Trao truyền giá trị văn hóa trong mỗi gia đình
“Tôi mong muốn thế hệ sau đọc được sách của cha ông, duy trì giá trị văn hóa tín ngưỡng, không để tà đạo len vào làm lệch lạc quan niệm thờ tự đã trở thành đạo lý của dân tộc Sán Dìu” - Đó là lời bộc bạch đầy tâm huyết của ông Hoàng Phúc, xóm Chí Son, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ.
Lớp học và ông Thầy đặc biệt
Tiết trời dường như dịu dàng hơn khi chúng tôi bước vào khuôn viên nhà ông Hoàng Phúc, xóm Chí Son, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ. Lẫn trong tiếng chim ríu ran trên lùm cây nhãn trổ hoa như rắc phấn lên nền trời xanh biếc là tiếng trẻ đọc bài vang vang bằng tiếng Sán Dìu. Bỗng nhiên tôi thấy cuộc sống trở nên háo hức và thú vị khác thường.
Người dân xóm Chí Son quen gọi người đàn ông đang chậm rãi đọc mẫu từng câu cho các học trò đọc theo kia là Thầy, vì ông làm Thầy cúng. Đối với đồng bào dân tộc Sán Dìu, từ lúc sinh ra đến lúc mất đi, con người trải qua nhiều “cầu” vui, “cầu” buồn. Hầu hết các nghi lễ vui buồn ấy đều không thể vắng mặt Thầy cúng. Và nay, Thầy cúng Phúc còn tự nguyện làm Thầy giáo.
“Dòng họ nhà tôi ở mảnh đất này hơn 100 năm rồi - ông Phúc trò chuyện với tôi bằng giọng trầm ấm - đã có đến 5 đời làm Thầy. Bắt đầu là ông nội tôi truyền cho bác tôi và chú tôi, cho anh trai tôi là Hoàng Văn Truyền và tôi năm 18 tuổi học nghề từ anh mình. Tôi có tên pháp danh là Hoàng Quang Ngũ Lang, được thăng chức Đại phan sư chủ (cấp bậc cao nhất của Thầy cúng trong cộng đồng người Sán Dìu) năm 2009. Rồi tôi tiếp tục truyền cho con trai là Hoàng Văn Cao (pháp danh Hoàng Khâm Nhị Lang), Cao được phong cấp Tổng xuyến (*) năm 2023. Cháu trai tôi năm nay 29 tuổi cũng làm nghề này. Vợ tôi - bà Bàng Thị Lý (Bàng Diệu Quang Nhị Nàng) là bà Thầy duy nhất ở khu vực này”. Chỉ lên ban thờ, nơi trang nghiêm nhất của gia đình, ông Phúc tự hào giới thiệu với tôi 4 chiếc triện gồm 1 triện Phật và 3 triện tên của các Thầy trong nhà. Chiếc Triện, là bảo vật của Thầy, bởi nó thể hiện quyền lực của mỗi tấm sớ, tấm điệp được các ông ban ra.
Để làm được công việc tâm linh quan trọng này, ông Phúc dùng đến hàng trăm cuốn sách, hệ thống tranh Phật, tranh Thánh và nhiều dụng cụ khác. Đưa cho tôi xem những cuốn sách dày cộp, màu mực nho đen nhánh trên nền giấy nâu, mép sách mòn vẹt dấu tay người giở trang, ông Phúc bảo: Mỗi nghi lễ có cách bài trí, tài liệu, dụng cụ khác nhau. Cuốn “Thông thư” này chuyên để xem ngày lành tháng tốt, cuốn “Hoàn hoa trái” này để cúng mụ cho trẻ con; tranh Thánh dành cho đám ma người học làm Thầy; tranh Phật dùng ở các đám thông dụng; các loại não bạt, quyền, trượng… nữa. Rồi tạm dừng trò chuyện với tôi, ông Phúc vội quay lại với công việc dạy học ông đã dành thời gian cả tháng nay.
“Lớp học” gồm chiếc bàn dài đặt giữa sân nhà, có 5 cháu đang chăm chú vào cuốn “Sơ khai thiên địa” viết bằng chữ Hán Nôm (chữ của người Sán Dìu), được Thầy giáo Phúc phô-tô từ tập sách gốc của ông. Từng dòng chữ ông phiên âm ra tiếng Sán Dìu, ngân nga đọc mẫu, các cháu đồng thanh đọc theo.
Nhỏ tuổi nhất là cháu Diệp Minh Hiếu, học lớp 5, nhà ở Cầu Mành (Phú Bình). Hiếu nghe lời ông nội là Diệp Văn Quý, sang Đồng Hỷ học thầy Phúc về nghi lễ cúng mụ cho trẻ con. Theo yêu cầu của tôi, Hiếu đọc một đoạn trong cuốn sách dày có tên Hoàn hoa trái, giọng trầm bổng khá truyền cảm. Học trò “lớn” nhất 21 tuổi, là Hoàng Văn Vinh. Vinh từng đi làm công nhân, nay quyết tâm học chữ để đọc được sách của dân tộc mình. Cậu đã được Thầy Phúc cho theo phụ lễ và học việc. Ba học trò còn lại là Hoàng Văn Tân, Trần Quốc Toàn, Hoàng Đức Khương, người cùng xã Nam Hòa. Các cháu đều nói học không khó, quan trọng là chăm ôn luyện và có vốn tiếng Sán Dìu tốt. Chỉ sau gần một tháng được Thầy Phúc chỉ dạy, các cháu đã thuộc lòng và hiểu ý nghĩa cuốn Sơ khai thiên địa và viết được một số chữ.
Nói về mục đích mở lớp dạy đọc, dạy viết chữ Sán Dìu, ông Hoàng Phúc bảo: Tôi mở lớp học hoàn toàn miễn phí đơn giản chỉ vì muốn bản sắc dân tộc mình được gìn giữ và lưu truyền. Xóm Chí Son có 100% chủ hộ là người dân tộc Sán Dìu, số người nói tiếng mẹ đẻ đến nay còn khoảng 70%. Ngay như gia đình ông Phúc (có 4 con, 11 cháu, 16 chắt) thì các chắt nói tiếng dân tộc rất ít. Nên việc dạy chữ, truyền sách của ông không chỉ để các nghi lễ từ ngàn xưa không bị thất truyền mà còn muốn giữ được bản sắc của dân tộc mình thể hiện bằng chữ viết, tiếng nói, trang phục và những tập tục văn hóa tốt đẹp khác.
Mong con cháu đọc được sách của cha ông
Chứng kiến ông Hoàng Phúc ở xóm Chí Son, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) dạy chữ cho con em dân tộc Sán Dìu, tôi lại nghĩ đến ông Hoàng Trọng Quý ở xóm Đèo Nứa, xã Phúc Thuận (Phổ Yên). Cũng là Đại phan sư chủ, ở tuổi ngoài 80, ông Quý được cộng đồng người Sán Dìu ở Phổ Yên coi là “bảo tàng sống” vì vốn tri thức sâu rộng ông có được và vì trong nhà ông đang lưu giữ nhiều tài liệu cổ đặc sắc của dân tộc mình.
Nhờ ông Trần Bình Dưỡng, Chủ tịch Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu giới thiệu, tôi được ông Quý đón tiếp rất cởi mở. Ông Quý tâm sự: “Tôi đã hai lần nhập ngũ. Lần thứ nhất vào năm 1965, tôi xung phong vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Sau khi về quê nhà, tôi tiếp tục nhập ngũ lần 2 năm 1979 bảo vệ biên giới phía Bắc. Tôi chính thức hành nghề thầy cúng từ năm 1981, trở thành truyền nhân thứ 7 trong dòng họ…”.
Ông Quý vào nhà trong cẩn trọng ôm ra 3 cuộn giấy nặng trịch, gói ghém cẩn thận trong nhiều lớp vải và rất nhiều cuốn sách chữ Hán - Nôm viết tay. Đó là các tấm điệp, các văn bản của 3 lần ông được cấp sắc; vài chục quyển sách bìa nhuộm đen quết nhựa quả hồng, nét mực nho viết trên giấy dó đen nhánh. Nâng từng cuốn lên tay, ông Quý kể: Đây là tài sản tri thức từ đời cụ, kỵ nhà tôi để lại, cuốn sách cổ nhất đã 400-500 năm. Từ lúc con người sinh ra, lớn lên, ốm đau, sinh nở, hoạn nạn, mất đi, tạ mộ; các lễ hội, nghi lễ… đều có hướng dẫn và bài cúng kèm theo trong bộ sách này. Nói rồi ông Quý gọi đứa cháu nội, bảo cháu đọc và viết chữ Hán - Nôm cho chúng tôi xem. “Tôi đang dạy chữ và truyền nghề cho cháu, nó rất chăm học, tiến bộ từng ngày. Nhiều người cứ nghĩ làm Thầy cúng là tuyên truyền mê tín dị đoan. Nhưng đâu phải như thế. Muốn làm Thầy cúng tốt trước hết phải làm công dân tốt. Tôi mong muốn thế hệ sau đọc được sách của cha ông, duy trì giá trị văn hóa tín ngưỡng, không để tà đạo len vào làm lệch lạc quan niệm thờ tự đã trở thành đạo lý của dân tộc Sán Dìu” - ông Quý nói bằng giọng tâm tư.
Ngoài ông Quý, ông Phúc, còn có ông Đỗ Hiền ở xóm Trại Đèo, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) cũng tổ chức một số lớp học dạy các cháu nhỏ biết đọc biết viết chữ của dân tộc. Điều này phù hợp với mục tiêu của UBND tỉnh khi thành lập Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu (năm 2021). Ông Trần Bình Dưỡng (xóm 6, xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên), Chủ tịch Hội, là người rất trăn trở về việc giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Dù đã bước vào tuổi 75 nhưng ông Dưỡng vẫn bền bỉ bồi đắp cho mình thêm kiến thức về âm nhạc, thơ ca. Ông hát Soọng Cô, thuộc nhiều bài văn cúng, thuộc nhiều tích cổ. Sau 20 năm tham gia quân ngũ, trở về quê hương, ông học lại chữ Hán, tiếp cận người cao tuổi để sưu tập các bài dân ca cổ, dịch nghĩa và phát hành tập “Dân ca Sán Dìu” để người không biết tiếng mẹ đẻ cũng đọc và hát được. Ông ghi âm, ký âm thành bản nhạc để truyền cho đời sau các khúc hát Soọng Cô còn “trôi nổi” trong cộng đồng. Đêm đêm, trong căn nhà nhỏ bên vườn cây ăn quả, ông cần mẫn dịch cuốn truyện thơ (nguyên gốc bằng chữ Hán - Nôm) kể lại sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ từ cõi âm (nguồn gốc lễ Vũ Lan báo hiếu 7-7 âm lịch) và dự định xuất bản cuốn “trường ca” này bởi nó chứa đựng nhiều bài học đạo đức, răn dạy con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Ông Dưỡng nói với tôi: Lâu nay nói đến văn hóa người Sán Dìu nhiều người thường nhắc đến Soọng Cô, nhất là khi Soọng Cô được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, nhưng kho tàng văn hóa của chúng tôi đồ sộ hơn nhiều. Đó còn là các thư tịch cổ, các bài văn cúng, nghi lễ cưới hỏi, tang ma, các bức tranh thánh, các bức điệp cấp sắc… đang được lưu giữ trong nhà các ông Thầy.
Theo con số ông Dưỡng nắm được thì hiện tỉnh Thái Nguyên có hơn 50 nghìn người Sán Dìu. Ban Chấp hành Hội đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực, các phong tục tập quán tốt đẹp trong đường ăn nết ở của dân tộc mình. Riêng tiếng nói và chữ viết là gốc của văn hóa, cần được “chăm bẵm” trước tiên. Bởi thực tế đáng buồn là hầu hết người Sán Dìu từ 40 tuổi trở xuống hiện nay không nói tiếng mẹ đẻ. Nếu không can thiệp kịp thời thì khoảng 20 năm nữa sẽ không còn người nói tiếng Sán Dìu và những giá trị văn hóa khác cũng khó tồn tại - ông Dưỡng lo ngại. Việc duy trì các câu lạc bộ Soọng Cô - một hình thức bảo tồn tiếng nói - cũng đang gặp khó khăn do mới chỉ có Soọng Cô của huyện Đồng Hỷ được công nhận là Di sản.
Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc thiểu số là công việc vĩ mô của địa phương, của đất nước. Tuy nhiên dòng chảy trao truyền âm thầm trong mỗi gia đình, dòng họ cũng mang lại hiệu quả lâu bền. Những gì tôi thấy ở nhà ông Dưỡng, ông Quý, ông Phúc, ông Hiền và chắc hẳn còn nhiều gia đình người dân tộc Sán Dìu khác nữa đang nói lên điều đó.
(*) Tổng Xuyến: Một cấp bậc của Thầy cúngngười Sán Dìu
Ngô Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...