Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024
08:17 (GMT +7)

Truyện thơ Nôm Tày Thạch Sanh và câu trả lời cho quê hương người tráng sĩ

1. Vài nét về truyện thơ Nôm Tày Thạch Sanh

Truyện thơ là sản phẩm văn học, văn hóa của một dân tộc. Khi chữ Nôm ra đời, truyện thơ từ một loại hình văn học dân gian truyền miệng trở thành một thể loại văn học đặc trưng mang trong mình cả tính chất dân gian và tính chất bác học được lưu truyền bằng chữ viết, truyện thơ Nôm. Giống như dân tộc Kinh, người Tày cũng có một kho tàng truyện Nôm phong phú, trong đó có nhiều truyện có sự giao thoa văn hóa, tương đồng cốt truyện với truyện thơ Nôm của người Kinh như: Tổng Tân - Cúc Hoa(1), Phạm Tử - Ngọc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ, Thạch Sanh

Truyện thơ Nôm Tày Thạch Sanh và câu trả lời cho quê hương người tráng sĩ
Trang bìa truyện thơ Nôm Tày Thạch Sanh

Truyện thơ Nôm Tày Thạch Sanh (còn được phiên là Thạch Seng) dài 2005 câu thơ, được viết bằng chữ Nôm Tày, thể thơ thất ngôn trường thiên. Truyện cũng có kết cấu cốt truyện lắp ghép và được chia thành 14 đoạn với số lượng câu thơ dài ngắn khác nhau tạo nên tổng thể câu chuyện với nhiều phân đoạn. Sự sáng tạo của đồng bào Tày thể hiện rõ ở những tình tiết, đặc biệt trong ngôn từ miêu tả thiên nhiên và con người miền núi. Tác giả tập trung xây dựng hình tượng nhân vật trên hai phương diện ngoại hình và diễn biến tâm trạng tạo nên sự độc đáo riêng, sự hài hòa và tác động lẫn nhau giữa ngoại cảnh và nội tâm cũng được đồng bào người Tày khai thác.

Sự độc đáo của Thạch Sanh thể hiện chủ yếu ở không gian, thiên nhiên miền núi được miêu tả trong tác phẩm. Cảm hứng chủ đạo khi đồng bào Tày xây dựng hình tượng nhân vật Thạch Sanh là cảm hứng ngợi ca mang đậm chất sử thi. Các chiến công của Thạch Sanh được miêu tả rất rõ ràng, tỉ mỉ với những tình tiết được kéo dài. Những nhân vật phản diện được khắc họa rõ nét hơn với tính cách và cả diễn biến tâm trạng.

Truyện thơ Nôm Tày Thạch Sanh từ trước đến nay vẫn có nhiều tranh luận về nguồn gốc(2). Truyện lấy hình tượng người dũng sĩ diệt yêu quái làm đề tài chủ đạo. Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh cho rằng đề tài dũng sĩ diệt đại bàng không chỉ có ở văn học nước ta mà còn có trong văn học các nước khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, nhà nghiên cứu Phan Đăng Nhật cho rằng Thạch Sanh có quê hương ở Hòa An, Cao Bằng. Theo tác giả, nhân vật Thạch Sanh là kết quả của tính “liên dân tộc”, kết quả của sự giao thoa văn hóa hai dân tộc Kinh - Tày, giữa đồng bào miền xuôi và đồng bào miền núi.

Thạch Sanh là truyện thơ Nôm đại diện cho giao thoa văn hóa hai đồng bào Kinh - Tày.

2. Truyện thơ Nôm Tày Thạch Sanh và câu trả lời cho quê hương chàng dũng sĩ

Từ trước đến nay, vấn đề về xuất xứ, quê hương của chàng dũng sĩ Thạch Sanh vẫn được các học giả quan tâm và bàn luận. Gần đây, lời đáp cho câu hỏi này gần như đã được tường minh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi cho rằng truyện Thạch Sanh là sản phẩm của người Kinh, do đó quê hương cũng là một địa phương của đồng bào dân tộc Kinh. Trong cuốn Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam do ông biên soạn, ở đoạn mở đầu truyện Thạch Sanh có viết: “Ngày xưa ở quận Cao Bình có vợ chồng bác tiều phu Thạch Nghĩa tuổi đã cao mà không có con. Vợ chồng ngày đêm lo buồn, càng ra sức làm việc nghĩa, như khơi cống, đào mương, đắp đường, vét giếng, cùng lo nấu nước giúp cho người qua đường uống, để mong trời trông lại mà cho một mụn con. Quả nhiên, về sau Thạch Bà thụ thai, nhưng ba năm chưa đẻ. Giữa lúc đó, Thạch Ông mất, Thạch Bà sinh hạ một đứa con trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Thạch Sanh...”. Như vậy, quê hương của Thạch Sanh chính là nơi cha mẹ của chàng sinh sống, có tên gọi Cao Bình.

 Tuy nhiên, trong phần khảo dị, Nguyễn Đổng Chi có thêm nhận định: “Đồng bào Tày cũng kể truyện Thạch Sanh như của người Kinh. Đặc biệt ở huyện Hòa An (Cao Bằng) dân địa phương coi nguồn gốc truyện Thạch Sanh là của mình. Không những họ căn cứ ở câu: ‘Ngày xưa, ở quận Cao Bình’ mà còn căn cứ vào một cái hang tương truyền là nơi Thạch Sanh chém Chằn tinh, và những đền thờ Thạch Sanh ở một số làng xã…”. Đây là một nhận định có hướng mở, để xác định quê hương của Thạch Sanh, cần xác định rõ quận Cao Bình là ở đâu.

 Vì cốt truyện Thạch Sanh được dân gian truyền tụng trong cả thể loại truyện cổ tích và thể loại truyện Nôm nên chúng tôi thực hiện khảo sát qua một số văn bản diễn Nôm cổ truyện Thạch Sanh và thu được kết quả như sau:

Bản Thạch Sanh truyện, in tại Hà Thành ấn quán năm 1942 mở đầu bằng mấy câu sau:

Nay mừng mở vận thái bình

Bốn phương lạc nghiệp muôn nhà khang ninh.

Nhớ xưa ở quận Cao Bình

Có ông Thạch Nghĩa hiền lành đức nhân

Làm nghề đốn củi độ thân

Vợ là Dương thị bội phần túc duyên.

Ở bản này, nhà biên soạn có ghi chú về địa danh Cao Bình như sau: “có chỗ gọi là Nam Vinh”.

Trong bản in Thơ Thạch Sanh - Lý Thông, của dịch giả Lê Duy Thiện, in tại Tín Đức thư xã, Sài Gòn, 1929, lại chép như sau:

Thuận trời võ hạp phong hòa

Lê dân lạc nghiệp nhà nhà bình an

Có người ở quận Nam Giang

Chuyên nghề đốn củi cơ hàng long đong,

Tuổi chồng đã sáu mươi đông,

Tên là Thạch Ngỡi vốn dòng thiện lương

Kết cùng Dương thị cang thường

Đói no hẩm hút tào khương sum vầy.

Bản diễn Nôm này mang đậm màu sắc của ngôn ngữ Nam Bộ nên chúng tôi giữ đúng theo nguyên bản khi trích dẫn.

Trong hai bản diễn Nôm cổ cốt truyện Thạch Sanh nói trên, xuất hiện hai địa danh quận Cao Bình và quận Nam Giang, thậm chí còn một địa danh được nhắc đến ở phần chú thích là Nam Vinh. Tuy nhiên, những cứ liệu này là chưa đủ để khẳng định quê hương Thạch Sanh chính xác là ở đâu trong các địa danh trên.

Để có thêm căn cứ, cần khảo sát thêm truyện thơ Nôm Tày Thạch Sanh. Đến đây, địa danh mở đầu câu chuyện lại lại được khẳng định một lần nữa là Cao Bình.

Xưa có người ở quận Cao Bình

Người nhân đức có tên Thạch Nghĩa

Chuyên bán củi làm kế sinh nhai

Kết nàng hiền người ngay Dương Thị.

(Hoàng Triều Ân dịch từ bản tiếng Tày)

Từ những cứ liệu trong các bản truyện thơ Nôm có thể thấy các dị bản đều thống nhất nguồn gốc của Thạch Sanh khi cha của chàng tên Thạch Nghĩa, mẹ của chàng họ Dương. Cha chàng làm nghề đốn củi, sống trong nghèo khó. Tuy nhiên, địa danh Nam Giang hay Nam Vinh chỉ xuất hiện với tư cách là dị bản, còn lại địa danh xuất hiện phổ biến cả trong truyện cổ tích và truyện thơ là Cao Bình. Như vậy, đến đây có thể khẳng định quê hương Thạch Sanh là ở Cao Bình.

Cao Bình có phải là địa danh ở Cao Bằng? Dựa vào những cứ liệu lịch sử và địa lý, có thể thấy trấn Cao Bình là nơi nhà Mạc đóng đô khi thua trận ở Thăng Long phải rút lên phía Bắc. Cao Bình nay là xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Điều đặc biệt khi nhà Mạc đóng đô ở đây thì tên gọi Cao Bình đã có. Như vậy, có thể thấy Cao Bình là tên gọi đã có từ lâu đời ở tỉnh Cao Bằng, hoàn toàn có cơ sở để xuất hiện trong những tích truyện dân gian của người bản xứ.

Nhà nghiên cứu Phan Đăng Nhật trong bài viết “Tìm hiểu Thạch Sanh ở Cao Bình - Hòa An - Cao Bằng” đăng trên Tạp chí văn học số 6 năm 1972 cũng xác nhận truyện Thạch Sanh có nguồn gốc từ Hòa An - Cao Bằng.

Cuối cùng, dựa vào truyện thơ Nôm Tày Thạch Sanh, có thể khẳng định quê hương của chàng dũng sĩ này là ở Cao Bằng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, truyện thơ Nôm Thạch Sanh của người Kinh kể theo truyện cổ tích, còn truyện thơ Nôm Tày Thạch Sanh kể theo tích truyện dân gian của người dân bản địa. Hai truyện nhìn chung có cùng cốt truyện và là sản phẩm của giao thoa văn hóa. Hai tác phẩm của hai dân tộc bổ sung và hoàn thiện cho nhau, thậm chí người Kinh còn có phần chịu ảnh hưởng từ văn hóa Tày.

3. Sự giao thoa văn hóa dẫn đến giao lưu văn học

Trong giao lưu và tiếp biến văn hóa của các dân tộc, văn học là yếu tố không thể thiếu. Khi nhà Mạc đóng đô ở Cao Bằng, xây dựng được triều đại tồn tại gần một thế kỷ đã tạo cơ sở cho sự giao lưu văn hóa giữa hai miền xuôi - ngược và giữa hai dân tộc Kinh - Tày. Mặc dù chữ Nôm Tày đã có manh nha từ sớm (khoảng thế kỷ thứ 5) tuy nhiên những trước tác bằng chữ Nôm, đặc biệt là truyện thơ Nôm Tày, phát triển đến phong phú về đề tài, dồi dào về số lượng chỉ là khi có sự giao thoa văn hóa.

Khi nhà Mạc lập đô, không ít trí thức Hán học người Kinh và đồng bào dân tộc Kinh ngược lên Cao Bằng để sinh sống, hòa nhập với người Tày bản xứ tạo nên một nền văn hóa phong phú. Khi người Kinh hòa nhập với người Tày mang theo sự hòa nhập của văn hóa, văn học, và những tích truyện dân gian của người Kinh được truyền bá đến đồng bào người Tày. Đây là cơ sở để dẫn đến sự ra đời của những truyện thơ Nôm Tày như: Phạm Tử - Ngọc Hoa, Tng Tân - Cúc Hoa hay Lưu Bình - Dương Lễ...

Truyện thơ Nôm Tày Thạch Sanh là sản phẩm của sự giao thoa văn hóa trong việc xây dựng hình tượng người dũng sĩ diệt đại bàng giữa các dân tộc lân cận. Nhà nghiên cứu Phan Đăng Nhật cho rằng đề tài dũng sĩ diệt đại bàng có trong văn học của nhiều dân tộc khu vực Đông Nam Á. Mỗi một dân tộc khi tiếp thu đề tài này lại thể hiện một cách khác nhau. Riêng ở Việt Nam, văn học hai dân tộc Kinh - Tày đã cho thấy điều đó. Thậm chí truyện Thạch Sanh của người Kinh và truyện Thạch Seng của người Tày lại có sự bổ sung và hoàn chỉnh cho nhau, chứng minh sự giao lưu, gắn bó mật thiết giữa nền văn hóa, văn học hai dân tộc. Tuy có cùng cốt truyện nhưng do sự khác nhau ở một số tình tiết và phong cách thể hiện, hai truyện thơ này vẫn có nhiều nét khác biệt, tạo nên sự độc đáo của hai tác phẩm.

Dù là trước tác của người Tày hay của người Kinh thì hình tượng chàng dũng sĩ Thạch Sanh vẫn là đại diện cho ước mơ của người lao động về một vị anh hùng giúp dân diệt trừ cái xấu, bảo vệ bờ cõi. Đó là hình tượng đẹp trong ý thức muôn đời của người dân Việt Nam vậy.

 

----------

(1). Người Tày phiên âm truyện Tống Trân - Cúc Hoa thành “Tổng Tân - Cúc Hoa”.

(2). Xoay quanh nguồn gốc của truyện Thạch Sanh có 3 luồng ý kiến: truyện của người Kinh, truyện của người Tày và truyện của người Campuchia.

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 12 giờ trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 ngày trước

Máu xanh

Văn xuôi 2 ngày trước

Bản Tèn - cõi nhỏ nơi chân trời

Xem tin nổi bật 2 ngày trước