của mẹ nó lên đầu đấy.
Ngày làm tang lễ cho Hồi, người làng Ao Liễng vừa đốt từng trang sách vừa cầu nguyện cho nó được học hành thành đạt, điều mà khi ở trần gian, do đi sai đường mà hai mẹ con Hồi không thực hiện được.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...