Trung đoàn pháo binh thân yêu
VNTN - Sư đoàn bộ binh 312 có một Trung đoàn pháo binh (E4) đã từng kề vai sát cánh cùng Sư đoàn trải qua nhiều chiến dịch trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và đã đi dọc chiều chiến tranh cứu nước và giữ nước.
Hồi ức của Đỗ Dũng
Lễ thành lập Trung đoàn pháo binh tổ chức tại sư đoàn 312 ngày 23/9/1955 gồm những đơn vị đã kinh qua cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau đó qua nhiều mặt trận, lính trung đoàn từng bước được bổ sung bằng lực lượng từ nhiều nguồn hợp lại: Pháo binh, bộ binh, chủ lực, địa phương, miền Nam, miền Bắc. Cán bộ lãnh đạo lúc đầu nhiều đồng chí từ bộ binh chuyển sang, nhưng trung đoàn đã xây dựng thành một đơn vị vững mạnh có nền nếp chính quy và chiến đấu dũng cảm. Từ một đơn vị pháo mang vác, chuyên bắn ngắm trực tiếp đã lớn lên thành một trung đoàn pháo cơ giới với cái tên Trung đoàn pháo binh 186. Trung đoàn cùng Sư đoàn tham gia chiến đấu hàng ngàn trận, giúp bộ binh loại khỏi vòng chiến đấu 24.000 lính cộng hòa, bắn rơi 115 máy bay, thu gần 20.000 súng các loại, phá hủy hàng trăm xe quân sự cùng hàng nghìn tấn trang thiết bị quân sự.
Trận đánh sáng 30/4/1975, Trung đoàn 186 đã cùng với các Trung đoàn 45, 54 nã pháo bắn nát các mục tiêu trong khu vực Bộ tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa, quận lỵ Lái Thiêu, căn cứ Phú Lợi, Bến Cát, Lai Khê làm cho địch tan rã nhanh chóng… góp sức cho sư đoàn 312 và 320B tiêu diệt sư 5 và Bộ tổng tham mưu, giành toàn thắng cho dân tộc ta sau 30 năm chia cắt.
Sức mạnh chiến đấu của Trung đoàn Pháo binh 186 đã được thử thách tôi luyện trong khói lửa chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Từ diễn tập bắn đạn thật đến hợp đồng binh chủng trong trận mạc đã nâng tầm cao cho trung đoàn. Có lúc rút gọn là một tiểu đoàn mang vác, rồi sau này lại trở thành một trung đoàn để tác chiến ở Lào, Quảng Trị và Bình Dương, mà chiến công đã mang về nhiều sự tích anh hùng cho Sư đoàn 312. Đó là những tấm huy chương chói ngời trên lá quân kỳ và trên ngực của những người anh hùng. Trung đoàn xứng đáng “Chân đồng vai sắt” với 6 chữ vàng truyền thống trong QĐND Việt Nam “Đoàn kết, anh dũng, chiến thắng”.
Những người lính cũ của trung đoàn nay đã nghỉ hưu ở khắp mọi nẻo đường Tổ quốc nhưng vẫn hướng tình cảm trong trái tim mình về đồng đội, về những người đã sát cánh bên nhau trong lửa đạn ở thời kỳ trận mạc, xông pha từ chiến dịch biên giới Thu Đông 1947 đến 1975, giải phóng Bình Dương và Sài Gòn rực lửa, rực ánh cờ sao thân yêu. Họ là những người lính thủy chung trong tình bạn, tình đời, lúc nào cũng mơ về nhau, giúp đỡ nhau “Lúc thường cũng như lúc chiến đấu”. Họ sống vì đồng đội, họ chết vì Tổ quốc, không bao giờ làm hoen ố danh dự quân nhân cách mạng. Họ là tấm gương trong mỗi gia đình để con cháu học tập và viết tiếp trang sử của ông cha - Người lính cách mạng tự giải phóng mình trong cuộc chiến tranh khốc liệt và trong hòa bình còn bộn bề bao lo toan vất vả của cơm áo thường nhật. Họ là ánh sáng nhân phẩm của một thời đại. Một thời đại được sống và cống hiến cho dân tộc mình. Thời đại Hồ Chí Minh.
Sau này, đồng chí Nguyễn Kiên (đại tá Phó Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc - Bộ Quốc phòng, con trai trung tướng Nguyễn Kiệm) và đại tá biên phòng Nguyễn Sơn (con trai của thiếu tướng Nguyễn Chuông) chuyển cho tôi một số tư liệu về cha của mình, tôi lại càng kính yêu hai thủ trưởng già hơn nữa. Nghiền ngẫm các tập tài liệu quí giá ấy tôi thấy sức chiến đấu của các “cụ nhà mình” ghê thật. Tuy được phục vụ các cụ một thời gian dài, nhưng cho mãi tới sau này đọc nhiều tư liệu về các cụ và một phần lớn do chính tay các cụ viết ra, mới cảm nhận được phẩm chất của các vị tướng của ta.
Bộ đội pháo binh trước giờ xuất kích. Ảnh tư liệu.
Đọc kỹ về Trung tướng Nguyễn Kiệm tôi như hình dung thời trai trẻ của tôi, cũng hăng hái viết đơn bằng máu để được đi bộ đội, cũng ăn đói mặc rét, cũng sốt rét rừng, cũng bị thương và cũng khóc vì sợ vì ghét chiến tranh. Bởi lẽ, chúng ta là người trần có phải tiên phật gì đâu. Phải ăn, phải sống, phải yêu. Nhưng yêu thì yêu một cách mãnh liệt, sống hết mình mới thôi…
Cụ Kiệm quê Đông Triều đồng hương với u tôi. Trong tôi còn mường tượng mãi về quê hương xử sở của làng quê Đông Triều của cụ Kiệm. Cũng lũy tre xanh, cũng là những lũng đón gió mùa Đông Bắc từ biển thổi vào, cũng những rừng già u uẩn có bóng thiền của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong sử sách…
Tháng 4/2016, tôi đi họp tại Quảng Trị với “Hội Cựu chiến sỹ bảo vệ thành cổ Quảng Trị 1972”, tình cờ được trung tướng Nguyễn Đức Sơn (người chính trị viên mà tôi đã nhắc đến trong tiểu thuyết “Trung đoàn 165” của tôi, xuất bản năm 2015) cho biết: “cụ Kiệm được chôn cất ở Đông Triều”. Thế là tôi “lộn” về Đông Triều ngay để đặt cuốn tiểu thuyết “Trung đoàn 165” lên nấm mộ cụ Kiệm, như tôi đã làm với cụ Nguyễn Chuông ở làng Thượng Nung - Phú Thọ…
Tâm hồn tôi thấy thanh thản. Trong khói hương mờ ảo kia có hình bóng thủ trưởng cũ của tôi “cưỡi” xe tăng xông trận thật oai phong lẫm liệt nhưng cũng từng khóc vì sự hi sinh của lính.
Tôi hoài niệm cùng sự bi hùng của Sư đoàn tôi. Những xác chết la liệt của ta và địch. Những dòng nước mắt, những vành khăn tang, những bông hoa cúc vàng tươi trên mộ, những di ảnh đồng đội, những khúc quanh co của cuộc đời, những lần cõng nhau lê lết trong chiến hào và biết bao xác đồng đội phơi áo hàng rào trong lửa đạn. Tất cả chập chờn ẩn hiện bên mộ cụ Kiệm …
Trời chiều sạm nắng, những đụm mây vần vũ từ biển lại bay vào đất liền, báo hiệu một mùa mưa sắp tới. Đời lính như những thước phim quay chậm: chiến đấu, nước mắt, hy sinh, chôn cất và lo toan, suy ngẫm…
Tôi lặng lẽ dạo gót trên mảnh đất Đông Triều thân yêu. Biết bao kỷ niệm cuộc đời lại ào về trong tôi, lay động trái tim tôi, thúc giục tôi… Mình còn sống là nhờ những người nằm dưới ba tấc đất sâu thẳm kia. Nỗi đau của chiến tranh là nỗi đau thế kỷ, chỉ ý nghĩa với những ai biết cảm nhận sự sống và yêu tha thiết cuộc đời mà thôi. Tôi lật từng trang tiểu thuyết “Trung đoàn 165” (Sau này tôi xây dựng bộ tiểu thuyết lấy tên “Lính 312 - Khúc bi tráng thời đại” thì “Trung đoàn 165” là tập 1). Đây là cuốn tiểu thuyết mà tôi đã để cả cuộc đời mình đi tìm hiểu sàng lọc các nhân vật và cốt truyện dựng lên một góc của mặt trận Quảng Trị 1972 mà Sư đoàn tôi đã trải qua… Bắt đầu từ ngày 2/9/1969, toàn Sư đoàn 312 đầu đội mũ sắt gạt nước mắt khóc Cụ Hồ sang Lào chiến đấu. Thế rồi “lật cánh” từ miền Tây sang miền Đông của bán đảo Đông Dương nối mình đến Thủ Dầu Một năm 1975, oai hùng, bi tráng.
Ôi! Ngày 30/04/1975 ấy, làm sao mà tôi quên được. Hình ảnh Sư đoàn trưởng Nguyễn Chuông xông vào giữa 5.000 tù binh đang ngơ ngác, Sư đoàn phó Nguyễn Kiệm cưỡi xe tăng ào đến giải nguy cho 5 thầy trò tôi. Lời Sư trưởng Nguyễn Chuông vẫn còn văng vẳng: “…Các anh em hãy trở về với làng quê, với cách mạng. Tôi thay mặt cách mạng và mặt trận giải phóng miền Nam tuyên bố không bắt giữ ai cả…”
Lính cộng hòa cứ ngơ ngơ ngác ngác, một vài kẻ mặt đỏ như gà chọi, râu tóc lởm chởm vác súng đi lại nghênh ngang ra điều không tin vào ông già Việt Cộng giọng Bắc này lắm. Tình hình rất khẩn cấp. Ta nói địch không nghe… Cứ như là thấp thỏm chờ đợi gì đó? Chắc trong lòng họ đang nghĩ không biết cách mạng có khoan hồng cho tội lỗi của họ hay không?
Đùng một cái, 5.000 lính Sư đoàn 5 quân lực cộng hòa rẽ ra cho 2 chiếc xe tăng cắm cờ đỏ sao vàng tiến vào, đi đầu là Sư đoàn phó Nguyễn Kiệm. Tôi sung sướng quá reo lên: Bố Chuông ơi! Bố Kiệm kìa! Tôi xốc súng phốc lại đón 2 xe tăng như đón hai con mãnh hổ lầm lũi bụi đường gầm rú tiến thêm 15 m thì dừng lại.
Tôi hình dung khuôn mặt cụ Kiệm lúc đó đỏ gay và trông oách lắm. Cứ như Triệu Tử Long xông vào giải vây cho thầy trò chúng tôi… 10 phút sau, 6 xe ô tô Zin khơ (Liên Xô) chở bộ đội Tiểu đoàn 2 Bình Dương cũng lao tới. 7 đến 10 phút nữa, cụ Đỗ Trường Quân và cụ Nguyễn Xuyên (chính ủy) cũng ập tới bằng xe Zep- ta thu được của Sư 5 cộng hòa lại do chính lính cộng hòa lái. Trên xe cờ quạt long trọng, lính trẻ lăm lăm AK, B40 trong tay.
Đến lúc này thì chả ai bảo ai, những người lính cộng hòa miền Nam Việt Nam tự giác xếp súng thành từng đống và ngồi thụp xuống, lúng túng như gà mắc tóc, một vài người giở thuốc “rê” ra hút khét lẹt khói um lên. Cụ Kiệm nhảy từ tháp pháo xe tăng xuống ôm chầm lấy cụ Chuông. “Anh!” và trao cho cụ Chuông bao thuốc lá Điện Biên bao bạc và bi đông nước của mình. Cụ Chuông thủng thẳng châm thuốc hút rồi chậm rãi tuyên bố: “Các anh em từ đại úy trở xuống hạ sỹ quan, binh sĩ ra về địa phương khai báo… còn 40 anh em cấp tá ở lại một, hai hôm chúng tôi khai thác rồi về sau. Cách mạng không bắt giết gì ai cả”. Lính cộng hòa sướng quá reo hò tụt cả dày dép quần áo rằn ri chạy về. Tôi thấy vài anh lính trẻ còn hát tay quơ quơ chiếc áo nhà binh như trẻ con chăn trâu đánh trận giả thua trận ngày xưa. Họ ra về, chẳng ba lô chẳng giày tất gì cả…
Chúng tôi thấy tướng Lê Nguyên Vĩ tự sát. Bà vợ trẻ của Vĩ đang khóc chồng và xin phép chúng tôi cho mang xác tướng Vĩ về mai táng… Trời Lai Khê sẩm tối trôi theo dòng nước mắt của một góa phụ Bình Dương năm xưa.
…Sau khi bị thương lần thứ hai, tôi phải rời khỏi quân ngũ trở về trường đại học để học tiếp và được giữ lại trường giảng dạy. Sau này, dẫn sinh viên đi thực địa khắp đất nước, tôi đã giảng bài ngoài thực địa cho trò một cách say sưa với tấm lòng của người lính và trái tim của người thầy cho các em. Các đề tài khoa học về biển Đông, tôi vẫn còn nung nấu cho đến lúc nghỉ hưu. Tôi muốn vắt kiệt sức mình trên trang viết. Vì sao ư? Vì tôi còn nợ đời và nợ đồng đội mình nhiều lắm.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...