Trên bến dưới thuyền – Tản văn. Phan Mai Hương
VNTN - Tháng Chạp sắp về. Báo hiệu bằng đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông. Lẽ nào vì cái lạnh ngắt tê mê mà mọi thứ như dừng lại, như tự giấu mình đi. Hoa không chịu bung cánh cứ giấu mình sau lớp vỏ dày cộm của nụ xinh. Người như lặng lẽ hơn giấu mình trong lớp áo lông xù mà vẫn thấy quá mỏng manh. Có cảm giác như vạn vật đều thu mình kín trong những gói bọc mang hơi ấm thời gian.
Tháng Chạp sắp về với bộn bề những toan lo. Cuộc đời tất bật ngược xuôi khiến cho lại càng khát khao muốn ẩn thân vào lớp bao bọc dầy kín và ấm sực của kí ức trong veo thời tuổi nụ tuổi hoa, cái thời chạy nhảy thênh thang và mong sao Tết đến thật nhanh.
Có lẽ trong mấy chị em thì con bé là người thấy Tết sớm ở nơi hàng ngày nó chạm mặt, ấy là ở chợ.
Chẳng là bà nội có một quán hàng nho nhỏ chuyên bán đồ khô ở chợ thị xã. Hàng ngày, sớm và tối, việc của một chị cả trong nhà là phải phụ giúp bà dọn hàng. Buổi sáng dọn hàng xong mới được đến trường và buổi chiều tối dọn hàng xong về nhà mới được học bài, và ngày chủ nhật thì phải bán hàng cùng bà. Sau này, khi đã làm chủ gia đình, nửa thầm mang niềm trách cha mẹ sao lại để tuổi thơ trong veo chen lẫn những bán mua. Nửa lại thầm cảm ơn vì những cái khốn khó của thời bao cấp ấy mà con bé sớm hiểu thấu nỗi toan lo của người lớn trong cuộc mưu sinh.
Nghe người lớn kể lại, chợ do người Pháp lập ra cùng với việc thành lập ra phố thị. Chợ mang cái tên duyên dáng và đầy nữ tính: chợ Phương Lâm. Tên gọi của chợ gợi ra ý nghĩa chỉ về nơi bán mua những sản vật của miền rừng đầy thảo thơm với bao nhiêu là háo hức ngọt ngào tuổi bé thơ.
Chợ vốn là một bãi đất rộng sát với chân đê, và chỉ cần rẽ ra một quãng ngắn gặp cái dốc thoai thoải là xuống bến đò bề thế nhất của tỉnh lỵ. Cái hồi nhỏ xíu thuở ấy thấy bao nhiêu là háo hức khi được chạy lăng quăng đến mỏi chân khắp khu chợ, từ nơi bãi chợ trong đê đến bến đò phía ngoài đê. Cái cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập của chợ Phương Lâm đã làm nên vẻ sầm uất của một phố thị miền núi từ cái thuở đất rộng người thưa.
Bến đò, ngày thường đã nhộn nhịp, nhưng vào ngày chợ phiên bỗng trở nên sầm uất lạ thường, bởi những thuyền chở hàng và người từ miền ngược xuôi về chợ. Bây giờ đường ra đê để xuống bến đò cũ vẫn còn, dãy hàng của chợ vẫn sát chân đê, nhưng nếu không kể hai dãy hàng đồ khô luôn vắng vẻ, thì đường xuống bến đò cũ đã thành nơi hoang hoải vắng teo. Có khéo không còn ai nhớ ra nơi đây đã từng là con đường đê dốc thoai thoải dẫn xuống một bến đò sầm uất náo nhiệt bởi sự bán buôn.
Thuở ấy, con bé mười hai tuổi chẳng thể nào hiểu là tại sao có ngày âm lịch và dương lịch, nhưng lại rất nhớ hôm nào là “ngày chợ”. Nghĩa là theo cách nói của bà nội, chợ phiên họp vào ngày Hai, nghĩa là mùng Hai, Mười Hai, và Hăm Hai tính theo âm lịch. Còn ngày mùng Một, Mười Một, Hăm Mốt được gọi là chợ đón.
Ngày chợ phiên là vô cùng quan trọng với bà nội, mọi thứ hàng phải được chuẩn bị rất chu đáo từ tối hôm trước, để sáng hôm sau hai bà cháu đi đến chợ với mấy cái làn cồng kềnh. Vắt vẻo trên cái xe đạp cao nghều, không chuông nhưng vẫn có phanh. Cái thân hình còm nhom của nó vẹo vọ nhấn vào cái bàn đạp bút chì nhọn hoắt, chỉ chực như rơi lọt thỏm vào miệng rộng ngoác của mấy cái làn mây to tướng.
Đầu tiên là phải la cà ra bến đò. Con đò chở khách hàng ngày trở nên nhỏ bé và lẫn vào hàng chục con thuyền đang nối đuôi nhau cập bến, hàng hóa đang được bê, được mang vác lên bờ. Những thứ hàng được chở trên rừng về chỉ có vào dịp chợ Tết: gạo nếp hạt tròn trĩnh đều tăm tắp và trắng nõn nà; nấm hương và mộc nhĩ xoắn tít có mùi bồ hóng khen khét mà lại mang vẻ gì đó rất quyến rũ; thuyền chở lá dong đầy ứ hự như mang theo cả cánh rừng xanh ngăn ngắt về bày; măng khô ám khói đen xì, cứng quèo và cong queo thế mà người mua cứ hít hà khen cái măng lưỡi lợn ngon; gà, vịt, ngan, ngỗng tất cả đều nhộn nhạo, gáy cúc cu cu, than chíp chíp, kêu quàng quạc hòa vào trăm nghìn loại âm thanh mà vẫn không bị lẫn.
Hoa quả thì có nhiều nhất chuối xanh và chín, cam và quýt màu đỏ ối nhưng chua loen loét, bưởi vàng rộm, quả phật thủ có nhiều ngón như ngón tay thuôn dài và thơm lừng. Nhưng những thứ quả ấy chả có gì ngon cả, chỉ dùng làm đẹp cho mâm ngũ quả mà thôi. Lại còn thuốc lào và vỏ đỏ và vỏ chay, cau tươi và cau khô để phục vụ người ăn trầu. Lại có hạt dổi thơm lừng trong những chiếc túi nhỏ xíu xinh xắn. Trứng gà, trứng vịt đựng trong những chiếc rọ xinh xinh…
Nhưng con bé không quan tâm đến hàng hóa mà chỉ quan tâm đến người đi chợ. Nó thích thú ngắm những người từ dưới thuyền đi lên chợ. Những người đàn ông lực lưỡng mang vác những bao, những gói, những bó to đùng đi phăm phăm. Con bé nhận xét là họ ăn mặc chả đẹp gì cho lắm. Mấy bác người Kinh thì cứ sùm sụp mũ cối quần áo bộ đội. Mấy bác người Mường thì bộ quần áo nâu sồng kiểu ông quần rộng xòe ra như cái quạt nan. Gây ngạc nhiên và tò mò là mấy anh người Mông mặc bộ màu chàm có cái quần ống rộng thùng thình, thắt bỏ múi gọn gàng trước bụng, nom rất lạ. Nhưng gây tò mò phải là túi dết đeo đằng sau lưng, đan thưa như lưới đánh cá nhưng đựng rất nhiều thứ, và thế nào cũng có một cây sáo, hoặc một cây khèn. Nom họ rất điệu và rõ ràng là họ đến chợ mà không phải để mua bán. Họ chọn một góc chợ và thổi sáo, thổi khèn một cách say mê. Mấy chú bé trạc tuổi nó đi cùng, xách theo cái lồng chim xinh xinh, thì há hốc mồm ra ngắm điệu múa khèn, quẳng cả lồng chim xuống đất, mặc cho chú chim tội nghiệp mổ lách chách vào nan lồng.
Minh họa: Dương Văn Chung
Con bé thích ngắm các cô gái hơn. Họ đi từng nhóm, váy áo đẹp đẽ là lượt, sắc màu rực rỡ, ríu ran chuyện trò, như thể họ đi hội vậy. Các cô gái Mường thì khoe dáng vẻ nuột nà trong bộ váy dài tha thướt đến mắt cá chân, lấp loáng gấu váy màu đỏ ở bên trong. Bên thắt lưng lấp lánh bộ xà tích bạc thả rơi cùng với nút thắt lưng màu sắc rực rỡ buông hững hờ. Có cô còn buộc thêm cái ớp xinh xinh, và ngay cả cái ớp cũng được trang điểm bằng dây buộc tết bằng chỉ thêu màu đỏ. Thói quen làm lụng chăm chỉ, con cá ngọn rau đều được nhặt nhạnh bỏ vào ớp đã nâng lên thành văn hóa một cách tự nhiên và hồn nhiên như vậy có lẽ chỉ có ở người miền cao. Bây giờ có thể hiểu cái ớp xinh xinh của cô gái Mường cũng có tác dụng như chiếc ví cầm tay của các nàng xinh xắn điệu đà, dùng đựng những vật dụng rất con gái.
Các cô gái Dao Tiền xúng xính, hớn hở trong bộ váy màu chàm điểm những đồng tiền trắng xinh xinh dài ngang bắp chân, dáng đi đung đưa uyển chuyển theo chuỗi cười rúc rích. Các cô gái Dao Đỏ thì sắc đỏ rực rỡ trong trang phục, chỉ có đôi bắp chân được giấu trong xà cạp trắng tinh, với những bước đi nhanh nhẹn, vững chắc như đang đi lên nương. Vì ở xa nên các cô gái Dao đến chợ từ chiều hôm trước, tức là phiên chợ đón, và họ cứ mải miết la cà khắp chợ, gặp nhau và ríu ran chuyện trò không biết chán. Tất cả họ đều mang một thứ gì đó đến chợ, như bó măng khô, nắm mộc nhĩ, con mèo mướp nhọ mũi, chục trứng gà trong chiếc rọ xinh xinh, chục quả vả rừng đỏ thắm, túi nhỏ nhỏ đựng những quả sim tím sẫm mọng mượt, hoặc quả bồ quân tím đỏ. Hoặc những cái ớp nho nhỏ xinh xắn đựng quả sang đã luộc, một loại quả rừng có ruột vàng óng như trứng gà. Có cảm giác như những thứ ấy chỉ là cái cớ đưa họ đến chợ thôi, còn đi chơi và xem chợ mới là chính. Điều này đã làm nên văn hóa chợ chỉ có ở miền núi, mà không thể tìm thấy ở miền xuôi.
Con bé thấy ở chợ cái gì cũng đáng xem, nhưng nó hay ngồi lâu nhất là ở hàng bán tranh. Ngạc nhiên là nếu các thứ hàng khác người bán hàng là phụ nữ, thì chỉ riêng chủ hàng tranh vẽ lại là đàn ông. Những người đàn ông trông khỏe mạnh thậm chí gồ ghề, có nước da nâu nâu, có đôi tay khỏe mạnh, bưng đôi bồ đựng tranh to tướng nom nhẹ như không. Có vẻ như là ông chủ hàng tranh cũng là nông dân chân lấm tay bùn, nhân ngày Tết rảnh việc đồng áng đi bán tranh. Ông chủ hàng tranh nhanh nhẹn tìm kiềm gốc cây xà cừ to nhất, tựa chiếc xe thồ vào gốc cây, lần lượt trải tranh ra đất. Có đủ loại. Tranh làng Hồ vẽ chú bé chăn trâu vô tư thổi sáo trên lưng trâu, khuôn mặt bầu bĩnh mặt hướng lên bầu trời xanh bao la, như thả lên trời một ước mơ trong veo; bức tranh đàn gà con ủ ấp âu yếm bên gà mẹ, có con rúc vào cánh gà mẹ, có con lại trèo lên lưng gà mẹ ngổi ngất ngưởng, như cảnh gia đình đầm ấm yêu thương; bức tranh gia đình nhà lợn mũm mĩm xum xuê như ước mong của người nông dân được thu hoạch mùa màng trĩu quả sai trái. Loại tranh Hàng Trống vẽ đôi cá chép trông trăng, đôi cá có dáng mềm mại cong veo, đùa giỡn vui vẻ với bóng trăng in đáy nước, nom thật thơ mộng và vui tươi. Bộ tranh tứ bình tùng cúc trúc mai, có cây thông khoe nốt sẹo xù xì, dáng trúc thanh mảnh mà rắn rỏi, cành hoa mai gầy guộc nhưng rạng rỡ, bông hoa cúc vàng óng và ấm như nắng tháng Chạp khoe lớp cánh cong cong như ngón tay búp măng điệu đà của thiếu nữ; bộ tranh tứ bình khác vẽ bốn cô gái yểu điệu thục nữ, vận áo dài và áo tứ thân, nom xinh tươi như hoa mùa xuân, cô thì e lệ với cái cầm quạt thêu hoa, cô khác lại mải mê ngắm nhành hoa trên tay. Con bé phân biệt được các loại tranh là do cứ tỉ mẩn ngồi xem và hỏi han ông chủ hàng tranh đủ thứ. Nhất định nó cũng bám theo bố đi mua tranh vào ngày phiên chợ hăm bẩy âm lịch. Những bức tranh được bố con nó mua về, dán lên tường, để che lấp đi bức tường đất nhồi rơm xấu xí, làm cho ngôi nhà bừng sáng lên một cách rực rỡ đầy sắc màu. Con bé yêu những bức tranh vì nhờ tranh mà ngôi nhà xám xịt của gia đình nó như được mặc áo mới. Bộ áo ngày Tết lộng lẫy sắc màu và thỏa mãn được cái háo hức đợi chờ Tết đến theo kiểu của trẻ con.
Bây giờ thì cái cảnh trên bến dưới thuyền nhộn nhịp mà háo hức xưa đâu còn nữa? Thật khó để có cái cảnh đi chơi chợ như để trải ra, để cho tâm hồn được thăng hoa thư thái tản mạn theo những bước chân ríu rít sau chuỗi ngày lao động vất vả.
Con người của thế kỷ 21 đã quá quen với siêu thị và trung tâm thương mại, với đủ mọi loại hàng hóa được bày biện ê hề, những màu sắc xanh đỏ tím vàng làm hoa cả mắt người đến mua hàng. Con bé ngày xưa giờ đã lên chức bà như bà nội nó ngày nào. Nhưng sao vẫn thèm thế, muốn được trở về tuổi thơ ngày xưa ấy để trốn đi chơi chợ? Để được tắm thỏa thuê trong không khí chợ ngày Tết rộn ràng bán mua, để thấy người đi chợ như là mua cả mùa xuân mang về nhà.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...