Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
18:05 (GMT +7)

Ứng xử với “đúng – sai” trong cuộc sống

Chiến tranh Nga - Ucraina nổ ra, thì gần như ngay lập tức dư luận cũng nổ ra một cuộc chiến bàn về sự “đúng - sai” của hai bên tham chiến. Những người ủng hộ Ucraina cho rằng Nga vi phạm luật pháp quốc tế khi dùng vũ lực tấn công một quốc gia có chủ quyền. Ở chiều ngược lại, không ít người lại cho rằng Nga buộc phải làm vậy vì khi NATO mở rộng tới Ucraina sẽ đe dọa an ninh của Nga. Khi căng thẳng leo thang tới đỉnh điểm, thì chiến tranh xảy ra như là một tất yếu, bởi chính C.Mác đã từng nói “Cố nhiên, vũ khí của sự phê phán không thể thay được bằng sự phê phán bằng vũ khí; lực lượng vật chất chỉ có thể đánh đổi bằng lực lượng vật chất,…”. Như vậy, bên nào cũng có lí của mình, ở ngoài nhìn vào, thật khó nói ai sai, ai đúng.

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường xuyên gặp những vấn đề như thế. Đó là những vấn đề gây tranh luận, thậm chí tranh cãi nảy lửa, và không ít trường hợp dẫn đến “ném đá”, dè bửu, chê bôi, miệt thị, thóa mạ nhau… nhất là trên mạng xã hội. Nào là chuyện ca sĩ T.T quyên góp từ thiện có gì sai; nào là cách ly tập trung hay không cách ly tập trung, lập chốt hay không lập chốt, học trực tiếp hay học online,… khi dịch Covid bùng phát; rồi đến cả những chuyện như có nên cấm ăn thịt chó hay không cấm cũng một thời ồn ã.

Trong giáo dục cũng không ít những chuyện tranh cãi đúng - sai mà phần “thắng - bại” sau đó không thể nói đã phân minh. Vận dụng câu tục ngữ “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, không ít bậc cha mẹ dùng đòn roi để răn dạy con em. Nhưng nghiệp vụ sư phạm và nghệ thuật giáo dục thì không cho phép sử dụng vũ lực. Hay như một số tác phẩm văn học được chọn đưa vào sách giáo khoa, sau đó đã gây tranh cãi, làm “dậy sóng” cộng đồng mạng (như bài thơ "Bắt nạt" khi đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 mới đây)...

Dĩ nhiên, về cơ bản các cuộc tranh cãi “đúng - sai” vẫn luôn chia làm 2 “phe”: ủng hộ và phản đối, và phe nào cũng có lí sự của mình. Những lí luận đó đều xác đáng, khiến người xem lúng túng, không biết ai sai, ai đúng.

Trước những vấn đề “đúng - sai” chưa phân minh ấy, ta nên ứng xử ra sao cho phù hợp, âu cũng là điều đáng bàn.

Như thế nào mà một hiện tượng bị đánh giá là sai? Phải chăng vì nó đi ngược với chuẩn mực đạo đức của xã hội? Thông thường, người ta vẫn luôn nghĩ về việc đúng sai ở đời theo một cách đơn giản nhất: đúng là đúng và sai là sai, và không đi vào lí giải một cách khách quan về sự “đúng - sai” đó. Sự thật rằng xã hội vẫn luôn thay đổi song hành với thời gian và sự phát triển của con người, vì vậy những “chuẩn mực đạo đức” cũng sẽ thay đổi theo sự phát triển tư duy và nhận thức của con người, bởi hiện thực khách quan là đối tượng phản ánh của tư duy. Cho nên, không có bất kì một sự việc là nào là hoàn toàn sai, chỉ có những cái gọi là “đã từng đúng” hay là “chưa đúng”. Thậm chí, nó có thể đúng lúc này, ở một mặt này nhưng cũng có thể sai ở mặt khác, sai ở lúc khác.

Ở đây, chúng ta lại phải xem thêm về khái niệm và mối quan hệ giữa chân lí tương đối và chân lí tuyệt đối mà các nhà triết học đã chỉ ra. Chân lí nhìn chung chỉ là tương đối vì tư duy con người chỉ có hạn còn thế giới khách quan là vô cùng tận, biến đổi, phát triển không ngừng. Nhưng cũng có chân lí tuyệt đối khi khuôn nó vào một điều kiện cụ thể như kiểu 1+ 1 = 2. Hai mệnh đề ấy không có gì mâu thuẫn, mà ngược lại, chúng có mối quan hệ gắn bó lẫn nhau. Còn nếu nghi ngờ, người ta sẽ dễ rơi vào trường phái “nhị nguyên”, nghĩa là cả hai đều đúng.

Thêm nữa, “chân lí là cụ thể”, nghĩa rằng một mệnh đề nào đó chỉ được xác nhận là đúng khi nó được đặt trong một điều kiện nhất định. Giống như khi gà đang trên ổ để đẻ trứng thì “gà đẻ ra trứng”, còn khi trứng được gà mẹ ấp và nở ra gà con thì là “trứng đẻ ra gà” - cách để xem xét, trả lời cho câu hỏi “gà đẻ ra trứng hay trứng đẻ ra gà” bấy lâu nay vẫn gây tranh cãi. Nó cũng giải thích cho việc tại sao có những điều cứ “nay đúng, mai sai, ngày kia lại đúng”, bởi điều kiện để xác định chân lí đã thay đổi.

Trở lại với câu chuyện “sai - đúng” nêu trên, chúng ta có thể nhận định: với mỗi sự việc, để đánh giá nó “sai” hay “đúng” còn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể, theo quan điểm, chuẩn mực của từng đối tượng cụ thể. Và như vậy, với người này/ nhóm người này là đúng, còn với người kia/ nhóm người kia là sai. Cùng với đó, việc phân minh sai - đúng cũng phải dựa trên cơ sở khoa học, nhưng trong cuộc sống có vô vàn tình huống cụ thể chưa được “chuẩn hóa” vào các quy định đó. Khi ấy, “đúng - sai” chỉ là một sự đánh giá cá nhân.

Nếu thừa nhận “Chân lí chỉ là tương đối” và sự “đúng - sai” trong cuộc sống là phức tạp, không dễ gì nhận diện, đánh giá, thì nên chăng mỗi người cần bình tĩnh ứng xử, xem xét cho thấu đáo. Điều quan trọng là thu nạp kiến thức, xem xét các điều kiện cụ thể, các chuẩn mực hiện hành, từ đó mới tiến hành nhận diện sự sai - đúng của sự việc để tránh những kết luận hồ đồ, những sai lầm đáng tiếc.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Thực thần – dễ có ngày bán mạng

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Băn khoăn… chờ lương mới

Xem tin nổi bật 6 tháng trước