Ứng dụng công nghệ: “Giữ lửa đam mê”
VNTN- Từ sáng kiến phát trực tuyến các chương trình nghệ thuật trong điều kiện cả nước gồng mình chống chọi với đại dịch Covid 19, đến nay, nhiều đơn vị nghệ thuật đã sử dụng công nghệ như một phương tiện “giữ lửa đam mê”, tạo cơ hội cho người làm nghệ thuật và khán giả dù không đến rạp vẫn có thể thưởng thức những tác phẩm, những chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Những trải nghiệm mới
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch (VNOB), một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật khá sớm. Ngoài số hóa những tác phẩm nghệ thuật phát trực tuyến, đơn vị này đã bắt đầu sử dụng quét mã QR trên màn hình sân khấu trước giờ biểu diễn để khán giả có thể tìm hiểu trước về nội dung vở diễn, các diễn viên tham gia, thứ tự các tiết mục.... Có thể kể ra một số vở diễn như: “Hàm lệ Minh Châu” (2022) và gần đây nhất là vở “Ballet Đông Hồ” (2023); vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”… việc gắn mã QR không chỉ giúp nhà hát tiết kiệm một phần chi phí in tờ rơi, mà còn giúp khán giả chủ động trong việc tiếp cận buổi diễn. Việc tích cực thay đổi, ứng dụng công nghệ và làm mới các chương trình, nhiều vở diễn của VNOB gần đây, đã tạo ra sự đột phá trong cách thể hiện, kết hợp độc đáo giữa sân khấu tối giản và công nghệ Visual LED hiện đại, kết hợp giữa nghệ thuật thị giác với nghệ thuật trình diễn nhạc kịch, mang lại những trải nghiệm mới cho khán giả. Nhiều vở diễn đã có trailer giới thiệu trên kênh YouTube riêng của Nhà hát như vở ballet “Giselle”. Nhà hát đang có kế hoạch mở rộng thêm kênh TikTok để thu hút nhiều khán giả đến với các vở diễn nghệ thuật hàn lâm chất lượng cao. Theo lãnh đạo VNOB, Khi truy cập vào website của Nhà hát nhahatnhacvukichvietnam.com, khán giả sẽ thấy một ô cửa sổ Chat với VNOB hiện trên màn hình. Bất cứ mọi thắc mắc, mọi câu hỏi liên quan tới vở diễn đều được trả lời trong thời gian ngắn. Không chỉ áp dụng công nghệ trong chuyên môn, Nhà hát còn áp dụng kĩ thuật số vào công tác nhân sự, tạo kho dữ liệu số theo chủ trương của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
Không chỉ có VNOB, tiên phong trong sử dụng công nghệ phục vụ đắc lực cho biểu diễn nghệ thuật, tại Nhà hát Tuổi trẻ, công nghệ cũng đang trở thành kênh truyền thông hữu hiệu. NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ: Nhà hát Tuổi trẻ đã đầu tư nhân lực để xây dựng nội dung cho fanpage. Nhà hát rất quan tâm tới các chỉ số như lượng người theo dõi, lượng người truy cập, tỷ lệ tương tác, bình luận trong từng bài đăng trên fanpage của Nhà hát, theo từng giai đoạn để từ đó có những điều chỉnh hợp lý. Việc quảng bá hiệu quả đã đóng góp tích cực về doanh thu phòng vé. Việc Nhà hát tương tác, trả lời khán giả trên các trang mạng xã hội được xác định như khâu chăm sóc khách hàng.
Như vậy, công nghệ đã và đang tạo ra sự tương tác giữa các đơn vị nghệ thuật với công chung yêu nghệ thuật. Đồng thời, tạo ra sự tò mò, kích thích mong muốn, khát khao đến rạp của khán giả, ngược lại, công nghệ cũng nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê của những người làm nghệ thuật.
Và cả những thách thức mới
Hiện, các chương trình nghệ thuật biểu diễn trực tuyến đã được đẩy mạnh song đi cùng với đó là không ít khó khăn, thách thức trong việc bảo vệ bản quyền.
Theo, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Thanh Ngoan, từ trước đến nay, việc gìn giữ các tư liệu văn hóa nghệ thuật chưa được chú trọng, việc bị thất lạc, mai một vốn văn hóa cổ truyền vẫn xảy ra. Khi áp dụng công nghệ số, chúng ta sẽ có một nơi lưu giữ an toàn. Với công nghệ số, khán giả có thể nghe đi nghe lại những bài hát, những làn điệu để tìm hiểu sâu hơn về âm nhạc truyền thống. “Nếu có bảo tàng số, có nghĩa là chúng ta có thể bảo tồn nhiều môn nghệ thuật truyền thống mà không sợ quá tải. Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống cũng gồm cả việc truyền thông ở trong nước và quốc tế, làm cho người trẻ yêu văn hóa nghệ thuật hơn. Song do cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, việc đầu tư nền tảng công nghệ số còn hạn chế cả về máy móc lẫn con người dẫn đến những rủi ro trong bảo vệ bản quyền là không tránh khỏi.
Vì vậy, muốn chuyển đổi số thành công và những tác phẩm nghệ thuật thực sự an toàn trên không gian mạng, đa số các nhà quản lý tại các đơn vị nghệ thuật cho rằng, trước hết cần có các phương tiện, công cụ kỹ thuật hiện đại hỗ trợ, đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số của thời đại 4.0. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyết chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đây được xem là bản lề cho công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, khuyến khích các đơn vị sử dụng các nền tảng công nghệ số trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật tạo hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, trong đó có số hóa vở diễn sân khấu. Hiện, Bộ VHTTDL đã ban hành quyết định 405QĐ-BVHTTDL ngày 24-2-2023 về Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ VHTTDL năm 2023. Trong đó nhấn mạnh đến nâng cấp hạ tầng số, rà soát, đánh giá toàn bộ hiện trạng thông tin dữ liệu hiện có tại từng đơn vị và hệ thống thông tin, phần mềm tương ứng có sử dụng thông tin, dữ liệu. Đồng thời cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng các nền tảng số. Bên cạnh đó là việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nghệ thuật. Đây là yếu tố then chốt để sản phẩm nghệ thuật “an toàn” trên không gian mạng, bởi thương hiệu chính là yếu tố quan trọng, là con gà đẻ trứng vàng của các đơn vị nghệ thuật.
Thách thức trong chuyển đổi số có thể vượt qua nếu các đơn vị nghệ thuật tận dụng được thời cơ, xu hướng và vượt lên những khó khăn nội tại xây dựng thành công chiến lược kinh doanh bài bản. Đã đến lúc cần coi những sản phẩm nghệ thuật là mặt hàng kinh doanh trên môi trường số. Muốn làm vậy, cần thay đổi nhận thức từ cấp quản lý đến người lao động và bản thân công chúng yêu nghệ thuật. Văn hóa ngoài yếu tố phục vụ nhu cầu thưởng thức tinh thần của công chúng còn là mặt hàng kinh doanh, vì vậy không thể kéo dài tình trạng “xài chùa” ; ăn cắp tác phẩm trên các nền tảng trực tuyến để thu lợi kinh tế.
Hẳn nhiều người còn nhớ, tại gameshow Sao nối ngôi với chủ đề “Hoán đổi”, phần trình diễn “Mình ơi, Lý son sắt” của diễn viên Gia Bảo không chỉ đã đem đến cho khán giả những xúc cảm bất ngờ, mà vai diễn còn chạm đến trái tim người xem nhờ câu chuyện về tình cảm vợ chồng. Tuy nhiên, ngay sau đó, khán giả đã thực sự thất vọng bởi tiết mục của Gia Bảo giống y hệt trích đoạn trong vở diễn “Tía ơi, má dìa” do NSƯT Thành Lộc thực hiện. NSƯT Thành Lộc và tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc - những người đã đem lại thành công cho “Tía ơi, má dìa” đã không giấu nổi sự thất vọng khi bình luận “chôm chỉa nguyên xi lời thoại và cả phần âm nhạc để thi gameshow” và vở diễn bị sử dụng 100% mà không hề xin phép.
Tình trạng biến cái chung thành riêng và ngang nhiên phồ biến cái chung trên không gian mạng đang trở nên ngày càng ngang nhiên và không hề có xu hướng dừng lại. Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, “sự lạc hậu, nếu diễn ra, sẽ tác động tai hại đến sự phát triển nghệ thuật của đất nước và ngược lại, nếu chuẩn bị tốt, chúng ta sẽ giúp nghệ thuật cất cánh, tạo điều kiện để nghệ thuật không chỉ giúp người dân giải trí, mà quan trọng hơn còn để bồi đắp đời sống tinh thần cao đẹp cho nhân dân...”.
Sự hỗ trợ của công nghệ, rõ ràng ngoài yếu tố tích cực là nuôi dưỡng đam mê” thì vẫn còn không ít những hệ lụy. Và để hướng tới một nền nghệ thuật biểu diễn thực sự lành mạnh trước hết, các đơn vị nghệ thuật cần có những giải pháp tự bảo vệ đứa con tinh thần của mình. Đồng thời, cần có sự chung tay, đồng lòng của các cấp, các ngành, các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn. Đây sẽ là động lực quan trọng để nghệ thuật biểu diễn thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó, tạo nên những hiệu quả mới trong sáng tạo nghệ thuật, từng bước đưa các loại hình của nghệ thuật biểu diễn hòa vào dòng chảy công nghiệp văn hóa từ “Giữa lửa đam mê”.
Quỳnh Hoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...