Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:32 (GMT +7)

Tìm lời giải để Thái Nguyên trở thành “Thành phố đáng sống”

Thái Nguyên là trung tâm kinh tế - văn hóa của cả Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là tỉnh đã được quy hoạch nằm trong Vùng Thủ đô Hà Nội. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của cả nước, thành phố Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc khai thác tiềm năng thế mạnh... Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét. Nhưng thực tế, Thái Nguyên đã sánh ngang tầm một “Thành phố đáng sống” hay chưa, điều này thật khó trả lời…

Tầm vóc cùng sự chuyển mình ấn tượng

Sinh sống tại nhiều tỉnh thành trên cả nước nhưng lứa học trò Trường cấp III Lương Ngọc Quyến chúng tôi có điều kiện, vài năm vẫn một lần tề tựu về thành phố Thái Nguyên họp lớp. Mỗi lần gặp nhau ai nấy đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của thành phố, nơi mình sinh ra và lớn lên. Dù thời gian không nhiều, những người bạn ở xa vẫn dành thời gian tới thăm các địa danh thân thiết đã từng gắn bó. Võ Thanh Hùng, nguyên là thành viên ban cán sự lớp, có bố là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc tham gia xây dựng Khu Gang thép, hiện là tổng giám đốc một công ty thương mại xây dựng trong Đà Nẵng, có lần đã không giấu nổi xúc động: “Ngày tôi còn ở Thái Nguyên, phố nhấp nhô nhà mái tranh mái ngói, đường nhỏ hẹp uốn khúc. Sự phát triển của Thái Nguyên quả thực khó có thể hình dung. Tuy nhiên, để thành phố thực sự là “Thành phố đáng sống”, đáp ứng được kỳ vọng của người dân, chắc chắn còn nhiều việc phải làm…”. Tôi hiểu ý Hùng, bởi bạn đang làm việc tại một trong những thành phố năng động, trẻ trung và giàu ý tưởng sáng tạo nhất của đất nước.

Thoắt đã mấy chục năm. Những năm tháng đầu đời bên nhau ấy, thành phố Thái Nguyên như người thợ mặc áo vá vai đạp xe trên đường lầm bụi đỏ. Ngoài Bảo tàng Việt Bắc, Rạp chiếu bóng, Khách sạn Chuyên gia, bệnh viện, một số trường học, trụ sở cơ quan được xây dựng bề thế, phần lớn nhà ở của người dân vẫn rất tạm bợ. Sau lưng các dãy phố là làng xóm với những cánh đồng rau màu, khoai, lúa. Do điều kiện kinh tế eo hẹp, thành phố từng bước được cải tạo, xây dựng dựa trên hình hài từ một thị xã vốn được xác lập từ thời kháng chiến chống Pháp…

Có thể dễ dàng nhận thấy cơ sở hạ tầng của thành phố những năm gần đây đã được tập trung đầu tư. Nhiều trục đường lớn được xây dựng. Trụ sở cơ quan, trung tâm văn hóa, khách sạn, trường học, các khu đô thị mới với những ngôi biệt thự, tòa nhà cao tầng kiểu dáng kiến trúc đa dạng mọc lên, làm cho bộ mặt đô thị thay da đổi thịt và ngày càng khang trang hiện đại.

Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Thái Nguyên sẽ là “một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thể thao, du lịch, đầu tàu phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; là một cực phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội; là đô thị cửa ngõ, có vai trò kết nối giữa Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng”. Quy hoạch này mở ra cho Thái Nguyên nhiều cơ hội để bứt phá vươn lên. Thời cơ vận hội bao giờ cũng đi liền với khó khăn thách thức. Đạt được mục tiêu như quy hoạch được phê duyệt, thành phố phải tiếp tục nỗ lực về nhiều mặt.

Còn đó nhiều bất cập

Dẫu có sự vươn mình mạnh mẽ, thành phố không hẳn đã phát triển tương xứng với tiềm năng. Ông Nguyễn Việt Dũng, một cư dân lâu năm ở phường Quang Trung thẳng thắn nhìn nhận: “Công bằng mà nói, so với các thành phố non trẻ khác, Thái Nguyên còn nhiều mặt hạn chế, thiếu sự quy hoạch, kiến trúc, xây dựng một cách đồng bộ. Một bộ phận người dân vì nhiều lẽ mưu sinh nên chấp hành các quy định còn tùy tiện…”. Quả là vậy, đi trên bất kỳ con phố nào, kể cả những con đường mới, phố mới, ta đều có thể bắt gặp sự nhếch nhác, lộn xộn, mỗi căn nhà xây một kiểu theo túi tiền của chủ nhân, thiếu đi tính hài hòa thống nhất và hiện đại. Quy hoạch phát triển giao thông đô thị của thành phố chưa có tầm nhìn chiến lược (bài học nhãn tiền tại đường trục chính xuyên tâm Cách mạng Tháng Tám không có vỉa hè là một ví dụ). Mật độ dân cư và các phương tiện cá nhân hiện chưa nhiều, song tình trạng kẹt xe đã xuất hiện tại một số điểm giao cắt. Các bãi đỗ xe ô tô tại khu trung tâm hầu như chưa có...

Ngoài ra, ở hầu hết các khu đô thị mới, chủ đầu tư ít xây dựng chung cư cao tầng mà chủ yếu phân lô bán nền và giá bán đất nền lại chênh quá cao so với giá bồi thường ban đầu… Điều này tạo cảm giác bất bình đẳng, gây bức xúc với người dân có đất phải thu hồi để giải phóng mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Hữu Thăng ở phường Tân Thịnh thì: “Việc giải bài toán về quy hoạch, kiến trúc và quản lý đô thị không phải là quá khó khi thành phố vừa được mở rộng. Điều cơ bản là giải bằng phương pháp nào. Nếu chỉ bằng biện pháp hành chính e rằng sẽ bất khả thi. Xét về bình diện nào đó, cần có cách nhìn tổng quan, đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Đơn cử trục đường từ chợ Thái đến cầu Bến Oánh bấy lâu nay đã hình thành một dãy phố chợ. Các cơ quan chức năng tiến hành giải tỏa thường xuyên để bảo đảm an toàn giao thông và mĩ quan đô thị song còn tốn khá nhiều công sức, bởi nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa của bà con nông dân là rất lớn. Dẹp bán hàng và họp chợ trên đường là cần thiết, nhưng để dẹp được phải có quỹ đất cho bà con họp chợ. Chợ đầu mối Túc Duyên trên trục đường này đã gần như quá tải và không thích hợp cho người nông dân chỉ có gánh rau, mẹt hoa quả vườn nhà”.

Dù có ý tránh chạm đến một vấn đề “nhạy cảm”, nhưng không thể không nhắc tới. Đó là nhiều năm qua, trên thực tế có không ít người dân ăn nên làm ra đã chuyển về Hà Nội. Con em Thái Nguyên đi học tại Hà Nội cũng ít trở về Thái Nguyên làm việc. Không khó lý giải điều này khi ở Thủ đô, các bạn trẻ có nhiều cơ hội tìm việc làm với thu nhập cao, cơ hội thăng tiến và chất lượng cuộc sống được đảm bảo. Số lớn tuổi hơn thì cho rằng các điều kiện học tập, làm việc, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí, môi trường sống… tốt hơn Thái Nguyên rất nhiều.

Làm gì để Thái Nguyên trở thành “Thành phố đáng sống”?

Xây dựng Thái Nguyên trở thành “Thành phố đáng sống” không phải mang tính chất hình thức, hoặc một xu hướng có tính chất phong trào, bởi cư dân của bất kỳ mảnh đất nào trên thế giới cũng đều mong muốn nơi mình sinh sống phải thực sự là nơi “đáng sống”. Xin không đề cập đến chủ trương lớn như xây dựng Thái Nguyên thành đô thị tri thức, đô thị công nghiệp hoặc đô thị thông minh… Đây thuộc tầm của các nhà lãnh đạo quản lý. Chỉ xin được lạm bàn thêm về một số khía cạnh.

Trước hết về quy hoạch kiến trúc và quản lý đô thị. Xây dựng thành phố hiện đại, văn minh đang đặt ra những yêu cầu bức thiết về quy hoạch không gian, quy hoạch kiến trúc và quản lý đô thị. Thiết nghĩ trong giai đoạn thành phố phát triển mạnh mẽ như hiện nay, chúng ta cần vào cuộc một cách quyết liệt. Bây giờ hoặc không bao giờ chúng ta có thể sửa chữa được những khiếm khuyết, bởi sửa chữa khiếm khuyết trong một đô thị đã xây dựng hoàn chỉnh là việc làm vô cùng tốn kém. Để quy hoạch không bị lỗi thời, nên chăng mời các tổ chức uy tín trong nước hoặc nước ngoài khảo sát, thiết kế quy hoạch tổng thể và từng phân khu chức năng để quản lý xây dựng thống nhất lâu dài. Trong quá khứ, chúng ta cũng đã có những định hướng không gian thiếu nhất quán khi dịch chuyển trung tâm thành phố về phía Nam bên cạnh khu Gang thép, hoặc quy hoạch mở rộng về phía Tây… gây lãng phí không cần thiết.

 

Cần có chính sách hợp lý mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế xây dựng hoàn chỉnh theo đúng nghĩa từng khu đô thị mới với các tòa nhà cao tầng và biệt thự xây xen, tạo dựng khung cảnh đô thị vườn, thành phố vườn, bao gồm cả trường học, cơ sở y tế, trung tâm thương mại, khuôn viên cây xanh cùng nhiều dịch vụ tiện ích khác.

Một trong những nhu cầu tối thiểu của cư dân đô thị bên cạnh không gian sống, còn là không gian giao tiếp, không gian nghỉ ngơi giải trí và hưởng thụ văn hóa. Sự nghèo nàn về cơ sở vật chất cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Việc từng bước hình thành chợ đêm, phố đi bộ, các khu vui chơi tầm cỡ cũng cần được tính đến. Thái Nguyên đã được công nhận là độ thị loại 1, nhưng lại không có công viên theo đúng nghĩa, điều rất hiếm gặp trên thế giới! Theo quy hoạch công viên mới sẽ được xây dựng tại xã Cao Ngạn, nhưng hiện chưa rõ thời điểm nào có đủ điều kiện thi công. Chúng ta đã và đang triển khai xây dựng thành phố theo quy hoạch dọc hai bờ sông Cầu. Việc tạo ý tưởng mới và dành phần quỹ đất thỏa đáng cho không gian cây xanh soi bóng bên mặt nước là hết sức cần thiết.

Một vấn đề quan trọng cần có của một “thành phố đáng sống” là môi trường văn hóa. Sự ứng xử lịch thiệp, nhã nhặn, tôn trọng lẫn nhau trong các mối quan hệ không chỉ tại công sở mà trong mọi hoạt động của đời sống xã hội phải được đề cao và đã đến lúc ngành giáo dục đào tạo tỉnh nhà cần biên soạn nội dung đưa vào chương trình giảng dạy một số giờ về “Đất và người Thái Nguyên” cho các trường từ bậc tiểu học trở lên. Tổ chức các buổi ngoại khóa cho các cháu học sinh tham quan các viện bảo tàng, các địa danh lịch sử trên địa bàn. Tăng cường giáo dục nhân cách cho các cháu ngay từ tuổi vị thành niên... Làm sao để mỗi cư dân thành phố hình thành ý thức thượng tôn pháp luật, sống có tình nghĩa, ứng xử văn hóa và hài hòa trong các mối quan hệ xã hội.

Từ những đóng góp trên, chúng tôi thấy việc cần đặc biệt quan tâm và từng bước triển khai ngay các công việc về quy hoạch kiến trúc các phân khu chức năng của đô thị, ưu tiên cho nhu cầu văn hóa xã hội như công viên, chợ đêm, phố đi bộ, bãi đỗ xe, khu vui chơi trẻ em…

“Thành phố đáng sống” hiện mới chỉ là một danh hiệu mà người dân nói với nhau chứ chưa có một bộ tiêu chí quốc gia. Nhưng từ kinh nghiệm của các thành phố trên thế giới, bên cạnh công tác quy hoạch, thiết nghĩ các nhà quản lý cần bổ sung, hoàn chỉnh các quy định về quản lý đô thị và triển khai thực hiện nghiêm túc để người dân góp sức thực hiện và hưởng lợi do đô thị “đáng sống” mang lại.

PHAN THÁI

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước