Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:57 (GMT +7)

Thượng tá Hoàng Việt Hưng – sánh bước dưới cờ sao

VNTN - “Tôi rũ chiến bào, xếp gọn gàng vào tủ áo thơm mùi băng phiến cao sang, mặc vào mình bộ áo đại cán dân sự ngồi trước bàn giấy từ đây. Chân tôi hàng ngày bước lên những bậc thềm dài nhiều bậc dẫn tới văn phòng Bảo tàng Cách mạng ở Thái Nguyên”.


Đó là ý nghĩ và hình ảnh lãng mạn của Thượng tá Hoàng Việt Hưng khi chuyển sang nhận nhiệm vụ mới, từ quân sự sang dân sự. Trong suy nghĩ của mình, ông tin rằng, dù công tác mới mẻ song đã là Bộ đội Cụ Hồ thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua.

Áo bào xếp gọn

Năm 1960, đang phụ trách Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng, Thượng tá Hoàng Việt Hưng được quyết định chuyển về Đảng bộ Khu Tự trị Việt Bắc. Thời gian đó, Trung ương có chủ trương điều một số cán bộ quân đội sang đảm trách những vị trí thuộc các cơ quan dân sự. Ông được cử làm Chủ nhiệm Bảo tàng Cách mạng.

“Tôi nghĩ, chắc Đảng muốn rằng, xây dựng Bảo tàng Cách mạng phải chọn người đã từng cống hiến tham gia trực tiếp cách mạng từ những ngày đầu gian khổ trong vòng hoạt động bí mật. Tôi phấn khởi nhận nhiệm vụ, thở phào nhẹ nhõm vì sự cống hiến của mình cho quân đội, nay tạm ngơi”, ông kể lại cho con cháu.

Tục ngữ Tày có câu “Vỏ cốc đang rằm mẻc, vỏ khéc ngám vừa vần”, nghĩa là người đứng đầu áo ướt đẫm mồ hôi, những người giúp việc vừa mới lên. Nghĩa là người chỉ huy không phải đứng chỉ tay 5 ngón, mà cùng chung tay ra sức lao động với thuộc cấp, những người giúp việc. Chẳng mấy chốc, Bảo tàng Cách mạng Khu Tự trị Việt Bắc đi vào hoạt động.

Một vinh dự cho ông Chủ nhiệm cũng như cho cả Bảo tàng, đó là dịp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Ông Hoàng Việt Hưng đưa Bác tới thăm các gian trưng bày. Hồ Chủ tịch có những góp ý rất cụ thể. Rồi như để thử chính người cán bộ áo chàm giỏi chữ Nho ở Khuổi Nặm hơn 20 năm trước, Bác hỏi nét nổi bật nhất của Hội nghị Trung ương VIII (5/1941) là gì? Chủ nhiệm Việt Hưng thưa rằng đó là thành lập Mặt trận Việt Minh. Bác cười, rồi nói, đúng mà chưa trúng. Người nhắc lại việc tạm gác lại nhiệm vụ cách mạng dân chủ để toàn dân đoàn kết, đánh Pháp đuổi Nhật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bảo tàng Việt Bắc (nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam) tại Thái Nguyên, ngày 01/1/1964 (Ảnh tư liệu).

Lúc này cán bộ Việt Hưng nhớ ngay khẩu hiệu toàn dân đoàn kết ngày ấy. Khuổi Nặm không xa quê ông, xã Phúc Tăng, tổng Nhượng Bạn, châu Thạch Lâm, nay là xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Quê ông có phong trào cách mạng từ rất sớm, năm 1930 đã có chi bộ Đảng. Cha ông, cụ Hoàng Đức Tô, dù làm Phó Tổng nhưng đã bí mật tham gia Nông hội đỏ với bí danh Việt Hòa. Chị gái và 4 em trai tiếp sau ông đều tham gia cách mạng tại quê hương khi có phong trào Việt Minh. Riêng cá nhân Hoàng Việt Hưng được cấp trên yêu cầu sang Trung Quốc học quân sự. Đồng chí Hoàng Đức Thạc Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng hỏi ý kiến cụ Hoàng Đức Tô, cụ đồng ý. Không bao lâu sau, Việt Hưng lên đường sang bên kia biên giới học quân sự tại Tĩnh Tây, rồi trường Võ bị Hoàng Phố tại phân hiệu Liễu Châu. Việt Hưng ở cùng tổ với Nam Long (sau này là Trung tướng, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng), gọi là tiểu đội 8. Tiểu đội 9 có Hoàng Văn Thái (sau này là Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam). Tốt nghiệp, Việt Hưng trở về nước công tác tại Khu Thiện Thuật.

Thượng tá Hoàng Việt Hưng (1918 - 2001) tên khai sinh là Hoàng Thanh Châu, bí danh khác là Đặng Việt Hưng. Trước khi làm Chủ nhiệm Bảo tàng Cách mạng Việt Bắc (nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam) ông là một trong những chỉ huy quân sự đầu tiên của Quân đội: Cán bộ Quân huấn Quân khu I (1946); Tiểu đoàn trưởng Vệ Quốc đoàn Bắc Ninh (1947 - 1948); Trung đoàn phó Trung đoàn 59 (nay là Trung đoàn 36 Trung đoàn Bắc Bắc Sư đoàn 308); Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148 - Quân khu 2 và Trung đoàn 246 Sư đoàn 346 (1953 1960)…

Từ năm 1965 đến năm 1974, ông Hoàng Việt Hưng làm Phó ban Tổ chức Dân chính Khu Tự trị Việt Bắc.

“Nghỉ hưu, nhìn lại cuộc đời mình tôi thấy có chút tự hào, một chút thôi, đã từng chinh chiến trên những vùng núi đá tai mèo phức tạp, vùng cao xa xôi hẻo lánh. Tôi luôn phải tự mình nhiệt tình xây dựng cơ sở bằng uy tín của bản thân để giác ngộ nhân dân vùng đồng bào Mông ở Cao Bằng, Hà Giang, xây dựng quân đội, chỉ huy quân đội đánh Pháp, đánh Nhật, đánh Quốc Dân đảng, đánh phỉ…”.

 

Tư lệnh phía Bắc Hà Giang

Ở tuổi thanh niên, Việt Hưng đã chinh chiến trên vùng núi đá tai mèo từ Cao Bằng sang Hà Giang, hoạt động ở phía Bắc của tỉnh, góp phần xây dựng chính quyền mới. Trước khi sang Hà Giang, Hoàng Việt Hưng đã công tác ở khu Thiện Thuật - vùng núi đá tai mèo thuộc các huyện Hòa An và Nguyên Bình. Trước tình hình mới, đồng chí Tống (tức Phạm Văn Đồng) giao nhiệm vụ mở một tuyến đường liên lạc về xuôi gặp Quốc lộ 2 (Hà Giang - Tuyên Quang - Phú Thọ) đề phòng các tuyến khác trên chiến khu bị đứt đoạn. “Công tác của các đồng chí nằm trong kế hoạch Tây Tiến của đoàn thể”, đồng chí Tống nói.

Việt Hưng tức tốc sang phía tây nam Phya Dạ (Nhiêu Lai, Hà Giang). Có anh Bệ, người Mông ở Nhiêu Lai sang đón. Chỉ trong ba tháng, từ tháng 6 đến tháng 9/1944, một hành lang (tuyến đường) liên lạc từ bờ sông Gâm (Yên Minh - Bắc Mê) sang giáp sông Lô (Vị Xuyên - Quốc lộ 2) được Việt Hưng hoàn thành.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tình hình Hà Giang hết sức phức tạp. Căn cứ vào tình hình thực tế, Hoàng Việt Hưng đã chủ động xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho việc giành chính quyền khi có thời cơ. Hà Giang hiểm trở. Khi Chính phủ ra mắt tại Hà Nội, tỉnh lỵ Hà Giang vẫn trong tay quân Tàu Tưởng thuộc Quân đoàn 52 do Triệu Công Vỹ chỉ huy. Theo sau là Hoàng Quốc Chính - Ủy viên Trung ương Việt Nam Quốc dân đảng, chiếm giữ thị xã Hà Giang rồi tỏa ra chiếm một phần Vị Xuyên, Bắc Quang, Quản Bạ.

Hoàng Việt Hưng đem quân tiến xuống Quản Bạ, sau đó liên hệ với Nguyễn Duy Viên (Ba Viên) làm binh biến chiếm thị xã Hà Giang.

Ngày 8/12/1945 thị xã Hà Giang được giải phóng. Hoàng Việt Hưng cùng Lý Đào (tức Lý Thủy Thọ, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 về công tác ở Bộ Tổng tham mưu) tiến vào thị xã. Trong hồi ký, ông cho biết, đây là hai người phụ trách bộ đội Chính phủ vào thị xã Hà Giang đầu tiên. Cũng trong ngày hôm ấy, hai ông Thanh Phong và Mai Trung Lâm hoạt động ở mạn Hà Giang - Bắc Quang -Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, cũng vừa mới lên thị xã và đang tìm gặp Hoàng Việt Hưng.

Những công việc cần thiết để thành lập chính quyền tại Hà Giang được gấp rút bàn bạc và thực hiện. Ngày 25/12/1945, UBND tỉnh Hà Giang làm lễ tuyên bố thành lập. Trong cuộc mít tinh, ông Thanh Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nói về ý nghĩa thành lập chính quyền mới. Ông Hồng Quân - Bí thư Ban cán sự (nay là Bí thư Tỉnh ủy) nói về Việt Minh lãnh đạo cách mạng. Ông Hoàng Việt Hưng nói về chặng đường khởi sự của cách mạng Hà Giang. Vì đa số dân chúng là người Mông nên ông được ban tổ chức đề nghị nói bằng tiếng Mông.

Chiến đấu bảo vệ Đồng Văn

Từ ngày Thượng tá Hoàng Việt Hưng mặc bộ quần áo dân sự, chuyển sang làm công tác Bảo tàng, có thể trong số bạn bè ông hoặc những người biết ông sẽ đùa vui rằng ông trở thành hiện vật cấm sờ ở Bảo tàng. Đôi khi, tôi cứ tưởng tượng đến một tình huống như vậy... Đằng sau bộ đồ dân sự giản dị ấy, ít ai biết ông có một quá khứ oai hùng, từng chinh chiến trên vùng núi đá tai mèo, được người Mông thán phục.

Tháng 5 năm 1959, phỉ nổi lên ở Đồng Văn (Hà Giang). Vàng Chúng Dình, Vàng Chỉn Cáo, Giàng Vạn Sùng, Lý Nhè Lùng… trực tiếp chỉ huy. Tổng phụ trách là Vàng Chúng Dình. Phụ trách vũ khí là Vàng Sè Na. Phụ trách lương thực tài chính là Sùng Mí Chiu… Quân phỉ đào đắp công sự, bắn chết một công an, bắn bị thương một cán bộ huyện đội, ngăn chặn nhân dân đi nộp thuế, đi họp… Đến tháng 12 năm 1959 thì tình hình căng thẳng vô cùng. Quân phỉ bắn vào trụ sở huyện Đồng Văn (ngày 9/12) giữa lúc có đoàn cán bộ Khu ủy Việt Bắc và Tỉnh ủy Hà Giang lên, gây thương vong cho nhiều cán bộ như ông Bế Ngọc Bảo - Khu ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục Khu Tự trị Việt Bắc. Còn ông Nông Văn Quang Thường vụ Khu ủy chạy qua biên giới rồi tìm đường vào Bảo Lạc (Cao Bằng) mới thoát.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn những năm tháng ấy, sau này được nhà văn Ngôn Vĩnh viết lại, rồi tiểu thuyết hóa. Từ nguyên mẫu đến tiểu thuyết hóa là những khúc xạ, phải những người trong cuộc mới biết được ai là ai. Theo thời gian, những người trong cuộc dần khuất bóng. Lớp hậu sinh không dễ mà biết được ai là nguyên mẫu trong những cán bộ chỉ huy hồi đó, từ ông Lê Đình Thiệp - Phó Chính ủy Quân khu Việt Bắc; ông Lê Văn Lương - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; ông Mai Trung Lâm - Chính ủy kiêm Giám đốc Công an Vũ trang Khu Tự trị Việt Bắc; ông Hoàng Văn Kiểu - Thường vụ Khu ủy Việt Bắc;…

Một điều may mắn là, Thượng tá Hoàng Việt Hưng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 246 (Đoàn Tân Trào), người trực tiếp chỉ đạo mặt trận Đồng Văn trong cuộc tiễu phỉ năm 1959 - 1960 đã kể lại trong hồi ký do nhà văn Hoàng Triều Ân ghi.

Trung đoàn trưởng Hoàng Việt Hưng cấp tốc lên ngay Hà Giang nghiên cứu tình hình thổ phỉ ở Đồng Văn. Một mặt, ông đưa y tá lên chữa bệnh cho dân và điều tra, nắm bắt. Mặt khác, ông cử trinh sát, có người địa phương dẫn đường, đi bộ vượt qua hàng chục trạm gác lên đỉnh Cổng Trời để xác minh cụ thể từng cứ điểm. Để đỡ tốn xương máu, ông Hoàng Việt Hưng đã cùng ông Vương Quỳnh Anh và một số cán bộ huyện Đồng Văn lên cổng trời thuyết phục quân phỉ mở đường cho nhân dân đi lại làm ăn. Song cuộc thương thuyết không thành. Ngoại giao chấm dứt, chỉ còn phương án sử dụng vũ lực.

Quân phỉ ngày càng hung hãn hơn. Ba ngày sau, Vàng Chúng Dình tập trung 200 quân tấn công thị trấn Đồng Văn, rồi cô lập và chiếm giữ thị trấn.

Nhận được tin báo, Trung đoàn trưởng Việt Hưng nai nịt lên Đồng Văn. Ngày 23/12/1959, trùm phỉ Vàng Quáng Ly cầm đầu 200 quân từ Lao Và Chải, Cán Tỷ kéo xuống, tấn công đồn Yên Minh. Trưởng ban trinh sát Trung đoàn 246 Tiến Minh đóng giữ. Phỉ lùa bắt người dân, mà đa số là cụ già, phụ nữ và trẻ em làm bia đỡ đạn. Trưởng ban Tiến Minh ra lệnh chỉ bắn tỉa. Những tiếng súng nổ ròn rã. Những tên phỉ trúng đạn lần lượt đổ gục. Song người dân cũng hoảng hốt khi thấy máu chảy, thây người gục như chuối đổ. Biết chắc bà con người Mông ở đây chưa thể quên mình, Hoàng Việt Hưng hô to:

- Bà con ơi! Pê cư tì chỉ say! (quay về đi đừng sợ). Việt Hưng đây. Quân Việt Hưng không bắn vào nhân dân đâu. Chỉ say (đừng sợ). Việt Hưng đây...

Nghe tiếng ông, mấy người già đứng lại, họ giơ tay chới với trong không trung, miệng cũng gọi lại: - Việt Hưng! Việt Hưng!

Trung đoàn trưởng nói thêm bằng tiếng Mông:

- (quay về đi). Không đi theo bọn cầm súng, ra nơi chiến trận đạn lạc đấy. Đạn lạc thì tủa lớ (chết đấy)...

Nghe tiếng Việt Hưng, đám đông xao xác, rồi mẹ dắt con, cháu dắt ông… lục tục quay về, không nghe theo những lời dọa nạt của quân phỉ.

Đồng Văn những ngày cuối năm Kỷ Hợi (1959) sang năm Canh Tý (1960) rét quắt tai. Một vài nơi trên đỉnh núi đã có tuyết. Gió gầm gào như muốn giật từng người lính ra khỏi vách đá tai mèo lởm chởm, nhọn hoắt như những lưỡi mác. Sau 15 năm trở lại với vùng núi đá tai mèo, ông Việt Hưng không khỏi xao xuyến trong lòng. Ông nhớ đến những cán bộ người Mông hoạt bát dũng cảm, giác ngộ cách mạng, không biết ai còn, ai mất. Đã gần một thế hệ rồi, Hoàng A Váng ở Du Gìa có con mắt nhìn chiến lược; Sùng Dua Hầu nhiều mưu trí và đầy nhiệt tình yêu nước… Nhớ quá đi thôi! Ban ngày làm việc. Ban đêm vẫn làm việc. Đã bao nhiêu đêm các cán bộ Trung đoàn 246 thấy Trung đoàn trưởng Việt Hưng thao thức không ngủ. Ông trăn trở tìm gặp các cơ sở cách mạng cũ, tìm kế hoạch tác chiến…

Ngày 30/1/1960, là mồng 3 Tết Canh Tý, huyện Đồng Văn mở hội tưng bừng đón Tết hòa bình sau khi tiêu diệt vị trí cuối cùng của quân phỉ ở Mã Sồ. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên với Trung đoàn trưởng Hoàng Việt Hưng.

KIỀU MAI SƠN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước