Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
05:19 (GMT +7)

Trở lại Tùng Vài

VNTN - Chúng tôi không thể ngờ sau đúng hai năm mình lại có cơ hội quay lại nơi này, đến với thày trò ở một số trường tiểu học của huyện Quản Bạ (Hà Giang). Chuyến đi này, chúng tôi được vinh hạnh làm sứ giả của những trái tim thiện nguyện…


Đường xa hóa gần…

6 giờ sáng 19 tháng Chạp, nhà xe Thành Nguyên đón chúng tôi tại Ngã ba Mỏ Bạch. Thái Nguyên hôm ấy rét hơn mọi ngày, đấy là đợt rét hiếm hoi của mùa đông năm nay. Chúng tôi mũ áo sùm sụp, mang theo 22 thùng hàng gồm sách vở, áo ấm, ủng cao su, mũ len và bít tất của các nhà hảo tâm gửi cho các con ở Điểm trường Lùng Chu Phìn (Trường Tiểu học Tùng Vài), Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học (PTDTBTTH) Tả Ván và Trường PTDTBTTH Cao Mã Pờ, theo tâm nguyện của thày giáo Nguyễn Toản, nguyên điểm trưởng Điểm trường Lùng Chu Phìn (thuộc Trường Tiểu học Tùng Vài).

Sở dĩ có chuyến đi này vì trước đó chục ngày, thày Nguyễn Toản có đăng trên mạng xã hội Facebook một tâm sự khiến cộng đồng mạng nghẹn ngào: Trước khi chết mình có một điều day dứt là chưa thực hiện được lời hứa với phụ huynh học sinh: sẽ xin các nhà hảo tâm ủng hộ cho điểm trường một tủ truyện thiếu nhi và ít đầu sách để các con đọc lúc ra chơi nhằm nâng cao khả năng giao tiếp… Nhưng không kịp nữa rồi. Các bạn ở lại có thể giúp mình hoàn thành tâm nguyện được không? Thày Toản đang mắc căn bệnh ung thư phổi giai đoạn 4, sức khỏe ngày một suy kiệt.

Vậy là ngay lập tức, nhiều tấm lòng vàng đã giúp thày Toản thực hiện lời hứa, trong đó nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, TBT báo Văn nghệ Thái Nguyên đã đứng ra kêu gọi trên mạng xã hội và nhận được rất nhiều sự ủng hộ của những tấm lòng hảo tâm, trong đó nhiều người là cộng tác viên của báo Văn nghệ Thái Nguyên. Gần 30 triệu đồng tiền mặt cùng một số lượng lớn sách vở, áo mũ, đồ dùng học tập… được gửi đến Tòa soạn báo Văn nghệ Thái Nguyên và trường tiểu học Tùng Vài, chỉ trong vòng một tuần. Ngoài việc mua ủng, tất và mũ len, phần lớn số tiền này được Tòa soạn mua sách cho các em ở điểm trường đúng như nguyện vọng của thày Toản, đồng thời chia sẻ thêm một số địa chỉ khác nữa.

Đến thành phố Hà Giang lúc 11h 30 phút, xe Tân Yên vào Quản Bạ, do thày Cao Quyết (hiệu trưởng Trường tiểu học Tùng Vài) liên hệ trước đã chờ sẵn. Chúng tôi chuyển xe. Dốc đá quanh co, sương mù dày đặc, mưa phùn làm cho nhiệt độ càng tụt xuống. Càng lên cao sương càng dày, chiếc xe 29 chỗ uốn lượn trên những cung đường cua tay áo. Chúng tôi cảm nhận rõ rệt cái lạnh đang thấm qua từng lớp áo.

Đến thị trấn Quản Bạ lúc đồng hồ báo 14h 15. Răng va vào nhau lập cập sau lời cảm ơn bác tài tốt bụng nhất định chỉ thu đủ tiền vé chứ không tính tiền hành lí vì: “Đó là tấm lòng của mọi người dành cho Quản Bạ, có lẽ nào anh lại không góp được chút công vận chuyển”. Cái lạnh 10 độ C bỗng chốc không trở nên đáng sợ với chúng tôi nữa, bởi sự ân cần của bác tài Tân Yên, của thày Cao Quyết và cả thày Toản đang nằm trên giường bệnh vẫn quan tâm hỏi xem chúng tôi vào Quản Bạ bằng xe nào, có chỗ ngồi không. Chợt nhớ đến cái bắt tay thật chặt của bác tài nhà xe Thành Nguyên kèm theo lời nhắn nhủ: “Chúc chuyến đi nhiều ý nghĩa của đoàn mình suôn sẻ nhé!”.

Quà đã được chuyển đến thày trò điểm trường Lùng Chu Phìn, nơi thày Toản công tác

Niềm vui từ những đổi thay 

Chiếc xe Zace “huyền thoại” của hiệu trưởng Cao Quyết xuyên qua màn sương đưa chúng tôi vào trường Tiểu học Tùng Vài một cách vội vã, bởi từ đó chúng tôi còn phải chia thành ba hướng mang quà đến điểm trường Lùng Chu Phìn của Tùng Vài, trường PTDT BT TH Cao Mã Pờ,  trường PTDT BT TH Tả Ván. Ở những nơi ấy, mấy trăm đứa trẻ đang đợi chúng tôi.

Trường Tiểu học Tùng Vài thật khác xa so với lần chúng tôi đến cách đây hai năm. Rất nhiều cây cảnh và hoa tươi trên khắp sân trường. Mấy bộ bàn ghế đá ngay ngắn dưới những mái lá cọ xòe ra như chiếc ô, đó là nơi các con ngồi đọc sách trong giờ nghỉ. Tiếc là thời tiết xấu nên chúng tôi không ghi được tấm hình nào, nhưng bạn đọc hãy tưởng tượng ra một khuôn viên đẹp như công viên. Thêm một phòng sinh hoạt tập thể cho các con, ở đó có ti vi cho các con giải trí. Ấn tượng nhất là một vườn rau có mái che, là nguồn cung cấp rau xanh cho bếp ăn bán trú. Mỗi lớp được giao chăm bón vài luống rồi bán cho nhà bếp. Thày Cao Quyết bảo: “Nguyên vật liệu tôi mua giá nhập, máy hàn của gia đình, tự tay tôi hàn được, thêm các thày cô phụ giúp, vậy nên chi phí chả đáng là bao đâu. Trên này nhiều sương muối, thậm chí còn có băng tuyết, có cái mái che yên tâm về nguồn rau. Sẵn có vườn, các cô giáo tận dụng treo mấy dò phong lan, thế là có cái vườn đẹp.”

Đến Lùng Chu Phìn, chúng tôi lại ngỡ ngàng bởi sự đổi thay của điểm trường. Dãy phòng học năm trước đang xây dở nay đã hoàn thiện, một phòng học được tài trợ bàn ghế, đẹp chả kém gì các lớp học ở thành phố. Cổng mới với tường bao quanh làm cho điểm trường gọn gàng, quy củ hẳn. Nhìn sân trường sạch sẽ có hàng ghế đá do chị Phạm Oanh (Hà Nội) vừa ủng hộ, những bông hoa vẫn kiên cường trong gió rét để khỏi phụ công các thày cô ngày ngày chăm chút, mà lòng bớt ngậm ngùi bởi những bàn chân trần đang ửng đỏ trong giá lạnh chiều đông. Thày Quyết bảo: “Hàng rào và cổng cũng là do thày Toản viết thư xin thẳng Bí thư Tỉnh ủy đấy nhà báo ạ. Ở vùng cao này, các thày càng nỗ lực thì các trò càng được nhờ”. Thôi thì, khó khăn vẫn còn nhiều lắm, nhưng từng bước, các thày cô cùng cộng đồng sẽ chung tay vỗ về cho các em, đẩy dần cái khó của vùng cao. Rồi đây, những đôi ủng kia sẽ bao bọc bàn chân các con; những chiếc mũ len kia sẽ che chắn bớt gió lạnh cho các con; và những cuốn sách kia, sẽ mang đến cho các con những điều các con chưa từng được thấy, giúp các con đi xa hơn sau đỉnh núi mịt mờ sương phủ này. Gắng lên nhé, các con!

Các em háo hức đọc những cuốn truyện mới   Ảnh: Lê Tú

Chiều vùng biên Tả Ván

Lái xe đưa chúng tôi từ điểm trường Tiểu học Tùng Vài đến thăm trường PTDTBTTH Tả Ván, Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tuyên cho hay, tình trạng thời tiếtmưa lạnh kèm sương mù như này còn kéo dài, phải xa tết mới hết. Tả Ván là một trong những xã giáp biên, học sinh ở đây chiếm 98% là người dân tộc Mông. Trước đây, các xã Cao Mã, Tả Ván, Tùng Vài có chung một trường học, song con đường đi tìm con chữ với rất nhiều học sinh quá xa xôi, cách trở. Thế nên năm 1986, Tả Ván, Cao Mã tách ra, mỗi xã thành lập một trường riêng. Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Ván sau 30 năm, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, cũng đã xây dựng được khu phòng học với màu sắc, kiểu cách nhác giống bao trường học khác; có 5 điểm trường là: Pao Mã Phìn, Hoa Si Pan, Man Ngán Sán, Chúng Chải, Tả Ván. Riêng điểm trường Tả Ván cách điểm trường chính gần 10km, nay chỉ có 8 học sinh lớp 1.

Ẩn hiện trong màn sương và mưa rí rách, từ trường trông ra, phía bên phải là khu nhà ở bán trú cho học sinh, bên trái là nhà hiệu bộ. Cả hai đều rất sơ sài, cũ kỹ. Trường có tổng 294 học sinh, số học sinh ở bán trú là 161 em. Chỉ vẻn vẹn 4 phòng, mỗi phòng chừng 25m2, các em được sắp xếp chỗ ở theo giới tính, độ tuổi. Lạnh se sắt, vậy nhưng trong phòng bán trú, học sinh vẫn chân trần chơi nhảy dây chun, có tốp lại túm tụm đọc truyện cổ tích, chơi bài…. Trên gương mặt lấm lem, những đôi mắt ngây thơ nhìn chúng tôi tỏ vẻ hiếu kỳ. Bắt chuyện, các em lễ phép trả lời nhưng dè dặt, hỏi về ước mơ khi lớn lên, chỉ cười bẽn lẽn. Tả Ván còn khó khăn nhiều bề. Thiếu trang thiết bị, đồ dùng học tập; nguồn nước rất hiếm; chưa có công trình vệ sinh… Việc vận động học sinh đến lớp cũng vô cùng vất vả. Cô giáo Hà Thị Khai (28 tuổi), nhà ở Na Hang (Tuyên Quang), tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 2 rồi lên đây công tác đã 4 năm nay, mở lòng chia sẻ chuyện dạy và học nơi vùng biên xa xôi: “Ở lâu trong cái khó cái khổ, người ta học cách chấp nhận rồi yêu mến lúc nào chẳng hay. Em dạy môn tiếng Anh, khổ nỗi học sinh dân tộc nói tiếng Việt còn không sõi thì nói gì đến tiếng Anh. Hơn nữa, điều kiện học tập thiếu thốn, các em chỉ được làm quen với ngôn ngữ mới qua sách giáo khoa chứ không có thiết bị vi tính để hỗ trợ, nên khó lại càng khó. Thương các em, thành thử giáo viên ở đây phải rèn tính kiên trì, nhẫn nại rất lớn”. Nói rồi Khai cười, tiếp lời: Bây giờ ra phố, đường sá bằng phẳng mà em chạy xe không nhanh bằng đường trên núi.

Phía sau phòng ở bán trú của học sinh là khu nhà lưu trú của giáo viên. Lụp xụp và tềnh toàng. Tường là gỗ ghép, mái tôn cũ, nền xi măng cũ nát… Trong căn phòng dậy mùi sương ẩm, đèn sáng không đủ độ, chỉ một chiếc bàn soạn giáo án, một chiếc giường và những mảnh bạt, giấy vá víu để chắn gió. Khí hậu khắc nghiệt, nhịp sống buồn tẻ, việc thu hút người trẻ, tâm huyết với nghề là điều không dễ. Như Khai, trẻ tuổi, nhiệt huyết là thế, song cũng không tránh khỏi những phút đuối lòng. Cuối tuần nào cô giáo cũng tất tả chạy xe máy 150 km về nhà, “gặp gỡ” phố xá như là một cách tiếp năng lượng để tiếp tục gắng gỏi.

5 giờ chiều, tiếng chuông báo hiệu giờ ăn. Học sinh tập trung xếp hàng để vào nhà ăn, nghiêm ngắn và trật tự. Khối nào ngồi riêng khối đó, trên bàn đã sắp sẵn khẩu phần cho từng học sinh, được định “liều lượng” ứng với độ tuổi. Hôm nay, thức ăn là trứng rán và canh rau cải, kèm thêm chút ít muối lạc. Nhìn các em vui vẻ và chăm chỉ ăn, chúng tôi chẳng đặng đừng mà ứa nước mắt. Được biết, nhà trường có khoảng 400m2 đất vườn, các thầy cô cũng tích cực tăng gia, trồng các loại rau, củ, quả theo từng mùa, đảm bảo được 50% nhu cầu rau xanh; chăn lợn, ít nhiều cải thiện bữa ăn cho các em. Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từ Nghị định 116 của Chính phủ (về các chính sách hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn), và Nghị định 86 (quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập), học sinh Tả Ván có chế độ hỗ trợ 480 nghìn đồng/tháng/em; vở và sách giáo khoa được hỗ trợ 100 nghìn đồng/tháng. Chăm lo cho các em ngày 3 bữa ăn; hoạch tính và mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, số tiền còn dư sẽ được nhà trường chuyển trả lại cho phụ huynh. Có sự hỗ trợ, nhưng đặc thù vùng núi xa xôi, giá cả sinh hoạt đều đắt đỏ hơn, dường như mọi thứ vẫn quá hạn hẹp và nghèo nàn.

Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tuyên tiếp nhận số sách mà thông qua sự kêu gọi của Báo Văn nghệ Thái Nguyên, sự ủng hộ của các cá nhân thiện nguyện được chúng tôi đại diện đem đến, vui mừng nhưng cũng đầy trăn trở: Khó khăn thì còn nhiều, các thầy cô giáo nơi đây không chỉ dạy kiến thức mà lắm khi kiêm cả thợ mộc, y tế… Nhà trường có ý tưởng xây dựng không gian thư viện, nhằm nâng cao khả năng học tập, tiếp thu kiến thức cho các em trong thời gian rảnh rỗi. Chúng tôi cũng đã cố gắng kêu gọi, song sự hỗ trợ từ các cấp, ngành còn khá khiêm tốn. Rất may mắn khi nhận được sự hỗ trợ này, món quà vô cùng thiết thực để nhà trường có thể đưa ý tưởng thành sự thật.

Khi viết những dòng này, nghĩ về tô cơm với vài miếng trứng được chan đầy nước canh rau cải, tưởng như sương mù nơi vùng biên Tả Ván đang bủa vây quanh mình. Trong lòng một nỗi mênh mang về cái lạnh, cái khó và những mong ước nhỏ nhoi nơi ấy…

Không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến bữa ăn đạm bạc của các em trườngTH Tả Ván

Lời kết

Những tấm lòng vẫn tiếp tục hướng về vùng cao, tâm nguyện của thày Nguyễn Toản vẫn tiếp tục được cộng đồng mạng chung tay thực hiện. Tinh thần “Tương thân tương ái” vốn là truyền thống của người Việt ta. Sau chuyến đi này, chúng tôi thấy mình được nhận lại rất nhiều, đó là những điều rất khó diễn đạt thành lời, chỉ biết rằng cuộc đời này thật ý nghĩa và nhẹ nhõm, mặc dù vẫn còn đầy lo toan.

Thày giáo Nguyễn Toản vẫn đang từng ngày từng giờ chiến đấu với bệnh tật. Với giọng nói rất yếu ớt vì những cơn đau triền miên giằng xé, thày vẫn không quên gửi gắm qua mỗi cuộc điện thoại: “Cho mình gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người, cảm ơn rất nhiều!”. Còn chúng tôi lại muốn nói lời cảm ơn với thày giáo Nguyễn Toản và thày Cao Quyết và nhiều thày cô giáo vùng cao mà chúng tôi chưa có dịp được gặp. Các thày đã cho chúng tôi những điều mà không tiền bạc nào mua được, đó là Tình Người.

Thu Huyền - Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 18 giờ trước