Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
01:00 (GMT +7)

Thư gửi Nữ thần Hêra – Truyện ngắn. Lê Trung Cường

VNTN - Nữ thần Hêra vĩ đại! Người là vị thần bảo vệ hạnh phúc lứa đôi và mái ấm gia đình… Xứ sở của Người quản lý nam nữ có được bình đẳng không? Qua nhiều năm trải nghiệm, cá nhân con lại không thích phụ nữ có quyền tự quyết, về những việc riêng của mình. Con muốn được quay về thời kì: “Tam tòng, tứ đức”. Vì từ khi con được tự quyết đến hôm nay, con làm việc gì cũng sai lầm. Có người sắp đặt, con đỡ khổ hơn. Mọi việc đều diễn biến không như con suy nghĩ. Ở xứ sở của Người, nam giới có hay đánh phụ nữ không? Người xử phạt như thế nào với những người đánh vợ? Cả người con đang nhức nhối về trận đòn đêm qua. Con bị chồng đánh đã không còn là chuyện lạ. Trong cơn say, anh ấy đánh con, cả khi đang mang thai. Có người hàng xóm báo cho tổ dân phố biết, anh ấy hối lỗi, được mấy bữa lại đâu trở về đấy. “Vợ chồng đóng cửa bảo nhau”, ra phường nhiều con cũng ngại. “Xấu chàng hổ ai” con muốn chia tay, nhưng lại sợ không biết đi đâu. Mẹ con đã một lần từ chối con trở về gia đình. Xứ sở của Người, phụ nữ có đứng núi này thấy núi kia cao không? Những người phụ nữ chê chồng phạm tội gì? Bây giờ con thấy ghét những người không biết an phận. Con nhìn lên đỉnh núi thấy cao. Trèo lên tới đỉnh lại thấy nó thấp hơn ngọn núi trước. Trở lại con đường cũ? Không biết người ta có đồng ý con nữa không? Hỡi Nữ thần, lúc Người bị thần Dớt treo giữa trời, Người nghĩ thế nào? Còn con, mỗi khi bị chồng hành hạ, con lại thấy mình xứng đáng phải chịu như vậy. Con cũng đã từng hành hạ người khác. Mặc dù chỉ là tinh thần nhưng cũng đã để lại trong anh một vết thương khó lành. Sau khi chia tay con, anh không dám lấy vợ nữa. Mặc dù thiên hạ xếp con vào hàng xấu gái nhưng con đã có hai lần kết hôn, toàn là trai tân. Nhiều lúc ngồi một mình, con cũng cảm thấy tự hào về điều đó. Người chồng của con hiện nay là một người khỏe mạnh và rất đẹp trai. Khi cưới con đã tự hào gửi thiếp mời cho người chồng cũ. Con nhận được món quà mừng bằng một nửa tháng lương. Khi mời, con chỉ muốn cho anh ấy biết rằng, con lấy được chồng tốt hơn anh ấy nhiều. Mở phong bì, con nhìn thấy giọt nước mắt của anh. Nó giống như giọt nước mắt ngày chúng con yêu nhau. Chân tay rụng rời, con để vào ngăn tủ riêng, chờ cơ hội trả lại. Mẹ con tìm thấy, đã mang mua thuốc cho con. Từ đó, lúc nào con cũng cảm thấy mình là người có tội với anh. Chồng cũ của con là một người hỏng mắt, hiền lành ít nói, yêu thương con thật lòng. Sống với con một quãng thời gian dài nhưng anh ấy chẳng bao giờ nặng lời với con, nhưng cũng chẳng bao giờ mua cho con một que kem, thứ làm con rất thích. Con đã rất tủi thân về điều đó… Con là vợ anh, chỉ có một sở thích nhỏ như vậy anh cũng không chiều con được.

Người chồng hiện nay mua về cho con rất nhiều kem nhưng lại mang về cho con những khoản nợ không thể trả nổi. Chung sống một thời gian con mới phát hiện ra anh ấy nghiện ma túy. “No mồi” anh ấy là người lý tưởng như con hằng mong ước, coi vợ bằng trời. Mua chịu kem về cho vợ, người ta chửi mắng, anh ấy vẫn vui. Cầm que kem bốc khói, con lại nhớ đến một ngày con cùng người chồng cũ đi chơi về, qua cửa hàng kem, hương thơm giữ chân con lại, anh hiểu ý ngập ngừng: “Ví anh chỉ còn mười nghìn đồng để mai đi xe”. Anh ấy mở ví trước mắt con. Con nhổ bãi nước miếng thẳng vào ví của anh. Con có quá đáng lắm không?

Nữ thần Hêra vĩ đại! Trong hoàn cảnh đó Người hành động thế nào? Con được cha mẹ cưng chiều từ nhỏ. Ngoài việc tình duyên, chẳng có việc gì con phải chịu ấm ức. Sinh ra trong một gia đình buôn bán nhỏ ở ven đô. Mặc dù cha mẹ con không khá giả nhưng chúng con chẳng bao giờ phải thiếu. Cha con là người trung du, ra thành phố làm nghề bốc vác. Cha mẹ sinh được bốn người con. Có một thời người ta không mấy quan tâm đến học tập. Các anh chị của con học hết cấp hai là ra chợ buôn bán. Cả gia đình duy nhất một mình con được học hết cấp ba. Vì con là út trong nhà. Lúc con lớn việc học đã được coi trọng. Con không đỗ đại học mẹ vẫn cho học tại chức. Bà muốn bù đắp cho con, vì cái bề ngoài tạo hóa ban tặng. Đứng trước gương con thấy mình cũng chẳng đến nỗi nào. Con là niềm tự hào của cả nhà. Họ nội nhà con ở quê người học đại học đếm được chưa hết một bàn tay. Học vấn của con cũng đáng tự hào lắm chứ. Các ông chú bà thím nhà con hết lời ca ngợi với hàng xóm láng giềng. Con không hiểu tại sao? Các chị về quê ít hơn con mà được trai làng yêu mến, ra đường gặp đều chào hỏi. Nhưng con thì khác, người ta đang nói chuyện, con tới góp vui là họ lảng tránh ngay. Các cô em họ ít học và các bạn cùng lứa hai mốt, hai hai, nhiều người mười tám, mười chín đã có người dạm hỏi và lên xe hoa. Con là số một trong gia đình mà chẳng có ai để mắt tới. Học đại học con cũng gặp nhiều con trai già có, trẻ có. Họ chỉ trêu đùa rồi lại thôi. Có lần, cô bạn thân của con có ý giới thiệu một người bạn khác cho anh trai mình. Con đã từng yêu thầm mến vụng anh ấy. Xét thấy mình không thua kém người kia, con đã mời bạn đi ăn kem và nói rõ nguyện vọng muốn được làm chị dâu nó. Bạn con chỉ cười, sau ngày đó không mời con tới nhà chơi nữa. Dần dần rồi cô ấy cũng không chơi với con. Con học văn bằng một rồi văn bằng hai nhưng không có lọt được vào mắt ai và cũng không có ai muốn giới thiệu con cho người thân của mình. Cô bạn nào có anh trai con cũng tìm đến nhà chơi. Mời cả hai anh em họ đi ăn kem. Con được đáp lại lòng nhiệt tình bằng những ánh mắt hững hờ. Con chủ động bày tỏ tình cảm, họ lảng tránh và biệt tăm luôn. Năm con hai sáu tuổi, một người bạn của mẹ con có con trai hơn con một tuổi, bà muốn nhận con làm con dâu. Anh ấy phản đối quyết liệt. Bà mẹ kiên định với lập trường, phân tích giải thích cho con trai rất nhiều. Tuần nào con cũng mua kem mang tới. Bà mẹ rất vui. Anh con trai phải đi xuất khẩu lao động nhà cửa mới yên. Cái thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy mà còn thì chắc con đã lấy được chồng rồi. Nữ thần Hêra vĩ đại! Con có đáng bị đối xử như thế không? Mặc dù con có hai bằng đại học và chân son mình rồi nhưng chẳng có công ty nào nhận con vào làm việc. Người ta bỏ qua con hai bằng đại học để nhận người có một bằng trung cấp. Nghịch lý đáng buồn đó vẫn cứ diễn ra. Con luôn phải tự an ủi mình bằng suy nghĩ: người có bằng trung cấp là người nhà của lãnh đạo công ty, họ có chân trong. Con ghen ghét với những người hơn mình. Chỉ có gia đình là biết tài năng của con, lần nào về quê mẹ con cũng dắt con đi để khoe với mọi người. Mẹ luôn động viên con là: trông lên thì chẳng bằng ai, nhưng trông xuống thì khối người không bằng mình. Con tự học cách quyến rũ đàn ông qua sách báo. Kết quả con thu về là một bức thư của người con yêu có nội dung: “Đêm ngủ tỉnh giấc, thấy cô nằm bên cạnh, tôi ra đâm đầu xuống giếng chết luôn”. Con xấu lắm sao? Nhiều người xấu hơn con vẫn lấy được chồng kia mà. Người phụ nữ qua tuổi hai lăm mà không được sởi ấm bằng một cơ thể đàn ông, chẳng khác nào cây sống thiếu nước. Làn da con khô dần theo năm tháng. Con già hơn cả các chị của mình. Mẹ đưa con đi cắt duyên âm. Thầy cho bùa yểm khắp nhà. Cửa sổ phòng ngủ của con cũng có hai lá bùa. Con phải che rèm cả ngày để hàng xóm khỏi nhìn thấy mà mất thiêng. Nghe thầy, mẹ nhờ nhiều người mai mối cho con. Bọn con trai yêu mến vẫn đi qua con như những cơn gió thoảng. Rất ít người có ánh mắt trìu mến nhìn con, họ vội vã quên cả lưu số điện thoại. Phẫn uất con xé hết bùa quẳng vào bếp lò. Mẹ tìm đến một ông thầy khác, chọn ngày lành làm lễ. Thầy đọc thần chú, thắp hương lên miệng cốc nước lọc. Con uống cạn chén nước giải tà. Nữ thần Hêra vĩ đại! Cố gắng của mẹ con đã được đền bù. Một ngày, con chở hàng ra chợ cho mẹ trên đường về con gặp một người hỏng mắt đang tìm xe ôm. Vẫn còn là buổi trưa chưa có ai đi làm. Nhìn nét mặt dường như con đã gặp rồi ở đâu. Thấy anh đứng một mình giữa trời nắng, con động lòng thương. Con dừng xe thử lấy khăn che mắt. Không gian như nhỏ lại chỉ bằng một tầm tay với, một màu đen trùm xuống cả người con. Con bỏ khăn đi tiếp. “Chỗ đó thường ngày rất lắm xe ôm, lát nữa sẽ có người ra”. Đi một quãng khá xa, con quay lại, anh đã được ai dắt vào bóng cây. Nghe thấy tiếng xe lên vỉa hè, anh gọi xe ôm. Con bám vai anh: “Em không phải là xe ôm, anh về đâu em giúp”. Lưỡng lự một lát, anh mới nói: “Mình về đại học Sư phạm”. Con cầm tay anh, đặt lên yên xe: “Nhà em ở phía đối diện trường”. Hiểu ý, anh cảm ơn, rồi lên xe. Xuống dốc cầu, anh trôi sát vào con, một cảm giác khó tả chạy khắp sống lưng. Con đi rất chậm để thời gian kéo dài. Hơi thở của anh phả vào mái tóc làm cả người con rạo rực. Tới trường, con chìa tay về phía anh, anh không cầm. Cổ họng con nghẹn ứ, bàn tay xấu quá, người hỏng mắt cũng chê. Anh xin số điện thoại và hòm thư điện tử. Con phóng xe như một kẻ chạy trốn. Lòng tốt của con bị “xúc phạm”. Trên đường đi, con mong được cảm ơn bằng cái bắt tay rất chặt. Nhiều năm chẻ tre làm hàng cho mẹ, bàn tay con đã chai sần. Đứa cháu gọi bằng dì cũng phải phát khiếp. Con đưa nó đi công viên chơi, nó thường từ chối việc con cầm tay dắt đi. Cảm giác của dòng điện từ cơ thể con trai, chạy sang con qua mấy lần cọ sát cũng chỉ là giọt sương đọng trên lá, gặp nắng là bay hơi, thành mây, ngưng tụ lại ra mưa rơi vào chỗ khác. Hội chợ việc làm của thành phố mở, con tham gia phỏng vấn, gửi hồ sơ xét tuyển tới sáu công ty. Con chọn số sáu với mong muốn vận may sẽ đến với con. Sáu người Hán gọi là lục, chữ lục gần giống với chữ lộc (quảng cáo số đẹp người ta thường nói vậy). Con thấp thỏm chờ đợi, gần một tháng, không dám rời điện thoại cả khi ngủ và tắm. “Người ta chọn mình gọi không được sẽ gọi người khác”. Ngày ba lần con mở máy tính, suốt cả tháng ròng. Bức thư duy nhất con nhận được lại là thư cảm ơn của anh. Những lời chung chung đơn giản nghe đài báo nói suốt mà con đọc rất nhiều lần không thấy chán. Chở hàng cho mẹ, con dừng ở gốc cây, hôm nào cũng đứng rất lâu. Xe buýt trả khách, không có anh, xe khách đường dài xuống là người khác, người hỏng xe ngang đường cũng không phải là anh…

 Tối ngủ con mơ thấy anh, anh ấp lên người con nóng hổi, môi anh tìm môi con. Ngọt ngào. Con ghét tiếng chuông báo thức của mẹ. Dậy sớm, thói quen từ khi con biết cầm chổi quét nhà. Tròn hai mươi năm thói quen đã bị anh phá vỡ. Con muốn ngủ cả ngày để được mơ. Mặc dù con đã chỉnh sai giờ nhưng nó vẫn cứ kêu vào lúc môi anh chạm môi con. Con đập vỡ đồng hồ của mẹ. Cuộc sống vẫn có chuyện hai người gặp nhau vô tình mà nên duyên chồng vợ. Con gửi thư cho anh, không có hồi âm. Anh hỏng mắt dùng sao được máy tính. Bạn anh đọc giúp, thấy con xấu, không trả lời. Con quyết định đến trường đại học. Nếu không được thì cũng chẳng bao giờ gặp lại để mà xấu hổ.

Nữ thần Hêra vĩ đại! Xứ sở của Người có ai như con không? Cổng trường nơi chúng con chia tay, hôm nào cũng tấp nập sinh viên, không có bóng anh. Mệt mỏi, con vẫn không thôi hi vọng. Có một cô giáo nhìn con bằng ánh mắt thông cảm: “Em tìm bạn nào?”. Nghe con nói, cô cười rất vui: “Cậu ấy ở trọ trong ký túc xá, em trở lại ban quản lý hỏi”. Trường rộng, trời nắng to mà con không cảm thấy mệt. Lời dặn của cô giáo ban nãy cho con thêm sức mạnh: “Người khuyết tật rất tự ti, mặc cảm, mình phải chủ động cho họ biết, mình đến với họ bằng tình cảm chân thành”. Con viết thư anh không trả lời là mặc cảm chăng. Bác thường trực mở máy tính. Con không bỏ sót một chữ chạy trên màn hình. Thiếu tên anh trong danh sách. Con thất vọng, quên cả cảm ơn, lầm lũi trở ra. Gương mặt phúc hậu của cô giáo chợt hiện ra trong nắng nhắc con là phải kiên trì. Có thể người ta chưa nhập tên anh vào máy tính. Không chịu bỏ cuộc, con đợi sang đầu giờ chiều. Trực ban đổi ca xong, con lại vào hỏi thăm. Người phụ nữ có mái tóc hoa râm, không biết dùng máy tính, bà mở sổ viết tay. Tên anh được ghi ở bên lề một trang giấy. Người con mong đợi học văn bằng hai, khoa Tâm lý Giáo dục, ở trọ trong ký túc xá vào cuối tuần, từ tối thứ sáu đến hết ngày chủ nhật.

Nơi anh làm việc, Hội Người mù thành phố. Con đến ngay. Nhìn tấm biển hội đang đón khách quốc tế, không tiếp khách, con thấy rất buồn. Qua khoảng sân nhỏ là tòa nhà chính. Anh đang đứng trên ban công nói chuyện với một người cao lớn, hai cánh tay để trần rắn chắc. Con tìm chỗ khuất đứng ngắm anh. Được thấy anh là con mãn nguyện lắm rồi. Ra phố con thưởng cho mình một hộp kem thủ đô. Kem lạnh ngọt lịm nơi đầu lưỡi. Xe hết xăng, phải đẩy về nhà, con cũng không cảm thấy mệt. Con sắp gặp được anh rồi. Con mong được chở anh đi làm, nấu cơm cho anh ăn, giặt áo cho anh mặc… Chồng mắt sáng thì việc nhà cũng là của phụ nữ. Cái thời nước giếng, bếp củi qua lâu lắm rồi, việc nhà hiện nay cũng đâu có nhiều. Tối đó con ngủ ngon. Mẹ rất ngạc nhiên, thấy con phải dậy sớm mà vẫn vui vẻ.

Ngày hôm sau, con theo xe về tận ngõ nhà anh. Con đứng cách anh chưa đầy ba bước. Anh không nhìn thấy con. Bà hàng nước hỏi, con tìm nhà ai? Nghe con trả lời, bà bảo: “Xóm này không có ai tên như thế, cháu đi qua ngã tư hỏi xem”. Bà chưa dứt lời, anh đã gọi đúng tên con. Bà hàng nước bảo: “Nói ngọng chữ U thì từ nào có chữ đó đi hỏi đường, cháu phải ghi ra. Quen nhau qua mạng hả? Sao mày không gửi ảnh cho bạn trước khi hẹn gặp”. Bà trách anh, rồi vồn vã mời con vào nhà chơi, sự nồng hậu của bà, giúp con thêm tự tin.

Con hồi hộp nói không thành tiếng, bà lão đã nghe nhầm. Nhưng chẳng có sao. Con đã được anh cầm tay đi về nhà. Gặp con cả gia đình anh rất vui. Bà mẹ bỏ nấu nướng ngồi chơi với con. Qua ánh mắt gia đình hiểu tất cả. Bà mẹ vồ vập: “Bác rất mong nó lấy vợ, hai bác còn khỏe trông nom giúp, khi về già con nó cũng lớn rồi…”. Ngày chủ nhật con nấu cơm mang tới trường đại học cho anh. Con đã che kín mặt mà vẫn có người nhìn con “xì sầm”. Anh ăn ngon miệng, con cảm động ứa nước mắt bởi lâu nay, người thân ai cũng chê con vụng. Mình anh ở kí túc xá chúng con thỏa sức tâm sự không bị ai làm phiền. Anh nắm tay con có rất nhiều cảm giác khác lạ lần đầu tiên con được cảm nhận. Anh sẽ là của con. Con thương anh thật lòng nên không tự thấy xấu hổ. Anh không biết nên vẫn vô tư. Hỏng mắt thiệt thòi rất nhiều. Về nhà con không thể nào ngủ được. Cơ thể người đàn ông cường tráng cứ hiện ra trước mắt con. Anh là người khiếm thị! Chẳng có sao! Anh biết yêu thương con là đủ. Gần anh nhiều con mới nhận ra, anh là người con đã gặp trong mơ (có lẽ đây là duyên tiền định). Con giới thiệu anh với gia đình. Mẹ con giãy nẩy: “Lấy nó thì khổ một đời, xem ai tử tế, khỏe mạnh, xin một đứa về đây ở với mẹ”. Mẹ con bận nhiều việc không xem truyền hình nên chẳng biết, rất nhiều người lấy chồng hỏng mắt, họ vẫn có hạnh phúc đó thôi. Chị con bảo: “Anh có khả năng di truyền”. Con thấy mẹ và các chị con là người ích kỉ. Mẹ dạy con, gặp người khó khăn hơn mình thì phải giúp đỡ, tại sao mẹ lại ngăn cản con lấy một người hỏng mắt. Nữ thần Hêra vĩ đại! Nếu Người là mẹ con thì Người sẽ xử sự thế nào?

Về làm dâu, gia đình chồng yêu thương con hơn cả con gái. Không phải vất vả thức khuya dậy sớm và được thỏa mái về tâm lý con trẻ đẹp hẳn ra. Bàn tay chai sần, dóc vẩy mềm trở lại. Mặc dù kinh tế gia đình chồng con không giàu nhưng rất ổn định. Bố chồng con là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Con trai cả gián tiếp chịu hậu quả chiến tranh, anh được nhận trợ cấp của nhà nước dành cho thế hệ thứ hai cộng với phụ cấp công việc ở Hội Người mù, mặc dù không nhiều nhưng cũng đủ sống đạm bạc. Mẹ chồng con được hưởng chế độ người nuôi thương binh nặng. Con cũng sẽ được nhận trợ cấp nuôi dưỡng người khuyết tật nặng. Được như vậy là quá tròn trịa đối với con.  “Ngày mai không ai biết mình thế nào”, có một câu nói như thế con đã đọc ở đâu. Như mẹ đẻ của con, lấy bố là một người khỏe mạnh, do một tai nạn bất ngờ, bố cũng thành người khuyết tật. Mẹ cũng phải lo hết mọi việc. Bố ra đi để lại cho mẹ bốn đứa con. Mình mẹ vẫn nuôi được các con thành người. Hỏng mắt, chồng con vẫn kiếm được ra tiền và có một chút địa vị xã hội. Xét ra anh hơn hẳn bố đẻ của con. Nhiều người nói: Thế hệ thứ ba của gia đình con cũng có khả năng là người khuyết tật. Con không thấy sợ điều đó. Chồng con đã đi xét nghiệm di truyền, trước khi lấy vợ. Không ai muốn có con là người khuyết tật, bản thân anh hiểu nỗi khổ của người hỏng mắt và những người sinh ra mình. Chồng con rất thông minh. Chuẩn bị cho vợ thi tuyển vào một doanh nghiệp lớn, anh dạy con làm toán và học tiếng Anh. Có chồng chỉ bảo, con dần tự hiểu ra tại sao con đã đi phỏng vấn ở rất nhiều nơi mà không có ai nhận vào làm việc. Con biết để tâm thôi, ở nhà con là số một, về đây không thể là số hai.  Anh có giỏi đến mấy thì cũng là người hỏng mắt. Chỗ quen biết, người ta gửi trước nội dung thi tuyển, cho ôn luyện. Đọc không hiểu, chồng giảng giải con tự ái phá ngang. “Kiến thức phổ thông, nghỉ lâu rồi ai nhớ được”. Bài khó thì chẳng nói làm gì, bài dễ con cũng cố ý trả lời sai. Một mũi tên đã trúng hai đích. Mẹ chồng con bênh vực: “Mày nói với các bạn tạo điều kiện giúp đỡ, công ty lớn như thế, thiếu gì việc không cần ngoại ngữ và tính toán”. Bà gọi con trai vào phòng riêng dạy bảo. Được thể con lấn tới, chồng con cũng chán không bắt con học nữa. Chúng con quyết định, hoãn việc sinh nở, để lo công việc cho con.

Thi tuyển người làm cũng khá đơn giản. Những người trước đánh bại con, có “chân trong” không hơn gì con cả. Con được nhận vào làm thống kê đúng như chuyên ngành đào tạo trong sự thèm muốn của nhiều người. Gần một tháng, con không đáp ứng được công việc, người ta chuyển sang phòng hành chính làm văn thư lưu trữ, con cũng không làm nổi. Xuống kho làm tạp vụ, thì con làm được. Thương chồng con, giám đốc vẫn cho hưởng lương đại học. Sang bên nhà, con giấu kín không cho ai biết. Chồng con nể vợ cũng không nói gì. Từ ngày cưới đến ngày con được đi làm chỉ hơn một tháng. Con đã chọn đúng người. Tại sao con không gặp anh sớm hơn. Suốt bẩy năm con đã lận đận với hai tấm bằng đại học. Trong thẳm sâu của lương tâm, con rất kính trọng chồng con. Lĩnh tháng lương đầu tiên, anh bảo con mang về biếu mẹ bên nhà. Anh rủ đi nghỉ mát. Chưa bao giờ được đi du lịch, con đồng ý ngay. Nơi chúng con đến là một bãi biển đẹp. Nhà nghỉ chúng con thuê nằm gần ngay bãi tắm. Anh chọn phòng có cửa sổ hướng ra biển. Đứng ở đó có thể nhìn thấy cả các đảo ngoài khơi xa. Ngày hai lần con dắt anh đi tắm biển. Chồng con sợ ra xa, anh chỉ tắm ở chỗ nước nông. Con thuê phao cho chồng, còn mình bơi tay không. Nước da bánh mật của con càng đen hơn. Anh luôn nhắc con không được ra quá xa. Chiều ngày thứ tư có một người bạn của chồng con tới chơi. Gia đình anh cũng đi nghỉ, ở khu du lịch này. Người đó rất đẹp trai, làm nghề bác sĩ. Anh có cả quà cho riêng con. Bữa cơm tối đó, con được dùng rượu dành riêng cho phụ nữ của anh mang tới. Có chút hơi men con vừa đặt lưng đã ngủ ngay. Hình như quá nửa đêm chồng con mới trở về. Trong giấc mơ con thấy anh vội vã, anh không cởi áo và quên cả vuốt ve âu yếm con. Cảm giác thăng hoa chạy khắp cơ thể đưa con vào giấc ngủ sâu hơn. Con thấy cơ thể mình có sự thay đổi. Quá say anh đã quên kế hoạch. Có mang con vừa mừng vừa lo. Chở chồng đến thăm các gia đình chính sách trong hội, con tận mắt thấy thế hệ thứ ba là người khuyết tật. Nạo thai thì con không muốn, sinh ra đứa trẻ khuyết tật, con cũng không muốn. Nữ thần Hêra vĩ đại! Người khuyết tật do thiên định hay không may? Con tìm đến bác sĩ, người ta khuyên con nên để sinh, khả năng khuyết tật của đứa trẻ cũng không cao. Bố mẹ anh có ba con. Chỉ có một mình anh là người khuyết tật. Anh khỏe mạnh lực lưỡng, chứ không gầy yếu như nhiều nạn nhân da cam, thế hệ thứ hai, mà con đã được gặp. Hỏng mắt chồng con cũng học đại học và có địa vị xã hội, nếu con của con không may giống cha thì nó cũng chẳng phải chết đói. Thế hệ thứ ba rồi cũng sẽ được nhà nước bảo trợ, càng xa thì di truyền càng nhẹ đi. Mẹ đẻ con bảo: “Nạo thai cũng là giết người, tu đến mười đời cũng không hết tội”. Chồng con cam đoan với vợ đứa trẻ sẽ khỏe mạnh. Anh lo toan chăm sóc vợ hơn nhiều người sáng mắt. Anh biến con từ một đứa thất nghiệp thành người có việc làm trong doanh nghiệp lớn. Con không muốn đánh mất niềm tin với cả gia đình. Họ nội ai cũng mừng cho chúng con. Các em chồng góp tiền cho bố mẹ thuê người giúp việc. Vợ chồng con được hưởng phúc lây. Con trở nên khó tính, kênh kiệu. Chồng con không hài lòng, nhẹ nhàng nhắc nhở, con để ngoài tai. Anh phản ứng bằng cách làm thay bà giúp việc, những việc con đặt ra. Mẹ chồng con nói với cả nhà, con mang thai nên khó tính, rất nhiều người phụ nữ như thế, sinh nở xong sẽ hết. Tiền lương của con được tiêu riêng cho bản thân mình. Con mua sắm quần áo đẹp. Mang thai thay đổi nội tiết, những vết tàn nhang trên mặt cũng mất dần, làn da căng, trắng ra từng ngày. Con như được lột xác sau khi sinh.  Khuôn mặt “lưỡi cày” trở nên đầy đặn. Cục vàng trời cho là hạnh phúc của cả nhà. Bà nội nó không lúc nào rời xa con. Bà phục vụ con dâu chẳng khác một ôsin. Mẹ con tới chơi, không phải động tay vào việc gì. Đứa trẻ khỏe mạnh khiến con có phần bớt đi cục cằn, khó tính. Nhưng bệnh lười biếng và hách dịch thì vẫn còn. Lợi dụng thằng bé, con lộng quyền cả gia đình. Hết thời gian kiêng cữ, con mang con về nhà ngoại chơi, nhiều hàng xóm không nhận ra. Những người yêu mến con, ngày càng nhiều. Bạn của chị gái con, chính là chồng con bây giờ, cũng tới chơi. Ngày xưa con cũng đã từng yêu vụng nhớ thầm, nhưng anh ấy ghét con đến mức không uống nước do con mời. Nay anh quấn quýt bên con như một người anh trai lâu ngày gặp cô em gái. Suốt thời gian ở nhà ngoại, con muốn đi đâu chơi, anh sẵn sang làm tài xế. Lúc đầu con chỉ muốn sai bảo cho bõ ghét, nhưng lâu ngày, sự nhiệt tình thái quá của anh đã khiến con quên hết chuyện cũ. Anh như là ông bụt trong truyện cô Tấm. Con gặp khó khăn ở đâu, anh cũng có mặt. Con hỏng xe giữa đường anh đến giúp đỡ, con làm về khuya, anh đến cổng công ty đón con về… Những việc đó, chồng con có tài giỏi mấy cũng không làm được cho con. Con đi họp lớp, một số bạn bảo con rằng: “Trông mày có đến nỗi nào mà phải lấy người hỏng mắt”. Con chạnh lòng, chưa bao giờ con tự thấy là mình xấu cả. Các bạn có người đưa tới cửa, còn con phải tự điều khiển xe. Đôi ba lần con cùng chồng đi siêu thị, anh không chọn được váy áo cho con. Nhìn vợ chồng người ta ngắm cho nhau, con rơi nước mắt. Con đã là con công, con phượng, đâu còn là con cú xấu xí. Con mặc cảm khi người ta nhìn vợ chồng con. Anh là người có nghị lực vượt khó, nhiều lần được giới thiệu trên truyền hình, rất nhiều người biết. Họ hỏi chuyện, bắt tay anh rất chặt...

Ở công ty có anh chàng đi qua chỗ con nghêu ngao hát: “Em như hạt gạo tám xoan - Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà”. Chẳng biết vô tình hay hữu ý nhưng con vẫn cảm thấy buồn. Người ta liếc mắt nhìn con, như một lưỡi “dao đâm xé lòng”. Con phổng phao đầy đặn, chồng con thì ngược lại, sức khỏe mỗi ngày một suy giảm. Chất da cam biến chứng sinh ra rất lắm bệnh. Anh không còn yêu con thường xuyên nữa mà hay ngủ lại cơ quan trốn tránh nhiệm vụ. Đã vậy, bố chồng con lâm bệnh nặng, không giúp được việc gia đình như trước nữa. Buổi sáng con phải dậy sớm cùng mẹ chồng lo việc nhà và đưa chồng đi làm và cho con đi học. Chiều đi làm về người ta đi chợ ngay, mình phải qua trường đón con, chở cả đến chợ. Nhìn nhà hàng xóm vợ chồng chia sẻ với nhau trong công việc, con không cầm nổi nước mắt. Người ta đi làm, sáng có chồng dắt xe ra sân, chiều lại đưa xe vào nhà. Con phải tự làm, nhiều hôm mệt quá, không dong xe lên được, con nhờ chồng đẩy phía sau. Hiên nhà cao, mắt anh không nhìn được càng khó điều chỉnh hơn. Nhiều lần tí ngã cả người lẫn xe. Mẹ đẻ con bảo, ở đời quý nhất là cái tình. Cái tình là cái gì? Con sẽ thế nào khi cả đời gửi thân trong nhà này? Mẹ chồng con rồi cũng phải về già. Con là người gánh vác gia đình. Gánh nặng đó quá sức đối với con. Các em chồng, mỗi người một phận. Con không còn cảm thấy hạnh phúc khi sống trong gia đình. Nhìn thấy chồng là con cảm thấy ghét. Anh đánh rơi đồ con cũng không nhặt giúp, người trong gia đình nhìn thấy, họ chỉ thở dài. Thằng bé là sợi dây duy nhất níu kéo con ở lại. Sợi dây đó cứ nhỏ dần, nhỏ dần, khi hằng ngày cháu chỉ quấn quýt bên bà nội. Ông bệnh nó vẫn ngủ với ông. Con sợ một ngày mai, nó sẽ yêu ông bà hơn con. Hàng trăm ngàn phụ nữ, không có chồng vẫn nuôi con được nên người thành đạt, có sao đâu. Ngày mai chồng con sẽ là một ông lão gầy teo tóp, tay cầm gậy đi luôn vấp ngã. Phiên bản của cha anh hiện nay. Người hỏng mắt có lẽ anh còn tồi tệ hơn nhiều. Con phải tự giải phóng cho mình, để tìm cuộc sống mới. Qua nhiều lần hòa giải không thành tòa xử phiên chính thức. Người bạn của chồng con cũng tới dự, có cả vợ anh cùng đi. Hai người nhìn con bằng ánh mắt khinh bỉ. Thằng bé không theo mẹ, nó chạy đến ôm cổ cha đỡ đầu. Con nhìn thấy mắt anh ngấn nước. Không có sao! Ngày mai nó sẽ là của riêng mẹ nó và bà ngoại. Sống trong môi trường mới rồi nó sẽ quên họ ngay. Hai vợ chồng con ai cũng giành quyền nuôi con. Phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về mẹ nó. Bố nó là người khuyết tật không có đủ khả năng chăm sóc đứa trẻ chưa đầy năm tuổi. Phiên tòa diễn ra, chủ tọa đọc kết quả xét nghiệm AND chứng minh thằng bé là con của bạn chồng con. Người ta quyết định cho vợ chồng anh được nhận nó về nuôi. Người đàn bà cạn tình không thể nuôi dạy con tốt. Con choáng váng nhưng rồi lại nghĩ mình còn trẻ, lấy chồng mới, sẽ có nhiều những đứa con khác. Nữ thần Hêra vĩ đại! Người nhận xét thế nào về chồng cũ của con?

Qua sự việc ở tòa, con thấy kinh tởm cái người đã từng đầu gối tay ấp. Anh lấy con là để có người chăm sóc, không phải vì tình yêu. Anh muốn con làm đứa ở cho anh đến hết đời. Con ném lại cái nhìn hằn học vào những người từ nay là người dưng rồi đi ra ngoài. Con không có một chút nuối tiếc với con người “bỉ ổi” đó. Vì cuộc sống ích kỉ của mình, hắn lừa lọc cả con. Kẻ đồng minh giúp hắn trông cũng thật đáng ghét. Chiếc ô tô chở tư trang vật dụng đợi sẵn, kiểm kê không thiếu thứ gì, con đi thẳng về nhà mẹ đẻ. Đốt ảnh cưới và những tấm ảnh trước nó. Mẹ từ con không cho ở trong nhà. Mẹ là người phản đối con lấy hắn, bây giờ lại phản đối con ly hôn. Tại sao mẹ luôn là người cản đường con. Mẹ đã lầm, con bây giờ đâu thiếu chỗ ở. Con khóc lóc van xin mấy câu cho phải phép. Ra khỏi nhà mẹ, con chạy ngay đến chỗ người tình, sà vào vòng tay anh mãn nguyện. Những tối chở nhau đi ăn kem. Những ngày trời mưa có người đến đón. Những lần mây mưa kéo dài hàng giờ, khiến con rất hài lòng. Con rút tiền tiết kiệm cùng anh xây nhà mới. “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”,

Công ty chuyển con sang ăn lương tạp vụ. Họ bắt đi ca như công nhân. Làm cách xa nhà gần hai mươi cây số hàng ngày đi rất vất vả. Có thai không đi được, con phải nghỉ tự do. Suy giảm kinh tế, chồng con mất việc làm. Những cơn đói thuốc kéo về móc  túi...

Cuộc sống tiếp diễn thế nào thì Nữ thần đã biết. Những người ủng hộ con ly hôn với chồng cũ bây giờ lại bảo con là “nhân nào quả đấy”. Chỉ có mẹ luôn ở bên con. Mặc dù mẹ đã tuyên bố từ con nhưng biết con nằm viện là mẹ tới ngay. Con nằm gối đầu lên đùi mẹ như hồi còn nhỏ, không còn nước mắt để khóc cho mình.

Nữ thần Hê ra vĩ đại! Con đã biết tội của con. Con biết mình xứng đáng bị trừng phạt. Phải chăng, đây chính là hình phạt mà Người dành cho con? Con không dám xin Người tha tội, nhưng con xin Người hãy che chở cho chồng cũ của con và mang đến cho anh ấy một hạnh phúc mới. Anh ấy xứng đáng được như vậy

Chú thích:

- Thần Dớt: Vị thần tối cao trong Thần thoại Hi Lạp là vua của các vị thần. Thần thoại Hi Lạp có chi tiết thần Dớt trừng phạt vợ mình bằng cách treo giữa bầu trời.

- Nữ thần Hêra là vợ của thần Dớt, người làm nhiệm vụ bảo vệ hạnh phúc gia đình và chăm sóc bà mẹ và trẻ em trong Thần thoại Hi Lạp. 

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự đêm giao thừa

Văn học 1 năm trước

Chợ

Văn học 2 năm trước

Tháng Tám mùa thu

Văn học 3 năm trước

Dưới tán côm xanh

Văn học 7 năm trước