Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
10:13 (GMT +7)

Văn học Việt Nam 2016 – phác thảo từ những sự kiện

VNTN - Năm 2016 là năm văn học Việt Nam có nhiều sự kiện. Nhìn lại một năm đã qua, với văn học – trên bình diện nghĩa rộng nhất của thuật ngữ này, chúng ta có thể nhận ra những động hướng của xã hội, của tinh thần và thời đại.

Năm 2016 có thể được xem là năm của những hoạt động tổng kết. Theo đó, trong năm này, chúng ta đã tiến hành các Hội thảo, toạ đàm, hội nghị tổng kết 30 năm đổi mới văn học nghệ thuật. Đáng lưu ý là Toạ đàm: Nhìn lại 30 năm văn học thời kỳ đổi mới của Báo Văn nghệ (4/2016); Hội thảo quốc gia: Thế hệ nhà văn sau 1975 (4/ 2016) tại Đại học Văn hoá; Hội nghị: Văn học - 30 năm đổi mới và phát triển của Hội Nhà văn (6/2016) tổ chức tại Tam Đảo,… Đây là những hoạt động có tính chất tỏng kết, đánh giá nhằm nhận diện tình hình văn học nghệ thuật năm vừa qua. Từ nội dung của các cuộc toạ đàm, hội nghị, hội thảo này, vấn đề thế hệ nhà văn sau 1975, sau 1986, các vấn đề thi pháp nghệ thuật, hệ hình thẩm mỹ, ngôn ngữ, cảm thức đời sống, cảm thức nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật, quan niệm nhân sinh, quan niệm giá trị,… dần có những chuyển biến sau giải phóng và tiến hành đổi mới. Một lực lượng người viết sinh ra sau thời điểm đất nước giải phóng, được tiếp thêm động lực, cảm hứng từ sau đổi mới đã đem đến diện mạo đa dạng, sinh động hơn cho văn chương Việt Nam. Từ những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Xuân Khánh, Mai Văn Phấn, Dương Kiều Minh, Nguyễn Bình Phương đến sáng tác của Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đinh Vũ Hoàng Nguyên, Lãng Thanh, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Hưng, Lữ Thị Mai, Nguyễn Thị Kim Hoà, Đinh Phương, Tống Ngọc Hân, Doãn Dũng, Nguyễn Phong Việt, Lương Đình Khoa,… chúng ta đã có thể hình dung về hành trình của những thế hệ người viết từ sau giải phóng và tiến hành đổi mới. Đó là những thế hệ có điều kiện được phát triển khá đầy đủ trong không gian văn học rộng mở - nền tảng căn cốt để sáng tạo nghệ thuật. Và, rõ ràng, với những tên tuổi vừa nêu lên, sáng tác của họ đang làm nên phần sáng nhất của văn đàn Việt Nam 30 năm qua.

Hơn 100 cây bút trẻ tiêu biểu dự Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX. (Ảnh: VOV)

Từ góc độ xuất bản và in ấn, phát hành, năm 2016 có thể nói vẫn tiếp tục mạch vận động trong nhiều năm trước của văn học Việt Nam. Có người nhận định văn chương năm 2016 trầm lắng. Tôi cho rằng, không hẳn là như thế, hoặc sẽ có nhận định khác từ những góc nhìn khác. Chẳng hạn, nếu tiến hành một khảo sát nhanh trên biên mục lưu chiểu của Thư viện Quốc gia Việt Nam, với các từ khoá cụ thể nhất (thể loại – năm), chúng ta có: Tiểu thuyết xuất hiện gần 1000 kết quả, Thơ gần 700 kết quả, Truyện ngắn gần 500, Tản văn hơn 150,… Dĩ nhiên, cần những thao tác khác để chọn lọc và có con số gần gũi, sát đúng hơn với diễn biến thể loại, tuy nhiên, điều đó nói lên mặt bằng xuất bản là khá cao. Theo những nhà quản lý xuất bản, con số này còn thấp so với thực tế in ấn, xuất bản tại các nhà xuất bản, các công ty sách, công ty Văn hoá truyền thông. Vấn đề chúng ta dễ thấy chính là, Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí, với nhiều diễn đàn, không gian dành cho văn học. Việt Nam cũng có 55 Nhà xuất bản (43 Trung ương và 12 địa phương), có 4 Đại diện Nxb nước ngoài đã được cấp phép, cùng rất nhiều công ty văn hoá, truyền thông,… Điều đó nói lên cơ cấu xuất bản, in ấn – đầu ra cho sáng tác là rất lớn. Một phân tích kỹ hơn vào từng thể loại – Tiểu thuyết, năm qua, những tác phẩm tinh hoa, kinh điển của tiểu thuyết thế giới vẫn được tái bản. Dòng tiểu thuyết ngôn tình, đam mỹ vẫn khá sôi nổi. Các tác giả tiểu thuyết trong nước vẫn được tái bản. Ở các thể loại khác, người đọc quan tâm sẽ nhận thấy sự trỗi dậy của một lực lượng sáng tác mới, trẻ trung, năng động, gắn với truyền thông, Internet nhiều hơn. Đó là Chu Thuỳ Anh, Nhật Phi, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hoà, Lê Vũ Trường Giang, Lê Minh Phong,… Bên cạnh đó, những tên tuổi như Gào, Hamlet Trương, Iris Cao, Minh Nhật, Kawi Hồng Phương, Nguyễn Ngọc Thạch, Born, Nguyễn Phong Việt,… cũng đang làm nóng văn đàn với những sáng tác gắn với không gian mạng của họ.

Ở mảng phê bình, năm 2016, theo quan sát của người viết, có khá nhiều tiểu luận phê bình ra đời - khoảng hơn gần 30 tiểu luận – phê bình văn học được xuất bản. Đối với mảng này, những tên tuổi còn trẻ, đang ở độ sung sức nhất của đời viết là Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương, Trần Thiện Khanh, Phan Tuấn Anh, Hoàng Đăng Khoa, Đoàn Minh Tâm, Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Thuỵ Anh, Ngô Hương Giang… cũng đem đến những niềm tin cho tương lai của phê bình Việt Nam.

Năm 2016 là năm của những người viết văn trẻ. Hội nghị Đại biểu viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX diễn ra ở Hà Nội tháng 9/2016 có thể nói là một sự kiện quan trọng  của lực lượng viết trẻ ở Việt Nam. Đây là cơ hội để những người viết văn trẻ gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhan. Đó còn là cơ hội cho những thế hệ viết đến gần nhau hơn, những di sản văn chương nghệ thuật được trao truyền, tiếp nối. Hơn 100 đại biểu những người viết văn trẻ đến từ khắp mọi miền tổ quốc – dù không phải là tất cả, dù có thể chưa thể đại diện, nhưng đó là những điểm sáng để công chúng và những người quan tâm đến văn học Việt Nam có thêm niềm tin vào tương lai của văn học.

Năm 2016 đánh dấu sự trở lại của một số gương mặt lớn của văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Đối với những người quan tâm đến quá trình hiện đại hoá văn học, quá trình trưởng thành của nền văn hoá – văn minh Việt Nam khi tiếp cận với văn minh phương Tây, những tên tuổi như Nguyễn Văn Huyên, Lương Đức Thiệp, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Đức Thảo, Trương Vĩnh Ký,… là những chỉ dấu quan trọng không thể bỏ qua. Trước tác của những người này, cùng câu chuyện cuộc đời, sự nghiệp, tinh thần, tư tưởng của họ là cẩm nang của những nghiên cứu văn hoá học, nhân học, dân tộc học để hiểu hơn về Việt Nam trong hành trình đi ra thế giới.

Năm 2016 cũng là năm ghi dấu 100 năm sinh của nhiều thi sĩ Thơ mới. Xuân Diệu, Bích Khê, Hồ Dzếnh, Vũ Hoàng Chương,… Cùng với dịp này, một loạt các Hội thảo, toạ đàm đã diễn ra nhằm vin danh những thi sĩ đã làm nên “Một thời đại trong thi ca” (Hoài Thanh). Sở dĩ, sự kiện này rất đáng nhắc lại, bởi sự vang hưởng của Thơ mới đối với thơ đương đại cũng như vị trí thực sự quan trọng của Xuân Diệu, Bích Khê trong diễn trình thơ Việt từ truyền thống đến hiện đại.

Năm 2016 ghi dấu những quan tâm của giới học thuật đối với “một vùng văn học bị lãng quên” – Văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ. Hội thảo quốc gia: Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ diễn ra vào tháng 10/2016 do Viện Văn học – Đại học KHXHNV TP HCM – Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) đồng tổ chức đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ đối với quá trình hiện đại hoá Văn học Việt Nam.

Năm 2016 cũng là năm sôi động của các cuộc thi (thi thơ trên Văn nghệ quân đội, truyện ngắn trên báo Văn nghệ,…). Các cuộc thi này đã đi được hơn một nửa hành trình và đang cho thấy những dấu hiện khả quan cả về số lượng và chất lượng. Với uy tín của mình, Văn nghệ và Văn nghệ quân đội đang là hai trong số những cái nôi quan trọng của Văn học Việt Nam. Sự xuất hiện ở diễn đàn này cho thấy tính chính thống cũng như là một đảm bảo về mặt chất lượng nghệ thuật.

Một vấn đề mà nhiều người bận tâm cho văn học 2016 chính là năm qua chúng ta chưa có những sáng tác thực sự gây được ấn tượng, tạo thành hiện tượng, điểm nhấn của trong mặt bằng chung của cả nước. Điều đó cũng là lẽ thường, tôi cho như vậy, vì tài năng hay kiệt tác không phải là những giá trị có thể dễ kiếm tìm hay nhận ra trong những khoảng không thời gian hạn hẹp. Lịch sử cần thêm thời gian, công chúng cần thêm những suy tư, lắng đọng để có thể tinh lọc được các giá trị khả dĩ có thể tồn tại lâu dài được với thời gian.

Năm 2016 khép lại, những điều đã có, đã ở đấy và đang cần soi chiếu, thẩm định lại một cách cẩn trọng. Tuy nhiên, như tâm thức của cư dân Việt, những hy vọng ở những mùa sau vẫn thường khiến người ta tự tin hơn trên chặng đường trước mắt. Trong một cảm nhận, dù còn khá sớm để nói, nhưng, những giá trị, những thành tựu đã được kiểm chứng dường như đang trở lại. Cùng với đó, những kiến tạo mới cũng đang dần cho thấy nỗ lực đẩy cỗ xe văn học đi về phía trước. Còn gì hơn trong đời sống này là những niềm hi vọng.

Nguyễn Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy