Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
18:43 (GMT +7)

Văn hóa đọc sách văn học hiện nay: Mai một vì đâu?

Như chúng ta đã biết, sách có từ xa xưa, từ khi có chữ viết. Tất nhiên không phải là cuốn sách mà là những nét vẽ trên vách hang đá, rồi trên tấm da thú, sau nữa là trên vỏ cây, thẻ trúc, tre.

Lịch sử công nghệ in ấn đã trải qua hàng nghìn năm. Trước khi Julian Gutenberg người Đức chế tạo ra máy in vào năm 1454 thì vẫn là in cơ học, là chép tay. Cuốn sách đầu tiên được in thành cuốn sách là Kinh Thánh vào năm 1454 ở nhà in của Gutenberg. Từ đó thế giới sách và văn hóa đọc bước vào thời kỳ huy hoàng. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ in ấn thì nghệ thuật tranh minh họa sách cũng phát triển nhanh chóng, chất lượng và mỹ thuật, nhất là từ khi bìa sách ra đời vào năm 1832.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Trên thế giới có bao nhiêu chữ viết thì có bấy nhiêu loại sách nhưng ngày nay có thể tập trung vào nhóm sách chữ Hán, chữ Sla-vơ và chữ Latin. Chữ Quốc ngữ Việt Nam đang dùng thuộc nhóm Latin và cuốn sách có chữ quốc ngữ được in năm 1651 ở Roma (Italia), đang còn lưu giữ ở nhà thờ Măng Lăng, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Sách là công cụ chủ yếu của văn hóa đọc. Có rất nhiều loại sách: sách khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Rồi sách về tôn giáo, tín ngưỡng v.v... Ở đây chúng tôi muốn nói đến sách văn chương, nói về văn hóa đọc sách văn học, bởi nó có vai trò và ảnh hưởng lớn trong văn hóa đọc. Cùng với văn học viết, văn hóa đọc đã ra đời và phát triển, nhưng dường như đang bị suy yếu - đến nguy cơ suy tàn - như bao lo lắng của xã hội. Xin chia sẻ đôi điều suy ngẫm cho câu hỏi “văn hóa đọc sách văn học có xu hướng mai một do đâu?”.

Các trường phổ thông, đại học và vấn đề giảng dạy Ngữ văn

Ngữ văn là một tích hợp giữa văn học (literature) và ngôn ngữ (linguistic) thành Ngữ văn (philology). Sách Ngữ văn là một tích hợp do các nhà viết sách giáo khoa sáng tạo, nhưng dường như rất bất hợp lí. Ngữ văn có thể là bộ môn cần thiết cho những người giảng dạy, cho một bộ phận nhỏ làm công tác nghiên cứu chứ không phải cho tất cả học sinh, sinh viên học văn, học ngôn ngữ, càng không phải cho tất cả công chúng đọc sách.

Các nhà lý luận văn học đã chỉ ra các chức năng của văn học (và với văn nghệ nói chung) là nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. Sau này người ta thêm vào chức năng thông tin và dự báo... Những chức năng của văn học này được đưa vào sách giáo khoa, được giảng dạy từ phổ thông đến đại học cho bao nhiêu thế hệ, trong khi đó chức năng đầu tiên và xuyên suốt lịch sử từ khởi đầu của văn học (và văn nghệ) thì dường như bị quên hoặc coi nhẹ, là chức năng Giải trí. Trong thực tế, Giải trí bao hàm tất cả các chức năng.

Học sinh, sinh viên phải được dạy văn học là đọc cảm tức là cần tư duy tình cảm. Cảm cái hay cái đẹp với mục đích ban đầu là giải trí, rồi mới đến các chức năng khác.

Còn ngôn ngữ là quy luật, quy tắc của tiếng nói, âm vận, ngữ nghĩa, ngữ pháp... Ngôn ngữ yêu cầu phải đọc hiểu, nó đòi hỏi tư duy logic.

“Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/ Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh” của Đoàn Phú Tứ, hay “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” của Xuân Sanh, hoặc “Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du - người đọc cảm chứ hiểu điều gì ở đây!?

Các “nhà văn”, “nhà thơ”

Ta thử kiểm lại xem, cho đến hết thế kỷ XIX chúng ta có được bao nhiêu tác phẩm văn học? Trong đó văn xuôi chỉ có vài trăm bản chép tay và in khắc gỗ, nếu tính từ tác giả viết văn xuôi sớm nhất là Nguyễn Khoa Chiêm (1659 - 1736) với Nam triều công nghiệp diễn chí (Đại Nam liệt truyện tiền biên) năm 1719; tiếp đó là Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn phái năm 1804 và Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác năm 1885. Vậy nhưng thế kỷ XX chúng ta đã có hàng trăm “nhà văn” với hàng nghìn “tác phẩm” của các nhà văn (trong Hội Nhà văn Việt Nam và không ít người viết không phải hội viên Hội Nhà văn). Nhiều “tác phẩm” viết ra không có bất kỳ chức năng nào của văn học nghệ thuật. Người viết phải chăng cũng không quan tâm đến có ai đọc sách họ hay không?

Đã qua rồi những người văn viết dù nghèo đói, bị đàn áp nhưng vẫn sống chết với nghiệp viết như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Phùng Quán, Nguyễn Bính... Thế giới không ít nhà văn như thế. Cervantes với Donquixote lừng danh đã phải sống nghèo đói xác xơ. Balzac chẳng đã ngập trong nợ nần cho đến lúc chết. Oscar Wilde người khai sinh Văn học Suy đồi Anh thế kỷ XIX cũng chết trong nghèo đói và bệnh tật. Nhà văn đúng nghĩa là sống phải viết văn. Viết để giải tỏa ẩn ức (như Phân tâm học của Freud chứng minh) trước hiện thực xã hội. Viết để mưu sinh (dù nhuận bút thời nào cũng khiêm tốn).

Tất nhiên cũng có những nhà văn đúng nghĩa. Nhưng tác phẩm văn học của các nhà văn đúng nghĩa - dù hay - vẫn ít người đọc nên nhà xuất bản không thể in số lượng nhiều như trước đây. Số lượng sách này không đại diện cho thị trường sách hiện nay. Quan niệm ai cũng viết văn được - miễn là biết chữ, ở một khía cạnh nào đó đang gây ảnh hưởng không tốt đến văn chương và văn hóa đọc.

Với thơ càng thấy rõ. Mười thế kỷ văn học sau thơ văn thời Lý - Trần ta mới có được một Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cả thế kỷ XVIII mới có được một Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm, mới có một Bà huyện Thanh quan và Hồ Xuân Hương. Thơ của họ cùng với Hoa Tiên (Nguyễn Huy Tự) Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều) với vài nhà thơ khác cũng chỉ có mươi mười lăm đầu sách là cùng.

Chừng ấy đầu sách - những tác phẩm tinh hoa của văn học Việt Nam hơn 10 thế kỷ - nên người ta trân trọng, tìm đọc.

Khoa bảng của 10 thế kỷ (1075 - 1919) không thi khoa học tự nhiên và kỹ thuật, chỉ có văn chương, đến triết học cũng không có. Nói là “thiên kinh vạn quyển” nhưng thực tế cũng xoay quanh Tứ Thư - Ngũ Kinh. Các ông nghè, ông cống đựng sách vào xích đông, giá sách, vào bồ chứ làm gì phải tủ sách, thư viện. Đi thi cũng chỉ gánh bồ sách là đủ (mời đọc Lều chõng của Ngô Tất Tố).

Khi Tự Đức, ông vua hay chữ và giỏi thơ ca ngợi:

“Văn như Siêu Quát vô tiền Hán

Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”

(Văn hay như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì thời Tiền Hán (nổi tiếng văn hay) cũng không sánh kịp. Thơ hay như thơ Tùng Thiện vương (Miên Thẩm) và Tuy Lý vương (Miên Trinh) thì thơ thời Thịnh Đường cũng chịu thua).

Rồi cũng nhà vua khen Cao Bá Quát: “Thế gian có năm bồ chữ thì nhà ngươi chiếm ba bồ”. Đến “thánh” mà cũng chỉ có 3 bồ! Giờ thì sinh viên đại học, chỉ cần cái USB trong cặp sách đã có tới mấy lần hơn thánh Cao Bá Quát! Ở đời thường cái gì ít, hiếm người ta mới quý.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Nhiều nhà thơ cổ kim đông tây để lại cho đời chỉ một, hai bài thơ nhưng sống mãi với thơ của họ. Bởi vì là thơ thật. Có người chỉ để lại vài câu thôi, thậm chí chỉ có 2 câu như Tô Lân (Thời Trung Đường - Tống Nhân Tông):

Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt

Hướng dương hoa mộc dị vi xuân.

(Cúi mặt xuống gần mặt nước, tòa lâu đài lộng lẫy sẽ được ngắm vẻ đẹp của ánh trăng đầu tiên/ Hướng về vầng thái dương hoa cỏ dù đơn sơ cũng trở nên vô cùng tươi tốt giống như đang ở trong mùa xuân).

Để có một tác phẩm văn học thật không dễ. Nhà văn phải gọt giũa từng chữ, từng câu.

Để có bài thơ tuyệt vời “Tràng Giang”, Huy Cận đã phải sửa chữa 9 lần mới được câu thơ “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. 

Đến như Giả Đảo (779 - 843) một trong những nhà thơ nổi tiếng đời Đường cũng đã từng thú nhận “Nhị cú tam niên đắc/ Nhất ngâm song lệ lưu” (Ba năm mới viết được hai câu/ Mỗi lần ngâm lên nước mắt chảy hai hàng).

Vĩnh biệt vũ khí của Hemingway được viết lại 6 lần. Chữ “máu” trong câu tả máu người thương binh ở trên cáng nhỏ xuống, ông đã mất mấy đêm mới viết được “giọt máu màu grey” - màu đỏ nâu, đỏ xám, màu đỏ u ám, buồn tẻ - bởi máu khi chảy ra bị ô xi hóa không còn màu đỏ (red) nữa.

Chúng ta cũng đã biết Tuyên ngôn độc lập, bản hùng văn sánh với Hịch tướng sỹ của Trần Hưng Đạo và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Bác Hồ đã phải viết đi viết lại không dưới 18 lần.

Các nhà xuất bản, công nghệ thông tin và truyền thông

Với sự phát triển của công nghệ in ấn và công nghiệp giấy in, nhiều và rẻ, hàng năm mỗi nhà xuất bản cho ra hàng triệu bản in. Sách đẹp, giấy tốt, bìa đẹp, màu bắt mắt, hấp dẫn nhưng nội dung thì dường như chưa tương xứng.

Trước đây Tự lực Văn đoàn có nhà xuất bản Đời nay. Họ chịu trách nhiệm cả nội dung và nghệ thuật, được thẩm định chất lượng kỹ càng nên sách của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam... in ra được xã hội đón nhận và lưu giữ đến mai sau. Còn bây giờ các nhà xuất bản thực hiện triệt để mục tiêu “xã hội hóa” với chính sách liên kết cùng nhà sách, tác giả... Vì vậy sách in ra vô tội vạ nhưng chất lượng, giá trị của nhiều cuốn sách thì kém đi. Người đọc lựa chọn sách để đọc, trong số hàng trăm đầu sách may ra được dăm ba quyển. Mất thời gian và chán nản đành… thôi đọc sách vậy.

Cuối thế kỷ XX nhân loại bước vào thời đại mới. Thời đại của 4.0, thời đại của thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ chuyển sang thời đại số. Công nghệ truyền thông làm thay đổi nhanh chóng đời sống xã hội của thế giới. Thế giới phẳng và hội nhập về mọi mặt. Thời gian và không gian thay đổi. Trái đất rộng mênh mông nhưng giờ đây chỉ là cái bàn trà, chỉ là “giọt lệ giữa không gian”. Cũng chỉ có 24 giờ một ngày đêm nhưng con người có thể lên vũ trụ, tên lửa vượt đại châu bay được mấy vòng quanh trái đất, con người làm được bao nhiêu việc. Nhưng mặt khác con người chỉ có một thời gian sống nhất định, không dài hơn, giống như cái thẻ điện thoại. Dùng đến đâu hết đến đó, giống như kiếp người: “Kiếp xưa đã vụng đường tu/ Kiếp nay chẳng kẻo đền bù mới xuôi” (Truyện Kiều) và mỗi ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ để lao động, ngủ, ăn (là cố định) và sinh hoạt cá nhân. Thời gian để giải trí có thể là thể thao, thể dục, là nghe hát, xem phim hay đọc sách.

Văn hóa đọc đã gợi ý cho các nhà văn, nhà thơ là thôi viết dài như thế kỷ XX về trước. Những bộ sách trường thiên, nhiều tập hàng trăm trang của La Quán Trung, Tào Tuyết Cần, A. Dumas, V. Hugo, Flaube, A.Tolstoy, M.Sholokhov... gần như chẳng ai có thời gian mà đọc.

Từ đó sách được viết ngắn, cực ngắn, nội dung được chia nhỏ thành chương hồi đủ một câu chuyện. Ngay cả những tác phẩm được giải thưởng Nobel cũng ngắn như Ông già và biển cả (Hemingway không quá 100 trang), W.Faulkner, S. Becket, G.Marquez...

Sau những đóng góp quan trọng cho văn hóa đọc (như đã nêu trên), công nghệ truyền thông, với các phương tiện truyền thông, nghe nhìn đã nhanh chóng đưa bạn đọc đến với tác phẩm văn học. Bất cứ một cuốn sách nào, bài thơ nào của ai, vừa ra đời là mọi người trên trái đất đều biết. Chưa nói đến nạn in lậu sách, sao đĩa phim ảnh, ca nhạc làm nhiều quốc gia đau đầu.

Xã hội hiện đại, con người cũng thay đổi nhu cầu thưởng thức văn hóa, trong đó có sách văn học. Chức năng giáo dục và nhận thức lùi lại phía sau. Ngày nay quan trọng nhất là chức năng và nhu cầu thông tin, giải trí. Thông tin thì báo chí, TV, radio làm tốt hơn sách. Thời gian mỗi người hàng ngày dành để tiếp nhận thông tin là nhiều nhất. Từ khi có máy tính (computer), có điện thoại thông minh với Smart phone, TV, Radio, Casete, iPad, iPhone, USB, Walkman,… đã lấn át sách, báo in vì tiện lợi và kịp thời. Bất cứ nơi đâu có internet, wifi là nhận được những điều mình muốn, qua Google, Twitter, Gmail... dù đang ở trong rừng sâu hay dưới đáy đại dương. Ngay cả Kinh Thánh, Kinh Phật, Kinh Cô-ran đến với giáo dân cũng bằng con đường này, nghĩa là chẳng cần nhà thờ, chùa chiền hay giáo đường và sách kinh. Vậy thì người ta chọn sách, mua sách, đọc sách làm gì.

Có một định nghĩa mới về con người như sau: Con người là sinh vật có đầu, chân tay và điện thoại di động (nghĩa là đã là con người thì không thể thiếu điện thoại di động). Khi đi ngủ, đầu giường, dưới gối có điện thoại di động. Tỉnh giấc vớ ngay, mở lướt xem Facebook, Zalo, đi làm để vào túi xách tay hay túi quần. Chờ xe ở bến, mở điện thoại di động, hẹn người yêu mở điện thoại đọc tin... thế thì thời gian đâu nữa mà đọc sách. Nếu cần lắm về cuốn sách nào đó thì mở kênh đọc sách ngay trên điện thoại hoặc mua USB cài vào là nghe giọng thánh thót dịu êm của người đọc. Thế thì ai cần đọc sách nữa mà phải lo lắng cho văn hóa đọc (sách văn học). Chỉ một USB, hay máy đọc sách có dung lượng chứa vài trăm cuốn sách thì người ta mua và giữ sách làm gì. Cơ sở vật chất và điều kiện để đọc sách không có thì nói gì đến văn hóa đọc…

***

Không làm khác được khi cuộc sống bắt buộc phải chấp nhận quy luật. Con người chỉ có thể cải biến quy luật cho phù hợp với cuộc sống nhưng không bao giờ cưỡng lại được quy luật.

Văn hóa là những gì do con người làm ra và phục vụ con người. Nó có quy luật bài trừ những gì không phù hợp và lưu giữ những gì phục vụ con người. Vì vậy mà hy vọng văn hóa đọc sẽ không mất bởi còn con người thì còn người đọc sách.

Lê Thị Hạnh Liên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy